Tình hình phát triển kinh tế - xã hội của huyện Quế Phong năm 2022
Quế Phong là huyện biên giới, nằm về phía Tây Bắc của tỉnh Nghệ An, cách thành phố Vinh 180km, tiếp giáp với huyện Mường Quắn, Sầm Tớ, tỉnh Hủa Phăn, Lào, với chiều dài đường biên giới gần 74km; tổng diện tích tự nhiên của huyện khá lớn gần 2.000 km2, với hơn 16.151 hộ, 74238 nhân khẩu, bao gồm 05 thành phần dân tộc chính cùng sinh sống: Thái, Mông, Kinh, Khơ mú, Thổ.... địa giới hành chính của huyện trải rộng trên 13 xã, thị trấn. Trong năm 2022, mặc dù trong điều kiện hết sức khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 ở các tháng đầu năm, tình hình rét đậm, rét hại diễn ra trong nhiều đợt, dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi đã hảnh hưởng lớn đến sản xuất, kinh doanh, đời sống của nhân dân trong huyện. Song với sự tập trung, thống nhất trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện từ huyện đến cơ sở, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị nên tình hình kinh tế - xã hội của huyện Quế Phong tiếp tục đạt được một số kết quả nổi bật đó là:
- Có 28/30 chỉ tiêu chủ yếu đạt và vượt kế hoạch đề ra; tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt ở mức 8,58%, thu ngân sách trên địa bàn đạt 42,2 tỷ đồng, vượt cao so với dự toán được giao; tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đứng tốp đầu khối các huyện, thành thị; tỷ lệ hộ nghèo giảm 4,56% so với năm 2021. Các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao diễn ra sôi nổi, tham gia các cuộc thi văn nghệ, thể thao đạt được nhiều kết quả cao, các giá trị văn hóa tiếp tục được giữ gìn và phát huy; chất lượng giáo dục đại trà và chất lượng giáo dục mũi nhón được nâng lên, trong 02 năm liền ngành giáo dục của huyện Quế Phong được tỉnh xếp loại hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Tình hình an ninh chính trị ổn định, nhất là an ninh biên giới, hoạt động đối ngoại, tình đoàn kết giữa cấp ủy, chính quyền và nhân dân huyện Quế Phong với các huyện tiếp giáp của nước bạn Lào tiếp tục được giữ vững và phát huy.
Một số kinh nghiệm nâng cao hoạt động của HĐND các cấp trong thời gian qua và giải pháp trong thời gian tới
Trong thực tiễn hoạt động của nhiệm kỳ 2016-2021 và qua 02 năm thực hiện của nhiệm kỳ 2021-2026 HĐND huyện Quế Phong đã thực hiện tốt các chức năng của HĐND huyện, đảm bảo hiệu lực, hiệu quả, ví trị, vai trò của HĐND huyên luôn được khẳng định, ngày càng đáp ứng với yêu cầu và nguyện vọng của cư tri trong huyện. Thông qua các hoạt động cụ thể, Thường trực HĐND huyện Quế Phong rút ra một số kinh nghiệm cụ thể như sau:
Đối với việc thực hiện chức năng quyết định
Để thực hiện tốt chức năng này trước hết Thường trực, các Ban HĐND huyện cần phải nghiên cứu môt cách nghiêm túc, kỹ lưỡng các quy định của pháp luật liên quan đến chức năng, thẩm quyền quyết định của HĐND huyện trên các lĩnh vực, nhất là lĩnh vực tài chính- ngân sách, đầu tư công, các biện pháp trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương để trên cơ sở đó xây dựng các Nghị quyết đảm bảo đúng quy định và phù hợp với thực tế của địa phương, cơ sở. Trong công tác thẩm tra nội dung trình kỳ họp, nhất là thẩm tra dự thảo nghị quyết phải đảm bảo vừa phối hợp nhưng đồng thời có tinh độc lập riêng, các nội dung thẩm tra của Thường trực và các Ban HĐND huyện thường không nhắc lại các vấn đề mà UBND huyện, các ngành trình kỳ họp; chỉ nội dung nào thấy chưa phù hợp thì đề nghị chỉnh sửa, nội dung nào chưa rõ thì đề nghị giải trình làm rõ và nội dung nào cần bổ sung thì đề nghị bổ sung. Trên cơ sở giải trình của UBND huyện, Thường trực, các Ban HĐND huyện trình ra kỳ họp để đại biểu thảo luận, xem xét và quyết định. Cách làm này vừa đảm bảo tiến độ thực hiện hoạt động thẩm tra, vừa đảm bảo tính chặt chẽ và mang lại hiệu quả cao. Chính vì vậy, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, ngoài các nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội theo quy định cụ thể trong các Luật hiện hành, Thường trực HĐND huyện Quế Phong còn chỉ đạo, phối hợp với UBND huyện cụ thể hóa thành 07 nghị quyết chuyên đề, đây là các nghị quyết vừa đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp, vừa phát huy được các tiềm năng, thế mạnh, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Về thực hiện chức năng giám sát
Hoạt động giám sát của HĐND huyện bao gồm: giám sát của HĐND (Chủ yếu thực hiện tại kỳ họp), giám sát của Thường trực, các Ban HĐND, Tổ đại biểu và Đại biểu HĐND huyện.
- Đối với giám sát tại kỳ họp thông qua xem xét, cho ý kiến về các nội dung trình kỳ họp: Để các nội dung trình họp có chất lượng, Thường trực HĐND huyện cần chỉ đạo các Ban HĐND, Đại biểu HĐND huyện phải nghiên cứu thật kỹ các nội dung trình trình tại kỳ họp; nhất là cuối năm 2021 và năm 2022, trên cơ sở quy định của HĐND tỉnh về chế độ nghiên cứu tài liệu cho đại biểu theo quy định tại Nghị quyết 34; trước mỗi kỳ họp Thường trực HĐND huyện Quế Phong ban hành các văn bản vừa hướng dẫn, vừa chỉ đạo, vừa đôn đốc đại biểu để đại biểu chấp hành, bởi nếu chỉ để đại biểu tự nghiên cứu và tự giác nghiên cứu là rất khó, vì không có chế tài xử lý và đại đa số là đại biểu kiêm nhiệm.
- Đối với giám sát thông qua hoạt động thảo luận và chất vấn tại kỳ họp: đây là hoạt động rất quan trọng và được đông đảo cử tri và nhân dân quan tâm; vì vậy để hoạt động chất vấn tại kỳ họp có chất lượng (1) Trước hết phải thống nhất về mặt tư tưởng, nhận thức ngay trong chính các vị đại biểu đó là: chất vấn không chỉ là quyền mà còn là trách nhiệm của đại biểu HĐND các cấp; chất vấn là dịp để Hội đồng nhân dân huyện thảo luận, phân tích, đánh giá về những tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc, giúp cho UBND huyện có được cách nhìn, những thông tin khách quan về thực trạng trong quá trình tổ chức thực hiện, chứ chất vấn không phải là để kiểm điểm nhau, không phải vạch lá tìm sâu. Vì vậy, mục đích cuối cùng của chất chất là cần làm sáng rõ vấn đề, để từ đó có giải pháp thực hiện một cách hiệu quả nhất, đáp ứng với nguyện vọng chính đáng của cử tri và nhân dân, góp phần thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh - quốc phòng của địa phương. Có như vậy thì đại biểu mới mạnh dạn, tự tin trong thực hiện quyền và trách nhiệm chất vấn của mình, đồng thời người được chất vấn cũng cảm thấy thoải mái hơn khi được các đại biểu chất vấn. (2) Để đại biểu tham gia chất vấn nhiều hơn thì bên cạnh việc ban hành văn bản hướng dẫn, đôn đốc đại biểu chuẩn bị nội dung chất vấn, trước 10 ngày diễn ra khai mạc kỳ họp, Thường trực HĐND huyện cần phải tiến hành họp, làm việc trực tiếp từng Tổ đại biểu để định hướng, tập hợp các nội dung chất vấn cụ thể của từng đại biểu (trong trường hợp đại biểu chưa chuẩn bị nội dung thì cần phải gợi ý (đặt hàng) cho đại biểu để đại biểu chuẩn bị trước câu hỏi chất vấn. (3) Trong điều hành chất vấn thì chủ tọa cần phải linh hoạt để tạo được không khí chất vấn sôi nổi, dân chủ, thẳng thắn mang tính tranh luận nhưng không quá căng thẳng, đặc biệt sau khi kết thúc kỳ họp cần phải tổng hợp lại các nội dung chất vấn của đại biểu và những vấn đề mà người trả lời chất vấn hứa tại kỳ họp để một mặt ghi nhận, biểu dương những đại biểu tích cực tham gia chất vấn, một mặt làm căn cứ để cho đại biểu giám sát nội dung trả lời chất vấn, trong trường hợp đến kỳ họp sau mà người trả lời chất vấn chưa thực hiện lời hứa thì đại biểu HĐND huyện sẽ chất vấn lại, điều này rất quan trọng và rất hữu ích để giải quyết dứt điểm các vấn đề.
- Đối với hoạt động sát thông qua các chuyên đề giám sát của Thường trực, các Ban HĐND huyện: (1) Để các cuộc giám sát có chất lượng, hiệu quả, trước hết cần phải chuẩn bị kỹ các điều kiện cho cuộc giám sát, trong đó đặc biệt quan tâm đến việc xây dựng mẫu biểu, đề cương yêu cầu cung cấp thông tin, số liệu; chọn nội dung giám sát không quá rộng, mà nên đi vào các nội dung cụ thể, đang được cử tri quan tâm, những vấn đề bức xúc, nổi cộm liên quan đến trách nhiệm tổ chức thực thi chính sách, liên quan đến hiệu quả của chính sách, chương trình, dự án, để sau khi kết thúc giám sát có thể chỉ rõ được những tồn tại, hạn chế, nguyên nhân, trách nhiệm và giải pháp khắc phục mà không phải chờ nguồn lực tài chính. (2) Trong quá trình tổ chức giám sát các đoàn cần cử thành viên tiến hành đi thu thập thông tin qua nhiều kênh, nhiều đối tượng, đặc biệt là các đối tượng được thụ hưởng chính sách, chương trình, dự án; tổng hợp từ số liệu từ cơ sở trên cơ sở đó đối chiếu với số liệu do các phòng, ban, UBND huyện cung cấp để phân tích, đánh giá được một cách khách quan về kết quả thực hiện các nội dung giám sát. (3) Các nội dung giám sát cần phải tiến hành phù hợp với từng thời điểm, tránh để kéo dài khi không còn là vấn đề bức xúc hoặc nếu không sẽ ảnh hưởng đến phát triển kinh tế, xã hội. (4) Để UBND huyện, các ngành, đơn vị liên quan chấp hành nghiêm túc kiến nghị sau giám sát của Thường trực, các Ban HĐND huyện thì một số những biện pháp quan trọng mà huyện Quế Phong rút ra đó là: Kết quả giám sát cần thông qua tại hội nghị Ban Thường vụ Huyện ủy để Ban Thường vụ Huyện ủy có kết luận chỉ đạo việc thực hiện các nội dung kiến nghị của Hội đồng nhân dân; đồng thời, Thường trực HĐND cần phải phân công cho các Ban HĐND tiến hành theo dõi, đôn đốc việc thực hiện các ý kiến nghị sau giám sát của Thường trực, các Ban HĐND huyện.
