Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An có các đồng chí: Thái Thị An Chung, Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng đoàn và đồng chí Trần Nhật Minh, đại biểu Quốc hội chuyên trách tham dự Hội thảo.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Chủ nhiệm Ủy ban Công tác đại biểu Nguyễn Thanh Hải nêu vấn đề về việc sửa đổi, bổ sung Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân. Đồng thời, bà nhấn mạnh cần rà soát các quy định liên quan và định hướng tiếp tục sắp xếp bộ máy nhà nước theo Kết luận 127-KL/TW để xác định phạm vi sửa đổi, bổ sung Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân trình Quốc hội trong kỳ họp thường lệ thứ 9, Quốc hội khóa XV.

Theo đó, đa số ý kiến các đại biểu Quốc hội cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, đất nước bước vào giai đoạn mới – kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, một trong những nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, có tính quyết định để đổi mới thành công là việc sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, thực hiện mô hình địa phương 02 cấp (tổ chức đảng, chính quyền, đoàn thể) bảo đảm tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả. Do đó, việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp, các luật có liên quan, trong đó có Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân là hết sức cần thiết, tạo cơ sở pháp lý đồng bộ cho việc thực hiện chủ trương, nhiệm vụ đặc biệt quan trọng này.

Nhiều đại biểu đã có ý kiến phân tích sâu hơn về cơ sở của việc sửa đổi, bổ sung Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân, trong đó nhấn mạnh về cơ sở chính trị, cơ sở pháp lý và cơ sở thực tiễn. Về đề xuất phạm vi, bố cục và nội dung sửa đổi, bổ sung Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân, có 4 nhóm đề xuất: (1). Sửa đổi các quy định liên quan đến việc không tổ chức cấp huyện. (2). Sửa đổi các quy định nhằm rút ngắn hơn thời gian thực hiện quy trình, thủ tục bầu cử. (3). Kết hợp sửa đổi, bổ sung một số điều, khoản liên quan đến công tác bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp. (4). Sửa đổi một số quy định khác liên quan đến dự thảo Luật này. Trên cơ sở ý kiến phát biểu của các vị đại biểu Quốc hội tại Hội thảo, chủ trì Hội nghị kết luận thống nhất trình xin ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội 03 nội dung: (1). Về tên gọi của dự thảo Luật là “Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân (sửa đổi)”. (2). Về phạm vi và nội dung sửa đổi, bổ sung đề xuất sửa đổi, bổ sung các nội dung liên quan đến 58/98 Điều của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân năm 2015, trong đó tập trung vào 04 nhóm nội dung trọng tâm như đã đề xuất ở trên. (3). Về trình tự, thủ tục và hồ sơ dự thảo Luật đề nghị được xây dựng và ban hành theo trình tự, thủ tục rút gọn, trình Quốc hội xem xét, ban hành tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV./.