Thác 7 tầng tại xã Hạnh Dịch

Quế Phong - huyện miền núi, vùng cao của tỉnh Nghệ An được thiên nhiên ưu đãi, ban tặng cho nhiều danh lam thắng cảnh đẹp như: thác Xao Va, Quần thể thác Bảy tầng, Thác Nậm niên; Quần thể cây sa mu dầu, Phay sừng, với hệ sinh thái khá phong phú và đa dạng về chủng loại động vật và thảm thực vật rừng, có nhiều hang động đẹp. Đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây vẫn còn lưu giữ được nét văn hóa truyền thống rất độc đáo và đặc sắc như: kiến trúc nhà ở; trang phục, trang sức đặc trưng của đồng bào; ẩm thực; văn hóa - văn nghệ, các loại nhạc cụ dân tộc truyền thống như: khèn bè, sáo, pí, cồng chiêng, khắc luống... Bên cạnh đó, Quế Phong còn có Đền Chín Gian đã được công nhận là điểm du lịch vào năm 2021, được công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia năm 2023 và lễ hội Đền được công nhận là di sản văn hoá phi vật thể cấp quốc gia năm 2016,….là những điểm đến lý tưởng cho khách du lịch tham quan, trải nghiệm.

Giao lưu rượu cần, văn nghệ với dân bản địa tại bản Long Thắng, xã Hạnh Dịch

Những năm gần đây, thực hiện Nghị quyết số 07/2020/NQ-HĐND ngày 22/7/2020 của HĐND tỉnh về một số chính sách hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2021-2025; Quyết định số 31/2020/QĐ-UBND ngày 26/11/2020 của UBND tỉnh Nghệ An quy định cụ thể một số nội dung thực hiện Nghị quyết số 07/2020/NQ-HĐND; du lịch cộng đồng trên địa bàn huyện Quế Phong ngày càng được chú trọng, đầu tư phát triển.

 

Năm 2021, UBND huyện Quế Phong đã ban hành và triển khai Đề án Phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn phát huy các giá trị văn hóa dân tộc trên địa bàn giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030. Hiện nay, huyện đã thu hút được 01 dự án du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái đang thực hiện tại bản Khoẳng Đổ, xã Châu Kim với tổng mức đầu tư trên 30 tỷ đồng; xây dựng và đưa vào hoạt động khá thành công mô hình du lịch cộng đồng tại bản Cọ Muồng của Xã Châu Kim và bản Long Thắng, xã Hạnh Dịch với 06 Homestay của các hộ dân bản địa. Đặc biệt, hình thành và đi vào hoạt động một số doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch như: Homestay Lâm Khang (Hạnh Dịch), Farmstay Nhật Minh (Châu Thôn), Du lịch sinh thái Pù Kép (Châu Kim), Du lịch sinh thái Tâm My (xã Tri Lễ); tôn tạo, nâng cấp di tích lịch sử văn hoá Đền Chín gian đáp ứng các điều kiện để đề nghị công nhận là điểm du lịch cấp tỉnh và nâng cấp xếp hạng lên thành Di tích lịch sử cấp quốc gia, Lễ hội Đền Chín gian; Lễ hội Xăng khan được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, … thu hút được đông đảo du khách trong và ngoài nước đến tham quan, trải nghiệm. Doanh thu từ các dịch vụ du lịch trung bình ước đạt 6 tỷ đồng/năm.

Đền Chín gian, tại xã Châu Kim, huyện Quế Phong

Tuy nhiên, việc phát triển du lịch cộng đồng trên địa bàn còn gặp nhiều khó khăn, do công tác quy hoạch, đầu tư phát triển các điểm du lịch ở một số điểm thuộc khu vực đất rừng phòng hộ, khu vực dự trữ sinh quyển; thiếu kinh phí thực hiện việc khôi phục, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc; cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch chưa đáp ứng được yêu cầu; chất lượng nguồn nhân lực phục vụ du lịch còn yếu, thiếu tính chuyên nghiệp; sản phẩm du lịch chưa đa dạng, …do vậy chưa thu hút du khách lưu lại dài ngày, lượng khách chưa thường xuyên, chủ yếu là khách gia đình, khách lẻ, nhóm khách nhỏ.

Một số món ăn của dân tộc Thái
Du khách tham quan, mua sắm tại một gian hàng sản phẩm du lịch tại thị trấn Kim Sơn

Trong thời gian tới, để tiếp tục phát triển du lịch cộng đồng trở thành ngành kinh tế quan trọng của huyện; bên cạnh các giải pháp về khảo sát, đánh giá và lựa chọn xây dựng các điểm du lịch cộng đồng, đa dạng hóa các sản phẩm du lịch; thực hiện tốt công tác cải cách hành chính, thu hút các nhà đầu tư kinh doanh theo hướng bền vững; đẩy mạnh công tác xúc tiến, quảng bá du lịch; đầu tư cơ sở hạ tầng; tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch,…. cần có các chính sách đặc thù riêng về công tác khai thác phát triển du lịch (bao gồm du lịch sinh thái và du lịch cộng đồng) đối với huyện Quế Phong nói riêng và các huyện miền núi nói chung (ngoài nội dung chính sách tại Nghị quyết số 07/NQ-HĐND); cũng như sự quan tâm, hỗ trợ từ các sở, ngành trong việc liên kết, khâu nối các đơn vị, địa phương trong và ngoài tỉnh,… để khai thác hiệu quả tiềm năng du lịch của huyện, đưa huyện miền núi biên giới Quế Phong phát triển ngang tầm với các huyện bạn, góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội, ổn định an ninh, chính trị vùng biên giới./.