Liên hệ chặt chẽ với cử tri cũng đồng thời là một trong những trách nhiệm của đại biểu Hội đồng nhân dân. Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân quy định về một số hình thức giữ mối liên hệ đó. Cụ thể là hoạt động tiếp xúc cử tri; tiếp công dân, tiếp nhận và xử lý khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của công dân. Trình tự, thủ tục thực hiện các hình thức này đã được Luật định. Tuy nhiên, trên thực tế, sự liên hệ chặt chẽ với Nhân dân, cử tri, hay như Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu chỉ đạo là "phải thật sự gắn bó mật thiết với cử tri" có thể hiểu rộng ra nữa là sự kết nối thường xuyên, bền chặt, khăng khít giữa người đại biểu nhân dân với Nhân dân, cử tri. Đó là sự kết nối hai chiều - "lắng nghe cử tri nói" và "nói cử tri nghe". Liên hệ chặt chẽ với cử tri giúp người đại biểu có dữ liệu từ cuộc sống để hoạt động hiệu quả, thực hiện tốt vai trò đại diện theo Hiến định. Chiều ngược lại, liên hệ chặt chẽ với cử tri cũng để qua đại biểu, cử tri nắm bắt rõ chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; công tác quản lý, điều hành của các cấp chính quyền và những quyết sách, hoạt động của cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương. Do vậy, trên cơ sở quy định của pháp luật, để "tròn vai" trách nhiệm giữ mối liên hệ với cử tri, Nhân dân của người đại biểu, rất cần sự chỉ đạo, định hướng cụ thể của Thường trực Hội đồng nhân dân. Và điều kiện, yếu tố không thể thiếu từ phía chủ thể thực hiện trách nhiệm này chính là kiến thức, kỹ năng và tâm huyết của người đại biểu nhân dân.

bna_19269027_2532022.jpg
Toàn cảnh kỳ họp thứ 5, HĐND tỉnh Nghệ An khóa XVIII

Kế thừa những cải tiến, đổi mới, kết quả đạt được về công tác dân nguyện của nhiệm kỳ trước, Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh khóa XVIII đang xây dựng Đề án nâng cao chất lượng hoạt động của Hội đồng nhân dân tỉnh, trong đó có hoạt động tiếp xúc cử tri, tiếp công dân. Với quan điểm nâng cao tinh thần trách nhiệm, tính chuyên nghiệp của các cơ quan và đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh; đảm bảo mục tiêu chung xây dựng Hội đồng nhân dân tỉnh thực sự là cơ quan đại diện cho ý chí và nguyện vọng của Nhân dân, nhiều mục tiêu cụ thể đã được lượng hóa như: chỉ tiêu ý kiến, kiến nghị của cử tri được tổng hợp, cập nhật đầy đủ, chính xác trên hệ thống cơ sở dữ liệu, chuyển đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết; chỉ tiêu ý kiến, kiến nghị của cử tri được cơ quan có thẩm quyền giải quyết đúng thời gian; chỉ tiêu đơn thư công dân gửi đến các cơ quan, đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh được cập nhật trên hệ thống cơ sở dữ liệu và xử lý theo quy định của pháp luật...

Trên tinh thần, chủ trương tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động như đã nêu trên, để tăng cường hơn nữa việc giữ mối liên hệ với cử tri, cụ thể là hoạt động tiếp xúc cử tri, tiếp công dân xin đề xuất một số nội dung, chủ yếu nhìn nhận từ góc độ chủ thể là đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh:

Trước hết, về hoạt động tiếp xúc cử tri xin được xem xét ở ba chiều cạnh: nội dung, hình thức tiếp xúc cử tri và việc thông tin, phản hồi với cử tri.

