Cứ vào dịp tháng 12, mỗi khi kể lại những câu chuyện Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm quê cho du khách, tôi luôn có cảm giác như mình đang được sống trong không gian đó, được đón Bác Hồ, được nghe Người kể về những kỷ niệm tuổi ấu thơ; lắng nghe những lời khen, lời động viên, lời dặn dò, cũng như sự phê bình tế nhị của Bác… Tôi như nhìn thấy hình bóng của Bác ở đây, trong mỗi gốc cây, ngọn cỏ, mỗi nếp nhà đơn sơ… vô cùng ấm áp, hạnh phúc!
Bác Hồ về thăm Hoàng Trù quê ngoại năm 1961. Ảnh: Tư liệu
Sáng ngày 9/12/1961, lần thứ hai quê hương Kim Liên được đón Bác Hồ về thăm. Vẻ rạng ngời và hồi hộp của người dân cũng không khác lần đầu tiên được đón Bác về thăm quê (6/1957). Ai ai cũng háo hức và mong được nhìn thấy Bác. Lần này, Bác đã về thăm quê ngoại Hoàng Trù trước. Trong nếp nhà tranh khiêm nhường dựng trong khu vườn cụ Hoàng Xuân Đường - ông ngoại Bác là nơi cậu bé Nguyễn Sinh Cung cất tiếng khóc chào đời. Nơi đó, ghi dấu biết bao kỷ niệm của Bác với ông bà ngoại, với cha mẹ và dì An.
Cụ thân sinh Bác – ông Nguyễn Sinh Sắc mồ côi bố mẹ từ lúc lên 4 tuổi, được cụ Hoàng Đường thương yêu nhận về nuôi và cho ăn học, khi trưởng thành lại gả con gái Hoàng Thị Loan. Chính cụ Hoàng Đường và vợ là những người đã chăm sóc, ươm trồng tài năng cho Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc và cũng những là người gạt bỏ mọi lễ giáo đương thời để xe duyên kết tóc một mối lương duyên mà kết quả của mối tình đó đã góp phần thay đổi vận mệnh của một dân tộc. Gia đình ông Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc và bà Hoàng Thị Loan sống ở mảnh đất này hơn 12 năm, còn cậu bé Nguyễn Sinh Cung gắn bó từ lúc lọt lòng đến năm lúc 5 tuổi.
Chủ tịch Hồ Chí Minh trò chuyện với nhân dân xã Nam Liên (Nam Đàn). Ảnh: Tư liệu
Khi về thăm quê ngoại, Bác vào thắp hương cho ông bà tổ tiên bên ngoại tại nhà thờ chi nhánh dòng họ Hoàng Xuân. Lúc này thấy tế khí bàn thờ nguyên vẹn song ngôi nhà khang trang hơn. Bác hỏi: “Nhà thờ này được xây tường, lợp ngói từ bao giờ vậy?”. Nhà thờ do ông ngoại Bác dựng nên, ban đầu chỉ là mái tranh và thưng phên nứa. Vào những năm 1930, bà con trong họ đã xây tường và lợp ngói. Bước ra thềm, ngày đó Bác ngạc nhiên khi thấy cây mít của ông bà ngoại vẫn còn, Bác nói: “Cây mít của ngoại vẫn còn đây à, cây này ngày trước quả sai, nhiều múi nhưng rất ngọt …”. Có lẽ giây phút xúc động nhất, Bác trở về thăm ngôi nhà tranh 3 gian bé nhỏ của gia đình mình. Nhẹ nhàng bước chân vào thăm, kỷ vật dường như vẫn nguyên vẹn nhưng người thân trong gia đình không còn ai nữa. Bác mân mê từng kỷ vật của gia đình. Từ chiếc khung cửi mẹ Bác hằng đêm dệt vải; chiếc giường nhỏ nơi anh chị em Bác lần lượt cất tiếng khóc chào đời; chiếc võng nơi mẹ ru các anh em Bác ngủ. Bác lặng người trước chiếc rương gỗ, món quà “hồi môn” mà bà ngoại đã tặng mẹ Bác lúc ra ở riêng. Bàn tay của cụ già 71 tuổi cứ mân mê như muốn tìm lại những ký ức tuổi thơ của mình. Xúc động, quay sang Bác nói với bà con đi cùng: “Các cô, các chú thật khéo giữ. Chiếc rương gỗ ngày xưa của mẹ vẫn còn”. Ngày ấy, những gì mẹ tần tảo bao đêm để dệt lên những tấm vải mượt mà, mẹ thường cất ngăn nắp vào trong đó. Những bước chân chập chững đầu tiên của Bác cũng thường được men theo chiếc rương gỗ để tập đi.
