Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) gồm 3 chương, 50 điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/3.

Một nội dung quan trọng được nhiều người quan tâm là quy định về “Tổ chức chính quyền địa phương ở các đơn vị hành chính” tại Điều 2.

Cụ thể, luật quy định, chính quyền địa phương ở cấp tỉnh, huyện, xã gồm có HĐND và UBND. Trường hợp Quốc hội có quy định về việc không tổ chức cấp chính quyền địa phương tại đơn vị hành chính cụ thể thì chính quyền địa phương ở đơn vị hành chính đó là UBND.

Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật trước đó, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp Hoàng Thanh Tùng cho biết, một số ý kiến đề nghị tiếp tục tổng kết, đánh giá toàn diện việc tổ chức mô hình chính quyền đô thị ở một số địa phương, trên cơ sở đó đề xuất mô hình tổ chức chính quyền địa phương phù hợp.

hoangthanhtung0-62249.jpg?width=0&s=VYL1hXYeU2GfbP2QOK7UXw
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp Hoàng Thanh Tùng. Ảnh: Quốc hội

Tiếp thu ý kiến nêu trên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ phối hợp với Chính phủ tổng kết việc thực hiện mô hình chính quyền đô thị tại các địa phương thời gian qua để có cơ sở đề xuất mô hình phù hợp và thực hiện một cách đồng bộ, thống nhất trên phạm vi cả nước.

Bên cạnh đó, có ý kiến đề nghị quy định trong luật về chính quyền địa phương ở đơn vị hành chính không tổ chức chính quyền địa phương để phù hợp với các nghị quyết của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị.

Về ý kiến này, Ủy ban Thường vụ chỉnh lý dự thảo Luật với quy định rõ: Đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã là cấp chính quyền địa phương gồm HĐND và UBND.

Phân quyền, phân cấp không hiệu quả, phải điều chỉnh ngay

Một nội dung đáng chú ý của luật là phân định thẩm quyền, phân quyền, phân cấp, ủy quyền giữa chính quyền địa phương các cấp.

Một số ý kiến đề nghị rà soát các chủ thể phân cấp, ủy quyền và chủ thể được phân cấp, ủy quyền để bảo đảm phù hợp với vai trò, tính chất của mỗi chủ thể.

Ý kiến khác đề nghị quy định rõ về các điều kiện bảo đảm và cơ chế chịu trách nhiệm của các chủ thể trong từng loại hình phân cấp, phân quyền, ủy quyền.

quochoi-62250.jpg?width=0&s=GvQHy0-WjJUqeTLZwuSN_w
Các đại biểu Quốc hội bấm nút thông qua Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi). Ảnh: Quốc hội

Tiếp thu ý kiến của đại biểu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo rà soát, chỉnh lý các chủ thể phân cấp, ủy quyền bảo đảm phù hợp với tính chất của mỗi loại chủ thể (không quy định HĐND phân cấp cho UBND cùng cấp hoặc HĐND cấp dưới) và phạm vi phân cấp, ủy quyền.

Luật cũng quy định rõ về việc bảo đảm điều kiện thực hiện và phạm vi trách nhiệm của các chủ thể trong việc phân quyền, phân cấp, ủy quyền như đã thể hiện tại các điều 12, 13 và 14.

Về đề nghị bổ sung cơ chế giám sát chặt chẽ, kịp thời xử lý sai phạm trong thực hiện phân quyền, phân cấp; bổ sung trách nhiệm xử lý việc phân cấp, ủy quyền không hiệu quả, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu và đã bổ sung nguyên tắc về kịp thời điều chỉnh nội dung phân quyền, phân cấp khi cơ quan, tổ chức, cá nhân được phân quyền, phân cấp thực hiện không hiệu quả các nhiệm vụ, quyền hạn được giao.

Ngoài ra, luật bổ sung trách nhiệm của các cơ quan trong việc theo dõi, kiểm tra, thanh tra, giám sát việc thực hiện các nhiệm vụ được phân quyền, phân cấp.

Cụ thể, khoản 3 Điều 12 quy định: Cơ quan nhà nước cấp trên, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, có trách nhiệm kiểm tra, thanh tra, giám sát về tính hợp hiến, hợp pháp trong việc thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn được phân quyền cho chính quyền địa phương các cấp.

Khoản 3, Điều 13 quy định: Cơ quan phân cấp có trách nhiệm theo dõi, hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn đã phân cấp, bảo đảm các nội dung phân cấp được thực hiện hiệu lực, hiệu quả; chịu trách nhiệm về kết quả thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn mà mình phân cấp trong trường hợp không bảo đảm điều kiện theo quy định.

Căn cứ tách, nhập đơn vị hành chính bảo đảm đặc điểm từng nơi

Liên quan đến tổ chức đơn vị hành chính, có ý kiến đề nghị bổ sung các tiêu chí định lượng rõ ràng về dân số, diện tích, mức độ phát triển kinh tế, khả năng cung cấp dịch vụ hành chính để làm căn cứ nhập, chia đơn vị hành chính.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, các tiêu chuẩn cụ thể của đơn vị hành chính làm cơ sở cho việc thành lập, nhập, chia đơn vị hành chính, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính sẽ do Ủy ban Thường vụ quy định bảo đảm tiêu chuẩn của đơn vị hành chính với đặc điểm nông thôn, đô thị, hải đảo.

Có ý kiến đề nghị bổ sung quy định về đánh giá tác động trước khi thực hiện nhập, chia đơn vị hành chính, có báo cáo phân tích về lợi ích, chi phí để bảo đảm việc nhập, chia đơn vị hành chính không làm ảnh hưởng đến hoạt động quản lý nhà nước ở địa phương.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận định, việc đánh giá tác động cũng như phân tích cụ thể về lợi ích, chi phí trong quá trình thành lập, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính là các vấn đề thuộc về trình tự, thủ tục lập đề án và sẽ do Ủy ban Thường vụ quy định cụ thể.

Hiện tại, trong Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính đã có yêu cầu về đánh giá tác động trong đề án thành lập, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính.