Từ kinh nghiệm thực tế, Thường trực HĐND huyện Yên Thành cho rằng: Để nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện các kiến nghị sau giám sát bên cạnh tăng cường sự lãnh đạo toàn diện của cấp ủy Đảng đối với hoạt động của HĐND, cần hướng về cơ sở, tiếp thu ý kiến, kiến nghị cử tri và những vấn đề qua thẩm tra của các Ban HĐND; tăng cường khảo sát thực tế của đại biểu HĐND...

Tái giám sát, đeo bám đến cùng

Thời gian qua, hoạt động giám sát của HĐND huyện Yên Thành có nhiều chuyển biến tích cực, nhất là sau khi có Luật Tổ chức chính quyền địa phương và Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND. Sau giám sát, Thường trực HĐND huyện phân công cụ thể Văn phòng HĐND - UBND, các Ban và đại biểu HĐND thường xuyên theo dõi các cơ quan chịu sự giám sát trong việc thực hiện các kiến nghị sau giám sát của Thường trực, các Ban HĐND huyện… Trong năm 2023 và 6 tháng đầu năm 2024, Thường trực, các Ban HĐND huyện đã tổ chức 12 cuộc giám sát chuyên đề, có 45 kiến nghị. Các cơ quan chịu sự giám sát và các cơ quan liên quan đã tiếp thu, thực hiện khá kịp thời, có 40 kiến nghị đã được giải quyết, đạt tỷ lệ 88,9%; 5 kiến nghị đang tiếp tục thực hiện do cần có thời gian.

Với hoạt động chất vấn, tại 2 kỳ họp thường lệ năm 2023 và kỳ họp thường lệ giữa năm 2024, HĐND huyện Yên Thành đã đưa ra 6 nhóm vấn đề và được các cơ quan liên quan giải trình làm rõ. Tại các kỳ họp, Thường trực HĐND huyện chỉ đạo Trung tâm Văn hóa, Thể thao và Truyền thông huyện xây dựng các phóng sự bằng hình ảnh để minh chứng cho nội dung chất vấn. Chủ tọa kỳ họp kết luận từng nhóm vấn đề và yêu cầu UBND, các ngành liên quan thực hiện, báo cáo tại kỳ họp tiếp theo. Cụ thể, trong năm 2023, có 4 kết luận chất vấn với 12 nội dung đã được thủ trưởng các cơ quan liên quan giải trình và thực hiện 10 nội dung (đạt 83%), còn 2 nội dung được tiếp thu và đang tiếp tục thực hiện.

hd3638334139272360586-2955.jpg
HĐND huyện Yên Thành giám sát việc thực hiện Đề án phát triển chăn nuôi hàng hóa giai đoạn 2021 - 2025. Ảnh: C. San

Để các kiến nghị sau giám sát và những nội dung kết luận chất vấn được thực hiện nghiêm túc, Thường trực HĐND huyện Yên Thành đã chia sẻ nhiều giải pháp, như: Đối với các kiến nghị sau giám sát, HĐND huyện phân công cụ thể Văn phòng HĐND, UBND hoặc các Ban HĐND và Tổ đại biểu HĐND huyện chịu trách nhiệm theo dõi, đôn đốc việc thực hiện. Thường trực HĐND phối hợp chặt chẽ với UBND, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ cùng cấp trong việc đôn đốc các cơ quan có liên quan thực hiện; đồng thời, phát huy vai trò giám sát tại các kỳ họp… Còn đối với những nội dung chậm được giải quyết, Thường trực HĐND huyện có thể đưa ra chất vấn tại kỳ họp hoặc tổ chức tái giám sát, tiếp tục kiến nghị và đeo bám đến cùng.

Trong trường hợp cơ quan chịu sự giám sát không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ các kiến nghị hợp lý của chủ thể giám sát, Thường trực HĐND huyện sẽ kiến nghị với cấp có thẩm quyền xem xét trách nhiệm của tập thể và cá nhân người đứng đầu của cơ quan đó… Những trường hợp chưa có sự thống nhất giữa các chủ thể quản lý, có tính chất phức tạp, liên quan đến vấn đề nhạy cảm, Thường trực HĐND huyện sẽ tranh thủ kịp thời sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng. Đây được xem là giải pháp quan trọng nhằm giúp cho HĐND huyện giám sát đạt hiệu quả cao.

