Quy định rõ hơn quyền và trách nhiệm giám sát tối cao của Quốc hội

Hiến pháp năm 2013 và Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương "Về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao" đã nhấn mạnh việc thể chế hóa “đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước là đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý”. Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã cố gắng thể chế hóa quan điểm này ở các Điều 13,14,15… của Chương II. Tuy nhiên, dự thảo Luật chưa thể chế được cụ thể những chủ thể nào là “toàn dân”. Toàn dân ở đây có thể là toàn thể nhân dân Việt Nam, có thể là toàn thể nhân dân một địa phương, một vùng, cũng có thể là các thành viên của một gia đình… Các chủ thể thuộc phạm trù toàn dân này đều có những quyền và lợi ích riêng, đồng thời đều có những quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ và lợi ích chung đối với đất đai thuộc quyền sử dụng của cấp đó.

tren--n1.jpg

Việc thể chế, cụ thể các quyền và trách nhiệm đối với các cấp độ chủ thể sở hữu toàn dân về đất đai sẽ là cơ chế đề cao trách nhiệm để bảo vệ và khai thác, sử dụng nguồn lực đất đai một cách hiệu quả, phục vụ đắc lực cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước, đồng thời điều tiết hài hòa các lợi ích từ đất đai giữa các chủ thể, thành viên trong sở hữu toàn dân. Xác định quyền và trách nhiệm của các chủ thể đó để cùng với Nhà nước là đại diện và trách nhiệm chủ sở hữu thống nhất quản lý. Theo đó cần thể chế quyền của toàn dân với tư cách là chủ sở hữu đất đai trong dự thảo Luật.

Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) cũng đã cố gắng phân định rõ hơn vai trò của các cơ quan nhà nước với tư cách là người đại diện chủ sở hữu và với tư cách là người quản lý nhà nước thống nhất về đất đai, nhưng chưa đầy đủ. Cụ thể, Khoản 1, Điều 15 quy định chức năng đại diện tối cao, chủ sở hữu toàn dân của Quốc hội chưa đầy đủ, chưa làm rõ trách nhiệm quyết định của Quốc hội trước chủ sở hữu “toàn dân” về những vấn đề liên quan đến đất đai. Cần quy định rõ hơn quyền và trách nhiệm giám sát tối cao của Quốc hội trong việc thực hiện chức năng đại diện chủ sở hữu và chức năng quản lý nhà nước về đất đai và sử dụng đất đai.

Chức năng đại diện chủ sở hữu của HĐND các cấp cũng rất quan trọng, nhưng dự thảo Luật còn quy định chung chung. Cùng với đó, cần nhấn mạnh trách nhiệm giải trình và trách nhiệm kiểm soát việc thực hiện chức năng đại diện chủ sở hữu của UBND các cấp vì dự thảo Luật mới chỉ quy định chung chung tại Khoản 3, Điều 15 rằng “Chính phủ, UBND các cấp thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu về đất đai theo thẩm quyền quy định tại Luật này”.

Tách bạch chức năng đại diện chủ sở hữu và chức năng quản lý nhà nước về đất đai

Việc phân định vai trò, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của các cơ quan nhà nước thực hiện chức năng quản lý nhà nước về đất đai và thực hiện chức năng của nhà nước đại diện chủ sở hữu về đất đai cần được thể chế hóa một cách rõ ràng nếu không sẽ rất dễ lẫn lộn trong việc thực hiện các chức năng của Nhà nước về quyền đại diện chủ sở hữu và quyền quản lý nhà nước về đất đai trong thực hiện các chính sách và cơ chế quản lý đất đai, trong thực hiện trách nhiệm giải trình trước nhân dân và xã hội. Chức năng “đại diện chủ sở hữu” là chức năng do nhân dân (chủ sở hữu) ủy quyền, còn chức năng “thống nhất quản lý nhà nước về đất đai” là chức năng vốn có của Nhà nước.

