Trong hệ thống chính trị của nước ta, Hội đồng nhân dân là cơ quan quyền lực Nhà nước ở địa phương, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của Nhân dân, do Nhân dân địa phương bầu ra, chịu trách nhiệm trước Nhân dân địa phương và cơ quan Nhà nước cấp trên. Như vậy, cùng với Quốc hội, cơ quan khác của Nhà nước, Hội đồng nhân dân là hình thức Nhân dân thực hiện quyền lực Nhà nước bằng dân chủ trực tiếp và dân chủ đại diện. Xét về cơ cấu tổ chức, Hội đồng nhân dân gồm các đại biểu do cử tri địa phương bầu ra với nhiệm kỳ hoạt động 05 năm.

Cũng như tên gọi của mình, cơ quan và người đại biểu dân cử có trọng trách lớn lao trước cử tri, Nhân dân - người đã tin tưởng, tín nhiệm quyết định việc bầu chọn, tiến cử. Nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng nhân dân, đại biểu Hội đồng nhân dân đã được thể chế hóa ngày càng cụ thể, rõ nét trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, nhất là Hiến pháp, Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội, Hội đồng nhân dân và nhiều văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành. Đây là hành lang pháp lý để cơ quan, đại biểu dân cử thực thi, triển khai các hoạt động. Tuy nhiên, với hai chủ thể này, trên cơ sở luật pháp quy định, hoạt động ra sao, hoạt động như thế nào để hiệu quả, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thực tiễn và nguyện vọng chính đáng của cử tri, Nhân dân thì sự đổi mới phương thức hoạt động luôn cần phải đặt ra. Hơn thế nữa, đổi mới còn thể hiện sự trăn trở, tâm huyết, trách nhiệm của cơ quan, người đại biểu dân cử trước người đã tin tưởng, tín nhiệm mình. Đó là sự hiện thực hóa "lời hứa", có thể xem như là lời tuyên thệ của đại biểu khi ứng cử trước cử tri và Nhân dân.

59f43878933b5865012a.jpg
Đồng chí Thái Thanh Quý chủ trì phiên họp của Thường trực HĐND tỉnh

Đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động đã trở thành "từ khóa", sự quan tâm đặc biệt, mục tiêu được mong đợi của Hội nghị khu vực Thường trực Hội đồng nhân dân cấp tỉnh - hoạt động truyền thống với sự tham gia, chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đã được tổ chức thường xuyên trên phạm vi cả nước. Tại diễn đàn này, các cơ quan, đại biểu dân cử trao đổi, chia sẻ những kinh nghiệm quý giá được đúc rút từ thực tiễn hoạt động phong phú. Đặc biệt, có những nội dung trăn trở, đổi mới đã trở thành mô hình, cách làm hay để lan tỏa, nhân rộng và là những kiến nghị, khuyến nghị góp phần hoàn thiện quy định của pháp luật.

Đổi mới là yêu cầu tất yếu đặt ra nhưng đổi mới phải vừa có tính khả thi vừa phải đáp ứng mục tiêu cuối cùng là để nâng cao hiệu quả thực thi nhiệm vụ. Nhiệm kỳ 2016 - 2021, Hội đồng nhân dân tỉnh khóa XVII đã xây dựng, ban hành Đề án đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động. Từ những nhiệm vụ, giải pháp đề ra trong Đề án, vai trò, vị trí của cơ quan quyền lực Nhà nước ở địa phương ngày càng được nâng cao, khẳng định rõ. Một số nét đổi mới nổi bật đó là: không dừng lại ở hoạt động giám sát mà Hội đồng nhân dân tỉnh và các cơ quan của Hội đồng nhân dân tỉnh đã tăng cường tái giám sát, đeo bám, đi đến cùng vấn đề, kiến nghị, đề xuất đặt ra đối với công tác quản lý Nhà nước; mời chuyên gia khi giám sát về các lĩnh vực chuyên môn sâu; sử dụng kết quả điều tra xã hội học để đánh giá việc thực hiện các nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh về cơ chế, chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn đã ban hành v.v...Không chỉ trên các hoạt động, sự đổi mới còn ở việc thể chế hóa thành các quy định như xây dựng Quy chế để đánh giá, xếp loại hàng năm và cả nhiệm kỳ đối với tổ đại biểu, đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh.

dong-chi-nguyen-nhu-khoi-trao-doi-lang-nghe-nhung-tam-tu-nguyen-vong-cua-dai-dien-cu-tri-cac-xa.jpg
Đồng chí Nguyễn Như Khôi , UV BCH Đảng bộ tỉnh, phó chủ tịch HĐND tỉnh trao đổi, lắng nghe những tâm tư, nguyện vọng của cử tri

Kế thừa, phát huy kinh nghiệm, kết quả của nhiệm kỳ trước, nhiệm kỳ 2021 - 2026, Hội đồng nhân dân tỉnh đã, đang và sẽ đổi mới nhiều hơn nữa. Đổi mới trong cơ cấu tổ chức hướng đến sự chuyên nghiệp, chuyên sâu; đổi mới trong phương thức hoạt động với phương châm sớm hơn, nhanh hơn và hiệu quả hơn. Sắp tới đây, Đảng đoàn Hội đồng nhân dân tỉnh sẽ lãnh đạo, chỉ đạo Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh xây dựng Đề án tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Hội đồng nhân dân tỉnh trong nhiệm kỳ mới, trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy cho ý kiến và sau đó trình Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua. Thiết nghĩ, với tinh thần chỉ đạo của Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh qua các kỳ họp đầu nhiệm kỳ vừa qua, sự đổi mới không những theo chiều ngang trên từng mặt hoạt động mà còn phải chẻ dọc, xuyên suốt mọi hoạt động với việc tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số (từ khâu gửi tài liệu, gửi ý kiến đóng góp cho kỳ họp đến biểu quyết, thông qua nghị quyết; tổng hợp và theo dõi việc giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri, đơn thư của công dân, kiến nghị giám sát v.v…); sự chuẩn bị từ sớm, từ xa cho mỗi kỳ hop (thống nhất chốt sớm nội dung chương trình; xây dựng, thẩm tra dự thảo nghị quyết theo phương thức “cuốn chiếu”, thẩm tra phải trước khi trình Thường trực, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đối với những nội dung xin ý kiến Thường trực, Ban Thường vụ Tỉnh ủy theo quy định, quy chế làm việc); đeo bám, sâu sát hơn trong hoạt động, nhất là trên lĩnh vực dân nguyện (tiếp nhận, phản hồi đến mỗi cử tri kết quả giải quyết nội dung đã có ý kiến, kiến nghị)…

quang-canh-tham-tra-ban-pc-1.jpg
Ban Pháp chế thẩm tra các dự thảo Nghị quyết trình Kỳ họp

Việc đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Hội đồng nhân dân còn phải bắt đầu từ mỗi đại biểu dân cử. Do đó, mỗi người đại biểu phải nâng cao năng lực, kỹ năng hoạt động, gắn bó mật thiết với cử tri, luôn ý thức về lời hứa trước cử tri để từ đó trăn trở, không ngừng đổi mới hoạt động của mình sao cho thiết thực và hiệu quả nhất.

Với phương châm nỗ lực đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động đảm bảo vừa tuân thủ các quy định của pháp luật vừa đáp ứng yêu cầu thực tiễn, nguyện vọng, niềm tin của cử tri, Hội đồng nhân dân tỉnh cùng với các cơ quan dân cử địa phương sẽ góp phần quan trọng trong thực hiện thành công mục tiêu mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh đã đề ra là đưa Nghệ An phát triển nhanh và bền vững; phấn đấu đến năm 2025 trở thành tỉnh khá trong khu vực phía Bắc và đến năm 2030 trở thành tỉnh khá của cả nước./.

Nguyễn Thị Anh Hoa

Phó Chánh VP Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh