Giải pháp tăng cường kết nối các điểm đến du lịch khu vực Tây Nghệ An
Thứ nhất và là điều kiện cần đầu tiên, đó là chủ các khu, điểm đến du lịch cần thay đổi tư duy và nâng cao nhận thức về kết nối. Thông thường mọi người có tâm lý dè chừng nhau, xem nhau là đối thủ cạnh tranh và thậm chí phải loại trừ lẫn nhau. Với xu thế hiện nay, khách du lịch không chỉ tham quan một điểm mà muốn được trải nghiệm ở nhiều điểm với sản phẩm du lịch khác nhau. Các điểm đến kết nối với nhau còn có thể giúp nhau học hỏi, gắn kết, tăng cường tình đoàn kết cộng đồng. Từ đó cùng tạo nên các tour tham quan hấp dẫn, đa dạng. Luôn luôn đặt lợi ích của khách hàng lên trên hết, có như vậy mới cùng nhau phát triển và thu hút được du khách. Còn tư duy mạnh ai nấy làm, so bì hơn thua thì rất khó có thể liên kết và phát triển bền vững. Từ đó, cần đề cao tư duy “chia sẻ là kết nối”. Tuỳ vào tình hình thực tế các điểm đến có thể chia sẻ khách cho nhau. Ví dụ như những dịp lễ, tết có những điểm quá tải khách, phục vụ khó đảm bảo chất lượng, không thể đáp ứng được hết nhu cầu và sự hài lòng của du khách, trong khi những điểm du lịch gần đó lại vắng vẻ không có khách. Nếu các điểm có thể chia sẻ khách, tư vấn, điều phối để san sẻ khách cho nhau với những cơ chế phù hợp cho cả du khách và điểm đến sẽ vừa thể hiện được tinh thần kết nối, vừa giảm tải khách để đảm bảo chất lượng phục vụ, vừa tạo điều kiện cho điểm đến đối tác cùng phục vụ, tạo thêm thu nhập cho nhau. Có như vậy mới cùng nhau phát triển bền vững, lâu dài.
Thứ hai, để kết nối các điểm đến du lịch trên cùng một cung đường, sản phẩm du lịch là điều mang tính quyết định rất lớn để thu hút du khách. Thông thường các điểm đến trong cùng một vùng đều có chung tài nguyên du lịch, có những nét tương đồng về thiên nhiên và văn hoá. Nếu các điểm đến có sản phẩm du lịch na ná nhau, du khách sẽ chỉ lựa chọn đến một điểm thay vì trải nghiệm nhiều điểm có sản phẩm tương tự nhau. Vì vậy, các điểm đến trên cùng một cung đường, hay trong cùng một hệ sinh thái, một vùng cần tìm ra thế mạnh, đặc trưng riêng, bản sắc riêng và đặc sắc nhất của mình để liên kết với nhau, giúp nhau cùng lớn mạnh. Có những điểm thế mạnh là ẩm thực, có điểm lại là cơ sở vật chất tốt hơn, cảnh quan hấp dẫn hơn, cũng có những điểm đơn giản là thái độ phục vụ, chăm sóc khách hàng một cách đẳng cấp. Vì vậy các điểm đến nên ngồi lại với nhau, bàn bạc và thống nhất để cùng tạo ra những sản phẩm du lịch phong phú và đưa ra được sản phẩm khác biệt, đặc sắc nhất của mỗi điểm, tránh trùng lặp, chồng chéo nhau gây sự nhàm chán cho du khách. Để làm được điều này cần sự chia sẻ, thậm chí là hi sinh của mỗi điểm đến để chấp nhận điều chỉnh, thay đổi hoặc kể cả phải cắt bỏ đi những sản phẩm, dịch vụ không phù hợp hoặc làm chệch hưởng việc đóng gói sản phẩm của các điểm đến kết nối.
Thứ ba, vai trò của các công ty lữ hành rất quan trọng góp phần kết nối các điểm đến du lịch. Đây là những đơn vị sẽ đưa khách du lịch tới cho các điểm du lịch thường xuyên, đều đặn và nhanh chóng, giúp các điểm du lịch có nhiều du khách biết tới. Họ luôn muốn tìm kiếm các điểm đến khác nhau, tăng tính trải nghiệm phong phú cho du khách, vì vậy trong tour của mình các công ty lữ hành sẽ thường lựa chọn không chỉ một điểm đến trên cung đường mà nhiều điểm đến có sản phẩm, dịch vụ khác nhau. Có thể nói, các công ty lữ hành vừa là đơn vị trung gian kết nối các điểm đến trong tour với nhau, vừa là khách hàng để yêu cầu mỗi điểm đến cung cấp các sản phẩm, dịch vụ đặc sắc nhất và khác biệt giữa các điểm. Từ đó góp phần định hình được sản phẩm, dịch vụ chủ lực của mỗi điểm đến để các điểm đến định hướng và đi theo. Vì vậy, để đáp ứng được nhu cầu của các công ty lữ hành thì việc các điểm đến kết nối với nhau chính là một hướng đi không thể bỏ qua.
Tiếp đến, vẫn là câu chuyện muôn thủa nhưng không thể không kể đến, đó là truyền thông và quảng bá. Tuy nhiên với trọng tâm kết nối các điểm đến thì truyền thông, quảng bá chéo lẫn nhau mới là giải pháp thiết thực cho các điểm đến. Xu hướng của khách du lịch là đi một lần hết các điểm trong cùng cung đường hoặc chia nhỏ lần lượt đi các điểm nhiều lần khác nhau. Quảng bá chéo tức là các điểm đến sẽ giới thiệu, tư vấn cho du khách về điểm đến kết nối trong cùng một cung đường tour, một hệ sinh thái với nhau. Từ đó, du khách sẽ biết thêm nhiều điểm du lịch và có các trải nghiệm khác nhau, đồng thời tăng tính kết nối giữa các điểm, mang đến lợi ích cho tất cả các bên. Khi các điểm đến cùng quảng bá chéo cho nhau sẽ tạo nên hiệu ứng lan toả và góp phần duy trì được hoạt động du lịch thường xuyên, đều đặn hơn.
Cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng, để kết nối các điểm đến, cần có một đơn vị đứng ra đại diện để thực hiện vai trò kết nối. Đơn vị này vừa mang tính kết nối, vừa có khả năng điều phối hoạt động dựa trên lợi ích của khách hàng. Các điểm đến có thể họp bàn và tìm kiếm, chọn ra một đơn vị (có thể đại diện một trong số điểm đến hoặc không) để giữ vai trò này. Khi đó các điểm đến trong cung đường, trong khu vực hoặc hệ sinh thái đó sẽ có sự gắn kết như một tổ chức với nhau. Đơn vị kết nối sẽ có vai trò, trách nhiệm tổ chức các chương trình, sự kiện kết nối cho các điểm đến cùng nhau tham gia như các cuộc thi, giao lưu học hỏi. Ngoài ra đơn vị có thể đại diện các điểm đến tham gia các sự kiện, tiếp nhận và phổ biến các thông tin, chương trình liên quan. Đơn vị kết nối còn có trách nhiệm điều phối một số vấn đề chung của các điểm đến như tiếp nhận phản hồi về chất lượng từ khách hàng, tìm kiếm các chương trình đào tạo, kết nối với các đối tác, khách hàng, đặc biệt là kết nối với các công ty lữ hành, du lịch. Hiện nay Tây Nghệ Connect là trung tâm đang thực hiện vai trò kết nối này cho hơn 10 đơn vị điểm đến và sản phẩm tại miền Tây Nghệ An.
Có thể khẳng định lại một lần nữa, kết nối các điểm đến là giải pháp quan trọng và cấp thiết, đặc biệt với tình hình du lịch miền Tây Nghệ An hiện nay còn nhiều trở ngại như cung đường xa xôi, các điểm du lịch còn nhỏ lẻ, sản phẩm du lịch còn đơn sơ rất cần sự kết nối của các điểm đến để cải thiện và nâng cao chất lượng sản phẩm và dịch vụ du lịch tại Tây Nghệ An. Bên cạnh những giải pháp đã đưa ra như thay đổi tư duy và nâng cao nhận thức về kết nối, hoàn thiện và phát triển sản phẩm du lịch, tận dụng và phát huy vai trò kết nối của các đơn vị lữ hành, đẩy mạnh truyền thông quảng bá chéo, tìm kiếm và lựa chọn đơn vị đóng vai trò kết nối thì không thể kết hợp với giải pháp vĩ mô đó là quy hoạch điểm đến và sản phẩm du lịch từ cấp sở, ban, ngành và chính quyền địa phuơng. Có như vậy mới có thể mang lại kết quả đồng bộ và bền vững, góp phần phát triển du lịch miền Tây Nghệ An bài bản và xứng tầm./.