khac-phuc-tinh-trang-dan-can-chinh-sach-co-tien-ma-khong-tieu-duoc--n1.jpg

Quang cảnh cuộc làm việc. Ảnh: MH

Sáng 14/6, tổ công tác của Đoàn giám sát Quốc hội đã có cuộc làm việc với UBND tỉnh và các sở, ban, ngành cấp tỉnh liên quan việc thực hiện ba chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững và phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn tỉnh.

Tổ công tác của Quốc hội do đồng chí Trần Thị Thanh Lam - Uỷ viên Thường trực Uỷ ban xã hội của Quốc hội, tổ trưởng tổ công tác làm trưởng đoàn.

Cùng tham gia tổ công tác có các đồng chí: Cao Thị Xuân - Phó Chủ tịch Hội đồng dân tộc của Quốc hội; Thái Thị An Chung - Uỷ viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; đại diện Thường trực HĐND tỉnh.

Trực tiếp làm việc tổ công tác, về phía UBND tỉnh do đồng chí Bùi Đình Long - Uỷ viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban chỉ đạo cấp tỉnh về thực hiện ba chương trình mục tiêu quốc gia; lãnh đạo các sở, ban, ngành cấp tỉnh.

bna-mh15-7088.jpg

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bùi Đình Long báo cáo với tổ công tác về kết quả và một số khó khăn, vướng mắc đặt ra trong quá trình triển khai thực hiện ba chương trình mục tiêu quốc gia. Ảnh: MH

PHÂN BỔ 100% NGUỒN VỐN

Theo báo cáo của UBND tỉnh, triển khai các nghị quyết của Quốc hội về ba chương trình mục tiêu quốc gia là xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi, từ tỉnh đến cấp huyện đều thành lập ban chỉ đạo và cấp xã thành lập ban quản lý theo quy định.

Trên cơ sở các nghị quyết Quốc hội và văn bản, quy định của Trung ương, cộng với thực tiễn địa phương, UBND tỉnh đã tham mưu Tỉnh uỷ, HĐND tỉnh ban hành các chủ trương, nghị quyết; đồng thời chủ động ban hành nhiều quyết định, kế hoạch, hướng dẫn tổ chức thực hiện.

bna-mh1-7203.jpg
Đồng chí Cao Thị Xuân - Phó Chủ tịch Hội đồng dân tộc của Quốc hội quan tâm mô hình tổ chức thực hiện ba chương trình. Ảnh: MH

Công tác phân bổ nguồn vốn ngân sách được thực hiện bài bản, đúng theo quy định và đạt 100% kế hoạch Chính phủ giao với hơn 4.931 tỷ đồng (trừ nguồn bổ sung đang chờ trình HĐND tỉnh thông qua tại kỳ họp tới).

Bên cạnh nguồn vốn Trung ương, tỉnh cũng tích cực bố trí nguồn vốn đối ứng từ ngân sách địa phương (riêng chương trình xây dựng nông thôn mới trong 2 năm 2022 - 2023 hơn 1.648 tỷ đồng) và huy động nguồn lực xã hội hoá từ doanh nghiệp, cộng đồng dân cư tham gia thực hiện ba chương trình mục tiêu quốc gia.

bna-mh-516.jpg
Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Thị An Chung đề nghị UBND tỉnh và các sở, ngành liên quan làm rõ vướng mắc trong thực hiện Thông tư 12 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn liên quan đến hỗ trợ diện tích rừng đặc dụng. Ảnh: MH

Gắn với phân bổ vốn, công tác tuyên truyền, tập huấn, hướng dẫn triển khai cho đội ngũ cán bộ trực tiếp triển khai các chương trình được quan tâm, nhất là cấp huyện và cấp xã; nâng cao trách nhiệm của cộng đồng tham gia thực hiện các chương trình.

