Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên họp Quốc hội tại hội trường chiều 7/11. |
Buổi sáng, các đại biểu Quốc hội họp phiên toàn thể ở hội trường nghe các nội dung: Tờ trình và Báo cáo thẩm tra về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo; Tờ trình và Báo cáo thẩm tra về dự án Luật Hóa chất (sửa đổi); Tờ trình và Báo cáo thẩm tra về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy đến năm 2030.
Sau đó Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Dữ liệu.
Buổi chiều, Quốc hội thảo luận ở tổ về: Chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy đến năm 2030; Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo; Dự án Luật Hóa chất (sửa đổi).
Về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo, theo Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng, việc xây dựng dự án Luật là yêu cầu cần thiết trong giai đoạn hiện nay, nhằm thể chế hóa kịp thời chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước về phát triển văn hóa; tạo lập hành lang pháp lý đầy đủ đồng bộ, thống nhất để quản lý hoạt động quảng cáo, hỗ trợ, thúc đẩy doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ quảng cáo phát triển.
Kế thừa các quy định về phạm vi điều chỉnh tại Luật Quảng cáo năm 2012, dự án Luật quy định về hoạt động quảng cáo; quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động quảng cáo; quản lý nhà nước về hoạt động quảng cáo.
Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số quy định về quản lý nội dung và điều kiện quảng cáo; quản lý hoạt động quảng cáo trên môi trường mạng, dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới và quảng cáo trên phương tiện báo chí; hoạt động quảng cáo ngoài trời.
Dự kiến, dự án Luật có bố cục gồm 3 điều. Nội dung cơ bản của dự án Luật bám sát mục đích, quan điểm chỉ đạo và cụ thể hóa nội dung 3 Chính sách trong Đề nghị xây dựng Luật đã được thông qua bằng việc sửa đổi, bổ sung các quy định của Luật Quảng cáo năm 2012.
Về dự án Luật Hóa chất (sửa đổi), Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, sau 16 năm thi hành, bên cạnh kết quả đạt được, Luật đã bộc lộ một số tồn tại, hạn chế. Vì vậy, Chính phủ đề xuất sửa đổi nhằm cụ thể hóa chủ trương, đường lối của Đảng về phát triển công nghiệp hóa chất với tính chất là ngành công nghiệp nền tảng, đáp ứng nhu cầu về tư liệu sản suất cơ bản của nền kinh tế, phục vụ công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; bảo đảm sự thống nhất của hệ thống pháp luật, phù hợp với các Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.Sportswear for Vietnam team
Dự kiến, dự thảo Luật Hóa chất (sửa đổi) gồm 89 điều và được bố cục thành 9 chương. Phạm vi điều chỉnh của dự án Luật quy định về hoạt động hóa chất, phát triển công nghiệp hóa chất, hóa chất nguy hiểm trong sản phẩm, an toàn trong hoạt động hóa chất, quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động hóa chất, quản lý nhà nước về hóa chất.