Hay nói cách khác, kinh tế tuần hoàn là biến rác thải của ngành này thành nguồn tài nguyên đầu vào của ngành khác hay tuần hoàn trong nội tại của bản thân một doanh nghiệp; là các hoạt động thiết kế, sản xuất, dịch vụ nhằm kéo dài tuổi thọ vật chất, loại bỏ tác động tiêu cực đến môi trường. Chính vì vậy, phát triển kinh tế tuần hoàn góp phần gia tăng giá trị, giảm khai thác tài nguyên hữu hạn, giảm chi phí xử lý rác thải, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, tạo việc làm mới...
Hiện nay, kinh tế càng phát triển thì nhu cầu nguyên liệu thô ngày càng tăng, trong khi nguồn tài nguyên này ngày càng cạn kiệt, nhất là tài nguyên không thể tái tạo. Việc khai thác tài nguyên hữu hạn nhất là năng lượng hóa thạch, khoáng sản,… góp phần gây nên biến đổi khí hậu và chính nó tác động xấu lên đời sống kinh tế xã hội. Chính vì vậy, kinh tế tuần hoàn là một xu hướng phát triển và đây cũng là cơ hội kinh tế, đặc biệt cho doanh nghiệp, các nhà khoa học trong đổi mới sáng tạo.
Trên thế giới, kinh tế tuần hoàn đã trở thành xu hướng tất yếu. Một số nước đã tiên phong trong tái sử dụng các nguồn tài nguyên một cách hiệu quả thông qua phát triển kinh tế tuần hoàn như: Thụy Điển, Pháp, Canada, Hà Lan, Hàn Quốc, Sigapore… Đặc biệt, Thụy Điển là nước đi đầu, với việc đã tái chế 53% vật liệu nhựa tiêu dùng, 50% chất thải trong ngành xây dựng, 99% rác thải thành năng lượng điện. Ở Đông Nam Á, Singapo đã chế biến 90% rác thải thành năng lượng (công suất 1000 tấn/ngày), số còn lại được đắp thành đảo nhân tạo Semakau.
Ở nước ta, Đảng và Nhà nước đã chủ trương phát triển kinh tế tuần hoàn. Đặc biệt Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng khẳng định chủ trương “xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thân thiện với môi trường”, “xây dựng lộ trình, cơ chế chính sách, pháp luật để hình thành, vận hành mô hình kinh tế tuần hoàn”. Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết về Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó khẳng định phải ưu tiên phát triển năng lượng tái tạo, phát triển nhà máy điện sử dụng rác thải, chất thải để bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế tuần hoàn. Luật Bảo vệ môi trường, Quốc hội thông qua năm 2020, chính thức luật hóa quy định về kinh tế tuần hoàn.
Trong những năm qua, Việt Nam nói chung và Nghệ An nói riêng, các doanh nghiệp đã bắt đầu quan tâm và tiếp cận đến các hoạt động của kinh tế tuần hoàn. Kinh tế tuần hoàn với phổ diện rất rộng, trong khuôn khổ bài này, tác giả chỉ tiếp cận nó về rác thải từ cuộc sống, sinh hoạt. Ở Thủ đô Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh đã xây dựng và vận hành nhà máy điện - rác. Ở Nghệ An các doanh nghiệp đã đăng ký xây dựng nhà máy điện - rác và được UBND tỉnh chấp nhận từ năm 2018. Các doanh nghiệp đã bắt đầu tổ chức sản xuất sản phẩm từ các phụ phẩm, phế phẩm của ngành nông nghiệp như: thu mua rơm chế biến thức ăn cho bò sữa ở Tập doàn TH, xây dựng hầm Biogas cung cấp chất đốt cho nông dân, tái chế nhựa, giấy loại, đặc biệt là sử dụng chế phẩm Comfort Maker sản xuất phân hữu cơ vi sinh từ phụ phẩm phế thải của nông nghiệp, rác thải hữu cơ đang được nông dân, phụ nữ hưởng ứng… Nói cách khác, Nghệ An chúng ta mới bắt đầu tiếp cận với kinh tế tuần hoà.
Tuy nhiên, rác thải đang là vấn đề nan giải ở Nghệ An, tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường kể cả ở đô thị cũng như nông thôn, chưa nói đến phế thải nông nghiệp, mặc dù một số nơi đã tận dụng làm nguyên liệu nhưng tồn dư thành rác chưa xử lý còn rất lớn. Theo số liệu của Sở Tài nguyên và Môi trường Nghệ An phát sinh chất rác rắn sinh hoạt khoảng 2.500 tấn/ngày, trong đó vùng nông thôn khoảng 560 tấn/ngày và ngày càng gia tăng theo quy mô dân số. Trong khi đó, phần lớn chất thải rắn này đang chủ yếu được xử lý bằng phương pháp chôn lấp, có nhiều nơi còn thiếu an toàn, còn lại xử lý bằng phương pháp đốt (nhà máy ở Nghi Yên, Hoàng Mai, Nghĩa Đàn,...). Dự án điện - rác đã tổ chức đấu thầu trên 5 năm nhưng đã bị thu hồi (Công ty Jet - Nhật Bản) do không triển khai, nhưng đến nay vẫn chưa chấp thuận dự án mới. Tồn dư rác ở các bãi rác trên địa bàn tỉnh rất lớn gây nên ô nhiễm nước rỉ, mùi hôi thối,.. Vấn đề này không chỉ là vấn nạn về môi trường mà còn là sự lãng phí rất lớn, nếu chúng ta coi “rác là tài nguyên”.
