Đặt chữ tâm, chữ tín vào từng sản phẩm

Dù là cán bộ nhà nước hay sau này khi đã chuyển hướng sang làm doanh nhân, anh Phan Xuân Diện, hay còn được gọi với cái tên thân thuộc “Mạc Diện”, Giám đốc Công ty Cổ phần Dược liệu Pù Mát vẫn giữ được sự tử tế đang trân quý.

watermark_mac-dien-nguoi-uom-mam-duoc-lieu-xu-nghe-1130_20230102_106-171652.jpg

Bằng sự tử tế với nghề, Giám đốc Phan Xuân Diện cùng các cộng sự đã đưa thương hiệu Dược liệu Pù Mát vang xa. Ảnh: Việt Khánh.

Mạc Diện là dân khoa học công nghệ chính cống, anh quan tâm đặc biệt đến dược liệu và ấp ủ sẽ “ươm mầm” sinh sôi nảy nở loại cây này ngay trên đất Nghệ An. Sau 7 năm cặm cụi, dồn hết tâm huyết và khắc cốt ghi tâm phải luôn tử tế với nghề, người đàn ông xấp xỉ ngưỡng ngũ tuần đã thu được thành quả tương xứng. Trong mắt nhiều người, họ thực tâm ngưỡng mộ những gì anh đã làm, nhưng với Mạc Diện anh rất khiêm tốn khi nói về mình:

“Sản xuất và kinh doanh dược liệu có những nét đặc thù riêng biệt, mặt hàng này không như những sản phẩm thông thường, ngược lại rất kén người dùng. Là doanh nghiệp tuổi đời còn non trẻ, quy mô và tầm vóc của Công ty Cổ phần Dược liệu Pù Mát chưa đủ lớn, doanh thu chưa cao. Nhưng không vì thế mà phải đốt cháy giai đoạn, tôi và cộng sự tin tưởng rằng, chỉ cần duy trì sự đam mê cần có, trên hết là đặt chữ tâm, chữ tín vào từng sản phẩm thì sớm muộn cũng sẽ đơm hoa kết trái”.

Mạc Diện quê ở Yên Thành (Nghệ An) nhưng miền Trà Lân, phố núi Con Cuông mới là nơi anh gắn bó và ghi nhiều dấu ấn. Trước khi giữ vị trí Phó phòng NN-PTNT huyện này, anh được phân công làm việc tại Phòng Nội vụ, chính anh là người trực tiếp tham mưu cho huyện nhà tuyển dụng 7 tri thức trẻ thuộc các lĩnh vực nông nghiệp, thủy lợi, y tế… để cùng nhau tề tựu, ra sức cống hiến tại Văn phòng điều phối NTM. Đến năm 2015, khi chương trình kết thúc, 5 người trong số này đã theo chân Mạc Diện về chung một mái nhà là Công ty Cổ phần Dược liệu Pù Mát.

watermark_mac-dien-nguoi-uom-mam-duoc-lieu-xu-nghe-1130_20230102_893-171652.jpg

Đặt chữ tâm, chữ tín vào từng sản phẩm là kim chỉ nam xuyên suốt của Công ty Cổ phần Dược liệu Pù Mát. Ảnh: Việt Khánh.

Thấm thoát đã 7 năm trôi qua nhưng với Mạc Diện, ký ức ngày đầu vẫn hằn rõ như in: “Năm đó tỉnh Nghệ An tổ chức Hội thảo “Phát triển dược liệu thành cây chiến lược” vô cùng quy mô, thu hút các nhà khoa học, chuyên gia hàng đầu cùng thành phần lãnh đạo của các công ty dược phẩm lớn trên cả nước. Từ cơ sở đánh giá của họ và hiểu biết của bản thân, anh nhận thấy mảnh đất Con Cuông nói riêng và khu vực miền núi Nghệ An nói chung hội tụ điều kiện cần và có để trồng và phát triển lớn mạnh cây dược liệu, ước mơ ấp ủ bấy lâu chính thức được ươm mầm từ đó.

