Để gỡ khó cho các doanh nghiệp thủy lợi, rất mong Trung ương sớm có chính sách phù hợp, nhất là giá dịch vụ thủy lợi, vừa bảo đảm thu nhập cho người lao động vừa đáp ứng yêu cầu phục vụ sản xuất.

Đồng lương èo ọt

Khi hỏi về lương thưởng của lao động ngành thủy lợi, ông Lưu Ngọc Cường (58 tuổi), Trạm trưởng Trạm 16A thuộc Xí nghiệp thủy lợi Vinh (Công ty TNHH một thành viên Thủy lợi Nam Nghệ An) trầm tư: “Đã công tác trong ngành được hơn 39 năm, chỉ ít năm nữa là về hưu, nhưng lương của tôi cũng chỉ vỏn vẹn hơn sáu triệu đồng/tháng. Bản thân tôi đã qua thời gian khổ, con cái đã trưởng thành. Tuy nhiên cuộc sống các anh em ở trạm thì vất vả đủ bề khi đa số có con đang trong độ tuổi đến trường. Thương anh em nắng mưa vẫn phải cắt cỏ, vớt rác, bảo trì sửa chữa máy bơm… mà lương chỉ được ba, bốn triệu đồng mỗi tháng”.

a2-khoi-luong-cong-viec-lon-ap-luc-nhung-dong-luong-beo-bot-khien-nhieu-cong-nhan-khong-man-ma-voi-nghe-4423.jpg.webp
Khối lượng công việc lớn, áp lực nhưng đồng lương bèo bọt khiến nhiều công nhân không mặn mà với nghề.

Đơn cử như trường hợp anh Nguyễn Trần Ngọc (49 tuổi) nhân viên của Trạm đã gắn bó với nghề 28 năm, nhưng đến nay thu nhập chưa tới năm triệu đồng/tháng. Vợ mất sớm, anh Ngọc phải “gà trống” nuôi hai đứa con học Đại học. Cô con gái thứ hai đang theo học đại học Thương mại nhưng đứng trước viễn cảnh không thể viết tiếp được ước mơ, do bố khó chu cấp đủ chi phí tối thiểu cho con. Anh Ngọc cho biết: “Để lo cho gia đình và con ăn học, thời gian rảnh rỗi, ai thuê gì tôi làm đó, miễn là có thêm thu nhập!”

Phó Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Thủy lợi Nam Nghệ An Tạ Huy Hiền chia sẻ những khó vất vả mà công nhân thủy lợi đang phải đối mặt, bởi lương thưởng “bọt bèo” của mình. Mặc dù thương anh em nhưng ban lãnh đạo cũng “lực bất tòng tâm”.

Do công việc áp lực, vất vả trong khi đồng lương ít ỏi không đáp ứng được cuộc sống, cho nên không ít người đã đành “dứt áo ra đi” mặc dù còn yêu nghề. Gần đây, trung bình mỗi năm công ty có từ năm đến bảy lao động xin nghỉ việc.

Đa số họ là những người trẻ, có chuyên môn. Những người ở lại cũng chật vật, làm đủ việc để trang trải cuộc sống. Hiện đơn vị chỉ còn 465 người nhưng phải cáng đáng công việc của 505 người – theo định biên, khi quản lý đến 46 trạm bơm điện tưới tiêu, 13 hồ chứa, hơn 270km kênh dẫn và kênh tưới…

Cách thành phố khoảng 100km, các lao động của Công ty TNHH Thủy lợi Phủ Quỳ phục vụ cho thủ phủ cây ăn quả của vùng Phủ Quỳ (Nghệ An) cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự.

Anh Hồ Sang ở Trạm Quản lý thủy nông Đông, cống hiến hơn 11 năm cho ngành nhưng đến nay thu nhập mới được hơn 5 triệu đồng/tháng.

Anh tâm sự: Với đồng lương ít ỏi của mình lại phải lo cuộc sống gia đình bốn người, trong đó có hai cháu đang đi học, dù có tùng tiệm đến mấy, tôi cũng phải tranh thủ làm thêm phụ hồ hay phụ cơ khí... Dẫu vậy, tháng nào hiếu hỉ nhiều, vợ chồng phải vay mượn, đắp chỗ này, bù chỗ kia. Nhiều lúc, vợ khuyên nghỉ việc vào nam hoặc tìm công việc khác có thu nhập cao hơn. Vì yêu nghề nên vẫn bám trụ.

“Nếu không bươn chải làm thêm, chắc tôi bỏ nghề này từ lâu!” - anh Sang buồn rầu.

a1-cong-nhan-thuy-nong-cong-ty-tnhh-thuy-loi-phu-quy-doi-nang-cat-co-don-kenh-muong-nhung-ngay-nang-nong-8706.jpg.webp
Công nhân thủy nông Công ty TNHH Thủy lợi Phủ Quỳ đội nắng cắt cỏ, dọn kênh mương những ngày nắng nóng.

Thương anh em, Trạm trưởng Trạm Quản lý thủy nông Đông, Phan Hữu Đồng cũng chỉ biết tâm tư: “Khi lũ lớn, nắng hạn mọi người trú ẩn trong nhà còn chúng tôi phải lăn lộn giữa thời tiết khắc nghiệt. Khối lượng công việc lớn, áp lực công việc không kể ngày đêm trong khi lương lại quá thấp khiến nhiều anh em nản, bỏ “cuộc chơi” để tìm nghề khác thu nhập tốt hơn!”.

 

Giám đốc Công ty TNHH Thủy lợi Phủ Quỳ Hoàng Trần Lâm lý giải: Do chính sách thay đổi vùng miền, giá sản phẩm dịch vụ thủy lợi từ năm 2012 đến nay không tăng mà còn giảm, dẫn đến giá sản phẩm dịch vụ thủy lợi đã thấp so với thực tế thì hiện nay càng thấp hơn. Chính vì vậy, đồng lương thì eo hẹp, phúc lợi khen thưởng và làm thêm giờ phòng chống thiên tai, hạn hán rất hạn chế… Công ty đã có đến năm người làm đơn nghỉ việc trong năm 2023.

Nỗi niềm của những cán bộ thủy nông nêu trên đã phần nào lột tả được những khó khăn của ngành thủy lợi đang phải đối mặt.

Dẫu biết rằng ở ngành nào, nghề nào cũng có những khó khăn vất vả nhưng với những lao động đang công tác ngành thủy lợi thì thật bi đát. Nếu tình trạng này kéo dài, họ sẽ nhảy việc hàng loạt, ngành thủy lợi sẽ gặp khó.

Thủy lợi là dịch vụ công ích có tính kinh tế kỹ thuật chuyên sâu. Nếu không hiểu hệ thống, không có kỹ năng vận hành máy thì khối tài sản hàng nghìn tỷ của đơn vị chẳng thể mang lại giá trị, không phát huy đầy đủ giá trị phục vụ cho nông nghiệp.

Mới đây, chiều 1/11, tại phiên họp Quốc hội, có đại biểu đã phát biểu, nhấn mạnh: Hầu hết doanh nghiệp quản lý, khai thác công trình thủy lợi đang gặp khó khăn, quy trình ban hành giá phức tạp, chưa phù hợp với đặc thù của công trình thủy lợi. Đặc biệt về chế độ của công nhân thủy nông là rất thấp trong khi phải làm việc ở môi trường khó khăn, địa bàn rộng.

Gỡ nút thắt cho doanh nghiệp

Hoạt động của các công ty quản lý, khai thác thủy lợi hiện đang có những vấn đề đáng quan tâm. Đó là những chính sách “tròng” doanh nghiệp từ nhiều năm nay. Trên địa bàn Nghệ An hiện có bảy công ty thủy lợi, với hàng nghìn lao động, tất cả đều rơi vào khó khăn chung. Các doanh nghiệp đang phải đau đầu lo giữ người ở lại, chưa nghĩ đến thu hút người tài.

Cùng với đó, một số công trình thủy lợi đang xuống cấp, đặc biệt là công trình xây dựng từ thời bao cấp, có tuổi thọ gần trăm năm nhưng chưa được duy tu, sửa chữa và thủy lợi nội đồng xuống cấp.

a3-nhieu-hang-muc-cong-trinh-bara-nghi-quang-bi-hu-hong-xuong-cap-7351.jpg.webp
Nhiều hạng mục công trình Bara Nghi Quang bị hư hỏng, xuống cấp, công nhân phải thường xuyên tăng cường bảo dưỡng, sửa chữa.

Phó giám đốc Công ty TNHH một thành viên Thủy lợi Nam Nghệ An Tạ Duy Hiền, thẳng thắn: Nguồn thu hoạt động sản xuất, kinh doanh của đơn vị chủ yếu từ hỗ trợ sản phẩm dịch vụ công ích thủy lợi. Hiện nay dịch vụ công ích đang thực hiện theo Nghị định số 67/2012/NĐ-CP ngày 10/92012 của Chính phủ, Nghị định này có hiệu lực từ năm 2013. Đến nay đã trải qua 10 năm, khung giá thủy lợi phí này vẫn không thay đổi. Trong khi chính sách tiền lương, tiền điện, sinh hoạt đã “phi mã” nhiều lần. Theo vật giá như trước đây, chi phí tiền điện từ 4 đến 5 tỷ đồng/năm nhưng hiện nay đã tăng lên 11 tỷ đồng/năm khiến doanh nghiệp chồng chất khó khăn. Chưa hết, một số công trình trọng điểm như cống Nam Đàn, Cống Bến Thủy xây dựng cách đây hơn 80 năm, nay đã xuống cấp trầm trọng không có kinh phí sửa chữa...

Ngoài ra, theo Giám đốc Công ty TNHH Thủy lợi Phủ Quỳ, Hoàng Trần Lâm, một số nội dung quy định tại Nghị định số 96/2018/NĐ-CP ngày 30/6/2018 của Chính phủ còn nhiều bất cập, không quy định chi phí phòng, chống lụt bão, úng hạn được tính trong chi phí bảo vệ, bảo đảm an toàn công trình thủy lợi. Tại Điều 8 Thông tư số 73/2018/TT-BTC ngày 15/8/2018 của Bộ Tài chính có quy định, doanh nghiệp khai thác công trình thủy lợi được sử dụng nguồn tài chính tại đơn vị để bù đắp chi phí này.

Với đặc thù của ngành thủy lợi, hoạt động cung cấp sản phẩm, dịch vụ thủy lợi luôn chịu tác động, ảnh hưởng trực tiếp của thiên tai. Việc không quy định khoản mục chi phí này trong giá sản phẩm và chi phí sản xuất của đơn vị làm nhiệm vụ khai thác công trình thủy lợi là chưa phù hợp và không tạo tính chủ động trong sản xuất của doanh nghiệp.

Để sớm gỡ khó cho doanh nghiệp Thủy nông, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Nghệ An Nguyễn Trường Thành đề nghị, Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sớm ban hành thông tư hướng dẫn cụ thể, chi tiết Nghị định 96/2018/NĐ-CP về công tác xây dựng khung giá và giá dịch vụ thủy lợi để làm cơ sở xây dựng giá. Ban hành quy trình chi tiết, rõ ràng về công tác lập, thẩm định, phê duyệt và trách nhiệm của các đơn vị liên quan về công tác xây dựng khung giá, giá sản phẩm dịch vụ thủy lợi. Đồng thời sớm xem xét, trình Chính phủ điều chỉnh giá dịch vụ thủy lợi bảo đảm tính khách quan, vừa dễ thực hiện, dễ giám sát. Nguồn thu từ giá sản phẩm dịch vụ công ích thủy lợi hiện quá thấp, chưa đáp ứng với giá cả thị trường. Cần xem xét trợ cấp, trợ giá phần chi phí theo các chế độ, chính sách, quy định của Nhà nước như chính sách về lương, thưởng… và theo yêu cầu thực tế phục vụ sản xuất.