Thông qua thực hiện ba chương trình, cơ sở hạ tầng khu vực nông thôn, đặc biệt là vùng dân tộc thiểu số và miền núi có nhiều cải thiện, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế; lưu giữ, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hoá của dân tộc; cải thiện và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân.

bna-mh2-2020.jpg
Trưởng ban Dân tộc HĐND tỉnh Lô Thị Kim Ngân đề nghị UBND tỉnh quan tâm bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, nhất là cấp cơ sở. Ảnh: MH

Kết quả thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, bên cạnh phát triển theo chiều rộng thì ngày càng có chiều sâu, thực chất thông qua đẩy mạnh thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, khu vực nông thôn; phát triển các hợp tác xã, tổ hợp tác sản xuất, các mô hình sinh kế bền vững, các sản phẩm OCOP với 403 sản phẩm; chăm lo cải thiện môi trường sống khu vực nông thôn…

Toàn tỉnh hiện có 309/411 xã đạt chuẩn nông thôn mới, đạt 75,18%; có 53 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; có 7 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới. Toàn tỉnh có 197 thôn, bản đạt chuẩn nông thôn mới. Tỉnh cũng đang tập trung chỉ đạo xây dựng huyện Nam Đàn trở thành huyện nông thôn kiểu mẫu.

Công tác giảm nghèo trên địa bàn tỉnh vừa đảm bảo nhanh và bền vững; mức giảm tỷ lệ hộ nghèo đạt 1-1,5% năm, đúng kế hoạch Trung ương giao.

Công tác phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi được các cấp trong tỉnh ưu tiên tập trung chỉ đạo, tạo điều kiện rút ngắn khoảng cách về điều kiện và mức sống vùng dân tộc thiểu số và miền núi với vùng đồng bằng.

bna-mh3-2289.jpg
Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Phan Văn Hoan giải trình làm rõ lý do chưa phân bổ nguồn vốn Trung ương bổ sung. Ảnh: MH

NHIỀU KHÓ KHĂN, VƯỚNG MẮC

Tại cuộc làm việc, lãnh đạo UBND tỉnh cùng một số sở, ban, ngành cũng phản ánh, làm rõ nhiều khó khăn, vướng mắc trong quá trình chỉ đạo triển khai, tổ chức thực hiện ba chương trình mục tiêu quốc gia. Nổi lên là tỷ lệ giải ngân, nhất là nguồn vốn sự nghiệp còn thấp mà nguyên nhân do hệ thống văn bản của các bộ, ngành Trung ương chưa bổ sung, điều chỉnh, hướng dẫn kịp thời, tạo cơ sở pháp lý cho địa phương thực hiện.

Chẳng hạn tiêu chí để xác định hộ thu nhập hay xác định một số nội dung hỗ trợ giáo dục định hướng, xuất khẩu lao động chưa có, dẫn đến chưa có đối tượng để giải ngân. Điều này dẫn đến, người dân rất cần chính sách, trong khi có tiền mà không tiêu được.

bna-mh17-62.jpg

Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội giải trình làm rõ một số vấn đề về giảm nghèo. Ảnh: MH

Một số quy định yêu cầu địa phương ban hành trong khi không có các văn bản hướng dẫn và thực tế địa phương chưa có tiền lệ triển khai thực hiện. Như cơ chế quay vòng một phần vốn hỗ trợ bằng tiền hoặc hiện vật để luân chuyển trong cộng đồng; cơ chế lồng ghép nguồn vốn giữa các chương trình mục tiêu quốc gia, giữa các chương trình mục tiêu quốc gia và các chương trình, dự án khác trên địa bàn.

Bên cạnh đó, theo chia sẻ của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bùi Đình Long, tỉnh Nghệ An xác định, các chương trình mục tiêu quốc gia và nguồn lực đầu tư từ các chương trình nguồn lực quan trọng, đặc biệt nguồn lực tập trung cho các địa bàn khó khăn của tỉnh, nếu triển khai tốt sẽ thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh cũng như từng địa phương.

