PV: Thưa đại biểu, Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV sẽ khai mạc vào ngày 21/10 tới. Theo Đại biểu thì nội dung nào sẽ được cử tri quan tâm nhiều nhất?
Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV có nhiều nội dung quan trọng. Chỉ riêng công tác lập pháp, Quốc hội dự kiến sẽ xem xét, thông qua 15 luật, 02 nghị quyết; xem xét, cho ý kiến đối với 13 dự án luật khác. Có thể nói, đây là kỳ họp có khối lượng lập pháp lớn nhất từ đầu nhiệm kỳ đến nay, trong đó có nhiều dự án luật tác động trực tiếp đến quyền và lợi ích của đa số người dân như Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế, Luật Điện lực (sửa đổi), Luật Việc làm (sửa đổi) và có nhiều dự án luật sửa đổi sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp như Luật Thuế giá trị gia tăng, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt, Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, Luật Hóa chất, Luật Địa chất và khoáng sản… Bên cạnh đó, Quốc hội cũng xem xét 12 nhóm nội dung về kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước, đặc biệt việc quyết định chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam là vấn đề mà cử tri hết sức quan tâm.
PV: Với số lượng dự án luật được xem xét tại kỳ họp lớn như vậy, theo Đại biểu cần có những đổi mới gì trong công tác lập pháp không?
Nghị quyết của Hội nghị Trung ương 10 đã nhấn mạnh nhiệm vụ về đổi mới tư duy xây dựng pháp luật theo hướng kịp thời cụ thể hóa chủ trương, nghị quyết của Đảng; quy trình xây dựng pháp luật, chuyên nghiệp, khoa học, kịp thời, khả thi, hiệu quả; phải xuất phát và đáp ứng kịp thời yêu cầu phát triển và sự thay đổi nhanh của thực tiễn, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm;
Pháp luật phải phù hợp với thực tiễn nhưng thực tế là thực tiễn luôn thay đổi, do đó cần phải kịp thời có hành lang pháp lý để điều chỉnh. Tại kỳ họp thứ 7, tôi cũng đã có đề nghị Quốc hội nghiên cứu thay đổi cách thức xây dựng pháp luật để chúng ta có thể phản ứng kịp thời trước những vấn đề mới phát sinh mà pháp luật chưa kịp thời điều chỉnh, không nhất thiết phải chờ sơ kết, tổng kết để sửa đổi một cách toàn diện. Tuy nhiên, để đẩy nhanh tiến độ xây dựng luật thì cần phải có sự chuẩn bị chu đáo, đầy đủ và toàn diện từ cơ quan soạn thảo, không chỉ dự thảo luật mà còn Kế hoạch tổ chức thực hiện chính sách sau khi được ban hành. Đồng thời, phải tạo điều kiện hơn nữa để cơ quan thẩm tra được thông tin sớm về chính sách và các ý kiến góp ý, phản biện của người dân, cơ quan, tổ chức phải được nghiên cứu, phân tích kỹ lưỡng.
PV: Việc giải quyết kiến nghị của cử tri và Nhân dân gửi đến kỳ họp là nội dung được cử tri và cả xã hội quan tâm. Để những ý kiến, đề xuất của cử tri gửi đến Kỳ họp được tiếp thu và giải quyết một cách có hiệu quả, trong thời gian qua Quốc hội đã có những đổi mới như thế nào?
Trước mỗi kỳ họp, các đại biểu Quốc hội của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh được cử tri gửi gắm rất nhiều tâm tư, mong mỏi, nguyện vọng chính đáng. Chính vì vậy, chúng tôi thường xuyên cố gắng chuyển tải đầy đủ, kịp thời các ý kiến này tới các cơ quan của Chính phủ, Quốc hội để nghiên cứu, tiếp thu và giải quyết. Có những kiến nghị có thể giải quyết được ngay trong kỳ họp, tuy nhiên, có nhiều kiến nghị cần phải có thời gian mới thực hiện được. Hàng tháng các Đoàn ĐBQH đã có báo cáo việc tiếp nhận văn bản trả lời kiến nghị cử tri, trước các kỳ họp đã có báo cáo đánh giá việc trả lời, giải quyết kiến nghị cử tri của các Bộ, ngành Trung ương. Điều này đã nâng cao trách nhiệm của các Đoàn ĐBQH trong công tác theo dõi việc giải quyết kiến nghị cử tri và thúc đẩy việc trả lời, giải quyết kiến nghị cử tri của các cơ quan ngày càng tốt hơn. Đặc biệt, tại kỳ họp thứ 8, Ủy ban thường vụ Quốc hội sẽ báo cáo trước Quốc hội về kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV. Với hơn 90% kiến nghị cử tri đã được giải quyết, trả lời cho thấy sự nỗ lực, quyết tâm rất lớn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, các Bộ, ngành, cơ quan Trung ương trong việc nghiên cứu, tiếp thu, giải quyết các kiến nghị của cử tri, góp phần tháo gỡ nhiều khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, ổn định tình hình trật tự an toàn xã hội, tạo niềm tin cho cử tri và Nhân dân cả nước.
PV: Xin đại biểu cho biết để chuẩn bị nội dung tham dự kỳ họp thứ 8 sắp tới Đoàn ĐBQH tỉnh đã triển khai những hoạt động gì trong thời gian qua?
Để Đoàn đại biểu Quốc hội, các vị đại biểu Quốc hội tỉnh có nhiều thông tin tham gia thảo luận tại kỳ họp, Đoàn đã triển khai nhiều nội dung, nhiều hoạt động tại địa phương như: Tổ chức lấy ý kiến góp ý của các cơ quan, đơn vị, địa phương, các chuyên gia, cộng tác viên pháp luật đối với các dự án luật trình kỳ họp 8; tổ chức khảo sát một số nội dung có liên quan đến kỳ họp kết hợp lấy ý kiến Luật Phòng chống mua bán người; Luật Địa chất và khoáng sản, Luật Nhà giáo…Tổ chức cho các vị đại biểu Quốc hội tiếp xúc cử tri trước kỳ họp tại các đơn vị bầu cử; tiếp xúc cử tri theo các nhóm đối tượng (tiếp xúc cán bộ quản lý, giáo viên trong ngành giáo dục, tiếp xúc công nhân lao động, tiếp xúc và gặp gỡ thanh thiếu nhi trên địa bàn tỉnh) qua đó nắm bắt được nhiều thông tin, ý kiến cử tri từ cơ sở; Tổ chức làm việc với UBND tỉnh, Tòa án nhân dân tỉnh, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh để nghe báo cáo tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh; kết quả hoạt động của các cơ quan tư pháp trên địa bàn, những khó khăn, vướng mắc, kiến nghị, đề xuất…
Từ những hoạt động đó của Đoàn tại địa phương sẽ là cơ sở thực tiễn để các vị đại biểu Quốc hội tham khảo, nghiên cứu tham gia ý kiến tại kỳ họp sắp tới
Xin trân trọng cảm ơn Đại biểu đã có những chia sẻ về nội dung chủ yếu trong chương trình kỳ họp và công tác chuẩn bị của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, các vị đại biểu tham dự Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV./.