Trước khi xây dựng kế hoạch tiếp xúc, Đoàn đại biểu quốc hội tỉnh đã liên hệ với Thường trực HĐND huyện để thống nhất hình thức, thời gian, địa điểm, quy mô, đối tượng tiếp xúc. Sau khi nhận được kế hoạch tiếp xúc cử tri trước và sau mỗi kỳ họp Quốc hội, Thường trực HĐND huyện phối hợp thống nhất với UB MTTQ huyện triển khai kế hoạch tiếp xúc cử tri của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh. Chuẩn bị chu đáo các điều kiện đảm bảo cho hội nghị tiếp xúc cử tri như địa điểm, thành phần; chủ trì, thư ký; điều kiện sinh hoạt cho các đại biểu; tổng hợp, phân loại các ý kiến, kiến nghị của cử tri.

bna-db-2782--n1.jpg
Các đại biểu tiếp xúc tại huyện Quỳnh Lưu

Ngoài hình thức tiếp xúc trực tiếp với cử tri trước và sau các kỳ họp của Quốc hội, công tác phối hợp trong tiếp xúc cử tri của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh khóa XV với Thường trực HĐND huyện đã từng bước được đổi mới, nhất là việc phối hợp vận dụng thích ứng, linh hoạt, khoa học phù hợp với điều kiện dịch bệnh Covid – 19 diễn biến phức tạp thời gian qua trên địa bàn huyện. Đó là việc tổ chức tiếp xúc giữa đại biểu quốc hội với cử tri trước kỳ họp bằng hình thức trực tuyến (đây là hình thức tiếp xúc cử tri đầu tiên được áp dụng công nghệ thông tin) với sự tham gia của nhiều thành phần, đối tượng, phạm vi rộng hơn, hầu hết các nguyện vọng chính đáng, các ý kiến, kiến nghị của cử tri trên địa bàn đều được truyền tải đến đại biểu Quốc hội. Sau kỳ họp, khi huyện đang áp dụng Chỉ thị 16 về dãn cách xã hội, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã thống nhất với Thường trực HĐND huyện lựa chọn hình thức báo cáo với cử tri kết quả kỳ họp bằng hình thức gián tiếp nhưng vẫn truyền tải được sâu rộng kết quả của kỳ họp đến cử tri, vẫn tổng hợp, nắm bắt được tâm tư của cử tri đến đại biểu Quốc hội bằng việc: Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh sao gửi tới Thường trực HĐND huyện kết quả kỳ họp, Thường trực HĐND huyện ban hành công văn kèm theo báo cáo kết quả kỳ họp gửi tới UB MTTQ huyện, xã, Thường trực HĐND, UBND các xã, thị trấn để thông tin sâu rộng tới Nhân dân qua Đài truyền thanh huyện, hệ thống truyền thanh của xã, xóm, thông qua sinh hoạt cụm dân cư và tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi về UB MTTQ huyện và Thường trực HĐND huyện để gửi về Đoàn đại biểu Quốc hội và UB MTTQ tỉnh. Đồng thời, các vị đại biểu Quốc hội bầu tại Quỳnh Lưu đã tích cực tham dự kỳ họp thường lệ giữa năm, cuối năm của HĐND huyện, thông qua đó đã báo cáo cơ bản kết quả kỳ họp quốc hội đến toàn thể kỳ họp và đến cử tri thông qua việc kỳ họp được truyền thanh và truyền hình trực tiếp; tại kỳ họp có lắp đặt đường dây điện thoại trực tuyến để tiếp nhận ý kiến của cử tri không chỉ đến kỳ họp mà còn chuyển tải ý kiến tới đại biểu Quốc hội dự kỳ họp.