Tuy nhiên, hiện nay, hệ thống văn bản nghị định, thông tư, hướng dẫn của Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương để áp dụng triển khai quá nhiều; thậm chí có một số nội dung chưa có cơ sở pháp lý để triển khai thực hiện.

bna-mh16-884.jpg

Trưởng ban Dân tộc tỉnh Vi Văn Sơn giải trình một số vấn đề liên quan đến chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc và miền núi mà tổ công tác quan tâm. Ảnh: MH

Cùng với cái chung, với Nghệ An được xem là tỉnh miền núi có huyện đồng bằng với hơn 83% diện tích và có 11 huyện, thị xã miền núi và vùng đồng bào dân tộc; điều kiện kinh tế - xã hội cũng như mức sống của người dân còn nhiều khó khăn, việc huy động sự tham gia của người dân vào các chương trình từ tiền, hiện vật, ngày công hạn chế.

Mặt khác, trình độ, năng lực quản lý, chỉ đạo, điều hành, triển khai thực hiện các chương trình, dự án của đội ngũ cán bộ, nhất là cơ sở có những hạn chế nhất định. Việc bố trí nguồn vốn đối ứng thực hiện các dự án, nhất là các huyện, xã vùng dân tộc thiểu số vô cùng khó khăn...

bna-mh18-3791.jpg
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hồ Phi Triều giải trình làm rõ một số vấn đề tổ công tác quan tâm. Ảnh: MH

Từ thực tiễn đặt ra, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị tổ công tác kiến nghị với Quốc hội đề xuất với Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành Trung ương xây dựng quy trình, cách thức triển khai thực hiện các chương trình một cách cụ thể trên cơ sở tích hợp các nghị định, thông tư, hướng dẫn, tạo thuận lợi cho các cấp ở địa phương.

Đồng chí Bùi Đình Long cũng trả lời một số vấn đề mà tổ công tác đặt ra liên quan đến mô hình tổ chức bộ máy thực hiện các chương trình; công tác tập huấn, hướng dẫn cho cán bộ các cấp triển khai thực hiện các chương trình; công tác kiểm tra, giám sát để kịp thời tháo gỡ vướng mắc trong thực tiễn, đồng thời chấn chỉnh các sai phạm (nếu có)…

NÂNG CAO TRÁCH NHIỆM CỦA CÁN BỘ

Tại cuộc làm việc, thay mặt tổ công tác, đồng chí Trần Thị Thanh Lam - Uỷ viên Thường trực Uỷ ban xã hội của Quốc hội đánh giá cao sự bài bản, kịp thời và nỗ lực của tỉnh Nghệ An trong triển khai thực hiện ba chương trình mục tiêu quốc gia và kết quả đạt được khá tốt.

bna-mh9-5048.jpg
Uỷ viên Thường trực Uỷ ban xã hội của Quốc hội Trần Thị Thanh Lam - Tổ trưởng tổ công tác đề nghị tỉnh rà soát các mục tiêu của ba chương trình để có giải pháp chỉ đạo quyết liệt hơn. Ảnh: MH

Trưởng đoàn công tác cũng đề xuất tỉnh rà soát các mục tiêu giai đoạn 2021 - 2025 ở cả ba chương trình để đốc thúc chỉ đạo, gắn với đổi mới, triển khai các giải pháp quản lý nhằm hoàn thành mục tiêu đề ra, trong đó ưu tiên các mục tiêu cấp bách liên quan những vấn đề thiết yếu đời sống của người dân.

Quan tâm nâng cao trách nhiệm của các thành viên ban chỉ đạo các cấp; các chủ chương trình, dự án và trách nhiệm của cán bộ triển khai thực hiện ba chương trình, nhất là cấp cơ sở.

Tỉnh cũng cần chú trọng công tác kiểm tra, thanh tra; chủ động tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, và kịp thời kiến nghị, đề xuất Trung ương những vấn đề vượt thẩm quyền./.

Mai Hoa