Hiệu quả từ thực tiễn

Ở xã Minh Châu, huyện Diễn Châu, trên vùng đất đầm lầy cùng với một số diện tích làm lúa của người dân bỏ hoang do không hiệu quả, nay là cánh đồng sen trải dài. Chị Chu Thị Thơm, chủ nhân của cánh đồng sen cho biết: Từ chính sách hỗ trợ của tỉnh, chị mạnh dạn tích tụ, mở rộng thêm diện tích trồng sen với tổng hơn 6 ha, gắn với đầu tư thêm một số giống sen mới thị trường ưu chuộng. Hiện chị đang tiếp tục có kế hoạch đầu tư, chỉnh trang lại bờ vùng, bờ thửa, đường đi lối lại, tạo thuận lợi và giảm công sức thu hoạch; đồng thời nghiên cứu để chế biến các sản phẩm từ sen thay cho chỉ bán hạt sen tươi và ngó sen muối chua như hiện nay.

e0c71bcf93264c781537.jpg
Mô hình nuôi tôm công nghệ cao của ông Nguyễn Cường tại xã Diễn Trung, huyện Diễn Châu

Từ chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp của tỉnh ở giai đoạn trước với hơn 300 triệu đồng (năm 2019), Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Hùng Thành (xã Khánh Hợp, huyện Nghi Lộc) đã đầu tư xây dựng nhà lưới hàng tỷ đồng trồng các loại quả: nho sữa Hàn Quốc, dưa lưới, cà chua, cherry…. Mỗi năm doanh thu của hợp tác xã hơn 1 tỷ đồng; trong đó lãi hơn 400 triệu đồng/năm. Năm 2022 vừa qua, hợp tác xã tiếp tục được thụ hưởng chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp theo Nghị quyết số 18/2021/NQ-HĐND ngày 09/12/2021 của HĐND tỉnh về ban hành quy định một số chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2022 – 2025; và chính sách của huyện với tổng kinh phí 400 triệu đồng để tiếp tục đầu tư dự án nhà lưới thứ 2 có diện tích 4.000 m. Hiện trong diện tích nhà kính này, hợp tác xã đã xuống giống trồng nho sữa Hàn Quốc (dự kiến tháng 8/2023 thu hoạch) và dưa lưới (dự kiến tháng 6/2023 thu hoạch). Ông Trần Mạnh Hùng – Giám đốc Hợp tác xã chia sẻ: Sự hỗ trợ từ phía Nhà nước tạo động lực rất lớn cho những người làm nông nghiệp theo đuổi phương thức, cách thức sản xuất tiến tiến, hiện đại và hiệu quả.

Triển khai thực hiện Nghị quyết số 18/2021/NQ-HĐND của HĐND tỉnh, huyện Nghi Lộc đã hỗ trợ 5 mô hình nhà lưới; hỗ trợ quy trình sản xuất VietGap 2 mô hình trồng dưa lưới và cây ăn quả (cam, bưởi da xanh); tổng số tiền hỗ trợ gần 1 tỷ đồng. Đối với huyện Diễn Châu, Nghị quyết số 18/2021/NQ-HĐND của HĐND tỉnh được áp dụng ở nhiều mô hình và chính sách hỗ trợ hơn. Bao gồm 5 mô hình tích tụ ruộng đất lúa; 3 mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng công nghệ cao; hỗ trợ thành lập 2 hợp tác xã…; tổng số tiền hỗ trợ hơn 1 tỷ đồng. Ở huyện Thanh Chương, ngoài hỗ trợ máy cấy, thì trên địa bàn tập trung hỗ trợ kinh phí gần 1,1 tỷ đồng để mở rộng diện tích gần 100 ha chè công nghiệp; 12 ha cam; hơn 6 ha bưởi…

Thông qua triển khai, đưa chính sách vào cuộc sống, ông Lê Thế Hiếu - Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Diễn Châu khẳng định, trên địa bàn đã tích tụ được một số diện tích đất sản xuất nhỏ thành diện tích lớn, gắn với đưa cơ giới vào sản xuất. Từ tích tụ ruộng đất để chuyển đổi cơ cấu cây trồng như trồng sen, rau màu cao cấp, hay thay thế giống lúa chất lượng; tạo hiệu quả kinh tế cao hơn, khắc phục tình trạng đất bỏ hoang. Các chính sách hỗ trợ máy cấy, phun thuốc, xây dựng chuỗi liên kết giá trị trong sản xuất cũng đã tác động tích cực, từng bước thay đổi tư duy, nhận thức trong sản xuất của người làm nông nghiệp. Hiện tại địa phương cũng đã xây dựng được chuỗi liên kết giá trị sản xuất khoai tây.

1ba31fe9ea00355e6c11.jpg
Mô hình trồng cam tại xã Thanh Đức, huyện Thanh Chương

Cùng đánh giá về hiệu quả chính sách, ông Lê Đình Thanh – Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Chương cho rằng, chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp của tỉnh đã, đang thúc đẩy việc triển khai các đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ của ngành Nông nghiệp và một số đề án chuyển đổi cơ cấu cây trồng, phát triển trang trại của huyện; đồng thời nâng cao phương thức, kỹ năng canh tác và hiệu quả kinh tế cho nông dân. Mặt khác, các chính sách được áp dụng đã góp phần giảm bớt một phần khó khăn cho các tổ chức, cá nhân trong đầu tư phát triển nông nghiệp.

Một số vấn đề tiếp tục cần quan tâm

Trên cơ sở kế thừa và khắc phục những vấn đề bất cập, tồn tại trong quá trình triển khai các chính sách đã ban hành trước đó; các chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn theo Nghị quyết số 18/2021/NQ-HĐND của HĐND tỉnh đã khắc phục tính dàn trải, manh mún; đồng thời hỗ trợ có trọng tâm, trọng điểm, phục vụ mục tiêu, định hướng phát triển, tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh. Trọng tâm ưu tiên xây dựng các vùng nguyên liệu chè, mía, cây ăn quả tập trung; nâng cao chất lượng đàn trâu, bò; trồng rừng gỗ lớn gắn chế biến và xuất khẩu; đẩy mạnh phát triển nuôi trồng thuỷ sản công nghệ cao; thúc đẩy sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị…

Sau hơn 1 năm triển khai, nguồn ngân sách tỉnh bố trí để triển khai các chính sách cơ bản được đáp ứng với tổng kinh phí hơn 84 tỷ đồng. Tuy nhiên, qua báo cáo từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng với phản ánh của địa phương, hiện có 2 chính sách chưa có đối tượng thụ hưởng, gồm chính sách hỗ trợ chí phí đầu tư lắp đặt hệ thống tời thủy lực và chính sách hỗ trợ phát triển cây đầu dòng, vườn cây đầu dòng cây ăn quả, cây công nghiệp lâu năm. Một số chính sách chưa có nhiều đối tượng thụ hưởng, như chính sách hỗ trợ tập trung ruộng đất để phát triển nông nghiệp quy mô lớn; chính sách hỗ trợ chế biến, bảo quản, tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị; chính sách thành lập hợp tác xã mới; hỗ trợ xây dựng trang trại có chiều sâu, bền vững.

ad1d1eb36d5ab204eb4b.jpg
Mô hình nông nghiệp công nghệ cao tại xã Hưng Thành, huyện Hưng Nguyên

Bên cạnh đó, một số chính sách nhu cầu thực tế cao hơn khả năng đáp ứng, như Chính sách tưới cho cây công nghiệp và cây ăn quả, chế phẩm vi sinh để sản xuất phân bón hữu cơ. Hay chính sách hỗ trợ mua máy phun thuốc trừ sâu không người lái, quy định mỗi năm bố trí tối đa 10 máy và máy thu hoạch mía, quy định mỗi năm bố trí 1 máy/một vùng nguyên liệu (hiện Nghệ An có 3 vùng nguyên liệu mía), trong khi đó nhu cầu trong Nhân dân nhiều hơn.

Đến thời điểm này, Nghị quyết số 18/2021/NQ-HĐND của HĐND tỉnh về một số chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2022 – 2025 mới triển khai thực hiện hơn 1 năm. Để tiếp tục phát huy các kết quả, hiệu quả đạt được của chính sách, đồng thời khắc phục một số vấn đề đặt ra trong thực tiễn, đòi hỏi ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng với các địa phương tăng cường công tác truyền thông chính sách đến với các đối tượng được thụ hưởng; bởi thực tiễn có một số chính sách chưa có đối tượng thụ hưởng hoặc đối tượng thụ hưởng ít; một trong những nguyên nhân là do chính sách chưa được tuyên truyền một cách sâu rộng đến các đối tượng. Cùng với đó là chú trọng hướng dẫn Nhân dân về mặt thủ tục, tạo thuận lợi trong tiếp cận chính sách; gắn với tiếp tục nắm bắt những vướng mắc, khó khăn để tháo gỡ. Có như vậy, các chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn của HĐND tỉnh Nghệ An ban hành mới đi vào cuộc sống, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp, tạo nền tảng phát triển nông nghiệp Nghệ An bền vững.