Kết quả đạt được

Thực hiện quy định của pháp luật về tiếp công dân, trong nhiệm kỳ 2016 – 2021 và đầu nhiệm kỳ 2021 – 2026, Thường trực HĐND tỉnh đã tham gia các cuộc tiếp công dân định kỳ hàng tháng của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy và Chủ tịch UBND tỉnh; đồng thời giao các tổ đại biểu chủ động phân công đại biểu HĐND tỉnh tiếp công dân tại nơi bầu cử để lắng nghe tâm tư nguyện vọng của người dân, nhận các đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân.

bna_img_84127925636_15122021.jpg
Toàn cảnh phiên tiếp công dân

Đơn của công dân gửi đến HĐND, Thường trực, các Ban HĐND tỉnh, đại biểu HĐND tỉnh qua tiếp công dân, hoặc gửi qua đường bưu điện, qua tiếp xúc cử tri…, được theo dõi, phân loại, chuyển đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết. Đơn chủ yếu là về công tác bồi thường, đền bù, giải phóng mặt bằng khi thu hồi đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, tranh chấp đất đai; đạo đức của cán bộ, công chức; các hoạt động tố tụng của các cơ quan tư pháp, việc thi hành án dân sự; có những trường hợp từ việc khiếu nại nhưng không đạt được mục đích đã chuyển sang tố cáo cán bộ, công chức giải quyết.

Từ nhiệm kỳ 2016 – 2021 đến nay, Thường trực HĐND tỉnh đã tiếp nhận 1.369 đơn, trong đó có 412 đơn khiếu nại, 344 đơn tố cáo, 613 đơn kiến nghị, phản ánh; phân loại, chuyển đến cơ quan, đơn vị có thẩm quyền giải quyết và báo cáo kết quả giải quyết về cho Thường trực HĐND tỉnh và thông báo cho công dân. Trong đó, có 796 đơn đủ điều kiện xử lý (bằng 58,1%), Thường trực HĐND tỉnh đã hướng dẫn, trả lời 47 đơn; chuyển cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết 749 đơn; lưu 573 đơn không đủ điều kiện xử lý (bằng 41,9%); có 435 đơn có văn bản trả lời (bằng 58,01%). Nhiều vụ việc kéo dài, phức tạp, đông người trên địa bàn tỉnh đã được giải quyết dứt điểm, đúng quy định.

Tồn tại, hạn chế

Bên cạnh kết quả đạt được, công tác tiếp công dân, xử lý đơn của công dân vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như một số đại biểu HĐND chưa dành nhiều thời gian cho công tác tiếp công dân. Một số vụ việc Thường trực HĐND chuyển đơn hoặc giao trách nhiệm cho các cơ quan, địa phương có liên quan xử lý, trả lời cho công dân nhưng chất lượng giải quyết chưa cao; báo cáo kết quả giải quyết hoặc thông báo trả lời cho công dân còn chậm, trả lời chung chung dẫn đến công dân tiếp tục khiếu nại, tố cáo, kiến nghị phản ánh kéo dài. Chưa có phần mềm theo dõi xử lý đơn. Chưa tổ chức các đoàn giám sát chuyên đề của Thường trực HĐND tỉnh về các vụ việc khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân. Một số vụ việc đã được cấp có thẩm quyền xem xét, giải quyết nhiều lần, kéo dài nhưng công dân vẫn tiếp tục gửi đơn đề nghị HĐND tỉnh xem xét, giải quyết.

Nguyên nhân do cơ chế, chính sách, pháp luật chưa đồng bộ, thống nhất, một số quy định không sát với thực tế nhưng chưa được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp. Phương pháp và kỹ năng tiếp công dân, xử lý đơn của một số đại biểu HĐND còn hạn chế. Sự phối hợp giữa các cấp, các ngành trong hoạt động tiếp công dân, tiếp nhận, xử lý khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân ở một số cơ quan, đơn vị, thiếu đồng bộ, chặt chẽ; chưa chú trọng công tác tuyên truyền, hòa giải, đối thoại trực tiếp tại cơ sở nên một số vụ việc chưa được giải quyết triệt để. Một bộ phận người dân chưa nhận thức đầy đủ về pháp luật khiếu nại, tố cáo cũng như vai trò, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND tỉnh và của đại biểu HĐND; công dân đến phản ánh tại các buổi tiếp công dân và gửi đơn khiếu nại cho rằng HĐND có thể trực tiếp chỉ đạo giải quyết mọi vụ việc.

Giải pháp nâng cao chất lượng công tác tiếp, xử lý đơn của công dân

Tăng cường tập huấn cho đại biểu HĐND tỉnh và đội ngũ cán bộ, công chức Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh để nâng cao nhận thức, kỹ năng tiếp công dân, xử lý đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị phản ánh của công dân. Nâng cao trách nhiệm của đại biểu HĐND tỉnh trong việc tiếp công dân tại đơn vị bầu cử; tăng cường theo dõi, đôn đốc việc gửi báo cáo kết quả tiếp công dân hàng tháng của các Tổ đại biểu HĐND tỉnh. Thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả những quy định trong quy chế phối hợp giữa Thường trực HĐND, Đoàn đại biểu Quốc hội, Ủy ban MTTQ tỉnh và Ủy ban nhân dân tỉnh về công tác tiếp dân, xử lý, giải quyết khiếu nại, tố cáo.

aa148f768b7944271d68.jpg
Đơn của công dân gửi đến HĐND, Thường trực, các Ban HĐND tỉnh, đại biểu HĐND tỉnh

Nâng cao chất lượng phân loại, xử lý đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân; phân công đại biểu HĐND tỉnh, tổ đại biểu HĐND tỉnh, cán bộ, công chức theo dõi, đôn đốc việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân, nhất là đối với những vụ việc phức tạp, kéo dài. Hàng quý, Thường trực HĐND tỉnh rà soát và có văn bản đôn đốc việc giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân và đề nghị cơ quan cấp trên trực tiếp kiểm điểm trách nhiệm của cơ quan có thẩm quyền chậm giải quyết, trả lời đơn thư do Thường trực HĐND tỉnh chuyển đến. Định kỳ 6 tháng (khi cần thiết), Thường trực HĐND tỉnh tổ chức đối thoại trực tiếp với công dân về một số vụ việc nổi cộm, phức tạp, kéo dài để nắm bắt thực tế, khách quan; tổ chức làm việc với UBND tỉnh và các sở, ngành về giải quyết đơn của công dân.

Tăng cường giám sát, tái giám sát việc giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân, nhất là các vụ việc phức tạp, nổi cộm, đông người, kéo dài chưa được giải quyết dứt điểm hoặc vi phạm trình tự, thủ tục, thời hạn giải quyết. Ít nhất mỗi năm tổ chức 01 đoàn giám sát chuyên đề đối với hoạt động tiếp công dân và việc giải quyết đơn của công dân. Phân công các Tổ đại biểu HĐND tỉnh tại các huyện, thành phố, thị xã giám sát việc giải quyết các đơn thư trên địa bàn. Lựa chọn những vụ việc khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân có tính chất phức tạp, kéo dài... để tổ chức chất vấn tại kỳ họp HĐND tỉnh và phiên họp Thường trực HĐND tỉnh. Nâng cao chất lượng thẩm tra báo cáo tình hình tiếp công dân, giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị phản ánh của công dân do UBND tỉnh trình kỳ họp của HĐND tỉnh.

Xây dựng phần mềm theo dõi giải quyết đơn của công dân, kết nối, liên thông với Ban Nội chính, Ban Tiếp công dân của tỉnh và các sở, ngành, địa phương để tạo thuận lợi cho việc cập nhật, theo dõi, giúp cho việc xử lý đơn được nhanh chóng, dễ dàng và giảm thiểu sự trùng lắp. Thực hiện công khai hóa kết quả giải quyết đơn của công dân trên Trang Thông tin điện tử đại biểu nhân dân , giúp người dân nắm bắt, theo dõi, giám sát việc giải quyết của các cơ quan chức năng.

Bên cạnh đó, cần kiến nghị Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ xây dựng hệ thống pháp luật ổn định để giảm phát sinh khiếu nại, tố cáo; có các chế tài và trình tự, thủ tục áp dụng chế tài đối với các chủ thể không thực hiện kiến nghị giám sát của cơ quan dân cử; xây dựng cơ sở dữ liệu về công tác tiếp công dân để tạo thuận lợi cho cơ quan dân cử quản lý, theo dõi việc tiếp nhận, xử lý đơn, thư khiếu nại, tố cáo của công dân; bổ sung đối tượng được hưởng chế độ, chính sách trong việc thực hiện nhiệm vụ tiếp công dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo đối với Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh.

Kế thừa những kết quả đạt được trong thời gian qua và triển khai đồng bộ các giải pháp sẽ là yếu tố quan trọng để nâng cao chất lượng tiếp dân, xử lý đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị phản ánh của công dân gửi đến HĐND tỉnh , góp phần khẳng định vai trò của cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân./.

Phan Trung Tú

Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh Nghệ An