Không khó để nhận thấy sự quan tâm đặc biệt của Quốc hội đối với việc đưa 3 luật này sớm đi vào cuộc sống. Đây không chỉ là mong muốn mà còn là yêu cầu đặt ra của Quốc hội khi biểu quyết thông qua các luật này. Quốc hội đã đề nghị Chính phủ tập trung nguồn lực cho công tác triển khai thi hành luật, khẩn trương hoàn thiện và kịp thời ban hành theo thẩm quyền tất cả văn bản quy định và chỉ đạo các bộ, cơ quan ngang bộ ban hành các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn nội dung được giao để có hiệu lực cùng thời điểm với hiệu lực thi hành của các luật. Trong đó, chú trọng công tác tổ chức quán triệt, tuyên truyền, phổ biến nội dung luật và các văn bản quy định chi tiết thi hành; bố trí nguồn lực và chuẩn bị các điều kiện bảo đảm để triển khai có hiệu quả các luật.

Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV

Những nội dung được quy định trong Luật Đất đai, Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản đã thể chế hóa nhiều chủ trương, chính sách mới của Đảng và Nhà nước ta, đồng thời, có nhiều quy định mang tính đổi mới, tiến bộ, được người dân và xã hội kỳ vọng sẽ tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn mới.

Tuy vậy, từ thực tiễn ở địa phương, nhiều ngành, và nguyện vọng của người dân, doanh nghiệp, thì việc Luật Đất đai, Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản có hiệu lực thi hành sớm là rất cần thiết. Điều này nhằm sớm tháo gỡ vướng mắc lớn nhất hiện nay về định giá đất, thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư - vốn được coi là nguyên nhân của tình trạng cán bộ né tránh, không dám làm vì sợ trách nhiệm. Cùng với đó, tạo hành lang pháp lý đồng bộ, giải phóng nguồn lực đất đai, thúc đẩy phát triển lành mạnh thị trường bất động sản, đẩy nhanh việc thực hiện các dự án đầu tư, nhất là các dự án đầu tư công, các dự án bất động sản, dự án nhà ở đặc biệt là nhà ở xã hội, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp và người dân trong việc thực hiện quyền của người sử dụng đất, bảo vệ quyền lợi của người thu hồi đất, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Cũng vì lẽ đó, có ý kiến cho rằng, việc rút ngắn thời gian thi hành là “vô cùng quý giá đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước”.

Rõ ràng, việc các luật này có hiệu lực sớm sẽ giải quyết được rất nhiều vấn đề mà thực tiễn đang đòi hỏi. Cần thiết là vậy, nhưng điều mà không ít đại biểu còn băn khoăn, lo ngại đó là việc xây dựng các văn bản hướng dẫn các luật này. Bởi trong 3 luật, một số quy định tại các luật có thể thực hiện được ngay, nhưng có rất nhiều quy định giao Chính phủ, bộ, ngành và địa phương quy định chi tiết. Chỉ tính riêng Luật Đất đai có 97 điều, Luật Nhà ở có 52 điều, Luật Kinh doanh bất động sản có 21 điều giao Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật.

Có rất nhiều lợi ích từ việc các Luật này có hiệu lực sớm hơn so với quy định hiện hành. Tuy nhiên, đây cũng là áp lực không nhỏ trong việc bảo đảm tiến độ, chất lượng của các văn bản hướng dẫn cần được ban hành, nhất là các văn bản do các địa phương ban hành. Thời gian từ nay đến ngày 1.8.2024 không còn nhiều, điều này đòi hỏi sự nỗ lực rất lớn của Chính phủ, bộ, ngành, địa phương trong việc “chạy đua” với thời gian để kịp thời ban hành các văn bản hướng dẫn đúng hạn.

Để có đủ lý lẽ thuyết phục đại biểu Quốc hội trước khi bấm nút thông qua, Chính phủ cần có báo cáo cụ thể về kết quả, tiến độ soạn thảo và ban hành trên thực tế các văn bản của địa phương, làm rõ tác động và giải pháp xử lý, bảo đảm hiệu lực của văn bản và hiệu quả thi hành luật.

Cử tri, Nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp mong muốn các luật này đi vào cuộc sống “sớm ngày nào, tốt ngày đó”. Việc bảo đảm ban hành các văn bản đúng tiến độ là cần thiết, nhưng điều quan trọng là chất lượng các văn bản hướng dẫn phải được đặt lên hàng đầu.