31.jpg
Trận lũ quét lịch sử gây thiệt hại rất nặng nề cho Kỳ Sơn.

Nghệ An là tỉnh rộng lớn ở Bắc miền Trung, nằm trong vùng nhiệt đới gió mùa, có bờ biển dài 82 km, là tỉnh hàng năm phải đối mặt với các loại hình thiên tai, bão lụt. Có thể kể đến một số thiên tai đã xảy ra trong quá khứ trên địa bàn tỉnh, như: trận lũ lịch sử 1978 vượt báo động 3; năm 1989 trong 10 ngày phải chống chọi với 3 cơn bão; 6 tháng đầu năm 2010 nắng nóng lịch sử, 6 tháng cuối năm xảy ra 3 trận lũ chồng lũ gây thiệt hại nặng về người và tài sản của Nhân dân; tháng 10 năm 2007 mặc dù bão số 5 trong không trực tiếp vào Nghệ An, song do nằm ở phía Bắc cơn bão, mưa lớn do hoàn lưu bão, lại xảy ra ở phía thượng nguồn núi cao, suối sâu và độ dốc lớn, tốc độ truyền lũ nhanh vào sông suối trên địa bàn các huyện miền núi Nghệ An đã gây ra trận lũ quét dữ dội ở xã Nậm Giải, huyện Quế Phong. Trong tháng 10 năm 2022, mưa lớn do hoàn lưu bão số 4 vì vậy đã xảy ra lũ quét, sạt lở đất nghiêm trọng trên địa bàn huyện Kỳ Sơn gây thiệt hại lớn về người và tài sản của Nhân dân...

Do đặc điểm địa hình ở Nghệ An có thể phân ra làm 3 khu vực đó là: khu vực biển, ven biển; khu vực đồng bằng; khu vực miền núi. Thiết nghĩ cần đề ra nhiệm vụ và giải pháp cho từng khu vực một cách thực tế, có tính khả thi.

Nhiệm vụ và giải pháp chung.

- Nâng cao chất lượng dự báo, cảnh báo nhất là bão, áp thấp nhiệt đới, mưa lớn cực đoan, nguy cơ lũ lịch sử, lũ quét, sạt lở đất. Phân vùng rủi ro thiên tai, bản đồ cảnh báo thiên tai chi tiết đến cấp xã, nhất là khu vực có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất.

- Triển khai thực hiện có hiệu quả Bộ chỉ số đánh giá công tác phòng chống thiên tai cấp tỉnh, gắn phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới với xây dựng cộng đồng an toàn, chủ động phòng chống thiên tai, thích ứng biến đổi khí hậu.

- Đào tạo, tập huấn, nâng cao năng lực cho lực lượng xung kích phòng chống thiên tai tại cơ sở theo Chỉ thị số 18/CT-TTg của Chính phủ.

bna-24-4080--n1.jpg
Lãnh đạo tỉnh làm việc với huyện Kỳ Sơn về công tác khắc phục lũ quét và tái định cư

- Mở rộng khẩu độ thoát lũ trên các tuyến đường, xử lý giải tỏa vật cản trên sông, suối, hành lang thoát lũ, nhất là trên sông Cấm ở bờ Nam cầu Cấm.

- Di dời dân cư khu vực không đảm bảo an toàn ven biển, khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất.

- Hướng dẫn xây dựng nhà ở, công trình kết hợp sơ tán (nhà cộng đồng). Tiếp tục thực hiện chương trình 48 hỗ trợ hộ nghèo, gia đình chính sách xây dựng nhà ở phòng tránh bão, ngập lụt.

- Bố trí cán bộ Thủy lợi có năng lực để tham mưu phương án phòng chống bão lụt trên địa bàn huyện, nhất là các hồ chứa nước theo phân cấp quản lý nhà nước.

- Sớm thành lập và quản lý quỹ phòng chống thiên tại của tỉnh theo Nghị định số 78/2021/NĐ-CP ngày 01/8/2021 của Chính phủ.

Nhiệm vụ và giải pháp cho từng khu vực

Thứ nhất, đối với khu vực trên biển, ven biển

- Nâng cao chất lượng dự báo và kịp thời cảnh báo bão.

- Củng cố, nâng cao cấp hệ thống đê biển, đảm bảo chống các cấp bão thường xuyên xảy ra (bão cấp 12 kết hợp triều cường).

- Tăng cường trồng cây chắn sóng, bảo vệ và phát triển rừng phòng hộ, rừng ngập mặn ở cửa sông, ven biển, bảo tồn cồn cát tự nhiên ven biển.

- Xây dựng nâng cấp các khu vực neo đậu tàu thuyền tránh trú bão.

- Rà soát tăng cường chỉ đạo đảm bảo nuôi trồng thủy sản ven biển theo đúng quy hoạch và kỹ thuật để hạn chế thiệt hại do thiên tai.

bna__tuyen_de_bien_sam_sam_hoang_mai_anh_phu_huong4123502_2322022.jpg
Nâng cấp tuyến đê biển Sầm Sầm (Hoàng Mai) để nâng cao năng lực phòng, chống thiên tai

Thứ hai, đối với khu vực đồng bằng

- Rà soát, cập nhật bản đồ ngập lụt hạ du các hồ chứa, bản đồ ngập lụt do bão mạnh, siêu bão làm cơ sở để cập nhật phương án ứng phó.

- Tăng cường công tác quản lý đê điều, hộ đê, củng cố, nâng cấp tuyến đê cấp III đến cấp đặc biệt sông Lam (sông Cả), hệ thống đê biển xung yếu, trồng cây chắn sóng bảo vệ đê.

- Cải tạo lòng dẫn, quản lý chặt chẽ việc khai thác, sử dụng bãi sông, lòng sông, nạo vét bảo đảm không gian thoát lũ; quản lý chặt chẽ việc xây dựng nhà ở, cơ sở hạ tầng nhất là khu dân cư, khu du lịch, khu nghỉ dưỡng ven sông, ven biển; kiểm tra việc đấu nối trục tiêu từ các khu dân cư với trục tiêu chính đảm bảo thoát lũ, nhất là đối với thành phố Vinh và các thị xã.

- Củng cố, nâng cấp bảo đảm an toàn hồ chứa nước, xây dựng hệ thống cảnh báo xả lũ hồ chứa, vận hành xả lũ đúng quy trình hồ chứa lớn vực Mấu, sông Sào, đảm bảo cắt lũ cho hạ du các hồ thủy điện, nhất là hồ Bản Vẽ và cấp nước chống hạn trong mùa kiệt.

Thứ ba, đối với khu vực miền núi

- Phân vùng rủi ro, lập bản đồ cảnh báo thiên tai, nhất là khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất chi tiết đến cấp xã. Di dời dân khu vực không đảm bảo an toàn ven sông, suối và khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất gắn với đảm bảo sinh kế bền vững.

- Xây dựng phương án và tổ chức diễn tập sơ tán dân khẩn cấp theo phương châm 4 tại chỗ khi xảy ra tình huống nguy hiểm tại những khu vực chưa thể di dời.

- Tăng cường quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, nâng cao chất lượng rừng, nhất là rừng tự nhiên, rừng phòng hộ đầu nguồn.

- Sẵn sàng lực lượng, vật tư, phương tiện để xử lý sạt lở các tuyến đường giao thông vùng thường xuyên bị thiên tai./.