Đại diện Sở Văn hóa và Thể thao đã cho thấy bức tranh di sản văn hóa và nhấn mạnh nhiều nội dung để phát huy di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch vùng miền Tây Nghệ An.
Nguồn tài nguyên du lịch từ di sản văn hóa vùng miền Tây Nghệ An
Vùng miền Tây Nghệ An gồm 11 huyện miền núi với vị trí địa lý, địa hình đặc biệt, cùng với những tài nguyên thiên nhiên, trầm tích văn hóa, lịch sử dày dặn trong quá trình di cư, định cư, hình thành và phát triển của các dân tộc thiểu số: Thái, Thổ, Mông, Khơ-mú, Ơ Đu,... đã tạo nên sự phong phú, đa dạng và đặc sắc của di sản văn hóa của tiểu vùng văn hóa miền Tây Nghệ An.
Về di sản văn hóa vật thể vùng miền Tây Nghệ An có 811 di tích, danh thắng được kiểm kê, với 100/485 di tích đã được xếp hạng các cấp, phong phú các loại hình, tiêu biểu như hệ thống danh thắng, các di tích khảo cổ của tỉnh xuyên suốt từ thời đại đồ đá, đồ đồng, đồ sắt (di chỉ Thẩm Ồm, Làng Vạc, Đồng Trương, Đồng Mõm, Đền Đồi...) nằm tập trung ở vùng miền Tây, cho đến các di tích cách mạng như Cột mốc số 0, đường mòn Hồ Chí Minh (Tân Kỳ). Hệ thống các di tích lịch sử - văn hóa gắn với tín ngưỡng, tôn giáo (đình, đền, chùa, miếu, lăng mộ, nhà thờ họ...) hoặc gắn với các danh nhân, sự kiện đặc biệt có giá trị nhiều mặt về kiến trúc nghệ thuật, lịch sử, văn hóa như Đền Chín gian (Quế Phong), Tháp Xốp Lợt (Kỳ Sơn), nhà cụ Vi Văn Khang…
Về di sản văn hóa phi vật thể: khối lượng di sản phi vật thể miền Tây chiếm 2/3 với tính đặc trưng tiêu biểu, mang đậm bản sắc tộc người, đa dạng về loại hình đặc biệt về tri thức dân gian, nghề thủ công truyền thống, phong tục tập quán. Trong 09 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia có 03 di sản thuộc miền Tây bao gồm: Lễ hội đền Bạch Mã, Nghi Lễ Xăng Khan, Lễ hội đền Chín gian.
Các bảo tàng lưu giữ gần 50 nghìn hiện vật, di vật, cổ vật phong phú, đa dạng, đặc biệt có 3 hiện vật được công nhận là Bảo vật quốc gia, trong đó 02 bảo vật thuộc vùng miền Tây là Muôi đúc tượng voi và Dao găm cán tượng rắn ngậm chân voi được khai quật ở di chỉ làng Vạc (thị xã Thái Hòa).
Đó là một nguồn tài nguyên rất lớn, tạo tiền đề cho sự phát triển kinh tế du lịch của tỉnh nhà, nhất là đối với vùng miền Tây Nghệ An có nhiều tiềm năng về vật thể và phi vật thể để khai phá, đánh thức.
Công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản vật thể và phi vật thế gắn với phát triển du lịch cộng đồng tại các huyện Miền Tây
Đối với miền Tây Nghệ An, ngành văn hóa đã có nhiều hoạt động phối hợp với các cấp, các ngành, địa phương nhằm bảo tồn và phát huy những tiềm năng di sản phong phú của đồng bào, góp phần tạo nên các cơ sở văn hóa phát triển mô hình du lịch cộng đồng nơi đây.
Ngành văn hóa đã và đang chủ trì triển khai một số chương trình, đề án, kế hoạch, dự án quan trọng thực hiện bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Nghệ An như: Đề án bảo tồn và phát huy nghệ thuật trình diễn dân gian của các dân tộc thiểu số tỉnh Nghệ An giai đoạn 2018 – 2025; xây dựng Kế hoạch triển khai Đề án đưa “Chương trình văn hóa nghệ thuật về vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2021 - 2030” trên địa bàn tỉnh Nghệ An; Nghị quyết số 29/2021/NQ-HĐND ngày 09/12/2021 của HĐND tỉnh về việc quy định chính sách hỗ trợ đối với nghệ nhân, câu lạc bộ trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể; Dự án 6 “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch”.
Cùng với việc triển khai các chương trình, đề án, kế hoạch của Trung ương và của tỉnh, Sở Văn hóa và Thể thao còn phối hợp với các cơ quan, ban ngành trong công tác bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa truyền thống các dân tộc tại địa phương cũng như đưa văn hóa của đồng bào miền núi đi giao lưu, trình diễn, giới thiệu, quảng bá tại các ngày hội trong và ngoài tỉnh. Ngành văn hóa tích cực phối hợp với các địa phương để đưa đại diện đồng bào tham gia Ngày hội giới thiệu văn hóa các dân tộc các năm do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức nhằm góp phần quảng bá giá trị văn hóa của các dân tộc và nâng cao ý thức tự hào, bảo tồn đặc trưng văn hóa của dân tộc.
Để tạo điểm nhấn trọng tâm về du lịch văn hóa của vùng miền Tây, Sở Văn hóa và Thể thao đã phối hợp với huyện Quỳ Châu để nâng cấp Bảo tàng văn hóa các dân tộc ở Quỳ Châu thành Bảo tàng Văn hóa các dân tộc miền Tây Nghệ An. Bên cạnh đó, Sở cũng đã chỉ đạo, hướng dẫn các huyện miền núi nâng cấp trưng bày nhà truyền thống để tuyên truyền, phát huy giá trị văn hóa dân tộc trên địa bàn.
Trong những năm qua, các điểm đến của du khách gắn với di tích đã trở thành các điểm sinh hoạt văn hóa cộng đồng gắn với các lễ hội như lễ hội đền Chín gian, lễ hội Hang Bua, lễ hội đền Vạn - Cửa Rào..., đã kết hợp được giá trị của di sản văn hóa vật thể và di sản văn hóa phi vật thể của đồng bào các dân tộc miền Tây Nghệ An thu hút du khách đến khám phá và trải nghiệm các sắc thái văn hóa đa dạng của các tộc người nơi đây. Các mô hình du lịch cộng đồng, làng nghề mây tre đan và dệt thổ cẩm đã bắt đầu trở thành những điểm đến cho du khách như: Bản Xiềng, bản Nưa (Con Cuông), bản Na, bản Đình Sơn, bản Loong Dẻ (Kỳ Sơn), bản Hoa Tiến (Quỳ Châu), bản cổ người Thái Hưng Mương - Na Xai (Quế Phong).
Những tồn tại, hạn chế trong công tác bảo tồn, phát huy di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác bảo tồn, phát huy di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch ở Nghệ An vẫn còn nhiều hạn chế, chưa tương xứng với tiềm năng. Đặc biệt, việc phát huy di sản văn hóa vật thể gắn với phát triển du lịch miền Tây Nghệ An vẫn đang ở dạng tiềm năng, nhiều di tích danh thắng chưa được đánh thức, chưa xây dựng được các sản phẩm du lịch từ lợi thế này. Các di sản văn hoá - lịch sử đang ở tình trạng xuống cấp. Nơi thì rất ít khách viếng thăm, nơi thì khách đến thăm đông nhưng mang lại nguồn thu không đáng kể.
Thời tiết Nghệ An khắc nghiệt dẫn đến không thuận lợi cho khai thác du lịch bốn mùa, di sản Nghệ An trải dài trên một địa bàn rộng, không thuận lợi cho việc hình thành các tour, tuyến du lịch…Hệ thống di sản văn hóa miền Tây lại nằm rải rác khắp các bản, làng, xã, các huyện miền núi có diện tích rộng, địa hình phức tạp, giao thông đi lại khó khăn, cách trở cũng gây khó khăn cho việc phát triển tour, tuyến du lịch.