Trong ngôi nhà xưa ở làng Kim Liên, Bác Hồ xúc động bồi hồi nhớ lại những kỷ niệm ngày còn thơ ấu. Ảnh: Tư liệu
Sau khi thăm những kỷ vật thân thương trong ngôi nhà, Bác ra trước thềm nhà nói chuyện cùng bà con lối xóm. Giây phút thật xúc động khi Bác gặp lại cụ Nguyễn Thuyên, người bạn thân thiết đã cùng thả diều, câu cá thuở ấu thơ. Ôm vai cụ Nguyễn Thuyên rồi hóm hỉnh sờ lên vành tai mình, Bác hỏi: "Ông bạn già, ông còn nhớ tôi không? Vết sẹo ngày xưa mà nay vẫn còn". Cụ Thuyên nhớ ngay ra câu chuyện xưa. Trong một lần hai người rủ nhau ra câu cá ở ao ông Tùa, thấy phao động ông Thuyên giật mạnh thật không may lưỡi câu ngoắc vào tai Bác chảy máu. Ông Thuyên sợ cuống cuồng nhưng Bác vẫn bình tĩnh gỡ lưỡi câu ra rồi tìm lá niệt ở bờ ao rịt cho cầm máu.Vết thương nhỏ nhưng để lại sẹo. Bác sờ lỗ tai mình nhắc lại kỉ niệm xưa, cả hai người rưng rưng cảm động.
Tạm biệt Hoàng Trù thân thương, Bác về thăm Làng Sen rồi ra sân vận động nói chuyện với bà con trong xã. Bác khen Kim Liên có nhiều tiến bộ: “Lần trước Bác về, "đèn nhà ai rạng nhà nấy", "niêu nhà ai, nhà nấy dùng", làm ăn lẻ tẻ. Nay làng đã tổ chức Hợp tác xã, đồng bào cùng nhau đoàn kết, luôn luôn giúp đỡ nhau. Đó là một thay đổi lớn. Lần trước Bác về, chưa có mấy cái trường này (trường cấp 2 xây gạch lợp ngói cạnh sân vận động), mà nay đã có cho các cháu trong làng và các xóm làng xung quanh đến học, thành một trung tâm nho nhỏ về văn hóa. Thế là văn hóa tiến bộ. Sự có mặt của các chú bộ đội, dân quân tự vệ, hàng ngũ chỉnh tề ở đây, cũng chứng tỏ lực lượng quốc phòng của ta tiến bộ”.
Du khách trong nước và quốc tế về thăm quê Bác. Ảnh tư liệu: Cảnh Hùng - PV
Thăm quê lần này, Bác dặn dò đồng bào phải xây dựng Hợp tác xã cho tốt, nêu cao tinh thần làm chủ: Làm chủ xóm làng, làm chủ Hợp tác xã, làm chủ đất nước. Mỗi người coi công việc Hợp tác xã như công việc của mình và có trách nhiệm làm cho dân giàu, nước mạnh, quốc phòng vững mạnh. Phải giúp đỡ những nhà neo đơn, những ông cụ, bà cụ kém sức khỏe. Trong việc duy trì trật tự trị an, Bộ đội, Công an, Dân quân tự vệ phải dựa vào dân, dân phải hết sức giúp đỡ và luôn đề cao cảnh giác.
Những câu chuyện khép lại nhưng những cảm xúc vẫn vẹn nguyên, sự ngưỡng mộ về một người con của quê hương cả cuộc đời hy sinh cho độc tập tự do của tổ quốc, hạnh phúc của nhân dân, chỉ dành một ít thời gian ngắn ngủi cho gia đình, cho quê hương.
Tròn 60 năm kể mùa Đông năm 1961, đây là lần thứ 2 Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm quê hương cũng là lần cuối cùng quê hương đón Bác, nhưng những hình ảnh, dấu ấn, tình cảm và lời dặn dò của Người vẫn luôn in đậm trong trái tim của người dân Kim Liên, là động lực để Đảng bộ, nhân dân Kim Liên quyết tâm xây dựng xã nhà thành xã nông thôn mới kiểu mẫu của huyện Nam Đàn như Bác hằng mong muốn. Và với cá nhân tôi, tôi thấy mình may mắn vô cùng.
Một góc Làng Sen, xã Kim Liên, huyện Nam Đàn. Ảnh: Sách Nguyễn
(Khu Di tích quốc gia đặc biệt Kim Liên)