Từ quan điểm kinh tế tuần hoàn, vừa xử lý rác bảo vệ môi trường, vừa biến rác thành tài nguyên, chúng tôi có một số kiến nghị như sau:
Thứ nhất, cần đẩy mạnh tuyên truyền cho cán bộ, Nhân dân ở tất cả các tầng lớp về nguy cơ ô nhiễm môi trường từ rác thải, cũng như ý nghĩa và tầm quan trọng của vấn đề xử lý chất thải rắn sinh hoạt để giảm thiểu tối đa việc xả thải rác ra môi trường cũng như ý nghĩa của việc phân loại rác tại nguồn. Tất cả các trường học cần tăng cường giáo dục cho các cháu học sinh các cấp, thông qua các chương trình học chính khóa cũng như hoạt động ngoại khóa.
Thứ hai, triển khai phong trào phân loại rác đầu nguồn rộng rãi trong Nhân dân ở cả đô thị và nông thôn mà nòng cốt là Hội Liên hiệp phụ nữ và Hội Nông dân tỉnh. Trong đó, ưu tiên phân loại để các hộ nông dân, tổ dân phố tự xử lý chất thải hữu cơ bằng chế phẩm sinh học để sản xuất phân vi sinh hữu cơ phục vụ canh tác nông nghiệp (làm vườn rau hoa ở nông thôn cũng như ở đô thị). Tổ chức cho các chi hội phụ nữ thu gom chất thải có thể tái chế, bán cho các đơn vị thu mua nhằm xây dựng Quỹ hỗ trợ các hội viên nghèo (như mô hình thu gom phế thải hỗ trợ Thẻ bảo hiểm Y tế cho người nghèo mà một số chi hội phụ nữ ở Nghệ An đang làm). Như vậy, thùng rác cần có ba ngăn ở tất cả các gia đình!
Thứ ba, cần quy hoạch xây dựng Tổ hợp xử lý rác (Khu xử lý rác tại Nghi Yên hiện nay hoặc tìm điểm mới nếu ở đây không đủ diện tích) một cách đồng bộ theo tư duy kinh tế tuần hoàn. Đồng thời cần tái cơ cấu lại Công ty cổ phần Môi trường và công trình đô thị Nghệ An nhằm kêu gọi được đối tác chiến lược tham gia, nhất là các đối tác có nguồn lực tài chính cũng như công nghệ xử lý rác tiên tiến (công nghệ điện – rác, nhiên liệu hóa cao su, phân vi sinh hữu cơ từ rác, công nghệ xử lý rác nguy hại từ y tế, các khu công nghiệp; công nghệ tái chế,...).
Thứ tư, rà soát điều chỉnh lại quy hoạch các bãi rác, khu xử lý rác trên địa bàn toàn tỉnh theo hướng không bố trí theo địa bàn hành chính cấp huyện hay xã mà quy hoạch liên vùng dựa trên quy mô dân số, khoảng cách vận chuyển, mật độ doanh nghiệp, khu cụm công nghiệp,.. tránh tình trạng xảy ra như vừa qua (cả Nghĩa Đàn, Thái hòa cùng làm khu xử lý rác thải, trong khi nhà máy xử lý rác Nghĩa Đàn đã xây dựng trước lại đang thiếu rác để xử lý). Có như vậy mới có đủ lượng rác cần thiết để các doanh nghiệp có thể đầu tư với công nghệ đáp ứng được yêu cầu.
Thứ năm, xác định vấn đề xử lý rác là dịch vụ công ích doanh nghiệp tư nhân có thể tham gia. Trên cơ sở đó, tổ chức đấu thầu dịch vụ dựa vào công nghệ, độ an toàn và giá dịch vụ xử lý rác.
Thứ sáu, thúc đẩy phong trào Khởi nghiệp đổi sáng tạo “kinh tế xanh - kinh tế tuần hoàn”, trong đó những năm trước mắt ưu tiên tập trung vấn đề xử lý rác, tái chế, sản xuất sản phẩm từ phế phụ phẩm các loại từ nông nghiệp, công nghiệp chế biến, chế tạo trong thanh niên sinh viên toàn tỉnh.
Thứ bảy, về cơ chế chính sách:
- Cần có chính sách hỗ trợ miễn phí chế phẩm sinh học xử lý chất thải hữu cơ thành phân vi sinh hữu cơ (mà các tổ chức khoa học và công nghệ của tỉnh đã làm chủ công nghệ), hỗ trợ một phần kinh phí mua thùng rác ba ngăn cho dân thông qua Hội liên hiệp phụ nữ tỉnh triển khai phong trào phân loại rác tại nguồn.
- Áp dụng cơ chế chính sách hỗ trợ để khuyến khích các doanh nghiệp ứng dụng quy trình kinh tế tuần hoàn (trước mắt là doanh nghiệp xử lý chất thải rắn sinh hoạt, công nghiệp, kể cả chất thải xây dựng) ở mức cao nhất trong chính sách thu hút đầu tư hiện hành của tỉnh.
- Kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh là một xu hướng tất yếu. Nghệ An chúng ta đi sau nên cần phát huy tốt “lợi thế đi sau” nhằm có cách tiếp cận mới để có thể thu hút các nhà đầu tư, các nguồn vốn, cũng như công nghệ xanh nhằm phát triển kinh tế xã hội một cách bền vững. Kinh tế tuần hoàn bắt đầu từ xử lý rác - một nguồn tài nguyên không hữu hạn nhưng lại là mối nguy cơ nếu không xử lý an toàn, rất cần sự quyết tâm chính trị của lãnh đạo và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Hy vọng rằng, đây sẽ là những bước đi khởi đầu cho quá trình tiếp cận Kinh tế tuần hoàn./.