Về thực hiện chức năng đại diện
Để đại biểu thực hiện tốt chức năng đại diện, thông qua việc quyết định các vấn đề thuộc thẩm quyền của HĐND huyện, và nhất là vấn đề cử tri quan tâm đó là vai trò đại diện trong việc nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, giải quyết các kiến nghị cử tri và nhân dân. Trước hết Thường trực HĐND huyện nên đổi mới cách thức tổ chức tiếp xúc cử tri, làm sao vừa không phải tổ chức quá nhiều cuộc ở trong một địa bàn mà phải có sự kết hợp tiếp xúc cử tri 02 cấp (cấp huyện và cấp xã cùng tổ chức chung để cử tri không phải tham gia nhiều lần), bởi thực tế cử tri gần như không quan tâm đến kiến nghị thuộc cấp nào mà có bức xúc, nguyện vọng gì thì sẽ phản ánh hết trong một cuộc tiếp xúc. Ở hội nghị tiếp xúc cần chỉ đạo đại biểu không chỉ đến để tiếp nhận ý kiến cử tri mà cần phải nghiên cứu kỹ các chủ trương, chính sách, quy định của pháp luật để giải trình, giải thích cho cử tri, có như vậy ở các kỳ tiếp xúc sau đó cử tri mới tham gia. Sau khi tiếp xúc cử tri xong cần chỉ đạo Văn phòng HĐND và UBND huyện và các đồng chí Phó Ban chuyên trách tổng hợp đầy đủ, chi tiết, cụ thể, có địa chỉ các ý kiến kiến nghị, đồng thời phân loại các ý kiến theo hướng: Ý kiến liên quan đến chỉ đạo, điều hành và ý kiến kiến nghị cần nguồn lực liên quan đến xây dựng hạ tầng điện, đường, trường, trạm, nước sinh hoạt, nhà văn hóa,…điều đó giúp cho UBND huyện, các phòng chuyên môn dễ dàng hơn trong việc trả lời và giải quyết các kiến nghị liên quan. Đồng thời, Thường trực HĐND huyện cần chỉ đạo thường xuyên Văn phòng HĐND và UBND huyện, các Ban HĐND, đại biểu HĐND huyện theo dõi, đối chiếu kết quả trả lời, giải quyết của các cơ quan chuyên môn với thực tế ở cơ sở để tiếp tục có ý kiến tại các kỳ họp; qua thực hiện về cơ bản tất cả các ý kiến kiến nghị được Thường trực HĐND huyện tổng hợp thì UBND huyện và các ngành liên quan đều tiếp thu, trả lời đầy đủ và giải quyết được rất nhiều ý kiến, trong đó thậm chí có những ý kiến còn tồn đọng ở các nhiệm kỳ trước đây.
Một số kiến nghị, đề xuất liên quan với HĐND và UBND tỉnh
Thứ nhất, huyện Quế Phong có khoảng 13.942 hộ dân trực tiếp sản xuất nông nghiệp, chiếm trên 86% số hộ toàn huyện. Tuy nhiên, hiện nay mới chỉ có 7.892 hộ được giao đất lâm nghiệp, chiếm hơn 56% số hộ trực tiếp sản xuất nông nghiệp. Như vậy còn trên 40% số hộ trực tiếp sản xuất nông nghiệp, trong đó có rất nhiều hộ mặc dù sống gần rừng nhưng lại thiếu đất sản xuất. Đề nghị HĐND, UBND tỉnh có quan điểm chỉ đạo thống nhất, trên nguyên tắc đảm bảo tối thiếu người dân miền núi cần phải có đất ở và đất sản xuất, có như vậy mới đảm bảo ổn định cuộc sống lâu dài cho người dân. Trước mắt cần chỉ đạo các sở, ngành cấp tỉnh phối hợp với huyện Quế Phong để bóc tách, đưa ra khỏi quy hoạch diện tích rừng cho các tổ chức nhà nước, các doanh nghiệp nhưng nằm quá sát nhà dân để thống nhất trình và phê duyệt quy hoạch 03 loại rừng huyện Quế Phong, nhằm tạo điều kiện cho người dân có đất sản xuất.
