cua-lo--n1.jpg
Ông Lê Thanh Long, Phó Bí thư Thường trực Thị ủy, Chủ tịch HĐND thị xã phát biểu tham luận tại Hội nghị

Hoạt động giám sát của Thường trực Hội đồng nhân dân có vai trò rất quan trọng giúp Hội đồng nhân dân thực hiện có hiệu quả hoạt động giám sát, góp phần thực hiện tốt chức năng nhiệm vụ là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của Nhân dân, chịu trách nhiệm trước Nhân dân thị xã và cơ quan nhà nước cấp trên.

- Để tiếp tục nâng cao chất lượng hoạt động giám sát chuyên đề của Thường trực HĐND, trước hết là chọn nội dung giám sát, Thường trực HĐND thị xã tập trung vào những vấn đề dân sinh thiết thực, đặc biệt là những vấn đề khó khăn, bất cập, các vấn đề cử tri quan tâm. Thường trực Hội đồng nhân dân thị xã thường xuyên chỉ đạo, điều hòa hoạt động giám sát, khảo sát có trọng tâm, trọng điểm, thiết thực và hiệu quả, đi vào chiều sâu, tránh trùng lặp giữa các cơ quan của Hội đồng nhân dân thị xã và với hoạt động thanh tra, kiểm tra, giám sát của các cơ quan khác trong hệ thống chính trị (nội dung này Thường trực HĐND thị xã quan tâm vì thị xã số đơn vị hành chính trực thuộc rất ít, chỉ có 7 phường, nên dễ trùng lắp nội dung, thời gian tránh gây phiền hà cho cơ sở); phối hợp chặt chẽ với Ủy ban kiểm tra Thị ủy - là cơ quan đầu mối được cấp ủy giao điều hòa phối hợp giữa chương trình kiểm tra, giám sát của Ban Thường vụ Thị ủy, Ủy ban kiểm tra Thị ủy với chương trình giám sát của Thường trực, các Ban HĐND, với chương trình kiểm tra, giám sát của các ban Đảng, chương trình giám sát của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể, chương trình thanh tra của Thanh tra nhà nước…

- Vấn đề thứ 2 là xây dựng kế hoạch, đề cương giám sát: Phải tìm hiểu, nắm chắc các quy định của pháp luật liên quan đến nội dung giám sát đồng thời phải bám sát thực tiễn, những vấn đề cần quan tâm xung quanh nội dung giám sát để từ đó xây dựng kế hoạch, đề cương, yêu cầu báo cáo rõ ràng, cụ thể, chi tiết (càng chi tiết càng tốt) nhất là những vấn đề cử tri quan tâm, yêu cầu đối tượng được giám sát báo cáo làm rõ để đoàn giám sát nắm được vấn đề, nắm được các nội dung cần quan tâm…

- Vấn đề thứ ba là đổi mới phương pháp, cách thức giám sát để đạt hiệu quả cao, tăng cường việc giám sát tại thực địa, qua khảo sát đối tượng liên quan, kiểm chứng thực tế, xem xét hồ sơ... (phân công cụ thể cho các thành viên đoàn giám sát để xem xét, nghiên cứu các nội dung)

- Thứ tư, báo cáo, kết luận giám sát ngắn gọn, đi thẳng vào các vấn đề cần quan tâm, kiến nghị rõ các biện pháp, giải pháp để khắc phục tồn tại, hạn chế. Có hình thức phù hợp công khai kết luận giám sát đúng quy định.

- Thứ năm là thường xuyên theo dõi, đôn đốc việc giải quyết các ý kiến, kiến nghị sau giám sát để bảo đảm các kiến nghị được giải quyết theo đúng quy định của pháp luật. Tăng cường giám sát lại việc thực hiện các kiến nghị sau giám sát, các nội dung mà các đối tượng giám sát không thực hiện hoặc thực hiện chưa đạt yêu cầu (theo đuổi tận cùng về nội dung giám sát). Trong các phiên họp thường kỳ của Thường trực Hội đồng nhân dân thị xã thường xuyên rà soát, xem xét, đánh giá, giao nhiệm vụ thực hiện các kiến nghị sau giám sát, của Thường trực Hội đồng nhân dân thị xã và các cơ quan của Hội đồng nhân dân thị xã.

Thường trực Hội đồng nhân dân thị xã xây dựng quy chế làm việc, chương trình, kế hoạch công tác chú trọng tăng cường hoạt động chất vấn, giải trình giữa 2 kỳ họp Hội đồng nhân dân thị xã. Ngoài các nội dung theo đề nghị của các Ban, Tổ đại biểu và đại biểu Hội đồng nhân dân thị xã, ý kiến, kiến nghị của cử tri và những vấn đề xã hội quan tâm, cần mở rộng đến những nội dung đã kết luận tại phiên chất vấn kỳ họp trước và những nội dung đã được kết luận qua giám sát, khảo sát của Thường trực, các Ban Hội đồng nhân dân thị xã chậm được giải quyết hoặc chưa triệt để đưa ra để chất vấn, giải trình. Tuyên truyền, phổ biến, cung cấp kịp thời thông tin về hoạt động chất vấn, giải trình và các nội dung có liên quan của Thường trực Hội đồng nhân dân thị xã để cử tri và Nhân dân biết.

Nhìn chung hoạt động giám sát ngày càng nề nếp, chất lượng, có hiệu quả thực chất. Thông qua giám sát đã kịp thời kiến nghị khắc phục các thiếu sót, bất cập. Phối hợp đôn đốc giải quyết khá kịp thời các kiến nghị của cử tri liên quan nội dung giám sát. Tuy nhiên, qua hoạt động giám sát cũng bộc lộ một số hạn chế, bất cập như sau:

- Chất lượng một số cuộc giám sát chưa cao, nhất là những nội dung chuyên môn có tính đặc thù. Việc tham gia hoạt động giám sát của một số thành viên Ban, Đoàn giám sát là đại biểu kiêm nhiệm còn hạn chế. Trách nhiệm tham gia giám sát của một số đại biểu, Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân tại cơ sở chưa cao. Một số kiến nghị còn chung chung, chưa đề xuất được các giải pháp cụ thể để khắc phục. Chưa thực hiện được nhiều việc kiểm tra, đánh giá sau giám sát, giám sát lại việc thực hiện.

Từ thực tiễn thực hiện công tác giám sát chuyên đề của HĐND thị xã có thể rút ra một số kinh nghiệm và kiến nghị một số nội dung nhằm nâng cao chất lượng công tác giám sát chuyên đề của HĐND cấp huyện như sau:

1. Chuẩn bị thật chu đáo các nội dung, công việc, lịch trình trước khi triển khai thực hiện việc giám sát. Chuẩn bị càng kỹ, càng cụ thể, chu đáo thì kết quả giám sát đạt được càng cao.

2. Nghiên cứu kỹ các tài liệu liên quan đến nội dung giám sát, nhất là những nội dung mới, nội dung khó, có tính đặc thù chuyên môn cao. Tham khảo các văn bản, tài liệu liên quan của cấp ủy Đảng, các văn bản luật và tài liệu hướng dẫn của các cơ quan cấp trên liên quan nội dung giám sát.

3. Phát huy trí tuệ, vai trò, trách nhiệm của bộ phận chuyên trách HĐND trong công tác giám sát. Thực tế là các đại biểu kiêm nhiệm khá nhiều việc, phân tán thời gian, công việc nên tham gia công tác giám sát nhiều thời điểm khá hạn chế.

4. Tăng cường phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, ban, ngành có liên quan, nhất là giữa các cơ quan chuyên môn thực hiện kiểm tra, thanh tra, giám sát để cung cấp thông tin, phối hợp kiến nghị và xem xét, giải quyết. Tranh thủ, tham khảo ý kiến các chuyên gia chuyên ngành liên quan đến nội dung giám sát.

5. Sâu sát cơ sở, người dân, đối tượng ảnh hưởng khi thực hiện giám sát các nội dung có liên quan để có kết luận và kiến nghị phù hợp, sát tình hình.

6. Tăng cường công tác giám sát lại đối với các cơ quan, ban, ngành, tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc thực hiện các kiến nghị sau giám sát.

7. Kiến nghị với Quốc hội, các cơ quan Trung ương hoàn thiện các quy định trong Luật Giám sát và ban hành kịp thời các văn bản hướng dẫn thực hiện cụ thể, thống nhất.

Thường trực HĐND, các Ban HĐND và các cơ quan, đơn vị cần nhận thức một cách đầy đủ về hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân; tạo được không khí cởi mở, thân thiện và trao đổi trên tinh thần thẳng thắn, trách nhiệm để từ đó đánh giá một cách đầy đủ, khách quan, chính xác vấn đề Đoàn giám sát yêu cầu để đưa ra những kiến nghị thiết thực, phù hợp.

Trên đây là một số nội dung Thường trực HĐND thị xã xin trao đổi để “Nâng cao chất lượng, hiệu quả giám sát chuyên đề của HĐND”. Sau cùng thay mặt Thường trực HĐND thị xã Cửa Lò kính chúc quý vị đại biểu luôn mạnh khỏe, hạnh phúc và thành công trong cuộc sống và công tác!

Xin trân trọng cám ơn!