Đồng bào hai bên vẫn giữ mối quan hệ anh em đồng tộc, chia sẻ và hỗ trợ lẫn nhau, thăm hỏi và giúp đỡ nhau khi có cơ hội.
Miền Tây Nghệ An còn là vùng trung chuyển của các dãy núi cao từ phía Bắc đi vào gặp gỡ với các dãy núi thuộc dải Trường Sơn, là vùng đa dạng về tự nhiên và văn hóa. Các luồng di cư của các cộng đồng tộc ít người ở Bắc vào Nam đều qua đây và nhiều trong đó các nhóm di cư đó đã lựa chọn ở lại khu vực này sinh sống. Đây cũng là vùng cư trú có nhiều mối liên hệ với vùng miền núi phía Tây Thanh Hóa hay vùng núi các tỉnh khác như Hà Tĩnh và xa hơn là Quảng Bình, Quảng Trị. Các cộng đồng tộc người ở miền Tây Nghệ An cũng có quan hệ với các nhóm tộc người trong khu vực, là thêm một tiền đề quan trọng để liên kết phát triển vùng.Không chỉ có nhiều thuận lợi trong liên kết liên quốc gia, liên vùng, mà trong tỉnh, vùng miền núi phía Tây cũng có quan hệ chặt chẽ với nhau và quan hệ gắn kết với các vùng miền xuôi. Nguồn vốn tự nhiên và vốn văn hóa vùng miền Tây Nghệ An rất đa dạng. Hệ sinh thái tự nhiên có độ đa dạng sinh học cao, được coi là khu sinh quyển quan trọng. Bên cạnh đó, là sự đa dạng và phong phú về văn hóa cộng đồng. Có nhiều dân tộc cùng sinh sống với những nét đặc trưng văn hóa riêng. Ngay trong các dân tộc cũng có nhiều nhóm, nhiều ngành, với những nét đẹp văn hóa riêng giữa những giá trị chung. Văn hóa cộng đồng tạo thành một bức tranh đa thanh sắc, là một nguồn lực quan trọng trong quá trình phát triển.
Mối quan hệ giữa miền núi và miền xuôi cũng ngày càng được thắt chặt nhờ giao thông vận tải ngày càng phát triển hiện đại hơn. Dòng di cư giữa miền núi và miền xuôi làm cho nhân tố con người gắn kết với nhau. Hàng vạn thanh niên từ miền núi xuống làm việc ở các đô thị miền xuôi luôn giữ quan hệ tốt đẹp với nơi làm việc cũng như quê hương, là cầu nối của miền núi và miền xuôi, là nhân tố quan trọng để tái đầu tư phát triển miền núi cũng như lan tỏa các giá trị văn hóa của các cộng đồng miền núi xuống các đô thị ở miền xuôi.Cùng với dòng chảy dân cư là các dòng chảy thương mại và các chuỗi hàng hóa liên tục giữa miền núi và miền xuôi. Các dòng lâm sản, nông sản, đặc sản và nhiều sản phẩm văn hóa đặc sắc của các cộng đồng miền núi đã xuất hiện và ngày càng chiếm lĩnh thị trường ở miền xuôi. Ngược lại, các dòng hàng hóa của xã hội hiện đại từ các đô thị cũng ào ạt lên miền núi giúp bà con tiếp cận với cuộc sống hiện đại nhiều hơn.