Cơ chế chính sách, đầu tư nguồn lực, chủ yếu đang ở dạng bảo tồn các nhóm di sản văn hóa đơn lẻ, chưa có định hướng chiến lược để phát huy lâu dài, chưa có những giải pháp thực sự hiệu quả để biến di sản trở thành động lực phát triển kinh tế du lịch. Cộng đồng còn thiếu kiến thức và chưa được hướng dẫn về phát triển du lịch gắn với di sản.
Sự đồng bộ, thống nhất trong việc triển khai các chương trình, đề án từ trung ương, tỉnh đến cơ sở chưa cao. Một số cấp uỷ, chính quyền cơ sở chưa thực sự quan tâm, tập trung cao trong việc lãnh đạo, chỉ đạo phối hợp tổ chức triển khai chương trình, đề án, đôi khi còn có tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào cấp trên.
Chương trình dự án 6 của Chính phủ có phạm vi rộng, tương đối toàn diện, kinh phí đầu tư lớn, trong khi văn bản hướng dẫn của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch còn chung chung, chưa cụ thể, chi tiết nên quá trình triển khai còn một số vướng mắc, lúng túng. Nhiều nghề truyền thống bị mai một do không có thị trường. Nhiều di sản văn hóa phi vật thể, đặc biệt là của dân tộc thiểu số bị mai một, nguy cơ biến mất do ảnh hưởng lớn văn hóa của người Kinh, hoặc của tộc người lớn hơn như Thái, ý thức bảo tồn truyền thống của người dân hạn chế.
Một số giải pháp bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch tỉnh Nghệ An
Để tiếp tục triển khai có hiệu quả công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số tỉnh Nghệ An, Sở Văn hóa và Thể thao nhấn mạnh một số nội dung sau:
Đối với việc triển khai Dự án 6 – Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi: đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo rà soát những nội dung vướng mắc, bất cập ở các địa phương trong quá trình triển khai để kiến nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch kịp thời điều chỉnh, bổ sung hướng dẫn chi tiết, làm cơ sở cho Sở Văn hóa và Thể thao, các địa phương liên quan có căn cứ thực hiện.
Đối với việc tham mưu ban hành và triển khai các chính sách, chương trình, đề án bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số của tỉnh cần có sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa các cấp, các ngành và địa phương để đảm bảo các chính sách, chương trình, đề án phù hợp với điều kiện thực tiễn, thuận lợi và hiệu quả khi triển khai. Các dự án hỗ trợ, đầu tư phải có chiến lược dài hạn, trung hạn và hàng năm, tránh dàn trải, hình thức nhằm duy trì tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch đảm bảo thuận lợi, hiệu quả.
Quan tâm hơn đến việc ban hành các chính sách, chương trình ưu tiên đào tạo đội ngũ cán bộ làm công tác văn hoá sơ sở, xây dựng và sớm hoàn thiện chính sách đào tạo bồi dưỡng và tuyển dụng cho con em đồng bào dân tộc thiểu số về lĩnh vực văn hoá nghệ thuật.
Nâng cao nhận thức, lòng tự hào, tự tôn về bản sắc văn hóa của dân tộc mình. Việc tuyên truyền từ nhiều hình thức bằng nói chuyện truyền thống, tổ chức trưng bày, các ẩn phẩm văn hóa. Mở các lớp học về di sản văn hóa truyền thống đồng bào như dạy chữ, nghề thủ công truyền thống, dân ca, dân nhạc, dân vũ... Tạo cơ sở cho đồng bào có thể có thu nhập từ khai thác tri thức bản địa như mở các mô hình làng nghề truyền thống, hỗ trợ thị trường cho đồng bào.
Tiếp tục đầu tư một cách có đồng bộ về hoạt động du lịch cộng đồng. Thu hút các nhà đầu tư, tài trợ xây dựng các điểm nhấn du lịch trọng tâm trong vùng. Xây dựng các quy hoạch bền vững, lấy bản sắc văn hóa của tộc người làm nền tảng, tạo thành các mảng sáng về du lịch./.