Dao có tính sát thương cao là vũ khí

Phát biểu tại Tổ, Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương nêu rõ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng ý thông qua một kỳ họp dự án Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi) với điều kiện quá trình tiếp thu, chỉnh lý bảo đảm chất lượng.

quang-phuong-To3-1716546038785.jpg
Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương phát biểu tại Tổ 3. Ảnh: Thái Bình

Cụ thể, với dự án Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi), Phó Chủ tịch Quốc hội cho biết, chúng ta đang vướng mắc ở giải thích từ ngữ như: vũ khí, hung khí, vũ khí quân dụng, vũ khí thô sơ, vũ khí thể thao, vũ khí săn bắt.

Phó Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, vũ khí đó là những vật được sử dụng với mục đích gây sát thương, gây hại và thường được sử dụng để tăng hiệu lực, hiệu quả của các hoạt động săn bắn, tội phạm, thực thi pháp luật, tự vệ và chiến tranh. Vũ khí có thể không gây sát thương trực tiếp nhưng gây hại cho môi trường thì đó là vũ khí sinh học, vũ khí hóa học. Như vậy, vũ khí có thể hiểu bao gồm những tất cả những gì để đạt mục đích, lợi thế về chiến lược, chiến thuật, vật chất và tinh thần trước đối phương.

Về hung khí, Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, hung khí có khái niệm rộng hơn là bao gồm vũ khí và phương tiện nguy hiểm có khả năng sát thương hoặc gây hại.

Với vũ khí quân dụng dùng trang bị cho các lực lượng thực thi pháp luật, Phó Chủ tịch Quốc hội cho biết, trước đây loại vũ khí này chủ yếu dùng cho quân sự, nhưng đã mở rộng ra cho các lực lượng kiểm lâm, lực lượng thực thi pháp luật… Vũ khí thô sơ là nói về cách chế tạo đơn giản, còn mục đích cũng là vũ khí.

quang-canh-To3-1716546038738.jpg
Quang cảnh thảo luận tại Tổ 3. Ảnh: Thái Bình

Hiện nay có nhiều đại biểu lo ngại quy định “dao có tính sát thương cao” là vũ khí thô sơ đã hợp lý chưa? Lý giải câu hỏi này, Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng, dao có tính sát thương cao là vũ khí; thực tế, dao có tính sát thương có loại thô sơ, nhưng có loại rất kỳ công, được chế tác bằng chất liệu đặc biệt. Nhiều trường hợp, tội phạm nguy hiểm sử dụng dao có tính sát thương cao. Ngoài ra còn có những loại dụng cụ như vũ khí (chông, nỏ…) thì có đăng ký quản lý, khai báo không… Lưu ý vấn đề này, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị, nên làm rõ phạm vi vũ khí thô sơ cần khai báo; nếu sử dụng để sản xuất, sinh hoạt thì không thuộc phạm vi điều chỉnh của dự thảo luật; "cái khó là phân biệt mục đích sử dụng".

Cũng quan tâm tới khái niệm "dao có tính sát thương cao", ĐBQH Hoàng Văn Hữu (Bắc Kạn) đề nghị cơ quan soạn thảo phải đưa ra khái niệm có tính chính xác hơn, không thể chỉ nói là dao sắc, nhọn.

Bổ sung đối tượng cảnh vệ là Thường trực Ban Bí thư, Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát Nhân dân Tối cao

Đối với dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết, khi lãnh đạo Đảng, Nhà nước đi công tác tại địa phương, có rất nhiều lực lượng tham gia làm nhiệm vụ cảnh vệ, nhưng lực lượng cảnh vệ đúng nghĩa như quy định trong dự thảo Luật chỉ có Bộ Công an và Bộ Quốc phòng (bao gồm cả đơn vị trực thuộc 2 Bộ này). Cảnh vệ chỉ tổ chức ở Bộ Công an và Bộ Quốc phòng, không tổ chức ở đơn vị cấp tỉnh, cấp huyện. Quy định này tương đối rõ.

Nhưng hiện nay, Phó Chủ tịch Quốc hội chỉ ra thực tế, nhiều lực lượng ở địa phương như công an tỉnh, công an huyện cũng tham gia theo yêu cầu của Bộ Công an. Vấn đề này, cần tiếp tục nghiên cứu, cho ý kiến, nhất là trong công tác phối hợp, tránh gây khó khăn cho địa phương.

van-hung-To3-1716546038847.jpg
Đại biểu Quốc hội Lương Văn Hùng (Quảng Ngãi) phát biểu tại Tổ 3. Ảnh: Thái Bình

Quan tâm đến đối tượng được chế độ cảnh vệ, ĐBQH Lương Văn Hùng (Quảng Ngãi) bày tỏ thống nhất với sự cần thiết bổ sung đối tượng cảnh vệ là Thường trực Ban Bí thư, Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát Nhân dân Tối cao. Bởi, căn cứ Kết luận số 35-KL/TW ngày 5.5.2022 của Bộ Chính trị về danh mục chức danh, chức vụ lãnh đạo và tương đương của hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở thì những chức danh trên có vị trí rất quan trọng.

Theo đó, Thường trực Ban Bí thư là người phụ trách, chủ trì công việc hàng ngày của Ban Bí thư, giữ vai trò, vị trí quan trọng trong tổ chức của Đảng, Nhà nước. Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát Nhân dân Tối cao là người đứng đầu các cơ quan tư pháp, có vai trò, tác động đối với công tác xét xử, bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật, pháp chế, quyền con người, quyền công dân, đã được xác định là lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước.

Do đó, đại biểu Lương Văn Hùng nhấn mạnh, cần thiết phải áp dụng chế độ, biện pháp cảnh vệ với các đối tượng trên để bảo đảm tương đồng, thống nhất với các lãnh đạo chủ chốt, cấp cao khác trong cùng nhóm.

Hoàng Ngọc