Tránh “đánh trống bỏ dùi”

Đầu năm 2022, HĐND huyện Thanh Chương triển khai giám sát chuyên đề  về công tác quản lý, bảo vệ, sử dụng, phát triển rừng trên địa bàn huyện. Thông qua giám sát, tình trạng phổ biến ở nhiều địa phương là chưa thực hiện quản lý tốt phần diện tích rừng, đất lâm nghiệp; tổ chức hợp đồng giao khoán, giao đất lâm nghiệp không đúng thẩm quyền; giao đất sai đối tượng. Về phía các tổ chức, cá nhân được giao quản lý, bảo vệ rừng không thực hiện đúng quy định pháp luật, tình trạng lấn, chiếm, chuyển đổi mục đích, xây dựng trái phép vẫn xảy ra trên đất lâm nghiệp.

Từ hạn chế, bất cập trong quản lý diện tích rừng, đất lâm nghiệp, HĐND huyện Thanh Chương tiếp tục đưa vào chương trình kỳ họp cuối năm 2022 để tiến hành chất vấn UBND huyện và các phòng, ngành cấp huyện có liên quan nhằm đánh giá một cách tổng thể “bức tranh” thực trạng quản lý rừng, đất lâm nghiệp, đồng thời phân tích, mổ xẻ đầy đủ nguyên nhân, đề ra các giải pháp cụ thể từ cơ quan chức năng.

Trên cơ sở kiến nghị của đoàn giám sát và kết luận chất vấn của HĐND huyện, UBND huyện chỉ đạo rà soát tổng thể toàn bộ 21 xã có đất lâm nghiệp thuộc thẩm quyền quản lý của cơ sở và giao trách nhiệm cụ thể cho các địa phương khắc phục các tồn tại, hạn chế, đưa công tác quản lý từng bước đi vào nề nếp. Cụ thể, hiện tại có hai xã Thanh Lâm và Thanh Thuỷ đã chấm dứt các hợp đồng cho thuê đất trái thẩm quyền với các hộ gia đình, cá nhân. Một số xã đã tiến hành thu hồi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với các trường hợp giao đất không đúng đối tượng, như xã Thanh Thuỷ thu hồi 7 giấy chứng nhận của 4 hộ gia đình; xã Thanh An thu hồi 7 giấy chứng nhận; phần diện tích thu hồi được đưa vào quản lý của địa phương.

Tuy nhiên, theo đồng chí Nguyễn Thị Quỳnh Nga - Uỷ viên Ban Thường vụ Huyện uỷ, Phó Chủ tịch HĐND huyện Thanh Chương: Qua theo dõi, nắm bắt việc thực hiện các kiến nghị của đoàn giám sát và kết luận chất vấn của HĐND huyện, vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý diện tích rừng, đất lâm nghiệp chưa được khắc phục. Như vẫn còn một số địa phương chưa xử lý dứt điểm các trường hợp lấn, chiếm đất; chưa kiểm tra, thu hồi trường hợp giao đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất không đúng đối tượng và giao đất, thuê đất không đúng thẩm quyền… Cho nên, kỳ họp thường lệ giữa năm 2023 vừa qua, HĐND huyện đã xem xét kết quả thực hiện các kiến nghị và kết luận để tiếp tục đôn đốc nhằm đảm bảo các kiến nghị, kết luận của HĐND huyện được thực hiện hiệu quả; thể hiện trách nhiệm “đeo bám” đến cùng của HĐND huyện.

Phó Chủ tịch HĐND huyện Thanh Chương cho rằng: Nếu sau giám sát không có biện pháp, giải pháp đôn đốc quyết liệt bằng việc đưa vào nội dung chất vấn và xem xét kết quả thực các kiến nghị, kết luận chất vấn, thì các nội dung giám sát có nhiều bất cập, phức tạp như đất đai dễ rơi vào tình trạng “đánh trống bỏ dùi”; nghĩa là giám sát phát hiện tồn tại, hạn chế và kiến nghị, đề xuất rồi để đó. Chính cách làm này, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, một số vấn đề đặt ra nhiều bất cập trong công tác quản lý, điều hành, được cử tri và Nhân dân quan tâm và HĐND huyện Thanh Chương tổ chức giám sát đều tạo chuyển biến sau giám sát. Điển hình là chuyên đề giám sát công tác xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai; công tác quản lý nhà nước về đầu tư công trên địa bàn huyện.

HĐND huyện Thanh Chương giám sát hạ tầng lưới điện nông thôn

Cũng quan tâm đến việc đảm bảo các kiến nghị, đề xuất sau giám sát được các cơ quan chức năng thực hiện nghiêm túc, hiệu quả, HĐND thị xã Cửa Lò đã đổi mới phương pháp, cách thức giám sát nhằm phát hiện chính xác những tồn tại, bất cập trong thực tiễn; từ đó đưa ra kết luận với các kiến nghị, đề xuất đúng, trúng, làm cho các đối tượng chịu sự giám sát “tâm phục, khẩu phục” và có cơ sở để khắc phục. HĐND thị xã Cửa Lò đề ra nhiều giải pháp đốc thúc, theo đuổi đến cùng các nội dung được giám sát thông qua rà soát, xem xét, đánh giá, giao nhiệm vụ thực hiện các kiến nghị sau giám sát tại các phiên họp thường kỳ của Thường trực HĐND thị xã; tổ chức giám sát lại những nội dung được kết luận, kiến nghị mà các đối tượng giám sát không thực hiện hoặc thực hiện chưa đạt yêu cầu.

Ngoài ra, theo chia sẻ của đồng chí Nguyễn Hồng Quang - Uỷ viên Ban Thường vụ Thị uỷ, Phó Chủ tịch HĐND thị xã Cửa Lò, những nội dung đã được giám sát mà chưa tạo được nhiều bước chuyển, HĐND thị xã sẽ tiếp tục đẩy lên mức cao hơn là đưa vào nội dung chất vấn hoặc phiên giải trình của Thường trực HĐND thị xã nhằm tạo “sức ép” cho các cơ quan vào cuộc giải quyết. Theo đó, nhiều nội dung giám sát của HĐND thị xã đã tạo nhiều chuyển biến, như giám sát công tác quản lý thu ngân sách; quản lý nhà nước về hoạt động quảng cáo; công tác cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trên địa bàn thị xã…

Thực hiện cơ chế xử lý trách nhiệm người đứng đầu.

Giám sát là một trong những hoạt động quan trọng, được cơ quan dân cử các cấp trong tỉnh chú trọng đổi mới trên nhiều khâu. Bắt đầu từ khâu lựa chọn nội dung; đến phương pháp, cách thức giám sát; nâng cao chất lượng các kết luận, kiến nghị của đoàn giám sát; đặc biệt là quan tâm đôn đốc, “đeo bám” việc thực hiện các kiến nghị, đề xuất sau giám sát đối với các đối tượng chịu giám sát.

Đồng chí Nguyễn Như Khôi - Uỷ viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh và đoàn giám sát của HĐND tỉnh giám sát công tác quản lý Nhà nước về khoáng sản tại huyện Quỳ Hợp

Tuy nhiên trong thực tiễn, theo phản ánh một số địa phương, việc thực hiện tái giám sát chưa nhiều và việc theo dõi, đôn đốc việc thực hiện kiến nghị sau giám sát chưa quyết liệt; đặc biệt thiếu cơ chế xử lý đối với các cơ quan, đơn vị chịu giám sát không thực hiện kiến nghị sau giám sát. Điều này dẫn đến việc thực hiện các kiến nghị, đề xuất của đoàn giám sát HĐND các cấp chưa triệt để.

Liên quan việc đảm bảo các kiến nghị sau giám sát của HĐND các cấp được thực hiện, trao đổi tại hội nghị trao đổi kinh nghiệm giữa Thường trực HĐND tỉnh với Thường trực HĐND cấp huyện vào ngày 21/7 vừa qua, đồng chí Nguyễn Nam Đình - Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh nhấn mạnh: Mấu chốt nhất là sau giám sát phải quan tâm “đeo bám” đến cùng các vấn đề được HĐND phát hiện, kiến nghị để các cơ quan chức năng giải quyết xong; phải vừa “giám” vừa “sát”, tránh chuyện “sát” mà không “giám” hoặc “giám” mà không “sát” sẽ không có hiệu quả.

Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh cũng cho biết: Ngày 12/9/2022, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 594/NQ-UBTVQH15 về hướng dẫn hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân, Thường trực Hội đồng nhân dân, Ban của Hội đồng nhân dân, Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân và đại biểu Hội đồng nhân dân; trong đó quy định cụ thể: Cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát có hành vi cản trở hoặc không thực hiện nghị quyết, kết luận, kiến nghị giám sát thì HĐND, Thường trực và Ban HĐND,  tổ đại biểu HĐND, đại biểu HĐND yêu cầu, kiến nghị cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xem xét xử lý trách nhiệm đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân đó; đồng thời tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm để yêu cầu, kiến nghị cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật đối với người đứng đầu cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát và người có liên quan. Đây là được coi là “cái gậy” để HĐND các cấp thực hiện, đảm bảo nghị quyết, kết luận, kiến nghị sau giám sát của HĐND được thực thi.

“Khi làm được điều này, vai trò của cơ quan dân cử và đại biểu dân cử sẽ cao hơn trong thực thi nhiệm vụ, trách nhiệm nói chung và hoạt động giám sát nói riêng” - đồng chí Nguyễn Nam Đình nhấn mạnh.

Thường trực HĐND tỉnh và Thường trực HĐND cấp huyện trao đồi bên lề về kinh nghiệm hoạt động giám sát

Cùng với ý kiến trao đổi của đồng chí Nguyễn Nam Đình, quá trình tiếp cận cơ sở, chúng tôi cũng đã ghi nhận ý kiến đề nghị, đó là trên cơ sở đánh giá kết quả 15 năm thực hiện Chỉ thị số 15-CT/TU ngày 05/5/2008 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ về tăng cường sự lãnh đạo công tác xử lý sau kiểm tra, thanh tra; Ban Thường vụ Tỉnh uỷ cần nghiên cứu ban hành chỉ thị mới phù hợp, bao quát các hoạt động kiểm tra, thanh tra, giám sát, kiểm toán…, nhằm giải quyết những bức xúc, phức tạp, khó khăn, tồn tại trong đời sống xã hội./.