Các ý kiến, kiến nghị của cử tri tại các cuộc tiếp xúc đều được Ủy ban MTTQ, Thường trực HĐND huyện phối hợp tổng hợp đầy đủ, phân loại chính xác. Những ý kiến, kiến nghị đến Quốc hội, chính phủ, các bộ, ngành Trung ương, tỉnh được gửi đến Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, Thường trực HĐND tỉnh, Ủy ban MTTQ tỉnh; những ý kiến, kiến nghị thuộc thẩm quyền huyện, xã được chuyển đến UBND huyện, xã và các ngành liên quan xem xét giải quyết. Thời gian qua, các ý kiến, kiến nghị của cử tri trên địa bàn huyện đều được Đoàn đại biểu quốc hội tỉnh, đại biểu Quốc hội theo dõi, giám sát và đôn đốc việc thực hiện. Hầu hết các ý kiến được quốc hội, chính phủ, các bộ, ngành trung ương, địa phương giải quyết và trả lời kịp thời đến cử tri. Kết quả giải quyết được Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh gửi đến Thường trực HĐND huyện thông qua hệ thống phần mềm quản lý văn bản điều hành, Thường trực HĐND huyện lựa chọn những nội dung liên quan trực tiếp đến nhân dân huyện, những nội dung ý kiến, kiến nghị của cử tri trên địa bàn để sao gửi đến địa phương, cơ quan, đơn vị truyền tải kịp thời, sâu sát đến cử tri.

Cùng với việc đại biểu Quốc hội thông tin đến Thường trực HĐND huyện, cử tri và Nhân dân huyện về kết quả kỳ họp và hoạt động của Đoàn đại biểu quốc hội tỉnh, Thường trực HĐND huyện cũng đã có sự trao đổi, định kỳ cung cấp đầy đủ thông tinh tình hình kinh tế - xã hội, những vấn để cử tri trên địa bàn huyện bức xúc, quan tâm đến với đại biểu Quốc hội. Qua các thông tin đó, năm qua, đại biểu Quốc hội ứng cử trên địa bàn đã trực tiếp đến với Nhân dân, nắm bắt, lắng nghe những khó khăn của Nhân dân trong hoạt động khai thác, đánh bắt thủy hải sản xa bờ thời gian qua tại xã Sơn Hải và Cảng Cá Lạch Quèn xã Quỳnh Thuận để từ đó có ý kiến với Quốc hội và các bộ, ngành liên quan đề ra các chính sách tháo gỡ khó khăn cho ngư dân. Đại biểu Quốc hội được bầu tại huyện cũng đã tổ chức thăm hỏi, động viên các ngư dân gặp nạn trên biển tại xã Sơn Hải, động viên ngư dân tiếp tục khắc phục khó khăn, vươn khơi bám biển phát triển kinh tế, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ quốc gia. Qua những hoạt động đó của đại biểu, đã tạo nên hình ảnh gần gũi, tình cảm thân thiện giữa người đại biểu Nhân dân với cử tri.

Có thể khẳng định, thời gian qua, công tác phối hợp giữa Đoàn đại biểu Quốc hội với Thường trực HĐND huyện Quỳnh Lưu đã được duy trì và thực hiện tốt, có sự liên kết thông tin qua lại và thống nhất thực hiện các giải pháp nhằm từng bước nâng cao chất lượng tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội, giúp cho đại biểu Quốc hội có thêm những thông tin cần thiết, có thêm các căn cứ thực tiễn để thực hiện tốt nhiệm vụ đại biểu, góp phần quan trọng giúp đại biểu quyết nghị các nội dung trình tại kỳ họp, quyết định ban hành các nghị quyết sát thực tiễn, hợp lòng dân.

Thời gian tới, để nâng cao chất lượng, hiệu quả tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội, Thường trực HĐND huyện Quỳnh Lưu để xuất một số giải pháp cơ bản sau:

