doi-moi-sang-tao-trong-tiep-nhan-don-doc-giai-quyet-kien-nghi-cu-tri-n3-4209.jpg
Bí thư Thị ủy, Chủ tịch HĐND thị xã Lê Trường Giang gặp gỡ, lắng nghe ý kiến cử tri. Ảnh: T. Thủy

Các cuộc khảo sát, giám sát của HĐND thị xã được thực hiện đúng quy định, chặt chẽ theo hướng phân công, phân nhiệm cụ thể cho từng thành viên, có sự phối hợp chặt chẽ giữa Thường trực, các Ban HĐND thị xã... Qua khảo sát, giám sát, Thường trực HĐND thị xã đánh giá, chỉ rõ ưu điểm, khuyến khích động viên tập thể, cá nhân chịu sự giám sát tiếp tục phát huy và nhân rộng kết quả đã đạt được; nêu rõ, chấn chỉnh kịp thời những thiếu sót, khuyết điểm, trách nhiệm của từng cấp, từng ngành, từng cá nhân, kiến nghị tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ.

Để nâng cao chất lượng, hiệu quả các cuộc giám sát, ngoài giám sát chuyên đề, công tác phối hợp, lựa chọn nhóm vấn đề… giám sát tại kỳ họp, giám sát thường xuyên thông qua việc tiếp công dân, qua các cuộc họp giao ban định kỳ với Thường trực HĐND xã, phường và giao ban giữa Thường trực HĐND với UBND thị xã để nắm bắt kết quả giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri… cũng góp phần quan trọng. Thông qua đó, giúp đoàn giám sát có cái nhìn tổng quan và đa chiều hơn về vấn đề đang giám sát. Sau khảo sát, giám sát, Thường trực HĐND thị xã đã ban hành thông báo kết luận, trong đó nêu rõ những tồn tại, hạn chế và kiến nghị gửi đến các đơn vị được giám sát; đồng thời, tổng hợp các đề xuất, kiến nghị của các đơn vị được giám sát để trình các cấp giải quyết theo thẩm quyền.

Giám sát ngay trong quá trình giải quyết kiến nghị

Với phương châmgiám sát các kiến nghị ngay trong quá trình giải quyết và cùng UBND thị xã kịp thời định hướng, tháo gỡ khó khăn ngay từ đầu, để các ý kiến, kiến nghị được giải quyết thấu đáo và đi đến tận cùng của sự việc”, HĐND thị xã Hoàng Mai đặc biệt quan tâm đến hoạt động này. Cụ thể, trước và sau mỗi kỳ họp HĐND, Thường trực HĐND thị xã đều tổ chức hội nghị TXCT để đại biểu HĐND tiếp xúc với các cử tri tại địa bàn ứng cử theo quy định. Ngoài ra, một số nơi còn tổ chức TXCT theo chuyên đề. Mặt khác, phân công các tổ đại biểu, đại biểu hàng tháng dành thời gian đi cơ sở, tham gia các cuộc đối thoại, cuộc làm việc, sinh hoạt của các tổ chức chính trị - xã hội, hay các cuộc sinh hoạt chi bộ, thăm, tặng quà tại cơ sở nhân các ngày lễ… Qua đó nắm tâm tư, nguyện vọng, tiếp nhận các ý kiến, kiến nghị của Đảng viên, cử tri và Nhân dân phản ánh về những khó khăn, hạn chế, bất cập trong sản xuất, đời sống, thể chế Nhà nước, thái độ thực thi công vụ của cán bộ, công chức, viên chức trong bộ máy nhà nước tại thị xã.

Trên cơ sở các ý kiến, kiến nghị của cử tri, Thường trực HĐND thị xã tổng hợp, phân loại theo lĩnh vực, đánh số theo thứ tự… Sau đó, lựa chọn những kiến nghị bức xúc, nổi cộm được phản ánh nhiều lần, kiến nghị được trả lời chung chung, chưa rõ ràng, chưa được giải quyết để giám sát. Cụ thể, cơ quan dân cử đồng hành với chính quyền và giám sát ngay trong quá trình giải quyết bằng cách lập các đoàn mời phòng, ban ngành chịu trách nhiệm giải quyết cùng đi thực tế để nắm bắt chính xác nội dung kiến nghị, chỉ rõ những vướng mắc, khó khăn, hạn chế, nguyên nhân và xây dựng lộ trình giải quyết.

Với cách làm này, kiến nghị được giải quyết dứt điểm hàng năm ở Hoàng Mai đạt từ 90% trở lên. Trong đó, có nhiều kiến nghị khó, tồn đọng kéo dài từ trước khi thành lập thị xã đã được giải quyết, như: kiến nghị của 4 hộ dân đã được UBND xã Quỳnh Vinh bán đất trái thẩm quyền có thu tiền từ năm 1993 nhưng chưa được giao đất ngoài thực địa; kiến nghị cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của 21 hộ Đồng Trin đã thực hiện việc di dời, giải phóng mặt bằng từ năm 1996 để đầu tư xây dựng Nhà máy Xi măng Hoàng Mai…

Theo Thường trực HĐND thị xã, để kiến nghị cử tri được các cơ quan chức năng giải quyết nghiêm túc và đạt kết quả, Thường trực, các Ban, Tổ đại biểu và đại biểu phải kiên trì, đeo bám liên tục, không để kiến nghị cử tri bị “lãng quên” và “đi đến cùng sự việc”, đáp ứng ngày càng tốt hơn kỳ họp của cử tri và Nhân dân.

Q. Nga - C. San