Ngay trong năm 2015, anh mạnh dạn đề xuất triển khai thí điểm Dự án khoa học công nghệ sản xuất cây dược liệu. Kế hoạch này tức thì được UBND tỉnh Nghệ An chấp thuận, chính thức đánh dấu sự hiện diện của Dược liệu Pù Mát trên lĩnh vực hoàn toàn mới mẻ. Hiểu rằng áp lực đặt ra vô cùng lớn, nếu không thực sự chuyên tâm sẽ cầm chắc thất bại, sau nhiều bận suy tính, năm 2018, anh Diện chính thức nghỉ việc tại Phòng NN-PTNT Con Cuông.

watermark_mac-dien-nguoi-uom-mam-duoc-lieu-xu-nghe-1130_20230102_448-171653.jpg

Sau 7 năm miệt mài, Công ty Cổ phần Dược liệu Pù Mát đã gây dựng được 20ha nguyên liệu. Ảnh: Việt Khánh.

“Dự án manh nha từ 2015, đơn vị xắn tay vào trồng dược liệu 1 năm sau đó, chính thức đưa vào sản xuất năm 2017 với quy mô ban đầu chỉ 5ha. Ban đầu, chương trình chỉ hỗ trợ cho 3 loài (cà gai leo, dây thìa canh, kim ngân hoa) với tổng số 15.000 cây giống, cùng với đó là kinh phí chuyển giao khoa học kỹ thuật, phân tích kiểm nghiệm và tổ chức hội thảo đánh giá mức độ khả thi, còn lại doanh nghiệp phải tự cáng đáng, quả thực nếu không yêu nghề mãnh liệt thì rất khó để bám trụ”, Mạc Diện bộc bạch.

Kiên trì dò dẫm từng bước, đến nay, Công ty Cổ phần Dược liệu Pù Mát đã nâng quy mô diện tích lên khoảng 20ha, bao gồm gần 5ha phân khu tập trung hỗn hợp, vừa làm giống vùa tập trung nghiên cứu cây đầu dòng. Nhờ đào sâu suy nghĩ, xác định ăn thật làm thật, đến nay, đơn vị vinh dự có 10 mặt hàng được chứng nhận OCOP, chiếm gần phân nửa toàn huyện Con Cuông, chủ lực vẫn là cà gai leo, dây thìa canh và giảo cổ lam.

Số đông "khách hàng ruột” đều chung đánh giá, dòng sản phẩm của Dược liệu Pù Mát ngày một hoàn thiện, đa dạng cả về hình thức lẫn chất lượng, lại cực kì thông dụng để phục vụ cùng lúc nhiều phân khúc người dùng.

watermark_mac-dien-nguoi-uom-mam-duoc-lieu-xu-nghe-1130_20230102_614-171654.jpg

Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An, ông Nguyễn Đức Trung (bên phải) trong lần thăm Công ty Cổ phần Dược liệu Pù Mát. Ảnh: TL.

Không dấu nổi nét hồ hởi, Mạc Diện tự tin khi nhắc đến những "đứa con tinh thần” của mình: “Nay đã là năm thứ 7 các mặt hàng của Công ty Cổ phần Dược liệu Pù Mát hiện diện trên thị trường, nếu không tạo dựng được uy tín, chắc chắn chẳng thể tồn tại lâu đến thế. Doanh thu, lợi nhuận có thể chưa cao vì quy trình tái đầu tư tốn kém, hay chính sách thu mua nguyên liệu đang ở mức cao nhưng là người trong cuộc, tôi hài lòng với những gì đang có”.

Doanh nghiệp kiến tạo, cộng đồng hưởng lợi

Trước sau, Giám đốc Phan Xuân Diện đều nhất quán quan điểm: Dược liệu Pù Mát xác định đặt chữ tâm, chữ tín lên hàng đầu, tất cả vì mục tiêu nâng tầm, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng, xem đó là “kim chỉ nam” cho quá trình phát triển dài lâu.

Kiên định với mục tiêu đặt ra nên dù nguồn thu bước đầu có hạn, Dược liệu Pù Mát vẫn không ngừng hoàn thiện và làm mới mình. Rõ nhất là hành trình nâng tầm sản phẩm trà túi lọc với quy trình giản đơn những ngày đầu, đến cuối năm 2022 đơn vị đã đầu tư hàng tỷ đồng trang bị hệ thống sản xuất bằng công nghệ cô chân không, kiểm soát âm, sự khác biệt đến tức thì.

Nếu áp dụng theo phương thức truyền thống phải hì hục nấu, chắt lọc liên hồi, xen giữa là khoảng thời gian chờ bốc hơi mới có thể định hình sản phẩm, thông thường phải qua 3 – 4 ngày ròng rã mới kết tinh đủ một nồi cao, nhược điểm của cách làm này là mất nhiều thời gian, phát sinh chi phí nhưng chất lượng không đảm bảo do khó kiểm soát được nhiệt độ thích hợp. Ngược lại, hệ thống máy móc hiện đại, được lập trình bài bản, chưa đầy 6 giờ đồng hồ sẽ xử lý xong khối lượng cao tương ứng.

watermark_mac-dien-nguoi-uom-mam-duoc-lieu-xu-nghe-1130_20230102_519-171654.jpg

Bằng lộ trình bài bản và tình yêu mãnh liệt với nghề, Mạc Diện đã ươm mầm và phát triển lớn mạnh cây dược liệu trên đất Con Cuông. Ảnh: Việt Khánh.

Mạc Diện không nói nhiều về mình, anh để kết quả thực tế chứng minh. Dược liệu Pù Mát hoạt động ra sao cứ nhìn vào mức thu nhập ổn định của hàng chục con người tại công ty này sẽ rõ, trong đó khối kinh doanh hưởng lương trung bình 4 triệu đồng/tháng, bộ phận trực tiếp lao động thu nhập nhỉnh hơn, dao động từ 4,8 – 5,5 triệu đồng, trong khi bộ phận sản xuất, văn phòng từ 6,5 – 7 triệu đồng/người/tháng. Thu nhập này ổn so với mặt bằng tại phố núi Con Cuông, nơi cuộc sống của đồng bào còn nhiều khó khăn.

Đặc biệt hơn, Công ty Cổ phần Dược liệu Pù Mát còn trực tiếp tạo ra nguồn thu ổn định cho khoảng 100 hộ dân khác thuộc các xã Lạng Khê, Châu Khê, Chi Khê và Thạch Ngàn (Con Cuông) thông qua mô hình liên kết suốt 4 năm qua.

Những hộ này vốn dĩ trước kia chỉ trồng lúa, ngô, sắn, mía, hiệu quả thực tế rất thấp, cũng bởi vậy mà nhiều nhà bỏ hoang đất. Nay thế thời đã khác, cây dược liệu có thể canh tác quanh năm, nông dân chẳng phải lo lắng về chất lượng nguồn giống, sản phẩm được thu mua hết, không mất phí vận chuyển, giá bán lại cao hơn thị trường nên chắc mẩm thắng lợi.

Đơn cử như mặt hàng cà gai leo, hiện Công ty đang thu mua với giá 7.300 đồng/kg tươi ngay tại ruộng, bình quân mỗi ha cho 35 – 40 tấn sản phẩm, tổng doanh thu không dưới 200 triệu đồng/ha, trừ chi phí nông dân thu về 120 – 130 triệu đồng/ha. Không quá vất vả lại có đồng ra đồng vào, chẳng còn phải chạy vạy lo từng bữa ăn nên đồng bào rất ưng cái bụng.

watermark_mac-dien-nguoi-uom-mam-duoc-lieu-xu-nghe-1130_20230102_802-171655.jpg

Nhờ cây dược liệu, đời sống của người lao động tại Công ty Cổ phần Dược liệu Pù Mát và nhiều hộ dân bản địa được đảm bảo. Ảnh: Việt Khánh.

Anh Phan Đình Thuận, chủ hộ sở hữu nhiều diện tích liên kết nhất với Dược liệu Pù Mát bảo: “Đường đi của dược liệu trên mảnh đất này không hề dễ dàng bởi trước đó chẳng ai biết gì về loài cây này, thậm chí nhiều hộ còn phản đối ra mặt, chỉ đến khi mô hình thí điểm cho hiệu quả kinh tế vượt trội, tư tưởng của đồng bào mới thuận theo. Trước gia đình tôi trồng mía và trồng sắn, hiệu quả không ăn thua, đơn cử như trồng sắn chỉ khỏe người nhưng hại đất, không có tính bền vững.

Trồng dược liệu thấy lợi đủ đường, dù nhiều công nhưng không quá vất vả, đặc biệt người trồng được chu cấp gần như toàn bộ, chúng tôi chỉ việc tuân thủ đúng quy trình, đến kỳ thu hoạch và nhận tiền”.

Xác định chặng đường phía trước đầy rẫy chông gai và lắm thách thức nhưng Phan Xuân Diện và các cộng sự đủ tự tin sẽ vượt qua thác ghềnh như vốn dĩ họ vẫn làm suốt 7 năm ròng rã. Giai đoạn 2025 – 2030, doanh nghiệp phấn đấu mục tiêu nâng quy mô lên 150 – 200ha, qua đó đủ điều kiện để xây dựng nhà máy đạt chuẩn GMP, dẫu khó nhưng đáng để làm.