Miền Tây Nghệ An có vị trí địa lý thuận lợi, nên việc liên kết các không gian phát triển là điều cần thiết. Trước tiên là liên kết không gian ở phạm vi liên quốc gia, mà cụ thể là liên kết với nước bạn Lào cùng chung biên giới. Việt Nam và Lào luôn giữ được mối quan hệ bang giao tốt đẹp, là điều kiện thuận lợi để các địa phương hai nước thúc đẩy các mối quan hệ hợp tác phát triển. Với chiều dài đường biên giới lên đến 419 km, Nghệ An là tỉnh có đường biên giới với Lào dài nhất của Việt Nam.Nghệ An tiếp giáp với 3 tỉnh của Lào gồm Hủa Phăn, Xiêng Khoảng và Bôlykhămxay. Phía Nghệ An có 6 huyện có đường biên giới với Lào là các huyện Thanh Chương, Anh Sơn, Con Cuông, Tương Dương, Kỳ Sơn, Quế Phong. Thực tế, Nghệ An và các tỉnh giáp biên giới thuộc nước bạn Lào cũng có những mối quan hệ hợp tác với nhau trong nhiều năm qua. Ở cấp huyện thì các huyện có chung biên giới cũng có những quan hệ hữu nghị, hợp tác để phát triển. Thậm chí tận cấp xã, bản có chung biên giới cũng xây dựng các mối quan hệ hợp tác với nhau. Như vậy, Nghệ An đã xây dựng được một hệ thống quan hệ từ cấp tỉnh, cấp huyện và quan hệ bản – bản với bên kia biên giới nước bạn Lào một cách tốt đẹp, là một nguồn lực để liên kết phát triển.
Nhưng, cũng phải nói rằng, các mối quan hệ giao lưu đó hiện nay vẫn ở quan hệ hữu nghị, chia sẻ và hỗ trợ nhau trong những điều kiện đặc thù là chính. Vấn đề là cần phải xây dựng các mối quan hệ liên kết phát triển kinh tế một cách cụ thể hơn giữa các địa phương trong các lĩnh vực quan trọng, từ nông, lâm nghiệp, thủ công nghiệp, thương nghiệp; đặc biệt, cùng nhau hợp tác phát triển kinh tế vùng biên, vốn là một thế mạnh chưa được khai thác ở các vùng có chung cửa khẩu. Nếu xây dựng được quan hệ liên kết phát triển kinh tế, thì có thể nói hai bên đã mở rộng được nguồn lực lên một tầm cao mới, vừa tạo động lực cho nhau phát triển, vừa tăng cường quan hệ hợp tác bảo vệ an ninh quốc gia một cách tích cực hơn.Mối liên kết phát triển thứ hai là mức độ cấp tỉnh giữa Nghệ An và các tỉnh khác trong vùng như Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị…. Đặc biệt là quan hệ với 2 tỉnh láng giềng Thanh Hóa và Hà Tĩnh. Miền Tây Thanh – Nghệ – Tĩnh là một vùng không gian rộng lớn và có quan hệ với nhau. Nhưng lâu nay, giữa các địa phương vẫn mới chỉ tạo ra được mối quan hệ trong khuôn khổ công tác đối ngoại là chính, quan hệ liên kết phát triển vẫn còn nhiều hạn chế. Hướng phát triển chung của các tỉnh chủ yếu theo hướng Tây – Đông, tức là tạo sự liên kết giữa miền núi và miền xuôi trong nội tỉnh là hướng chính, còn hướng Bắc – Nam giữa các vùng miền núi của các tỉnh với nhau lại chưa rõ… Trong bối cảnh hiện nay, để tăng tiềm lực thì cần có những liên kết phát triển mạnh mẽ hơn giữa vùng núi các địa phương, nhất là trong phát triển nông, lâm nghiệp, du lịch, tạo thành một vùng núi rộng lớn và năng động hơn, như các tỉnh Tây Bắc đã làm trong nhiều năm qua.
Cuối cùng, là liên kết phát triển trong nội bộ tỉnh nhà, trong đó, có hai cấp độ quan trọng. Trong đó, có vấn đề liên kết các địa phương ở miền núi phía Tây để phát triển. Xét cho cùng, miền núi phía Tây Nghệ An là một vùng văn hóa rộng lớn, nên việc phân chia hành chính chỉ mang tính chất tương đối. Để phát triển mạnh mẽ và bền vững thì cần tạo ra sự liên kết phát triển giữa các địa phương với nhau, từ cấp huyện đến cấp xã. Dù rằng, tỉnh đã có những chính sách định hướng phát triển chung và các địa phương đã quan tâm nhiều đến hợp tác phát triển với nhau, nhưng đó là quan điểm, là đường lối, còn sự liên kết phát triển cụ thể giữa các địa phương trong các lĩnh vực cũng vẫn còn hạn chế. Để liên kết phát triển thì cần lấy các mạng lưới thương mại, các chuỗi hàng hóa quan trọng làm mục tiêu và động lực để xây dựng mối liên kết chứ không chỉ bằng thái độ hay bằng diễn ngôn được. Mà để liên kết các mạng lưới thương mại và các chuỗi hàng hóa thì cần xác định mối quan hệ giữa các địa phương qua các chuỗi hàng hóa, các mạng lưới thương mại đó để xây dựng cơ sở liên kết và tạo sự đầu tư cần thiết.
Vấn đề nữa là liên kết phát triển giữa miền núi và miền xuôi. Đây là hướng đã được khai thác nhiều năm nay khi mà các dòng chảy hàng hóa hai chiều đã được phát triển mạnh mẽ trong những năm qua. Nhưng điều đó vẫn chưa tận dụng được hết các nguồn lực, các thế mạnh từ hai phía, nhất là sự chủ động liên kết giữa các chủ thể vẫn còn nhiều hạn chế, nên các mạng lưới liên kết còn chưa chặt chẽ. Cần tạo điều kiện để các doanh nghiệp, các cá thể hay nhóm ở các vùng liên kết với nhau phát triển, nhằm mở rộng nguồn lực và tạo động lực phát triển cho nhau.
Phát triển ngày nay không chỉ đơn thuần là câu chuyện của những chủ thể. Và phát triển miền Tây Nghệ An cũng không chỉ là chuyện của đồng bào các dân tộc thiểu số sinh sống ở đây, mà nó liên quan đến nhiều bên, nhiều phía, nhiều đối tượng khác nhau. Trong quá trình phát triển, cần liên kết nhiều “nhà” lại với nhau để cùng xây dựng các đề án và thực hiện các dự án phát triển. Đó chính là liên kết các nhà, như nhà quản lý – nhà nông nghiệp – nhà doanh nghiệp – nhà khoa học và cả các nhà hoạt động xã hội vào mục tiêu chung là phát triển.Trong đó, nhà quản lý tức là các cán bộ cơ quan Nhà nước, chịu trách nhiệm quản lý và hoạch định chính sách phát triển. Nhà quản lý giữ vai trò quyết định chính sách phát triển, nên là nhân tố mang tính định hướng cũng như kiểm soát quá trình phát triển và thay đổi khi cần thiết. Nhà nông chủ yếu là những người dân chủ thể sinh sống ở vùng miền núi phía Tây Nghệ An. Đó là những người Thái, Khơ Mú, Mông, Thổ, Ơ Đu, Kinh và các nhóm nhỏ khác. Họ là chủ thể, là mục tiêu và cũng là động lực của liên kết phát triển miền núi. Nhà nông ở miền Tây Nghệ An có nguồn vốn văn hóa đa dạng và phong phú, có nhiều sản phẩm truyền thống từ nông nghiệp, thủ công nghiệp đặc sắc và có mạng lưới xã hội cổ truyền mang bản sắc riêng. Nhưng họ gặp nhiều khó khăn trong quá trình phát triển do khó tiếp cận thông tin, tiếp cận thị trường và tiếp cận các nguồn lực. Vậy nên, sự liên kết là điều cần thiết để bổ sung vào các thiếu hụt của họ.
