Chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở cấp tỉnh - có thực sự cần thiết?

Chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở cấp tỉnh là nội dung còn ý kiến khác nhau trong phiên thảo luận tổ về dự án Luật Nhà ở (sửa đổi). Nêu vấn đề liệu rằng Chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở cấp tỉnh có thật sự cần thiết hay không, nhiều đại biểu cho rằng, hiện chúng ta chưa đánh giá được tính hiệu quả cũng như mối liên hệ của Chương trình, kế hoạch này với quy hoạch tỉnh, quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. “Qua rà soát dự thảo Luật, nhiều nội dung trong Chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở cấp tỉnh đã được thể hiện trong quy hoạch tỉnh, quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị”, ĐBQH Nguyễn Công Long (Đồng Nai) chỉ rõ.

Theo ĐBQH Trần Hồng Nguyên (Bình Thuận), việc xây dựng Chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở cấp tỉnh là cần thiết, vì phải có trách nhiệm của UBND cấp tỉnh trong việc phát triển, bảo đảm điều kiện về nhà ở cho người dân địa phương. Song điều quan trọng, là dự thảo Luật phải bảo đảm Chương trình, kế hoạch này không can thiệp quá sâu vào sự phát triển của thị trường bất động sản ở địa phương. Đồng thời, cần rà soát Chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở cấp tỉnh thống nhất với quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh, quy hoạch tỉnh, không gây chồng chéo, khó khăn trong quá trình thực hiện.

Chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở cấp tỉnh là cơ sở để thực hiện quy hoạch đất đai. Khẳng định điều này, ĐBQH Hoàng Văn Cường (Hà Nội) cho rằng, Chương trình, kế hoạch này sẽ giúp chúng ta biết được quy hoạch xây dựng nhà ở tại địa điểm này có phù hợp với tiến độ phát triển kinh tế - xã hội hay không? Hoặc xác định rõ nơi nào đông công nhân thuộc các khu công nghiệp, khu kinh tế và cần đầu tư phát triển nhà ở tại địa phương; tránh tình trạng nhiều khu đô thị xây dựng nhà ở nhưng gần như "bỏ hoang".

Lo ngại quy định mới về Chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở cấp tỉnh sẽ gia tăng sự bất tiện cũng như tăng chi phí tuân thủ pháp luật, ĐBQH Đinh Công Sỹ (Sơn La) phân tích, quy định về nội dung này có rất nhiều điều khoản về quản lý nhà nước, như: nhu cầu diện tích sàn xây dựng nhà ở tăng thêm; nhu cầu về diện tích nhà ở của từng nhóm đối tượng… Dù mục đích nhằm ngăn chặn tiêu cực xảy ra, nhưng quy định này có thể làm chậm trễ hơn quá trình triển khai thực hiện các dự án về nhà ở, ảnh hưởng tới nhu cầu về nhà ở của người dân. Vì thế, theo đại biểu Đinh Công Sỹ, "Chính phủ phải làm rõ hơn những mặt được và chưa được của quy định về Chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở cấp tỉnh, từ đó, các đại biểu Quốc hội mới yên tâm quyết định”.

Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền

Tại Điều 33, dự thảo Luật có quy định, UBND cấp tỉnh tổ chức xây dựng Chương trình phát triển nhà ở và gửi lấy ý kiến góp ý của Bộ Xây dựng. Nêu rõ quy định này đã mở rộng hơn so với Luật Nhà ở hiện hành (chỉ áp dụng với 5 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải xin ý kiến của Bộ Xây dựng về Chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở). Với 63 tỉnh, thành phố đều xin ý kiến của Bộ Xây dựng trước khi trình HĐND cấp tỉnh thông qua, rõ ràng, dự thảo Luật đang làm phát sinh thủ tục hành chính, ĐBQH Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn) lưu ý và chỉ rõ như vậy, dự thảo Luật đang đi ngược lại với mục tiêu giảm bớt thủ tục hành chính trong quá trình xây dựng pháp luật.

Đại biểu Nguyễn Thị Thủy cũng cho biết thêm, Nghị quyết số 27 - NQ/TW về tiếp tục xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam trong giai đoạn mới đặt ra yêu cầu: Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền. Việc xây dựng dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) cần gắn với yêu cầu này, và nên điều chỉnh theo hướng không quy định UBND cấp tỉnh phải xin ý kiến Bộ Xây dựng về Chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở cấp tỉnh trước khi trình HĐND cấp tỉnh thông qua. Thay vào đó, dự thảo Luật nên quy định các tiêu chí, yêu cầu cụ thể trong việc lập Chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở cấp tỉnh. Tăng cường hậu kiểm, thanh tra, kiểm tra thật kỹ lưỡng, sẽ tránh được việc tăng thêm gánh nặng chi phí tuân thủ và các thủ tục hành chính, đại biểu Nguyễn Thị Thủy đề xuất.

Cùng quan điểm, ĐBQH Phan Thái Bình (Quảng Nam) nhấn mạnh, việc mở rộng đối tượng ra UBND 63 tỉnh, thành phố phải xin ý kiến Bộ Xây dựng là không cần thiết. Giả sử, nếu Bộ Xây dựng không đồng ý, không trình ra được HĐND, dẫn tới chậm trễ trong việc ban hành Chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở cấp tỉnh thì ai chịu trách nhiệm? Bởi, thẩm quyền quyết định này là của HĐND, nhưng lại phải lấy ý kiến của Bộ Xây dựng. Hoặc trong trường hợp ý kiến của HĐND và Bộ Xây dựng không thống nhất thì địa phương chọn theo ý kiến nào?

Nêu ra những tình huống giả định nêu trên, đại biểu Phan Thái Bình cho rằng, dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) cần "mạnh dạn hơn" trong việc phân cấp rõ trách nhiệm của địa phương. Vì về nguyên tắc, đã phân quyền cho cấp nào, thì cấp đó chịu trách nhiệm.