Thứ hai là đối với công tác đối trừ giá trị sử dụng đất nông nghiệp giữa nơi đi và nơi đến thuộc dự án công trình thủy điện Hủa Na. Nội dung này mặc dù kéo dài rất nhiều năm, nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết. Vướng mắc hiện nay là UBND tỉnh chưa có văn bản chỉ đạo cụ thể để thực hiện phương án đối trừ, mà đang giao cho UBND huyện Quế Phong căn cứ quy định của pháp luật và đề xuất của Sở Tài nguyên và Môi trường để thực hiện đảm bảo đúng quy định của pháp luật liên quan, đồng thời giao Sở TN&T hướng dẫn UBND huyện Quế Phong thực hiện; trong khi đó Sở TN&MT lại có văn bản báo cáo với UBND tỉnh là vướng mắc nêu trên vượt quá thẩm quyền hướng dẫn của Sở. Vì vậy, để giải quyết vấn đề này, đề nghị Thường trực HĐND tỉnh cần có phiên làm việc hoặc có văn bản cụ thể với UBND tỉnh qua đó có văn bản chỉ đạo, hướng dẫn cụ thể để huyện Quế Phong thực hiện.
Thứ ba, huyện Quế Phong là huyện biên giới nằm cuối cùng của các huyện Tây Bắc Nghệ An. Con đường giao thông huyết mạch nối huyện Quế Phong với các huyện và tỉnh là Quốc lộ 48A, tuy nhiên do cấp đường không đảm bảo để xe giường nằm (02 tầng) có thể lên đến trung tâm của huyện, gây khó khăn và ảnh hưởng rất lớn đến việc đi lại, phát triển kinh tế, nhất là phát triển du lịch của huyện trong thời gian qua và trong thời gian tới. Vì vậy, huyện Quế Phong tiếp tục kiến nghị với Thường trực HĐND, UBND tỉnh có ý kiến với các Bộ, ngành trung ương để nâng cấp cấp đường hoặc mở rộng các điểm không đảm bảo để xe giường nằm chạy đến được trung tâm của huyện, phục vụ đi lại thuận tiện và phát triển kinh tế của huyện.
Thứ tư, cần tiếp tục quan tâm, kiến nghị các cấp, các ngành nghiên cứu để cải cách tổ chức bộ máy hoạt động của HĐND các cấp theo hướng giảm dần các đại biểu kiêm nhiệm, không nên nặng về cơ cấu, để tập trung tăng đại biểu chuyên trách, hoạt động chuyên nghiệp hơn. Bởi đa số đại biểu hiện nay là kiêm nhiệm ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động giám sát, chất lượng thảo luận, tham gia ý kiến tại kỳ họp, chất vấn tại kỳ họp; chất lượng tổng hợp, theo dõi, đôn đốc việc giải quyết ý kiến kiến nghị của cử tri.
Thứ năm, lĩnh vực hoạt động của HĐND là rất rộng, để thực hiện đảm bảo đúng chức năng, thẩm quyền trong quyết định các vấn đề liên quan đến kinh tế - xã hội, thực hiện tốt chức năng giám sát. Kính đề nghị Thường trực HĐND tỉnh mở các lớp tập huấn chuyên sâu cho Thường trực, các Ban HĐND huyện về các vấn đề liên quan được quy định trong Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật đầu tư công, Luật ngân sách nhà nước và các văn bản pháp luật có liên quan, đồng thời tập huấn các kỹ năng cần thiết để Thường trực, các Ban HĐND huyện thực hiện ngày càng tốt hơn, chuyên nghiệp hơn các nhiệm vụ.