Nhà doanh nghiệp là đối tác và cũng là một chủ thể của quá trình phát triển. Nhà doanh nghiệp thường là đầu mối quan trọng liên kết nhà quản lý, nhà nông nghiệp và cả nhà khoa học lại với nhau để phát triển. Còn nhà khoa học là những người đi sâu nghiên cứu để đề xuất chính sách, giải pháp hay tăng cường sự liên kết giữa các bên liên quan. Nhà khoa học cần đi trước nghiên cứu để đề xuất, đi cùng nghiên cứu để đánh giá các dự án và đi sau nghiên cứu để tổng hợp, đúc rút kinh nghiệm và đề xuất thay đổi khi cần thiết.
Trước đây, liên kết “4 nhà” nói trên là điều cần thiết trong phát triển. Nhưng hiện nay, cần có thêm 1 “nhà” nữa là các nhà hoạt động xã hội. Vùng dân tộc thiểu số còn nghèo đói, tỷ lệ hộ nghèo còn cao, lại là vùng hay bị ảnh hưởng của thiên tai, nên cần có sự hỗ trợ, giúp đỡ của các nhà hoạt động xã hội. Chính họ là những người bổ trợ, giúp đỡ cho người dân bên cạnh các tổ chức chính trị, chính quyền địa phương. Và các nhà hoạt động xã hội cũng là nhân tố quan trọng trong liên kết phát triển, nhằm hạn chế những tác động tiêu cực của kinh tế thị trường đến đời sống đồng bào dân tộc thiểu số.Liên kết các chủ thể phát triển đã được thực hiện ở miền Tây Nghệ An. Như Tập đoàn TH đã liên kết chính quyền địa phương, người dân, chuyên gia kinh tế và nhiều doanh nghiệp để khai thác lợi thế về phát triển nông nghiệp ở miền núi Nghệ An là một ví dụ. Sự liên kết đó đưa lại nhiều việc làm và tăng thu nhập cho người dân, tạo ra một nguồn thu ngân sách lớn cho địa phương và cũng khai thác tốt hơn các nguồn lực tại chỗ của tỉnh nhà.
Hay ở tầm nhỏ hơn nhưng có nhiều giá trị gợi mở là các hoạt động của Trung tâm Điều phối du lịch miền Tây xứ Nghệ TNT đã làm trong mấy năm gần đây. Trung tâm này được thành lập để thực hiện liên kết phát triển du lịch và họ đã đạt được nhiều kết quả tích cực khi liên kết được các nhà quản lý, nhà doanh nghiệp, nhà khoa học và người dân địa phương để cùng nhau phát triển du lịch. Họ dựa vào thế mạnh cụ thể của từng địa phương để xây dựng những sản phẩm du lịch phù hợp và đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá, tạo ra các hoạt động du lịch, nhằm thu hút du khách và tăng thêm nguồn thu cho những bên liên quan. Khi các chủ thể cùng tham gia chủ động và tích cực thì kết quả được thể hiện trên nhiều phương diện chứ không chỉ là kinh tế.Tóm lại, miền Tây Nghệ An hiện nay vẫn còn là một “vùng đất hiếm” khi còn nhiều tiềm năng chưa được khai thác để phát triển. Nhưng trong quá trình khai phá các nguồn lực phát triển cần có những định hướng đúng đắn, và đặc biệt cần phải tạo được sự liên kết để phát triển. Liên kết lấy người dân bản địa là trung tâm hợp tác với các bên liên quan nhằm tìm kiếm lợi ích chung là một quá trình đào tạo, nâng cao năng lực phát triển, giúp người dân làm chủ cuộc sống tốt hơn và giúp Nhà nước quản lý xã hội tốt hơn, đảm bảo an ninh quốc gia và an ninh con người một cách tích cực hơn. Nó cũng tạo điều kiện để các địa phương, các bên liên quan gắn kết chặt chẽ với nhau trong quá trình phát triển. Đó là những giá trị vô cùng quan trọng và cũng là mong muốn của các thế hệ lãnh đạo và người dân Nghệ An trong nhiều năm qua./.