Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân không có điều khoản giải thích, quy định về hoạt động này. Luật Tổ chức chính quyền địa phương chỉ đề cập rất ít tại các quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Ban và hoạt động thẩm tra dự thảo nghị quyết, báo cáo, đề án của Ban. Đó là: "Để chuẩn bị cho việc thẩm tra, Ban của Hội đồng nhân dân khảo sát tình hình thực tế tại địa phương về những nội dung liên quan đến dự thảo nghị quyết, báo cáo, đề án"; Ban "tổ chức khảo sát tình hình thực hiện các quy định của pháp luật về lĩnh vực phụ trách do Hội đồng nhân dân hoặc Thường trực Hội đồng nhân dân phân công". Mặc dù không được quy định chi tiết nhưng trên thực tế hoạt động khảo sát rất cần thiết và đã được Hội đồng nhân dân tỉnh tiến hành thường xuyên.

bna__mai_hoa_91049213_142022.jpg
Thường trực HĐND tỉnh khảo sát 4 dự án chậm tiến độ tại thành phố Vinh

Xét về ngữ nghĩa, đối tượng, mục tiêu của hoạt động, khảo sát khác với giám sát. Giám sát là việc chủ thể giám sát theo dõi, xem xét, đánh giá hoạt động của cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát trong việc tuân theo Hiến pháp và pháp luật về việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình, xử lý theo thẩm quyền hoặc yêu cầu, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý. Như vậy, đối tượng của giám sát là hoạt động của cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát và qua giám sát để đánh giá kết quả được, chưa được trong thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của các chủ thể này. Còn khảo sát là để nắm bắt thông tin, tình hình thực tế về một vấn đề cụ thể, dĩ nhiên, trong quá trình đó sẽ toát lên việc thực hiện vai trò, trách nhiệm của chủ thể liên quan. Điểm giao nhau, tương đồng của hai hoạt động này là sự theo dõi, xem xét đối tượng, khách thể của chủ thể - các cơ quan, đại biểu Hội đồng nhân dân.

1-1-%5B1%5D.jpg
Thường trực HĐND tỉnh khảo sát cơ sở vật chất dôi dư sau sáp nhập

Từ thực tiễn tổ chức thực hiện hoạt động khảo sát trong thời gian qua của Hội đồng nhân dân tỉnh có thể phân loại các hoạt động khảo sát theo mục đích, đối tượng. Khảo sát vấn đề đang "nóng", đang nổi lên qua kiến nghị của cử tri, dư luận xã hội. Đây là các vấn đề đòi hỏi phải được nắm bắt, tìm hiểu để giải quyết hoặc có hướng giải quyết ngay, kịp thời. Trong trường hợp này, dữ liệu thu thập được sẽ làm cơ sở để Hội đồng nhân dân, Thường trực Hội đồng nhân dân quyết định tổ chức việc chất vấn, giải trình. Khảo sát cũng có thể tiến hành trước, trong quá trình giám sát một chuyên đề cụ thể hoặc làm tiền đề cho việc quyết định giám sát sau này. Bên cạnh đó, hoạt động khảo sát còn để phục vụ cho công tác xây dựng, ban hành nghị quyết. Đó là việc xem xét các quan hệ xã hội cần phải được điều chỉnh, quy định bằng nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh hoặc đánh giá việc thực hiện các nghị quyết đã ban hành để sửa đổi, bổ sung, thay thế cho phù hợp yêu cầu, đòi hỏi của thực tiễn. Như vậy, có thể thấy khảo sát đóng vai trò quan trọng đối với các hoạt động của Hội đồng nhân dân và các cơ quan của Hội đồng nhân dân.

Chỉ tính riêng trong 6 tháng đầu năm 2022, Thường trực và các Ban của Hội đồng nhân dân tỉnh đã thực hiện khá nhiều cuộc khảo sát. Ban Văn hóa - Xã hội khảo sát về những bất cập trong việc thực hiện các chính sách cho giáo viên mầm non; Ban Dân tộc khảo sát việc thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020 vùng đồng bào dân tộc thiểu số; Ban Pháp chế khảo sát việc thực hiện các quy định của pháp luật về đảm bảo trật tự an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh. Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh khảo sát tại Khu Kinh tế Đông Nam, các doanh nghiệp khi triển khai giám sát công tác đào tạo và phát triển nguồn nhân lực trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2015 - 2020; khảo sát trực tiếp tại các xóm, khối, trụ sở xã trước khi tổ chức phiên giải trình về công tác quản lý và sử dụng tài sản công sau sáp nhập địa giới hành chính và các đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn tỉnh; làm việc với các sở, ngành, đơn vị chuẩn bị cho phiên chất vấn tại kỳ họp thứ 7 của Hội đồng nhân dân tỉnh. Ngoài ra, một số tổ đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh đã tiến hành các cuộc khảo sát trong các đợt tiếp xúc cử tri (như về thực trạng cơ sở hạ tầng bị xuống cấp trên địa bàn, các điểm bị ô nhiễm môi trường v.v...).

