Có thể nói, cùng với Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân ra đời năm 2015 đã đánh dấu bước tiến quan trọng, đưa hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân các cấp đi vào nề nếp, đạt chất lượng và hiệu quả cao hơn. Trước đó, hoạt động giám sát được thể chế thành một chương với 25 điều trong Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân năm 2003. Từ những quy định chung về tổ chức và hoạt động, giám sát - một trong hai chức năng chính của cơ quan dân cử địa phương đã được làm rõ dưới góc độ từng chủ thể thực hiện. Luật đã quy định khá cụ thể và toàn diện về chủ thể, thẩm quyền, đối tượng cũng như hình thức, phương thức tiến hành hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân các cấp. Ngoài ra, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành 02 nghị quyết hướng dẫn, gồm: Nghị quyết số 629/2019/NQ-UBTVQH14 ngày 30/01/2019 Hướng dẫn một số hoạt động của Hội đồng nhân dân (trong đó có hoạt động giám sát của tổ đại biểu Hội đồng nhân dân) và Nghị quyết số 594/NQ-UBTVQH15 ngày 12/9/2022 Hướng dẫn hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân, Thường trực Hội đồng nhân dân, Ban của Hội đồng nhân dân, tổ đại biểu Hội đồng nhân dân và đại biểu Hội đồng nhân dân. Điều này cho thấy vai trò hết sức quan trọng của hoạt động giám sát. Đó là phương thức người dân thực hiện quyền làm chủ của mình, thông qua cơ quan, đại biểu dân cử để theo dõi, xem xét, đánh giá việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao của các cơ quan, tổ chức, cá nhân; tăng cường tính công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình của cơ quan Nhà nước, người có thẩm quyền. Đối với cơ quan dân cử, giám sát tốt sẽ giúp cho việc thực hiện chức năng quyết định được tốt hơn.
Qua 07 năm thực hiện, khung pháp lý riêng này đã tạo điều kiện, cơ sở để hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân, Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban của Hội đồng nhân dân, tổ đại biểu Hội đồng nhân dân và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp trong gần 02 nhiệm kỳ đạt được nhiều kết quả nổi bật. Số lượng, chất lượng, hiệu quả hoạt động giám sát ngày càng được nâng cao; góp phần tích cực trong việc xây dựng, củng cố hệ thống chính trị vững mạnh, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển và bảo đảm tốt hơn quyền làm chủ của Nhân dân.
Tuy vậy, một thực tế cần nhìn nhận là dẫu có những bước tiến vượt bậc cả về cơ sở pháp lý và hiệu quả trên thực tiễn song hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân vẫn còn nhiều khó khăn. Quy định pháp luật về hoạt động giám sát vẫn còn nhiều nội dung bỏ ngỏ như chưa bao quát hết đối tượng, điều kiện đảm bảo chưa đầy đủ, cách thức triển khai có nội dung chưa được định rõ và đặc biệt chưa quy định cụ thể về chế tài đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân trong thực hiện kiến nghị sau giám sát. Bên cạnh đó, chuyển biến về nhận thức và hành động của các chủ thể liên quan còn hạn chế. Việc tham gia hoạt động giám sát của đại biểu còn ít. Ngoài việc chất vấn, tham gia giám sát chuyên đề theo yêu cầu của Thường trực, các Ban Hội đồng nhân dân, hầu như đại biểu chưa tự mình tổ chức các hoạt động giám sát và xây dựng chương trình giám sát riêng. Chất lượng tham gia của một số đại biểu cũng chưa cao. Đối tượng chịu sự giám sát chuẩn bị cho việc giám sát thường là chậm, có lúc mang tính đối phó; việc thực hiện, báo cáo kết quả thực hiện kiến nghị sau giám sát chưa đạt như mong muốn, yêu cầu...
Từ thực trạng nêu trên, các địa phương đã có nhiều kiến nghị với Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội nhằm hoàn thiện hơn nữa chế định pháp luật về hoạt động giám sát của cơ quan dân cử.
Trước hết, cần tăng cường đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với Hội đồng nhân dân đảm bảo Hội đồng nhân dân có đầy đủ thực quyền và thực lực thực hiện hiệu quả chức năng, nhiệm vụ nói chung, chức năng giám sát nói riêng theo quy định của pháp luật và sự mong đợi của cử tri, Nhân dân.
Quán triệt, nâng cao nhận thức về vai trò, vị trí, tính chất, nguyên tắc, thẩm quyền giám sát của Hội đồng nhân dân; trách nhiệm của chủ thể giám sát và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát. Đồng thời tăng cường sự phối hợp, liên thông giữa hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân với Đoàn Đại biểu Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp, các tổ chức chính trị - xã hội để vừa đảm bảo không trùng chéo vừa phát huy vai trò giám sát của mỗi cơ quan, tạo sự cộng hưởng thúc đẩy, nâng cao chất lượng, hiệu quả giám sát.
Về việc hoàn thiện chế định pháp luật, cần có sự rà soát tổng thể để bổ sung các quy định đầy đủ, đồng bộ, toàn diện, thống nhất từ đối tượng chịu sự giám sát đến quy trình triển khai giám sát đối với từng hình thức, chủ thể; điều kiện đảm bảo tổ chức hoạt động giám sát; trách nhiệm thực hiện kiến nghị sau giám sát và chế tài xử lý. Cụ thể như bổ sung đối tượng bị chất vấn, có trách nhiệm giải trình là Thủ trưởng cơ quan Thi hành án dân sự cùng cấp, cá nhân khác có liên quan; phân định rõ hơn giám sát của Hội đồng nhân dân và giám sát của Thường trực Hội đồng nhân dân, hướng dẫn cụ thể hơn về cách thức thực hiện giám sát của đại biểu Hội đồng nhân dân, việc giám sát quyết định của Ủy ban nhân dân cùng cấp và nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp dưới trực tiếp; kinh phí phục vụ hoạt động giám sát, cơ chế mời chuyên gia tham gia các đoàn giám sát của Hội đồng nhân dân; việc xử lý trách nhiệm, áp dụng chế tài đối với trường hợp không thực hiện, thực hiện chậm, không đầy đủ kiến nghị sau giám sát...
Hiệu quả hoạt động cũng có mối quan hệ biện chứng với bộ máy, con người. Do đó, cần tiếp tục quan tâm giải quyết tốt mối quan hệ giữa cơ cấu và chất lượng đại biểu; tăng cường đại biểu chuyên trách làm nòng cốt nâng cao chất lượng hoạt động của Hội đồng nhân dân và các Ban của Hội đồng nhân dân, hạn chế số lượng đại biểu trong cơ quan quản lý Nhà nước. Quy định cụ thể về nhiệm vụ và quyền hạn của người đại biểu; việc đánh giá, xếp loại đại biểu nhằm đề cao trách nhiệm, thắt chặt mối quan hệ giữa đại biểu với cử tri. Quan tâm công tác bồi dưỡng kiến thức chuyên môn, trình độ lý luận, kỹ năng hoạt động cho đại biểu.
Với sự đánh giá, tổng kết thực tiễn thi hành một cách toàn diện, đa chiều, việc sửa đổi, bổ sung Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân cùng với quá trình hoàn thiện các quy định khác có liên quan sẽ tạo hành lang, cơ sở pháp lý vững chắc, thuận lợi để triển khai hiệu quả hoạt động giám sát - chức năng quan trọng của Hội đồng nhân dân./.