Quang cảnh phiên thảo luận tại Hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội

Theo ý kiến của Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An, dự thảo Luật Lưu trữ (sửa đổi) sau khi được tiếp thu, chỉnh lý về cơ bản đã bám sát các chính sách lớn được Quốc hội thông qua tại đề nghị xây dựng Luật, phù hợp với mục tiêu, quan điểm đề ra, kịp thời thể chế hóa chủ trương của Đảng tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII về việc hệ thống pháp luật phải thúc đẩy đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và phát triển các sản phẩm, dịch vụ mới; khắc phục những bất cập, hạn chế trong quá trình thực hiện Luật Lưu trữ năm 2011, bảo đảm tốt hơn quyền tiếp cận thông tin của công dân theo quy định của Hiến pháp. Đồng thời, thực hiện định hướng đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động lưu trữ, xây dựng xã hội lưu trữ, quốc gia lưu trữ... Luật được chuẩn bị công phu, kỹ lưỡng, cơ bản đầy đủ, đáp ứng yêu cầu. Bên cạnh đó, Đoàn cũng kiến nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục nghiên cứu đảm bảo tính thống nhất, tính hệ thống đối với các văn bản quy phạm pháp luật khác như với Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Một số nội dung liên quan đến nghiệp vụ lưu trữ, về khen thưởng, xử phạt trong hoạt động lưu trữ, dịch vụ lưu trữ, lưu trữ tư, xem xét, bổ sung quy định các điều, khoản rõ ràng, cụ thể, logic để dễ thực hiện.

Các ĐBQH Đoàn Nghệ An tại Hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội

Đối với nội dung góp ý vào các Điều luật cụ thể, Đoàn ĐBQH tỉnh kiến nghị ban soạn thảo nghiên cứu, bổ sung các quy định để luật được thực hiện có hiệu quả sau khi ban hành. Theo đó, tại Điều 2 của dự thảo luật nhiều ý kiến đề nghị bổ sung và giải thích rõ các thuật ngữ liên quan đến hoạt động lưu trữ như: “Tiêu hủy tài liệu lưu trữ”, “Tài liệu lưu trữ quý, hiếm”,bảo quản tài liệu điện tử”, “Tư vấn và chuyển giao công nghệ lưu trữ”… Tại Điều 2 (khoản 5 và khoản 12), đề nghị giải thích cụ thể, chặt chẽ, dễ hiểu, dễ thực hiện đối với các thuật ngữ “Tài liệu lưu trữ”, “Nghiệp vụ lưu trữ”. Tại Điều 10 (khoản 4) đề nghị nghiên cứu, quy định theo hướng giao thẩm quyền quản lý tài liệu lưu trữ và cơ sở dữ liệu tài liệu lưu trữ cho cơ quan chuyên môn trực thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh tham mưu. Tại Chương III (mục 1) quy định chung về nghiệp vụ lưu trữ đề nghị nghiên cứu quy định các điều, khoản theo hướng phân định thành từng nhóm theo nghiệp vụ đã được xác định ở Điều 2 dự thảo Luật để dễ theo dõi, thực hiện. Đồng thời, nghiên cứu bổ sung quy định ở Chương này nội dung: Số hóa, tạo lập cơ sở dữ liệu để đầy đủ, logic, khoa học các khâu nghiệp vụ của hoạt động lưu trữ. Đối với quy định về tiếp cận tài liệu lưu trữ (Điều 25) Đoàn ĐBQH tỉnh đề nghị nghiên cứu bổ sung quy định về công bố thời gian tiếp cận tài liệu lưu trữ để khai thác đánh thức giá trị tài liệu lưu trữ của quốc gia trên cơ sở tham khảo quy định pháp luật của một số quốc gia như Trung Quốc, Pháp... để tránh được tình trạng tài liệu bị đóng kín trong kho lưu trữ không được đưa ra khai thác; hoặc tình trạng cho khai thác quá sớm các tài liệu lưu trữ mật, tài liệu cá nhân, hoặc sử dụng ồ ạt các tài liệu lưu trữ quý hiếm, góp phần quan trọng vào việc khẳng định vị trí đặc biệt quan trọng của tài liệu lưu trữ đối với mọi mặt đời sống kinh tế, văn hoá, khoa học, xã hội,… của đất nước. Đối với các hoạt động dịch vụ lưu trữ (Điều 53, khoản 2), đề nghị cân nhắc quy định dịch vụ lưu trữ là hoạt động kinh doanh có điều kiện và bổ sung thêm quy định ở Điều này hoạt động dịch vụ “Chỉnh lý khoa học tài liệu lưu trữ”. Về quy định chuyển tiếp (Điều 65, khoản b) đề nghị nghiên cứu xem xét nâng thời hạn từ 05 năm lên thành 10 năm để các cơ quan là nguồn nộp lưu có thời gian hoàn thành việc chỉnh lý, sắp xếp tài liệu theo đúng yêu cầu, quy định.

Ngoài những ý kiến đề nghị sửa đổi, bổ sung vào các Điều luật cụ thể, Đoàn ĐBQH tỉnh kiến nghị ban soạn thảo nghiên cứu bổ sung một số quy định chưa có trong Luật hiện hành và trong thực tiễn thực hiện Luật có nhiều vướng mắc như quy định về khen thưởng, xử phạt trong hoạt động lưu trữ; chính sách cho người làm công tác lưu trữ; chính sách khuyến khích phát huy toàn xã hội vào công tác lưu trữ…

Những ý kiến trên của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An cơ bản đã được Ban soạn thảo tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật Lưu trữ (sửa đổi) trình Quốc hội thảo luận tại phiên họp ngày 24/5/2024./.