Với đặc thù địa hình miền núi dốc, chủ yếu là núi cao trùng điệp, huyện Kỳ Sơn có diện tích đất bằng rất ít. Như trung tâm huyện, thị trấn Mường Xén nằm dọc theo Quốc lộ 7A và hai bên bờ sông Mậm Mộ; do độ dốc lớn, lòng sông hẹp, dẫn đến mỗi khi xảy ra mưa lớn, lũ trên lưu vực tập trung nhanh và mạnh, kết hợp xả lũ của các thuỷ điện trên thượng nguồn đổ về, tạo áp lực lớn, gây sạt lở 2 bên bờ sông. Thực tiễn, hàng năm, lũ trên lưu vực sông Nậm Mộ đã gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản, làm sạt lở nhiều đoạn đường tuyến Quốc lộ 7A - tuyến giao thông huyết mạch nối các huyện phía Tây của tỉnh Nghệ An và nối với các nước bạn Lào qua cửa khẩu Nậm Cắn.
Từ thực tiễn đó, để hạn chế hậu quả của thiên tai lũ lụt, góp phần quan trọng trong việc bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản cho các hộ dân, bảo vệ các công trình hạ tầng kinh tế, xã hội trên địa bàn; ngày 25/8/2022, HĐND tỉnh đã ra quyết định chủ trương đầu tư Dự án Kè sông Nậm Mộ đoạn qua khối 4, khối 5, thị trấn Mường Xén (huyện Kỳ Sơn) với tổng nguồn vốn 100 tỷ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách Trung ương năm 2021; thời gian thực hiện dự án trong năm 2022 và 2023. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khác nhau, đặc biệt là hậu quả của trận lũ quét xảy ra vào đầu tháng 10/2022 đã gây hậu quả nghiêm trọng về người và tài sản; làm thay đổi lưu vực lòng sông Nậm Mộ, nên phương án thiết kế khả thi do UBND huyện Kỳ Sơn trình thẩm định trước đó không còn phù hợp với hiện trạng hai bên bờ sông. Điều này buộc các cấp, các ngành phải tiến hành khảo sát, đánh giá lại hiện trạng và tính chất phức tạp của dòng chảy, mức độ nguy hiểm của lũ ống, lũ quét trong bối cảnh biến đổi khí hậu để đưa ra phương án thiết kế mới; đồng thời chuyển đổi chủ đầu tư cho Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nghệ An. Đây là nguyên nhân khách quan cùng với thời tiết không thuận lợi dẫn đến chậm tiến độ thi công dự án. Tính đến hết năm 2022, dự án mới chỉ giải ngân được 1.467 triệu đồng.
Với các yếu tố nêu trên và tính chất quan trọng, bức thiết của công trình Dự án này, trên cơ sở kiến nghị, đề xuất của tỉnh Nghệ An, Trung ương đã đồng ý cho gia hạn, kéo dài nguồn vốn thực hiện dự án này đến hết tháng 12 năm 2024. Tuy nhiên, qua khảo sát của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh về việc triển khai thi công dự án vào trung tuần tháng 8/2024 vừa qua, đồng thời theo báo cáo từ Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn Nghệ An, khối lượng thi công đến ngày 17/9/2024 đang còn hạn chế, mới chỉ đạt 25%, tương đương 22,58 tỷ đồng. Trong khi đó, thời gian còn lại chỉ còn hơn 3 tháng theo gia hạn và việc triển khai thi công đang tiếp tục gặp khó khăn, đặc biệt là ảnh hưởng của thời tiết mấy ngày qua mưa lũ cùng với việc xả lũ của thủy điện ở thượng nguồn.
Trao đổi với ông Nguyễn Đình Hưng – Giám đốc Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn Nghệ An cho biết: Ngày 05/3/2024, UBND tỉnh có Quyết định số 480/QĐ.UBND về việc điều chuyển chủ đầu tư dự án Kè Sông Nậm Mộ từ UBND huyện Kỳ Sơn sang Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, sau khi được Sở giao nhiệm vụ quản lý và thực hiện dự án, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn đã chủ động đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án, đặc biệt là trong công tác đấu thầu xây lắp.
Dự án Kè sông Nậm Mộ đoạn qua khối 4, khối 5, thị trấn Mường Xén (huyện Kỳ Sơn) được chia thành 4 gói thầu xây lắp, với tổng giá trị xây lắp là 87,17 tỷ đồng; trong đó, gói thầu khởi công sớm nhất từ 08/5/2024 và gói thầu khởi công muộn nhất từ 07/6/2024. Ngay sau khi khởi công, Ban Quản lý dự án đã yêu cầu các đơn vị thi công tập trung nhân lực, vật tư, máy móc đẩy nhanh tiến độ thi công ngay từ sau khi khởi công, đảm bảo hoàn thành giải ngân kế hoạch vốn được giao. Tuy nhiên, do thời gian thi công trong mùa mưa và lũ ở miền núi (từ tháng 7 đến cuối tháng 9); vùng thượng nguồn mưa nhiều cùng với xả lũ của các nhà máy thủy điện làm mực nước trên sông dâng cao, có nhiều thời điểm vượt cao trình đỉnh đê quây, khiến nhà thầu không thể triển khai thi công. Trong thời gian mưa lũ, nhà thầu phải tập trung thi công và hoàn thiện tại các vị trí xung yếu, không thể thi công dàn trải để đảm bảo an toàn khi lũ về. Thậm chí, do có nhiều vị trí dễ sạt lở khi mưa lớn và thuỷ điện xả lũ, nên từ giữa tháng 8/2024 đến nay, nhà thầu thuộc gói thầu 05A chủ yếu gia cố các điểm sạt lở.
Cùng với yếu tố thời tiết, Giám đốc Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn Nghệ An còn cho biết thêm: Hầu hết tuyến kè thi công sát phạm vi nhà dân và một số công trình, hố móng phải đào sâu mở rộng, tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro sạt lở; nên quá trình thi công phải triển khai thêm các phương án xử lý, đảm bảo an toàn, như gia cố bờ sông bị xói lở, di dời trạm điện cung cấp cho VNPT, Bưu điện…
Với tính chất cấp bách của dự án và quy định nghiêm ngặt về sử dụng nguồn vốn đầu tư công, đồng thời nhận thức được những khó khăn trong quá trình thực hiện dự án, với tinh thần và quyết tâm cao nhất hoàn thành dự án đúng tiến độ, Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn Nghệ An đang tiếp tục chỉ đạo các nhà thầu lập kế hoạch thi công cụ thể, chi tiết đối với từng hạng mục công trình; bố trí phương án cung ứng vật tư đầy đủ đảm bảo không bị gián đoạn về vấn đề cung ứng vật tư trong quá trình thi công; đồng thời tăng cường thêm máy móc thiết bị, bổ sung thêm các mũi thi công để dồn toàn lực tăng cường làm ca, kíp triển khai thi công ngay sau khi mùa mưa lũ kết thúc vào cuối tháng 10 nhằm đảm bảo tiến độ thi công dự án. Trong trường hợp bất khả kháng do các nguyên nhân khách quan làm chậm tiến độ của dự án, tiếp tục kiến nghị các cấp xem xét gia hạn thêm thời gian thực hiện của dự án để hoàn thành mục tiêu dự án đề ra./.