Cũng tại phiên giám sát này, nhiều khó khăn, vướng mắc mà ngành giáo dục đang phải đối diện cũng đã được chỉ ra. Trong đó, tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ và thiếu giáo viên dạy các môn học mới diễn ra phổ biến. Cả nước còn thiếu 62.877 giáo viên phổ thông nhưng lại thừa cục bộ 5.091 giáo viên. Và theo tính toán, từ nay đến năm học 2024 - 2025, cấp tiểu học thiếu 6.621 giáo viên tin học và 5.780 giáo viên ngoại ngữ. Cấp trung học cơ sở thiếu 6.631 giáo viên môn Lịch sử và Địa lý, nhưng lại thừa cục bộ 375 giáo viên; thiếu 2.366 giáo viên môn Khoa học tự nhiên, thừa cục bộ 4.627 giáo viên; thiếu 4.321 giáo viên môn Nghệ thuật, thừa cục bộ 885 giáo viên. Cơ cấu đội ngũ giáo viên chưa cân đối giữa các môn học trong cùng một cấp học, giữa các vùng miền; chưa đồng bộ giữa cấp trung học cơ sở và trung học phổ thông, nhất là đối với một số môn học mới.

Trong khi đó, việc tuyển dụng giáo viên phổ thông gặp khó khăn, vướng mắc, nhất là giáo viên âm nhạc, nghệ thuật đạt chuẩn. Cùng với thừa, thiếu cục bộ giáo viên thì việc giáo viên nghỉ việc, chuyển việc ra khỏi ngành giáo dục cũng là một thực trạng đáng buồn. Chỉ tính riêng trong năm học 2021 - 2022, cả nước đã có tới 16.265 giáo viên nghỉ việc. Nếu chúng ta không có cơ chế, chính sách để “giữ chân” giáo viên, thì tình trạng giáo viên “thiếu trước hụt sau” sẽ còn tiếp diễn.

Giáo viên là một trong những nhân tố quan trọng quyết định chất lượng giáo dục. Do đó, việc thừa hay thiếu giáo viên đều ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục. Để vừa bảo đảm chất lượng giáo dục, vừa không để lãng phí nhân lực cần sớm giải quyết triệt để tình trạng thừa, thiếu giáo viên.

Chỉ sau 2 ngày diễn ra phiên giám sát chuyên đề của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa, ngày 16.8 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ban hành Công điện về việc bảo đảm sách giáo khoa và giáo viên kịp thời cho năm học 2023 - 2024. Theo đó, Thủ tướng giao Bộ Giáo dục và Đào tạo có trách nhiệm phối hợp với Bộ Nội vụ chỉ đạo tổ chức tuyển dụng giáo viên, thực hiện rà soát, cơ cấu lại, bố trí, sử dụng giáo viên bảo đảm đủ giáo viên dạy đúng, đủ các môn học theo quy định; thực hiện linh hoạt phương án điều chuyển, biệt phái giáo viên từ nơi thừa sang nơi thiếu; chủ động xây dựng các phương án để có nguồn tuyển dụng giáo viên kịp thời, phù hợp, hiệu quả với điều kiện cụ thể tại địa phương.

Cùng với đó, Bộ Nội vụ có trách nhiệm kiểm tra, đôn đốc các địa phương khẩn trương thực hiện việc cơ cấu lại, sắp xếp, tuyển dụng giáo viên theo chỉ tiêu biên chế được phân bổ theo Quyết định số 72-QĐ/TW bảo đảm về số lượng và chất lượng; hướng dẫn các địa phương thực hiện Nghị định số 111/2022/NĐ-CP trong trường hợp chưa thể bố trí đủ giáo viên theo định mức bảo đảm thực hiện chủ trương “có học sinh, phải có giáo viên đứng lớp” phù hợp, hiệu quả. Ủy ban Nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương kiểm tra, đôn đốc các địa phương khẩn trương thực hiện việc cơ cấu lại, sắp xếp, tuyển dụng giáo viên theo chỉ tiêu biên chế được phân bổ.

Nhân tố quyết định thành công của đổi mới giáo dục là yếu tố con người, là thầy cô giáo. Do đó, cần có chính sách hợp lý, đãi ngộ để thu hút, “giữ chân” được giáo viên. Chỉ khi sống được bằng nghề, thì giáo viên mới thật sự tâm huyết, yêu và gắn bó với nghề. Để bảo đảm chất lượng giáo dục, để giải được bài toán thiếu, thừa nguồn nhân lực, ngoài việc đổi mới trong tuyển dụng, phân bổ giáo viên, rất cần những chính sách đãi ngộ đủ hấp dẫn dành cho đội ngũ nhà giáo.

Song Hà