Phải có giải pháp phòng ngừa rủi ro cho nền kinh tế

Thống nhất với sự cần thiết đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam, các đại biểu cho rằng, việc đầu tư dự án sẽ tăng cường kết nối vùng, miền, các cực tăng trưởng, tạo động lực lan tỏa, mở ra không gian phát triển kinh tế mới; tái cấu trúc đô thị, phân bổ dân cư, chuyển dịch cơ cấu kinh tế; tăng năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Đồng thời bảo đảm nhu cầu vận tải trên hành lang Bắc – Nam, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, phát triển phương thức vận tải bền vững, hiện đại, thân thiện, góp phần giảm tai nạn giao thông, ô nhiễm môi trường.

van-lam-to3.jpg
ĐBQH Trần Văn Lâm (Bắc Giang) phát biểu

ĐBQH Trần Văn Lâm (Bắc Giang) nhấn mạnh, việc xây dựng đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam là “thiên thời, địa lợi, nhân hòa”, chúng ta có đủ tiềm lực, năng lực, có ý chí quyết tâm để triển khai dự án.

Tuy nhiên, đại biểu còn lo ngại về hướng tuyến của dự án. Theo đó, các ga hành khách tại một số địa phương được bố trí cơ bản không nằm trong các vị trí trung tâm đô thị, trong khi đó, để bảo đảm tối đa cho dự án, các vị trí ga phải được bố trí thuận lợi, thu hút được nhiều hành khách nhất.

Đại biểu Trần Văn Lâm đề nghị, hướng tuyến phải theo nguyên tắc “thẳng nhất có thể”, để giảm chi phí đầu tư, tránh vòng vèo, quanh co.

ĐBQH Hoàng Minh Hiếu (Nghệ An) lưu ý về tổng vốn đầu tư, với 49% tổng vốn đầu tư công trong một năm, vượt so với quy định tại khoản 2, Điều 89 của Luật Đầu tư công. Do vậy cần cân nhắc kỹ và Chính phủ phải có giải pháp phòng ngừa rủi ro cho nền kinh tế.

Đại biểu cũng lưu ý về chi phí vận hành, theo đó, chi phí nguồn điện cho dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam tương đối lớn. Dự kiến, để duy trì một đoàn tàu trên đường sắt tốc độ cao là 20 MW, với khoảng 120 đoàn tàu chạy thì cần 2.400 MW, tương đương với hai nhà máy nhiệt điện.

Đại biểu cũng đề nghị Chính phủ quan tâm, bố trí lại vị trí các ga tàu cho phù hợp, nhằm phát triển đô thị xung quanh ga, thúc đẩy phát triển kinh tế.

“Đặc biệt, cần chú ý chính sách thúc đẩy, chuyển giao công nghệ và sử dụng công nghệ”, đại biểu Hoàng Minh Hiếu nhấn mạnh.

Đánh giá kỹ sự liên kết, đồng bộ với các tuyến đường sắt khác

Theo quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, mạng lưới đường sắt của nước ta rất lớn, bao gồm 25 tuyến, với tổng chiều 6.354km, trong đó có 7 tuyến đường sắt hiện hữu và 18 tuyến mới. Đối với dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam là một trong 3 tuyến rất quan trọng nằm dọc theo hành lang kinh tế Bắc – Nam là tuyến rất quan trọng cần phải đầu tư, nhằm tạo động lực mới cho sự phát triển kinh tế - xã hội.

Do đó, ĐBQH Trần Văn Tuấn (Bắc Giang) đề nghị, Chính phủ cần đánh giá kỹ sự liên kết, đồng bộ giữa dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam với các tuyến đường sắt khác, kể cả tuyến hiện hữu và các tuyến trong quy hoạch. Hiệu quả mang lại và tác động của dự án như thế nào.

Hiện nay, chúng ta cũng đang hết sức khẩn trương trong đầu tư, cải tạo các tuyến đường sắt Hà Nội – Lào Cai, Hà Nội – Đồng Đăng, Hà Nội – Quảng Ninh, thậm chí tuyến đường sắt Hà Nội – Lào Cai, Hà Nội – Đồng Đăng là tuyến liên vận quốc tế với Trung ương. "Vậy, sự liên kết giữa dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam với các tuyến đường sắt này, nhất là các tuyến liên vận quốc tế như thế nào, đề nghị Chính phủ đánh giá rõ hơn", đại biểu Trần Văn Tuấn đề nghị.

H.Ngọc