Vùng di sản với nhiều di tích lịch sử
Từ Vinh, theo Quốc lộ 46 khoảng gần 40km bằng đường bộ, bạn sẽ được đến một vùng di sản ở hai bên bờ sông Lam của huyện Thanh Chương. Lấy cầu Rộ làm trung tâm trong vòng bán kính 4 km là các di tích cấp Quốc gia nổi tiếng như Nhà thờ dòng họ Lê Kim thuộc xã Ngọc Sơn (sát ngay Cầu Rộ) nơi Bác Hồ từng sinh sống thuở thiếu thời khi Người theo cha về dạy học vào đầu thế kỷ XX. Qua Cầu Rộ là Đền Bạch Mã thuộc xã Võ Liệt thờ danh tướng Phan Đà người có công phò giúp vua Lê trong cuộc kháng chiến chống quân Minh, di tích cấp Quốc gia công nhận năm 1993 - một trong tứ linh đền của xứ Nghệ (nhất Cờn, nhì Quả, tam Bạch Mã, tứ Chiêu Trưng). Ở đây còn có Đình Võ Liệt, di tích cấp Quốc gia công nhận năm 1988, được coi là Văn Miếu của huyện Thanh Chương, nơi thành lập chính quyền Xô Viết đầu tiên và duy nhất trong cao trào cách mạng 1930- 1931. Từ Cầu Rộ theo đường tỉnh lộ 533 khoảng 2 km đến xã Thanh Chi có di tích Nền tế cờ của Sỹ phu Trần Tấn, nơi khởi nguồn cho cuộc khởi nghĩa Giáp Tuất (1874).
Từ Cầu Rộ theo Quốc lộ 46 ngược về phía Bắc dưới chân núi Nguộc là quần thể khu mộ Tổ của dòng họ Nguyễn Cảnh nức tiếng của Nghệ An. Ngoài khu mộ này còn có 2 di tích cấp quốc gia và nhiều di tích cấp tỉnh thờ Quân công Nguyễn Cảnh Huy, Nguyễn Cảnh Hoan (Trịnh Mô) và nhiều hiền tài của dòng họ như Đền Hữu (ở xã Thanh Yên), Nhà thờ và phần mộ Nguyễn Cảnh Huy, Đền Vạn (xã Đại Đồng)...Cùng với hệ thống di tích phong phú với 13 di tích cấp Quốc gia, 56 di tích cấp tỉnh, huyện Thanh Chương cũng đã khôi phục các lễ hội thu hút nhiều du khách như lễ Khai hạ ở Đền Bà Chúa Chè Ở xã Hanh Lâm, Lễ khai hạ thần Cao Sơn Cao Cát tại xã Đồng Văn…vào ngày mồng 7 tháng Giêng, lễ hội Đền Bạch Mã vào các ngày 9-10/2 âm lịch, Lễ hội Đền Bà Chúa vào các ngày 2-3/3 âm lịch…
... nơi có nhiều phong cảnh đẹp
Thanh Chương là một vùng đất cổ, non nước hữu tình, các nhà khảo cổ đã tìm được di chỉ văn hóa Sơn Vi ở đồi Dùng, đồi Rạng. Cả huyện có diện tích 116.000 ha nhưng có đến 5 con sông chảy qua, từng được coi là quê hương của 36 bến đò. Ở đây có nhiều hình sông thế núi đẹp và hùng vĩ như Sông Lam - Núi Nguộc, có dãy Giăng Màn (tên gọi dãy Trường Sơn đoạn qua Thanh Chương) với nhiều đỉnh cao hơn 1000 m như Mũi Thuyền, Vũ Trụ với rừng nguyên sinh còn nguyên vẹn 7 tầng sinh thái, có nơi chưa một dấu chân người.
Có thác Lơ Lụa với dòng nước trắng xóa đổ từ độ cao hơn 150 m, có Thác Cối đã thu hút rất nhiều du khách gần xa. Từ một huyện đơn tộc người, từ năm 2004 đã có thêm đồng bào các dân tộc Thái, Khơ Mú từ Tương Dương về làm ăn sinh sống làm phong phú thêm bản sắc văn hóa. Nơi đây còn có dấu tích của Thủ phủ Châu Hoan thuộc xã Phong Thịnh, ghi dấu tuổi ấu thơ của vua Đinh Tiên Hoàng khi thân phụ người làm Thứ sử Châu Hoan; dấu tích của Bãi Trận (thuộc xã Thanh Hòa) nơi được cho là nơi hội quân của Lê Lợi khi hành quân vào Nghệ An và các dấu tích gắn với cuộc khởi nghĩa Lam Sơn, khởi nghĩa Vụ Quang như: truông Mèn, Thành Bình Ngô, thành Lục Niên, căn cứ Bồ Lư…
...và là nơi có nhiều đặc sản nổi tiếng.
Từ xa xưa Thanh Chương đã nổi tiếng với nhiều sản vật. Có lẽ không ai không biết những câu ca và thành ngữ như: "nhút Thanh Chương, tương Nam Đàn", "cá mát Sông Giăng, lòng chợ Phuống...", "ngon khoai chợ Rộ, ngọt măng Chợ Chùa". Ngoài các sản vật này Thanh Chương còn nổi tiếng với trám đen, cam bù, cam sen Cát Ngạn, cam đặc sản của các Tổng đội TNXP 2, Tổng đội 5. Từng nổi tiếng là đất chè, hiện toàn huyện có hơn 4500 ha chè công nghiệp và hàng trăm ha chè thực phẩm của 3 xí nghiệp chè (chiếm 3/4 diện tích và sản lượng chè cả tỉnh) và ở các vườn hộ gia đình. Đặc biệt có điểm du lịch đảo chè được ví như Hạ Long xứ Nghệ, nơi có các đồi chè như hình bát úp nổi giữa hồ nước luôn xanh tốt mướt mát đến tận chân trời, kỳ thú như nơi tiên cảnh…mỗi năm thu hút hàng chục ngàn du khách…
Từ tiềm năng về đất đai và nguồn nhân lực, nhờ công cuộc xây dựng nông thôn mới, những năm gần đây Thanh Chương đã có phong trào cải tạo vườn tạp xây dựng vườn VAC, hình thành nhiều trang trại, gia trại chăn nuôi gia súc, gia cầm, đã và đang có nhiều mô hình lớn về chăn nuôi gà tạo nên thương hiệu "Gà Thanh Chương". Đến thời điểm này huyện Thanh Chương đã có 14 sản phẩm được cấp chứng chỉ OCOP. Trong bối cảnh hội nhập, các sản phẩm từ các vườn hộ, các trang trại gia trại của Thanh Chương đã và sẽ tiếp tục có mặt trên thị trường trong và ngoài tỉnh.
...di chuyển, nghỉ ngơi
Tùy theo điểm xuất phát mà du khách có thể chọn phương tiện đến với Thanh Chương cho mình. Có thể đến bằng xe khách, xe buýt. Mỗi phương tiện có lịch trình khác nhau, điểm đến khác nhau. Xe khách của các nhà xe đều có thông báo điểm đến là Dùng, Cầu Rộ, Thanh Chương hoặc Chợ Chùa, Chợ Rạng… Du khách cũng có thể đến Thanh Chương bằng phương tiện cá nhân vì giao thông rất thuận tiện. Cách đây 20 năm từ một địa bàn được coi là tứ tắc, "mờ bụi đỏ", không có đường nhựa, nay Thanh Chương có gần 500 km đường nhựa, hàng trăm km đường bê tông đạt chuẩn, đường nhựa đến trung tâm 38/38 xã. Có 3 tuyến quốc lộ 46 A, B, C chạy dọc huyện và đường Hồ Chí Minh với nhiều tuyến đường ngang nối các con đường này với nhau cũng được rải nhựa, bê tông. Du khách cũng có thể thuê xe ôm, xe máy hay taxi khám phá các điểm.... Đến Thanh Chương du khách có thể nghỉ tại thị trấn Dùng với hệ thống nhà nghỉ khách sạn phong phú. Tại các thị tứ, trung tâm vùng cũng đều có nhà nghỉ và dịch vụ tiện lợi. Đặc biệt, người Thanh Chương rất đôn hậu, hiếu khách, chắc hẳn sẽ tạo cảm giác gần gũi, thân thiện, an toàn cho du khách khi đến vùng đất này.
Mùa Xuân là mùa của lễ hội, du lịch. Trong bối cảnh xã hội phát triển các nhu cầu về đời sống tâm linh, tìm hiểu khám phá, trải nghiệm đang được nhiều người quan tâm, chúng ta hãy về với vùng đất này theo dìu dặt, êm đềm câu hát đã đi vào lòng người: “Thanh Chương mời bạn về thăm"...