Đối với những nội dung kết luận phiên chất vấn, Thường trực HĐND huyện phân công Văn phòng HĐND, UBND và đại biểu hoạt động chuyên trách của các Ban HĐND tổng hợp, theo dõi các cơ quan liên quan trong thực hiện lời hứa, cam kết sau chất vấn. Thường trực HĐND phối hợp với Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện theo dõi, giám sát việc thực hiện; đồng thời, phối hợp chặt chẽ với UBND huyện trong việc đôn đốc các cơ quan có liên quan thực hiện lời hứa, cam kết sau chất vấn… Khi cơ quan liên quan chậm thực hiện lời hứa, cam kết sau chất vấn, Thường trực HĐND có văn bản yêu cầu báo cáo HĐND kết quả thực hiện tại kỳ họp thường lệ tiếp theo… Trường hợp cá nhân liên quan không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ các cam kết sau chất vấn, Thường trực HĐND huyện kiến nghị với cấp có thẩm quyền để xem xét trách nhiệm của tập thể và cá nhân người đứng đầu của tập thể đó.

Chất vấn đến cùng vì mục đích xây dựng

Bên cạnh những kết quả đạt được, Thường trực HĐND huyện Yên Thành cũng thẳng thắn nhìn nhận: Cơ quan chịu sự giám sát còn chậm trong tổ chức thực hiện các kiến nghị sau giám sát; việc trả lời chất vấn của một số thủ trưởng cơ quan chức năng đôi lúc còn chung chung, chưa nhận rõ trách nhiệm của cá nhân, ngành mình, hoặc đùn đẩy trách nhiệm, đổ lỗi cho các yếu tố khách quan và chậm thực hiện lời hứa, cam kết sau chất vấn…

Từ kinh nghiệm thực tế, Thường trực HĐND huyện Yên Thành cho rằng: Để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của HĐND huyện nói chung và hiệu quả thực hiện các kiến nghị sau giám sát và chất vấn của HĐND nói riêng, bên cạnh tăng cường sự lãnh đạo toàn diện của cấp ủy Đảng đối với hoạt động của HĐND (về công tác quy hoạch, đào tạo, bố trí, sử dụng cán bộ làm công tác dân cử…), Thường trực HĐND huyện cũng tăng cường hướng về cơ sở, tiếp thu ý kiến, kiến nghị cử tri và những vấn đề các Ban HĐND thẩm tra; tăng cường hoạt động khảo sát thực tế của đại biểu HĐND. Đồng thời, nâng cao hiệu quả hoạt động của đại biểu, Thường trực và các Ban HĐND, nhất là trong hoạt động giám sát, thẩm tra giữa hai kỳ họp để phát hiện những vấn đề tồn tại, làm cơ sở đưa ra chất vấn tại kỳ họp.

Trong hoạt động giám sát chuyên đề, Thường trực HĐND huyện chọn nội dung có tính bức xúc, được đông đảo cử tri quan tâm; kết hợp giám sát qua văn bản với đi khảo sát thực tế… Còn đối với hoạt động chất vấn, phải nghiên cứu kỹ nội dung; phân tích, mổ xẻ vấn đề và phải chất vấn đến cùng vì mục đích xây dựng để thúc đẩy các cơ quan, tổ chức, cá nhân đề cao trách nhiệm, kịp thời phát hiện và tìm giải pháp khắc phục những khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện.

Cũng từ thực tế hoạt động, Thường trực HĐND huyện Yên Thành kiến nghị sửa đổi Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật để mở rộng thẩm quyền của HĐND cấp huyện trong thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình theo hướng: HĐND cấp huyện được ban hành nghị quyết quy phạm quy định cơ chế, chính sách phục vụ mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và phù hợp với điều kiện, tình hình thực tiễn của địa phương… Đồng thời, cần quy định việc thành lập Tổ đại biểu HĐND xã để phát huy tính chủ động, tích cực và bám địa bàn thôn, xóm của các đại biểu trong các hoạt động TXCT, lắng nghe những kiến nghị, phản ánh của người dân…

Q. Nga - C. San