Sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước nói chung, sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã nói riêng là yêu cầu đặt ra để bảo đảm sắp xếp tinh gọn cơ cấu tổ chức, nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước. Trước đó, để triển khai chủ trương, yêu cầu này, trong giai đoạn 2019 - 2021, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành 48 nghị quyết về việc sắp xếp 21 đơn vị hành chính cấp huyện và 1.056 đơn vị hành chính cấp xã tại 45 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Kết quả đã giảm được 8 đơn vị hành chính cấp huyện và 561 đơn vị hành chính cấp xã, góp phần tinh gọn tổ chức bộ máy của các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị. Tính đến hết năm 2021, qua việc sắp xếp, ở cấp xã đã giảm được 3.595 người, ở cấp huyện giảm 141 người, giảm chi ngân sách nhà nước trong giai đoạn 2019 - 2021 đạt khoảng 2.008,63 tỷ đồng. Thực tế cho thấy, qua sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn này đã góp phần cơ cấu lại và nâng cao chất lượng, trách nhiệm công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của đơn vị hành chính sau khi sắp xếp.

Bên cạnh những kết quả rất đáng ghi nhận, quá trình triển khai việc sắp xếp cũng bộc lộ những tồn tại, vướng mắc, trong đó công tác bố trí, sắp xếp, giải quyết chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức dôi dư do sắp xếp đơn vị hành chính còn lúng túng, số lượng người dôi dư cần tiếp tục giải quyết còn nhiều. Tồn tại này cần được khắc phục trong lần triển khai Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội lần này.

Một trong những yêu cầu đặt ra là, sau khi sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã thì đơn vị hành chính hình thành sau sắp xếp phải đạt tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên và quy mô dân số theo quy định tại Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính, trừ trường hợp nhập từ 3 đơn vị hành chính cùng cấp trở lên. Trong quá trình sắp xếp, hiệu quả hoạt động của bộ máy phải đặt lên hàng đầu. Nghị quyết cũng nêu rõ, một trong những nguyên tắc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã là gắn việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã với đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Cùng với đó, thực hiện tinh giản biên chế, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động; giải quyết chế độ, chính sách hợp lý đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động; thực hiện chế độ, chính sách hỗ trợ đặc thù đối với các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã sau khi thực hiện sắp xếp.

Do đó, việc sắp xếp phải tính toán, cân nhắc đến nhiều yếu tố, tránh sự sáp nhập cơ học, đơn thuần. Muốn vậy, trong quá trình sắp xếp phải chú trọng, cân nhắc kỹ các yếu tố đặc thù về truyền thống lịch sử, văn hóa, dân tộc, tôn giáo, tín ngưỡng, phong tục, tập quán, vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên, cộng đồng dân cư, bảo đảm phát triển kinh tế - xã hội. Việc tinh giản biên chế phải đúng người, bảo đảm tinh lọc chất lượng cán bộ, công chức sau sắp xếp.

Tinh gọn bộ máy là cần thiết, nhưng điều quan trọng là sau khi sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã, người dân phải được hưởng lợi từ nền công vụ vì dân. Bởi như Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, hiệu quả không chỉ đo lường đơn thuần bằng việc cắt giảm được bao nhiêu đơn vị hành chính, tinh giản được bao nhiêu biên chế. Quan trọng nhất cuối cùng là hiệu quả thực chất của bộ máy chính quyền và chất lượng các dịch vụ công mà người dân, doanh nghiệp được thụ hưởng cũng như sự phát triển kinh tế - xã hội trên các địa bàn được sắp xếp.

Với những kết quả tích cực trong sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã đã đạt được trong giai đoạn 2019 - 2021 sẽ là tiền đề quan trọng để Chính phủ, các bộ, ngành địa phương triển khai hiệu quả Nghị quyết này trên thực tế.