tduong22.jpg
Ban Dân tộc HĐND tỉnh khảo sát việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Các cuộc khảo sát đã giúp cho cơ quan của Hội đồng nhân dân tỉnh, đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh nắm bắt thấu đáo, nhìn nhận vấn đề một cách đa chiều. Từ đó, việc đánh giá tình hình và đề ra phương hướng, giải pháp trong thời gian tới cũng như quyết định các cơ chế, chính sách có tính khả thi, đáp ứng yêu cầu thực tiễn, được cử tri, dư luận đồng tình, đánh giá cao, thúc đẩy sự phát triển và đảm bảo an sinh xã hội. Như qua khảo sát, Ban Văn hóa - Xã hội đã có cơ sở thực tiễn, thẩm tra và trình Hội đồng nhân dân tỉnh trích ngân sách tỉnh hỗ trợ một lần và hỗ trợ 100% kinh phí để chi trả các chế độ, chính sách (như viên chức) cho hơn 1.500 giáo viên mầm non đã ký hợp đồng lao động theo quy định tại Nghị định số 06/2018/NĐ-CP ngày 05/01/2018 của Chính phủ và Thông tư liên tịch số 09/2013/TTLT-BGDĐT-BTC-BNV ngày 11/3/2013 của Bộ Giáo dục và Đào tạo - Bộ Tài chính - Bộ Nội vụ; Ban Dân tộc có nhiều ý kiến thẩm tra cụ thể để Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025 triển khai hiệu quả trên địa bàn tỉnh.

Từ thực tiễn quản lý, sử dụng tài sản công sau sáp nhập địa giới hành chính và các đơn vị sự nghiệp công lập, kết luận phiên giải trình, Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh đã yêu cầu đẩy nhanh tiến độ sắp xếp, xử lý; theo đó, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành kế hoạch, đề ra mục tiêu đến ngày 31/12/2022 hoàn thành 100% việc phê duyệt phương án sắp xếp và thực hiện phương án sắp xếp trước ngày 30/6/2023. Tình hình, kết quả triển khai Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/01/2022 của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và công tác an sinh xã hội; thực trạng công tác lập, quản lý quy hoạch xây dựng và quản lý trật tự xây dựng gắn với trách nhiệm của ngành, địa phương cũng đã được thẳng thắn phân tích tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 7 vừa qua của Hội đồng nhân dân tỉnh. Qua đó, nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới để phát huy kết quả, khắc phục tồn tại, hạn chế đã được xác định rõ.

Để hoạt động khảo sát tiếp tục là công cụ đắc lực trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ của cơ quan, đại biểu dân cử thì trước khi tiến hành cần xây dựng kế hoạch cụ thể giúp cho việc nắm bắt thông tin vừa mang tính toàn diện vừa trọng tâm, trọng điểm. Vì có nét giao thoa, tương đồng và hỗ trợ hoạt động giám sát nên khảo sát cũng cần bám các nguyên tắc của hoạt động giám sát, đó là: tuân thủ Hiến pháp và pháp luật; bảo đảm khách quan, công khai, minh bạch, hiệu quả; không làm cản trở đến hoạt động bình thường của cơ quan, tổ chức, cá nhân được khảo sát. Về phương pháp tiến hành, cần tăng cường tiếp cận hiện trường; lấy ý kiến người dân, tổ chức liên quan, cán bộ cơ sở (trực tiếp hoặc bằng phiếu điều tra) mà không chỉ là hình thức hội nghị, làm việc. Về nội dung, cần mở rộng hơn, tập trung đi sâu các ý kiến, kiến nghị của cử tri; đơn thư khiếu nại, tố cáo, phản ánh của công dân góp phần nâng cao tỷ lệ giải quyết, hạn chế tình trạng đơn thư, kiến nghị kéo dài./.

Nguyễn Thị Anh Hoa

Phó Chánh Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh