Thứ 4 ngày 24 tháng 04 năm 2024 / 21:21

Giáo sư Tạ Quang Bửu - Nhà đại trí thức Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh.

GS-Ta-Quang-Buu.pnggs-ta-quang-buu-sapo.png

Giáo sư Tạ Quang Bửu sinh ngày 23 tháng 7 năm 1910 tại thôn Hoành Sơn, xã Nam Hoành (nay là xã Khánh Sơn), huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An, mất ngày 21 tháng 8 năm 1986.

Ông sinh ra và lớn lên trong một gia đình truyền thống Nho học. Cha ông là cử nhân Tạ Quang Diễm làm Đốc học ở Thanh Hoá, giáo thụ ở Quang Nam. Mẹ ông là nữ sỹ Sầm Phố Nguyễn Thị Đào, cháu nội của Thám hoa Nguyễn Đức Đạt.

Ông là người thông minh học giỏi từ nhỏ. Năm 1917, ông đã đứng đầu ở cuộc thi về môn Toán, chữ Hán, chữ quốc ngữ do phủ Tam Kỳ tổ chức. Năm 1922 ông đỗ điểm cao và học trường Quốc học Huế. Năm 1926, sau khi đỗ Thành Chung, ông ra học ở Trường Bưởi Hà Nội. Năm 1929, ông thi đỗ đầu Tú tài bản xứ, Tú tài Tây ban Toán… và được nhận học bổng đi du học ở Pháp.gs-ta-quang-buu-box1.png

Năm năm học ở Châu Âu, ông vừa học ở một trường danh tiếng là Đại học tổng hợp Sorborn – Paris, vừa xuống học thêm cơ học ở Bordeax, lại sang cả Oxford học tiếng Anh và cơ lượng tử… Sau 5 năm, ông đã tiếp thu được lượng kiến thức rộng và sâu cùng với phương pháp học ngoại ngữ hiệu quả, đặc biệt là tự học. Và lạ kỳ, ông tự nhận là “Chẳng có bằng cấp gì”. Ông đã rút ra bài học về “tự học và có ngoại ngữ” sẽ mở rộng cánh cửa tương lai cho tuổi trẻ và cho mỗi người trên mỗi cương vị công tác.

Năm 1934, ông trở về Huế, không nhận làm quan, ông chỉ đi dạy học, rồi ông làm Giám đốc kỹ thuật điện cho hãng SIPEA. Tháng 3/1945, ông lại về dạy ở Quốc học Huế, cùng luật sư Phan Anh hoạt động Hướng đạo sinh và mở Trường Thanh niên tiền tuyến Huế.

Ngày 17/8/1945, ông cùng luật sư Phan Anh ra Bắc để đến với Hồ Chí Minh và cách mạng.

4.jpg
Một số thành viên Hội đồng Chính phủ kháng chiến 1947 (ông Tạ Quang Bửu ở hàng đứng, thứ 2 từ phải sang).

Từ năm 1945 cho đến năm 1976, ông được phân công làm Tham nghị trưởng Bộ Ngoại giao phụ trách quan hệ với Anh, Mỹ, đại diện Việt Nam ký Hiệp định Geneve, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học Nhà nước, Bộ trưởng Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp. Ông là đại biểu Quốc hội từ khoá I cho đến khoá VI.

Giáo sư Tạ Quang Bửu, không chỉ có kiến thức uyên thâm ở nhiều lĩnh vực về Toán, Lý, Hoá, Triết, Sinh học, Môi trường,.. mà còn là một tài năng lớn về phương diện lãnh đạo ở tầm quốc gia; là nhà khoa học đa tài, uyên bác hiếm có, người thông minh, tài năng, “đại trí thức” của Việt Nam; là nhà ngoại giao bản lĩnh, nhà quản lý giáo dục có tầm nhìn chiến lược và là “cây cầu nối khoa học thế giới với Việt Nam". Ông đã có nhiều cống hiến ở nhiều lĩnh vực ngoại giao, giáo dục, quân sự - quốc phòng, khoa học - công nghệ.

Có thể nói ông là người đặt nền móng cho đào tạo đại học và nghiên cứu khoa học. Giáo sư Tạ Quang Bửu là Hiệu trưởng đầu tiên của Đại học Bách khoa Hà Nội (1956-1961). Sự phát triển của Đại học Bách khoa Hà Nội gắn với công lao to lớn của Hiệu trưởng Tạ Quang Bửu. Trong giai đoạn này, ông đồng thời đảm nhận chức vụ Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học Nhà nước vào các năm 1958- 1965. Đây là thời kỳ ông đặt nền tảng phát triển cho các ngành khoa học và kỹ thuật Việt Nam.

5.jpg
Năm 1956, GS Tạ Quang Bửu (áo trắng, ngồi giữa) làm Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội; Vừa làm quản lý, Gs Tạ Quang Bửu vẫn say sưa nghiên cứu và giảng dạy

Từ năm 1965- 1976, Giáo sư Tạ Quang Bửu là Bộ trưởng đầu tiên của Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp. Trong điều kiện chiến tranh, Giáo sư đã đề xuất dạy những điều cơ bản nhất, hiện đại nhất phù hợp với điều kiện Việt Nam. Từ đó, ông chỉ đạo cải tiến chương trình giảng dạy và quy tụ những nhà khoa học giỏi, các nhà chuyên gia giỏi và các nhà sư phạm giỏi để biên soạn giáo trình mới. Ông cho tổ chức hàng loạt các hội thảo về giảng dạy đại học để nâng cao chất lượng dạy và học ở bậc đại học.

Về mở rộng hệ thống đại học, Giáo sư Tạ Quang Bửu chủ trương thành lập nhiều trường đại học chuyên ngành. Một trong những trường chuyên ngành như thế chính là Phân hiệu II Đại học Bách khoa, sau này là Trường Đại học kỹ thuật quân sự.

Một đóng góp vô cùng lớn của Giáo sư Tạ Quang Bửu nữa là đào tạo đội ngũ cán bộ khoa học kỹ thuật, cán bộ quản lý cho đất nước về sau. Trong bối cảnh chiến tranh, khi hàng ngàn thanh niên lên đường ra trận, thì một dòng người khác lên đường ra nước ngoài học tập. Ông chủ trương đưa tiêu chí hàng đầu là ai có năng lực trong học tập, nghiên cứu thì người đó cần ra nước ngoài học tập dù đó là con cán bộ hay nông dân và thông qua thi tuyển nghiêm túc công minh. Chính vì vậy, hàng ngàn hàng vạn thanh niên được ra nước ngoài học tập, nghiên cứu và trở thành lực lượng đông đảo các nhà khoa học tài năng, hàng đầu, các nhà quản lý tài năng của đất nước về sau.

6.jpg
Sáng ngày 21-7-1954, thay mặt Tổng tư lệnh, ông Tạ Quang Bửu ký với Quân đội Pháp Hiệp định đình chiến ở Đông Dương

Về lĩnh vực quốc phòng, ông được cử làm Thứ trưởng Bộ Quốc phòng từ tháng 3/1946 và năm 1947 là Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, sau đó lại là Thứ trưởng Bộ Quốc phòng (1948). Với cương vị phụ trách công tác hành chính quân sự, trang bị và sản xuất quốc phòng, Giáo sư đã cùng cán bộ chiến sỹ, các Cục chuyên môn nghiên cứu cải tiến, chế tạo và sản xuất một số vũ khí, đạn dược, trang bị quân dụng, quân y cung cấp cho bộ đội chủ lực. Ông cũng chủ trương thành lập thêm Cục Pháo binh, Cục Công binh thuộc Bộ Quốc phòng, Ban nghiên cứu Không quân, Ban nghiên cứu Thuỷ quân phòng thuộc Bộ Tổng tham mưu.

Đánh giá về Giáo sư Tạ Quang Bửu, Đại tướng Võ Nguyên Giáp viết: “Công lao của anh Tạ Quang Bửu - là một nhà khoa học giữ chức Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, ngay từ những ngày chiến đấu còn đầy gian khổ, khó khăn, anh đã quan tâm đến công tác khoa học trong các lực lượng vũ trang, chẳng những đối với ngành Quân giới mà cả Quân y và các ngành khác...”.