Tại Điều 14 dự thảo Luật đã liệt kê 11 quyền của đại diện chủ sở hữu. Điều 21 liệt kê 18 nội dung của quản lý nhà nước về đất đai. Tuy nhiên vẫn chưa thể chế rõ, tách bạch và đủ cụ thể việc thực hiện hai chức năng này trong các chương của dự thảo Luật. Chính phủ, các bộ ngành ở Trung ương và UBND các cấp vừa thực hiện chức năng đại diện chủ sở hữu, vừa thực hiện chức năng thống nhất quản lý nhà nước về đất đai chưa được thể chế hóa đầy đủ trong Chương II - Quyền và trách nhiệm của Nhà nước, công dân đối với đất đai. Các chương sau của dự thảo Luật cũng chưa thể chế được rõ ràng, mạch lạc việc thực hiện hai chức năng của Nhà nước. Việc cùng một cơ quan thực hiện cả hai chức năng này, nếu không phân biệt rõ, lẫn lộn giữa quyền đại diện chủ sở hữu với quyền quản lý nhà nước rất dễ dẫn đến tình trạng lạm quyền, dẫn đến tiêu cực, tham nhũng.

Liên quan đến vấn đề này, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) cần thể chế rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền và trách nhiệm, cơ chế quản lý nhà nước đối với các cơ quan nhà nước (cả đối với các tổ chức trong hệ thống chính trị) với tư cách là chủ thể sử dụng đất đai. Hiện nay các cơ quan, đơn vị nhà nước sử dụng một diện tích rất lớn về đất đai và các bất động sản gắn liền với đất; trước đây cũng đã diễn ra tình trạng bán công sở để hiện đại hóa công sở gây lãng phí, thất thoát rất lớn. Tuy nhiên Chương III - Quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất của dự thảo Luật vẫn chưa quy định rõ, đồng bộ vai trò, trách nhiệm, quyền, nghĩa vụ, lợi ích của các cơ quan nhà nước, trong đó có các cơ quan quản lý và sử dụng đất với tư cách là một chủ thể sử dụng đất.

Trong Tờ trình của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) nêu rõ, việc soạn thảo được thực hiện theo một trong các quan điểm là: “tiếp tục đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, đồng thời thiết lập công cụ kiểm soát quyền lực của cơ quan và người có thẩm quyền trong quản lý đất đai. Tăng cường vai trò giám sát của Quốc hội, Mặt trận tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp của nhân dân”. Tuy nhiên, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) chưa thể hiện đầy đủ, sâu sắc quan điểm này. Điều đó thể hiện ở một số điểm cơ bản sau đây:

Một là, khi đề cập đến nội dung quản lý nhà nước nói chung, quản lý nhà nước về đất đai nói riêng, thường phải chỉ ra được vấn đề gì thuộc nhà nước trung ương quản lý; vấn đề gì thuộc chính quyền địa phương quản lý; vấn đề gì cả trung ương và địa phương cùng quản lý. Theo đó, Điều 21 dự thảo Luật không phải là quy định nội dung quản lý nhà nước về đất đai mà mới chỉ liệt kê các công việc cần phải làm trong quản lý đất đai. Vì vậy, đề nghị viết lại Điều 21 để quy định rõ trong quản lý nhà nước về đất đai và sử dụng đất đai thì vấn đề nào phải quản lý theo ngành và vấn đề nào phải quản lý theo lãnh thổ - tức là, việc gì thuộc thầm quyền của chính quyền trung ương, việc gì thuộc thẩm quyền của chính quyền địa phương và những vấn đề nào cả hai cùng làm. Có như vậy mới hình thành cơ sở để phân cấp, phân quyền minh bạch trong quản lý nhà nước về đất đai và sử dụng đất đai quy định ở các chương sau.

Hai là, theo dự thảo Luật, việc lập quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất thực hiện ở cấp quốc gia, cấp tỉnh và cấp huyện (không kể quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất quốc phòng và đất an ninh). Việc lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được tiến hành từ trên xuống. Điều đó có nghĩa là quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của cấp trên quyết định kế hoạch, quy hoạch sử dụng đất của cấp dưới. Nên chăng việc lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cần tiến hành từ dưới lên sẽ sát thực tế và khả thi hơn.

Thực tiễn chỉ ra rằng, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất những năm qua thường xuyên bị điều chỉnh, thay đổi, thiếu ổn định, trong đó không ít trường hợp là vì lợi ích nhóm. Liên quan đến vấn đề này, Điều 71 dự thảo Luật quy định việc điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất không có mục đích tự thân mà phục vụ cho mục đích phát triển kinh tế - xã hội trong từng giai đoạn. Vì vậy, việc nâng cao tính khoa học, tính thực tiễn và hiệu quả của quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất là rất quan trọng. Điều này đòi hỏi phải có sự kết hợp hữu cơ giữa các cơ quan đại diện chủ sở hữu và các cơ quan thực hiện chức năng quản lý nhà nước về đất đai trong xây dựng thông qua thực thi giám sát việc thực hiện quy hoạch kế hoạch sử dụng đất. Tuy nhiên, dự thảo Luật chưa thể chế hóa đầy đủ nội dung này.

Các căn cứ để điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã phê duyệt vẫn còn quá rộng và tù mù, rất dễ bị lợi dụng. Ví dụ, điểm đ và e khoản 2 Điều 71 (điểm đ: “do biến đổi bất thường của tình hình kinh tế - xã hội làm hạn chế nguồn lực thực hiện, hay điểm e: “do phát triển của khoa học công nghệ làm thay đổi cơ bản việc thực hiện quy hoạch sử dụng đất”). Cùng với đó, cần xem lại thẩm quyền điều chỉnh quy hoạch có quá rộng không? Theo tôi, thẩm quyền thay đổi quy hoạch cấp tỉnh phải được cơ quan quy hoạch cấp quốc gia cho phép và thẩm quyền thay đổi quy hoạch cấp quận, huyện phải do cấp tỉnh quyết định. Không nên quy định như dự thảo Luật là cấp nào có thẩm quyền quy hoạch thì cấp đó quyết định thay đổi, điều chỉnh quy hoạch. Ban soạn thảo cũng nên xem xét lại việc phân cấp, phân quyền trong thu hồi đất, thẩm quyền thẩm định giá đất thu hồi là những vấn đề còn rất nóng trong thực tế cần phải quy định rất chặt chẽ và cụ thể.

Cần thiết kế cơ chế kiểm soát quyền lực theo nội dung của từng chương

Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) cũng chưa hình thành được một cơ chế kiểm soát quyền lực có hiệu lực và hiệu quả theo Hiến pháp năm 2013 và Nghị quyết số18- NQ/TW ngày 16.6.2022 của Ban Chấp hành Trung ương. Theo đó, cơ chế này bao gồm:

Thứ nhất, cơ chế nhân dân kiểm soát quyền lực với tư cách là công dân có quyền giám sát, kiến nghị, đề nghị, tố cáo, tham gia quản lý nhà nước… trong các khâu của quá trình quản lý nhà nước về đất đai. Cơ chế này còn là tổ chức chính trị - xã hội nghề nghiệp của công dân, trước hết là Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp và các thành viên của Mặt trận thực hiện chức năng giám sát và phản biện xã hội.

Mặc dù dự thảo Luật đã chú trọng đến vai trò của MTTQ các cấp, nhưng các quy định chưa đầy đủ và chưa bao quát hết tất cả các khâu của quá trình quản lý nhà nước về đất đai và đại diện quyền sở hữu về đất đai. Theo tôi, tất cả các khâu của quản lý nhà nước về đất đai từ khâu sử dụng của người sử dụng; điều tra, đánh giá đất đai; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đến thu hồi đất, trưng dụng đất; bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi nhà nước thu hồi; phát triển quỹ đất, đăng ký đất đai, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất; tài chính về giá đất đai… đều phải có mặt của cơ chế nhân dân kiểm soát quyền lực nhà nước theo Hiến pháp năm 2013.

Theo đó, trách nhiệm của MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận không nên quy định chỉ 1 điều (Điều 20) như dự thảo Luật mà nên quy định trong tất cả các Chương. Ví dụ MTTQ và các tổ chức thành viên không những cho ý kiến về quy hoạch, kế hoạch đất (điểm b khoản 2 Điều 20); tham gia ý kiến về trường hợp cần thiết về thu hồi đất, phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư, trường hợp cưỡng chế khi thực hiện thu hồi đất (điểm c khoản 2 Điều 20) mà còn phải thực hiện quyền và trách nhiệm giám sát xã hội đối với việc thực hiện các công việc này.

Thứ hai, cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước bên trong mỗi quyền và kiểm soát lẫn nhau giữa các quyền quy định chưa đầy đủ và đủ mạnh để việc quản lý và sử dụng đất đai có hiệu lực và hiệu quả, khắc phục được tình trạng tiêu cực, tham nhũng về đất đai.

Theo tôi, Chương XV không nên quy định về giám sát, thanh tra, kiểm tra mà giám sát, thanh tra, kiểm tra phải đưa vào các chương, trở thành một nội dung của từng chương với những quy định cụ thể quy định cơ chế kiểm soát theo nội dung của chương. Trong đó quy định mỗi cơ quan nhà nước có trách nhiệm kiểm soát như thế nào, cơ chế kiểm soát và nội dung kiểm soát gồm những vấn đề gì. Tăng cường kiểm soát của quyền tư pháp đối với quyền hành pháp trong quản lý nhà nước về đất đai bằng việc không những xét xử hành vi hành chính và quyết định hành chính cá biệt, vi phạm pháp luật mà tiến tới có thể xét xử đối với văn bản quy phạm pháp luật dưới luật trong quản lý đất đai của Chính phủ, của bộ, ngành và chính quyền địa phương trái với Luật Đất đai và các luật có liên quan về đất đai.

Ngoài ra, dự thảo Luật cần rà soát lại vấn đề ủy quyền lập pháp. Đành rằng, ủy quyền lập pháp là không thể tránh khỏi trong điều kiện các quan hệ xã hội đang còn biến đổi nhanh chóng, nhất là trong điều kiện cách mạng công nghiệp 4.0. Tuy nhiên, nếu ủy quyền tràn lan thì có thể dẫn tới mất quyền và bị hạn chế quyền. Vì vậy, khi Quốc hội giao cho Chính phủ, các bộ ngành, hoặc chính quyền địa phương quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành trong các điều luật phải hết sức cân nhắc để không “dễ dãi” nhường quyền của mình cho các cơ quan khác dẫn đến luật khung, luật ống, luật không được người dân tôn trọng mà chỉ quan tâm đến văn bản dưới luật.

Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) có 54 điều luật có ủy quyền lập pháp cho Chính phủ và các bộ. Điều đáng lưu ý là trong dự thảo Luật đã ủy quyền cho Chính phủ và Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định chi tiết toàn bộ một điều Luật, thậm chí là giao Chính phủ quy định cả những điều hạn chế quyền con người, quyền công dân mà Điều 14 Hiến pháp năm 2013 bắt buộc phải quy định bằng luật (ví dụ khoản 5 Điều 66). Vì vậy, đề nghị phải khắc phục tình trạng ủy quyền lập pháp quá nhiều trong một đạo luật. Việc ủy quyền chỉ giao quy định chi tiết một điểm hoặc nhiều lắm là một khoản trong một điều luật và phải xác định rõ phạm vi, nội dung ủy quyền; đồng thời nên quy định chỉ được ủy quyền một cấp, không được giao Chính phủ quy định chi tiết, rồi sau đó Chính phủ lại ủy quyền tiếp cho các bộ hay chính quyền địa phương.