Thứ nhất, tiếp tục đổi mới nội dung, hình thức tiếp xúc cử tri theo hướng linh hoạt, phù hợp với điều kiện thực tế của đời sống xã hội, của từng địa phương, từng đơn vị bầu cử…dù hình thức tiếp xúc nào cũng hướng tới việc cử tri là đối tượng được tiếp cận đầy đủ được những thông tin đại biểu Quốc hội cần cung cấp; ý kiến, kiến nghị của cử tri được truyền tải tới đại biểu Quốc hội đầy đủ và toàn diện. Cần nghiên cứu, tổ chức thực hiện một cách khoa học việc tiếp xúc cử tri theo chuyên đề. Có sự phối hợp giữa đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp trong việc tiếp xúc cử tri; địa bàn, đối tượng, phạm vi tiếp xúc cử tri được mở rộng, địa điểm tổ chức tiếp xúc cử tri không chỉ tập trung ở trung tâm cấp huyện, cấp xã mà được mở rộng đến tận các thôn, bản, tổ dân phố hoặc các khu dân cư. Đại biểu Quốc hội tại đơn vị bầu cử có thể chia thành các nhóm để tiếp xúc ở nhiều điểm hơn. Tăng cường tổ chức tiếp xúc cử tri tại thôn, bản, khu dân cư, nhất là những nơi người dân đã có ý kiến, kiến nghị nhưng chưa được giải quyết dứt điểm; những nơi có vấn đề nổi cộm, bức xúc.

Thứ hai, tại các cuộc tiếp xúc cử tri với đại biểu Quốc hội, các sở, ngành cấp tỉnh cần phân công lãnh đạo Sở, ngành mình tham dự đầy đủ để nghe, tiếp thu ý kiến và giải trình những kiến nghị của cử tri đối với những vấn đề liên quan đến trách nhiệm của cấp mình; thực tiễn cho thấy, khi có đại diện của chính quyền các cấp và lãnh đạo các đơn vị liên quan tham dự các buổi tiếp xúc cử tri thì hầu hết các ý kiến, kiến nghị của cử tri thuộc thẩm quyền được trả lời trực tiếp, kịp thời; đối với những kiến nghị liên quan đến sửa đổi cơ chế, chính sách hoặc nguồn lực không thể giải quyết ngay... thì được trao đổi, giải thích, cung cấp thêm thông tin, để cử tri hiểu, chia sẻ với cấp ủy, chính quyền địa phương.

Thứ ba, phát huy vai trò của công nghệ thông tin trong nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của cử tri như: Chuyên mục cử tri quan tâm của trang web: dbndnghean.vn cần được chia sẻẽ sâu rộng hơn nữa để cử tri và Nhân dân tiếp cận; các kênh Zalo, Facebook…của đại biểu được công khai để cử tri có điều kiện phản ánh ý kiến, kiến nghị đến đại biểu.

Thứ tư, thông qua hoạt động của Thường trực HĐND huyện trong việc cung cấp những vấn đề cử tri bức xúc, quan tâm đến đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội tiến hành nắm bắt, gặp gỡ trực tiếp, lắng nghe ý kiến Nhân dân tại các khu dân cư để có ý kiến phản ánh kịp thời đến cơ quan chức năng cùng vào cuộc tháo gỡ. Ví dụ: Vấn đề sốt đất, vấn nạn “cò đất”, giá đất tăng cao bất thường tại hầu hết các khu vực nông thôn hiện nay…

Thứ năm, trong tổng hợp, theo giõi, giám sát và đôn đốc ý kiến kiến nghị của cử tri cần có phần mềm riêng của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh. Trong đó, có đầy đủ các nội dung đã giải quyết, chưa giải quyết, đang xem xét giải quyết để định kỳ, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh cung cấp kết quả theo dõi đến các cơ quan, đơn vị có liên quan để đôn đốc và gửi đến Thường trực HĐND, Ủy ban MTTQ các cấp biết và báo cáo cử tri.

Thứ sáu, thông qua hoạt động tiếp xúc cử tri, vào dịp cuối năm, ngoài báo cáo hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tại kỳ họp, đại biểu Quốc hội cần báo cáo hoạt động của đại biểu trong Đoàn, trong các kỳ họp Quốc hội và các hoạt động khác của đại biểu với vai trò là đại biểu dân cử để cử tri theo dõi, giám sát.

Hồ Sỹ Nguyệt

UV BTV Huyện ủy, PCT HĐND huyện Quỳnh Lưu