7.jpg
GS Tạ Quang Bửu (hàng đầu, ngoài cùng bên phải) là Bộ trưởng Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp từ năm 1965 - 1976.

Giáo sư Tạ Quang Bửu với tư cách là một nhà khoa học, ông còn truyền cảm hứng, kiến tạo, và tổ chức nhiều nhóm nghiên cứu nhằm giải quyết những vấn đề thực tiễn trong cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ.

Với năng lực tự học tuyệt vời và đã biết ngoại ngữ nhiều thứ tiếng, uyên thâm ở nhiều lĩnh vực, ông nghiên cứu, viết và phổ biến nhiều tài liệu như: Bắn máy bay bằng súng trường tập trung, Thống kê thường thức, Vật lý cương yếu, Nguyên tử - Hạt nhân - Vụ trụ tuyến, Sống, Đại số các toán tử, các lý thuyết hệ thống, Hạt cơ bản…

Đây là những công trình phổ biến khoa học có lý thuyết ở trình độ cao, có tính gợi ý, mở đường và định hướng cho sự phát triển khoa học ở nước ta, nó giúp nhiều nhà khoa học của ta tiếp cận được với thuyết tương đối, lý thuyết mật mã di truyền, toán học lý thuyết cũng như khoa học vũ trụ.

Ông còn trực tiếp chỉ đạo và cùng Giáo sư Trần Đại Nghĩa, Tiến sỹ Vũ Đình Cự và đội ngũ các nhà kỹ thuật chế tạo thành công nhiều vũ khí, đạn dược (súng không giật SKZ, đạn bazoka, bom bay,...) thời chống Pháp; nghiên cứu chế tạo khí tài phá thuỷ lôi, khí tài gây nhiễu ...thời chống Mỹ.

8.jpg
GS Tạ Quang Bửu cùng Thủ tướng Phạm Văn Đồng thăm Viện Toán học (1986)

Có thể nói, Giáo sư Tạ Quang Bửu là một nhà đại trí thức Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh.

Ông đã mất đi, nhưng đã để lại những bài học vô cùng quý báu.

Trước hết, ông là một tấm gương lớn về tự học và học suốt đời. Với ông, học để hiếu biết chứ không vì bằng cấp, tự học là một yêu cầu thường xuyên. Ông tự nhận “chẳng có bằng cấp gì” và là một “Nhà toán học hụt”. Ông đúc rút ra bài học “Tự học và có ngoại ngữ” sẽ mở cánh cửa tương lai cho tuổi trẻ và cho mỗi người trên mỗi cương vị công tác.

Bài học thứ hai là về triết lý giáo dục. Theo quan điểm của ông, chất lượng giáo dục là ưu tiên chiến lược. Ông rất quan tâm đến nội dung và phương pháp giáo dục và đưa ra chủ trương: “Cơ bản nhất, hiện đại nhất và sát hợp với điều kiện Việt Nam nhất”, “Học đi đôi với hành”, “dạy đại học là dạy phương pháp, dạy cái không có sẵn ”. Học thật, thi thật, học rộng, học sâu. Thi cử, tuyển chọn nghiêm ngặt để có được người thật sự tài đức cho đất nước.

gs-ta-quang-buu-box2.png

Bài học về không ngừng phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng và thu hút nhân tài trên cơ sở đánh giá khách quan về trí tuệ, phẩm chất, năng lực.

Bài học về một nhân cách lớn. Không chạy theo học vị và danh vọng, không tham vật chất và quyền lực, chỉ không ngừng tìm kiếm tri thức và sáng tạo, chỉ quý trọng tài năng, bản lĩnh bảo vệ lẽ phải, quyền biến, chỉ một mực vì dân và dám chịu trách nhiệm với vai trò người đứng đầu ở bất cứ vị trí nào.

Bài học về lẽ sống: “Điều cốt yếu không phải là: Sống là gì. Điều cốt yếu là: Làm gì trong lúc sống!”

Trần Quốc Thành

Thư viện Cử tri gửi ý kiến Gửi đơn KNTC

Trang chủ

Mới nhất

Quê mình xứ nghệ

Video

Thư viện

Gửi Ý kiến