Thường là trước và sau mỗi kỳ họp Hội đồng nhân dân tỉnh, đại biểu lại về với cử tri. Xem hoạt động này là "chiều đi" và "chiều về" gắn với các hoạt động tại kỳ họp thì Hội nghị tiếp xúc cử tri nên thiết kế nội dung cho phù hợp. Trước kỳ họp, nội dung cơ bản là đại biểu báo cáo với cử tri về dự kiến nội dung, chương trình kỳ họp. Trong đó, qua thực tiễn cho thấy cử tri sẽ rất quan tâm tại kỳ họp sắp tới, Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh (qua đề xuất của đại biểu và các kênh khác) sẽ đề nghị Hội đồng nhân dân tỉnh quyết định nhóm vấn đề chất vấn và người bị chất vấn nào. Sau khi đại biểu báo cáo, trong phần phát biểu của mình cử tri sẽ thể hiện ý kiến đồng tình (nếu vấn đề dự kiến đã bắt mạch đúng hơi thở cuộc sống, nhất là những điểm nghẽn cần khơi thông) hoặc phản ánh những vấn đề nổi cộm từ thực tiễn mà đại biểu và các cơ quan Hội đồng nhân dân tỉnh cần đưa vào nghị trường.

Nội dung thứ hai mà đại biểu cần tập trung báo cáo là những dự thảo nghị quyết mà Hội đồng nhân dân tỉnh sẽ xem xét, quyết nghị. Với nội dung này, tổ đại biểu và đại biểu có thể lồng ghép để tiếp xúc cử tri theo chuyên đề giúp cho đại biểu có cái nhìn đa chiều hơn khi xem xét, thông qua các cơ chế, chính sách. Sau phần báo cáo, đại biểu lắng nghe ý kiến, kiến nghị của cử tri phản ánh với người đại diện cho mình. Lắng nghe cử tri không đơn thuần chỉ là nắm bắt thông tin, "chụp" lại sự việc mà phải là sự thấu hiểu, sự sẻ chia, sự đồng cảm. Có như vậy, qua liên hệ, đại biểu nói lên được tiếng nói của cử tri, thực hiện vai trò đại diện, cầu nối giữa cử tri, Nhân dân với Đảng, Nhà nước. Theo tinh thần chỉ đạo của Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, tiếp xúc cử tri trước kỳ họp nên bố trí triển khai sớm. Có quỹ thời gian, sau tiếp xúc cử tri, tổ đại biểu phân loại, tổng hợp, báo cáo kịp thời ý kiến, kiến nghị cử tri để Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh chuyển Ủy ban nhân dân tỉnh. Từ đó, có những nội dung cử tri kiến nghị có thể và cần giải quyết ngay sẽ được Ủy ban nhân dân tỉnh báo cáo tại kỳ họp, tránh độ trễ về thời gian.

Sau kỳ họp, đại biểu báo cáo với cử tri kết quả kỳ họp. Theo đó, nội dung về kinh tế - xã hội nên xem xét, cân nhắc để báo cáo tại lượt về này thay vì trước kỳ họp như lâu nay. Đó là bởi tình hình kinh tế - xã hội kỳ qua và định hướng mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp kỳ tới được mổ xẻ, bàn luận rất kỹ qua các phiên thảo luận tại tổ và tại hội trường, trên cơ sở đó để Hội đồng nhân dân tỉnh quyết nghị. Đây có thể xem là một trong những nghị quyết trọng tâm mà đại biểu cần phổ biến, vận động và cùng với Nhân dân thực hiện bên cạnh các nghị quyết về cơ chế, chính sách thuộc các lĩnh vực. Trên tinh thần đổi mới như đã nêu, tại Hội nghị tiếp xúc cử tri sau kỳ họp, đại biểu đã có thể báo cáo với cử tri kết quả giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri trước kỳ họp và những nội dung nêu ở kỳ trước đến nay mới giải quyết được và giải quyết xong dứt điểm. Thực hiện được như vậy sẽ đảm bảo tính thời sự của việc kiến nghị, thể hiện rõ sự đeo bám của đại biểu và cơ quan hữu quan, đáp ứng sự mong đợi của cử tri.

Về hình thức, tiếp xúc cử tri cần đa dạng và linh hoạt hơn. Không chỉ là trước và sau kỳ họp thường lệ, tại địa bàn ứng cử, đại biểu có thể tiếp xúc cử tri nơi công tác, nơi sinh sống, qua các phương tiện thông tin đại chúng v.v...Tùy thuộc vào nội dung, mục đích tiếp xúc để chọn địa bàn, đối tượng và thời điểm tiếp xúc cử tri phù hợp. Càng tiếp xúc nhiều nơi, nhiều điểm ở các vùng khác nhau thì đại biểu càng thu thập được nhiều ý kiến, tâm tư nguyện vọng của cử tri giúp cho hoạt động của Hội đồng nhân dân và đại biểu hội đồng nhân dân phù hợp, hiệu quả, sát thực tế.

Việc thông tin, báo cáo lại với cử tri thể hiện rõ trách nhiệm của đại biểu trước cử tri, là sự hồi đáp những tâm tư, nguyện vọng, mong muốn mà cử tri gửi gắm qua người đại diện cho mình. Cùng với sự nghiên cứu, chủ động nắm bắt thông tin của đại biểu, việc hệ thống hóa kết quả giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri bằng phần mềm sẽ giúp đại biểu thuận lợi trong việc tra cứu và kịp thời trao đổi, trả lời trực tiếp đến cử tri tại thời điểm tiếp xúc. Ngoài ra, có rất nhiều vấn đề từ sự phản ánh, kiến nghị của cử tri đã được Hội đồng nhân dân tỉnh, các cơ quan của Hội đồng nhân dân tỉnh chọn làm chuyên đề giám sát hay chất vấn, giải trình. Gắn với quy định "ít nhất mỗi năm một lần đại biểu báo cáo với cử tri về hoạt động của mình và của Hội đồng nhân dân nơi mình là đại biểu", đại biểu trao đổi lại với cử tri việc mình và cơ quan Hội đồng nhân dân tỉnh đã triển khai nội dung giám sát, chất vấn, giải trình hay tham gia để hoàn thiện nội dung chính sách như thế nào để đúng với tâm tư, nguyện vọng của cử tri, Nhân dân. Sự phản hồi này sẽ tăng thêm sự tin tưởng của cử tri, từ đó góp phần khắc phục điểm hạn chế, tồn tại trong thời gian qua là chưa thu hút được nhiều sự quan tâm, đóng góp ý kiến của cử tri đối với các nội dung thuộc thẩm quyền của Hội đồng nhân dân tỉnh.

08a4ded40730c96e9021-1.jpg
Cử tri phản ánh, kiến nghị với đại biểu HĐND tỉnh tại Hội nghị tiếp xúc cử tri

Hình thức giữ mối liên hệ thứ hai với cử tri, Nhân dân của đại biểu Hội đồng nhân dân là tiếp công dân, tiếp nhận và xử lý khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của công dân. Bên cạnh quy định của Luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 759/2014/UBTVQH13 ngày 15/5/2014 quy định chi tiết hoạt động tiếp công dân của cơ quan và đại biểu dân cử. Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh đã chỉ đạo, bố trí đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh tiếp công dân theo tổ tại đơn vị ứng cử. Hoạt động này cần đảm bảo chú trọng tất cả các khâu trong chu trình. Đó là tiếp công dân đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh; nghiên cứu, chuyển đến người có thẩm quyền giải quyết, đồng thời thông báo cho công dân được biết và đôn đốc, theo dõi, giám sát việc giải quyết. Để nắm bắt đầy đủ, sâu sắc tình hình của cử tri, Nhân dân, tổ đại biểu và đại biểu không chỉ theo dõi, giám sát việc giải quyết đơn do mình nhận mà còn cần phải theo dõi, giám sát việc giải quyết đơn thư công dân trên địa bàn chuyển đến Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, các cơ quan của Hội đồng nhân dân tỉnh. Việc theo dõi, giám sát đó là cơ sở để tham mưu, đề xuất Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh định kỳ 6 tháng/lần làm việc với Ủy ban nhân dân tỉnh và các ngành về kết quả giải quyết đơn thư, kiến nghị, phản ánh của công dân như quy định của pháp luật và Đề án mà Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh đang xây dựng, góp phần giảm thiểu vụ việc phức tạp, kéo dài.

Ngoài những hoạt động cơ bản giữ mối liên hệ với cử tri nêu trên, như đã đề cập ở phần đầu, đại biểu có thể có những hình thức khác để giữ mối liên hệ, tương tác với cử tri. Điều quan trọng và cốt lõi là đại biểu có cái tâm và luôn ý thức về vai trò đại diện của mình. Từ ý thức đó, đại biểu sẽ không ngừng nâng cao kiến thức, rèn luyện kỹ năng và dù ở đâu, bất kỳ lúc nào vẫn lắng nghe được nguyện vọng, ý kiến của cử tri, Nhân dân, xứng đáng với tên gọi là người đại biểu nhân dân.

Nguyễn Thị Anh Hoa

Phó Chánh Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh