Tinh thần cốt lõi của chiến lược chính là phải có một cuộc cách mạng về tổ chức lại sản xuất, hướng đến sản xuất quy mô lớn, để khắc phục được điểm yếu của nền nông nghiệp, vượt qua được “lời nguyền” manh mún nhỏ lẻ của nền nông nghiệp.

Mới đây nhất khi trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV ông lại nhắc đến “lời nguyền” này. Sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ, manh mún, tự phát dựa chủ yếu vào lao động thủ công và kinh nghiệm với tập quán “đèn nhà ai nhà nấy rạng”. Tức là một nền nông nghiệp tự túc, tự cấp “tay to, miệng lớn” chính là “lời nguyền” xuyên suốt trăm năm. Nó hằn sâu trong nếp nghĩ, cách làm không chỉ của hàng chục triệu nông dân mà còn của cả các cơ quan quản lý nhà nước về nông nghiệp từ Trung ương đến làng xã.

Một thời, trước tiên là ở miền Bắc, sau này là ở cả nước (sau ngày đất nước thống nhất), chúng ta đã hoạch định đường lối biến hóa: Hợp tác hóa, thủy lợi hóa, cơ giới hóa và khoa học hóa nhằm vượt qua “lời nguyền” này. Song chúng ta đã không thành công, kinh tế hợp tác xã thời đó lại phải nhường chỗ cho kinh tế hộ, như Lênin đã nói: “Hãy để cho nông dân suy nghĩ trên luống cày của họ”. Trên luống cày của kinh tế hộ (kinh tế tiểu nông) mùa màng trở lại, đưa đất nước thoát khỏi cảnh chạy ăn từng bữa. Song thành tựu có ý nghĩa lịch sử của kinh tế tiểu nông sau đổi mới được tiếp sức của thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, được tiếp sức nhờ những thành tựu đổi mới của khoa học công nghệ, trực tiếp là công nghệ sinh học.. nhưng vẫn không thoát ra khỏi “lời nguyền” đã trói buộc nông nghiệp và nông thôn nước ta. Công cuộc đổi mới của đất nước, cuộc sống hiện thực của nông dân, nông nghiệp, nông thôn Việt Nam nói chung, Nghệ An nói riêng đòi hỏi bức thiết phải “phá thế” để vượt qua “lời nguyền”.

nnn.jpg
Ảnh minh họa

Phá thế bằng cách nào? Phải có một cách mạng về tổ chức lại sản xuất. Để nhận thức sâu sắc về điều này, cần nhớ một luận điểm của C.Mác: Xã hội này khác với xã hội kia không phải ở chỗ sản xuất ra cái gì mà ở chỗ sản xuất những cái đó bằng cách nào? Lại cân nhắc đến một luận điểm của cố Tổng Bí thư Lê Duẩn: Cách mạng nhất là tổ chức, mà bảo thủ nhất cũng là tổ chức. Kiểu tổ chức sản xuất tự cung tự cấp là gốc gác của “lời nguyền”. Muốn vượt qua “lời nguyền” phải tổ chức lại sản xuất nông nghiệp, hướng đến kiểu tổ chức sản xuất hàng hóa quy mô lớn với mục tiêu: nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại và nông dân văn minh. Những điều nói trên là quan điểm phát triển cốt lõi của chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021 – 2030 tầm nhìn đến năm 2050. Tổ chức lại sản xuất nông nghiệp không phải là việc của ngày một, ngày hai, của vài ba hoặc dăm năm mà chắc chắn là việc của vài ba chục năm. Do đó phải có một chiến lược đủ căn cứ khoa học được dẫn dắt bởi lý luận về kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, bởi lý luận về tổ chức kinh tế để có cách mạng, để có giá trị trong thực tiễn.

Với cả nước, nếu “lời nguyền” trói buộc một thì với Nghệ An “lời nguyền” trói buộc còn chặt hơn một. Tôi nhận định thế liệu có quá nặng nề không. Song dù có nhận định thế nào đi nữa thì nông nghiệp Nghệ An nhất thiết phải tổ chức lại, Nghệ An phải cùng cả nước tiến hành cuộc cách mạng này.

Trong lịch sử Nghệ An thường đi đầu dẫn trước, liệu trong cuộc cách mạng này Nghệ An có tiếp tục truyền thống này không? Để đi đầu dẫn trước Nghệ An cần phải làm gì? Trước hết Nghệ An phải nhìn nhận thật đúng thực trạng “lời nguyền”; thực trạng chung của cả tỉnh và cho từng vùng, miền, nhất là miền Tây. Tự nhìn nhận thật đúng thực trạng để xác định lộ trình thực hiện chiến lược này, một lộ trình có tính tổ chức cao, sát thực tiễn, với tinh thần đi tới hiệu quả cuối cùng.

Chưa thể nói gì cụ thể thêm, nhưng chắc rằng, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh cần có một nghị quyết chuyên đề để lãnh đạo và tổ chức thực hiện chiến lược này; HĐND tỉnh cũng cần có một phiên họp chuyên đề để có những quyết nghị cụ thể chỉ đạo thực hiện chiến lược; Ủy ban nhân dân tỉnh căn cứ vào nghị quyết của Tỉnh ủy, các nghị quyết của HĐND tỉnh để xây dựng kế hoạch thực hiện. Trước mắt đưa tinh thần và quan điểm của chiến lược này vào quy hoạch phát triển kinh tế- xã hội Nghệ An đến năm 2030 tầm nhìn 2045. Cuối cùng là các sở, ngành liên quan cần tham mưu tốt nhất cho Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, UBND tỉnh để sớm vượt qua “lời nguyền”.

Trương Công Anh