Một buổi sáng mùa đông vào bản Nóng, xã Tri Lễ, huyện Quế Phong, thoang thoảng trong màn sương sớm là hương xôi nếp. Mùi thơm nếp mới quyện vào gió lan tỏa giữa không gian núi rừng. Dù đã quen với hương xôi nếp miền rẻo cao, nhưng tôi vẫn lấy làm lạ bởi mùi thơm đặc biệt này liền đem hỏi một người mới quen, anh Lương Văn Sáng. Được biết thứ xôi nếp đó có tên là “Khau cày nọi” – lúa “gà con”. Trên cánh đồng trước bản, vài nhóm phụ nữ đang mải mê gặt lúa. Đây là một trong những nơi gặt muộn nhất ở vùng miền núi Nghệ An, vì giống lúa nếp địa phương vốn có thời gian sinh trưởng chậm.
Bản Nóng có 141 hộ dân với diện tích ruộng nước hơn 40ha. Vụ mùa này, hầu hết diện tích ruộng nước được gieo trồng lúa “Khau cày nọi”. Cũng như nhiều thôn bản ở xã Tri Lễ, bản Nóng có truyền thống trồng lúa nước. Trong quá khứ, bà con chủ yếu sử dụng các giống lúa bản địa, duy trì giống để gieo trồng từ vụ này sang vụ khác. Tuy nhiên, ngày nay, phần lớn các giống lúa bản địa không còn được dùng, chỉ còn lại mỗi giống lúa nếp có tên gọi “Khau cày nọi” này.
Ông Lương Văn Hoạch, 63 tuổi ở bản Nóng, xã Tri Lễ cho biết : “Hồi còn nhỏ tôi đã thấy người dân trồng thứ lúa này. Lúa hạt tròn, khi chín màu vàng óng nhìn như đàn gà con nên có tên gọi như vậy.” Gia đình ông Hoạch trồng gần 4000m2 lúa “cày nọi”. Vụ này thu về hơn 1 tấn thóc. Theo ông Hoạch thì năng suất như vậy là thấp. Nhưng vì phẩm chất gạo tốt nên dù năng suất thấp, bà con vẫn duy trì giống lúa này. Nói về phẩm chất gạo, lão nông Lương Văn Hoạch nói thêm : “Gạo xát ra trắng, đồ xôi lại dẻo và mùi thơm thì ngồi cách mấy nhà cũng nghe thấy được.”
Được biết, tại một số vùng trồng lúa nước ở những bản người Thái thuộc các huyện Tương Dương, Kỳ Sơn cũng có giống lúa “Khau cày nọi”. Người dân ở Tri Lễ cho rằng nguồn gốc của giống lúa này có xuất xứ từ Lào. Nhiều người sang thăm thân ở các địa phương thuộc tỉnh Hủa Phăn (Lào) cũng thấy bà con bên kia biên giới trồng thứ lúa này. Có lẽ do việc lai tạo và canh tác cũng như chăm sóc tốt nên năng suất cao hơn so với dân bản ở Tri Lễ trồng.
Khi nói về lý do việc cư dân địa phương vẫn gắn bó với giống lúa này, ông Vi Văn Du, Bí thư đảng ủy xã Tri Lễ cho rằng chính khả năng chống chịu sâu bệnh tốt cũng như phẩm chất gạo “hảo hạng” của giống lúa này; Lúa thơm, dẻo nên người dân bản địa rất ưa dùng để làm các loại bánh chưng và những thứ bánh phục vụ lễ tết. Nhiều năm trở lại đây, gạo nếp bản địa Tri Lễ đã trở thành một mặt hàng được ưa thích. Cứ vào tháng 10 âm lịch, khi bà con vừa gặt xong vụ mùa là thương lái tìm đến tận bản thu mua, giá bán từ 23.000đ – 25.000đ/kg gạo “Khau cày nọi”. Mức giá còn cao hơn trong những ngày giáp Tết, khi nhu cầu về gạo nếp tăng lên.
Xã Tri Lễ hiện có hơn 315ha lúa nước thì khoảng nửa số diện tích này được người dân trồng lúa nếp “Khau cày nọi”. Do thời gian sinh trưởng chậm cũng như thói quen canh tác truyền thống nên bà con thường chỉ cấy loại nếp này vào vụ mùa. Hiện tại nếu chăm sóc tốt và không bị sâu bệnh, cây sinh trưởng bình thường thì năng suất cũng chỉ hơn 40 tạ/ha. Bên cạnh đó, lúa vẫn thường bị một số sâu hại, nhất là đạo ôn. Để khắc phục điều này, bà con thường phải trồng luân canh.
Được đánh giá là một giống lúa bản địa có phẩm chất tốt, việc nghiên cứu, lai tạo, nhân rộng diện tích giống lúa quý này thiết nghĩ cần được quan tâm đúng mức. Vấn đề này từng được đưa ra tại một cuộc họp HĐND huyện Quế Phong, nhưng giải pháp thì vẫn mới là: “khuyến khích bà con duy trì giống cây quý này bằng cách áp dụng khoa học kỹ thuật trong việc chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh.”
Bài, ảnh : HỮU VI