Đặc biệt, quy định rõ tiêu chí thế nào là đại biểu “không còn xứng đáng với sự tín nhiệm của Nhân dân” làm cơ sở đánh giá, phê bình hoặc miễn nhiệm chức vụ, bãi nhiệm đại biểu… tạo động lực để đại biểu thực hiện tốt lời hứa của mình.

Giữ mối liên hệ chặt chẽ, tôn trọng cử tri

Đại biểu dân cử là người được Nhân dân gửi gắm quyền làm chủ của mình mà Hiến pháp đã ghi nhận. Thực tế đã minh chứng sinh động, những đại biểu thực hiện, tôn trọng lời hứa của mình với Nhân dân và cử tri chắc chắn sẽ được Nhân dân yêu mến, tin tưởng; đồng thời, sự ủng hộ, giúp đỡ của cử tri và Nhân dân giúp đại biểu có sức mạnh và giành thắng lợi trên mọi mặt trận. Bởi, cuộc sống và cử tri luôn là người thầy, là trường học lớn để đại biểu dân cử rèn luyện và dấn thân.

Với đại biểu dân cử, nhất là đại biểu chuyên trách, ngoài các kiến thức chuyên môn, lý luận được học thì kiến thức thực tiễn, những kinh nghiệm khi giải quyết vấn đề, nhất là các vấn đề liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích chính đáng của Nhân dân giữ vai trò đặc biệt quan trọng. Làm sao để hài hòa giữa chính quyền và Nhân dân khi xảy ra mâu thuẫn; làm sao để cầu nối Nhân dân - chính quyền luôn bền chặt, hướng đến xây dựng địa phương phát triển giàu mạnh phải luôn là tâm niệm và trăn trở thường trực. Để giải quyết được các bài toàn khó trong mối quan hệ đó, ngoài không ngừng học tập, nâng cao trình độ, việc giữ mối liên hệ chặt chẽ với cử tri, tôn trọng cử tri chính là “chìa khóa” để đại biểu thực hiện tốt lời hứa của mình.

cu-tri-binh-inh-kien-nghi-trong-mot-buoi-tiep-xuc-voi-ai-bieu-dan-cu---anh-gia-han.jpg
Cử tri Bình Định kiến nghị trong một buổi tiếp xúc với đại biểu dân cử. Ảnh: Gia Hân

Chủ động, khách quan hơn trong hoạt động

Đại biểu, nhất là các đại biểu chuyên trách luôn là hạt nhân nâng cao chất lượng, hiệu quả các hoạt động của HĐND. Nhận định được tầm quan trọng đó, trong công tác nhân sự, trọng tâm là tiêu chuẩn, chất lượng và quy trình lựa chọn, giới thiệu đại biểu HĐND nhiệm kỳ 2021 - 2026 đã được cấp ủy, HĐND các cấp quan tâm. Trên cơ sở quy định, Thường trực HĐND cấp tỉnh đã chủ trì phối hợp thống nhất số lượng, cơ cấu, thành phần tham gia ĐBQH và đại biểu HĐND tỉnh; chỉ đạo hướng dẫn Thường trực HĐND cấp dưới nghiêm túc thực hiện các bước quy trình theo quy định và xác định: nhân sự chọn làm đại biểu phải có đủ tiêu chuẩn, năng lực và điều kiện thực sự tham gia, trên cơ sở bảo đảm cơ cấu, thành phần đại biểu hợp lý.

Điểm nhấn là tỷ lệ đại biểu tái cử nhiệm kỳ 2021 - 2026 nhìn chung được tăng lên; tăng số đại biểu ở các cơ quan Đảng, đoàn thể, các tổ chức xã hội nghề nghiệp, giảm đại biểu trong các cơ quan hành chính nhà nước… để bảo đảm tính khách quan, độc lập trong hoạt động của HĐND. Đặc biệt, nhiều nơi đã quan tâm bố trí Trưởng các Ban HĐND tỉnh hoạt động chuyên trách.

Điển hình, Trưởng, Phó các Ban HĐND tỉnh Thái Nguyên nhiệm kỳ này đều được bố trí hoạt động chuyên trách. Hầu hết Trưởng các Ban HĐND cấp huyện hoạt động chuyên trách, một số Ban HĐND cấp huyện có cả Trưởng, Phó ban hoạt động chuyên trách. Còn ở HĐND tỉnh Nghệ An, bên cạnh Trưởng các Ban HĐND tỉnh được bố trí hoạt động chuyên trách, HĐND tỉnh không cơ cấu người đứng đầu các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh làm ủy viên kiêm nhiệm của các Ban, thay vào đó là các đại biểu ở cơ sở, các tổ chức chính trị - xã hội, xã hội nghề nghiệp và doanh nghiệp, tạo điều kiện để các Ban HĐND tỉnh chủ động hơn, bảo đảm tính độc lập, khách quan cao nhất trong các hoạt động của HĐND tỉnh.

Cụ thể đánh giá chất lượng hoạt động của đại biểu

Trên thực tế, số lượng đại biểu HĐND chuyên trách qua các nhiệm kỳ đã được quan tâm bố trí tăng lên nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu thực hiện chức năng, nhiệm vụ và khối lượng công việc ngày càng cao của HĐND. Bên cạnh đó, vẫn chưa có quy định rõ ràng về đánh giá chất lượng, hiệu quả hoạt động của đại biểu HĐND và cơ chế kiểm soát việc thực hiện nhiệm vụ của đại biểu HĐND. Vì vậy, việc xem xét, đánh giá chất lượng hoạt động của đại biểu làm cơ sở cho công tác thi đua, khen thưởng còn mang tính hình thức, chưa đi vào hiệu quả, thực chất.

Từ thực tế trên, việc sớm quan tâm chỉ đạo xây dựng các quy định về đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ, cơ chế thi đua, khen thưởng, kỷ luật đối với đại biểu HĐND; đồng thời, giao HĐND các cấp quy định cụ thể việc đánh giá chất lượng hoạt động của đại biểu theo yêu cầu thực tế của từng địa phương rất cần thiết. Đặc biệt, cần quy định rõ tiêu chí thế nào là đại biểu “không còn xứng đáng với sự tín nhiệm của Nhân dân” làm cơ sở đánh giá, phê bình hoặc miễn nhiệm chức vụ, bãi nhiệm đại biểu… tạo động lực để đại biểu phải thực hiện tốt lời hứa của mình, xứng đáng với niềm tin, kỳ vọng của cử tri và Nhân dân.

Điển hình như việc Thường trực HĐND tỉnh Bình Định phối hợp với Ban Thường trực UBMTTQ Việt Nam tỉnh tiến hành giám sát việc thực hiện Chương trình hành động, lời hứa của đại biểu HĐND tỉnh với cử tri từ đầu nhiệm kỳ 2021 - 2026 đến nay và thông báo kết quả giám sát tại kỳ họp HĐND tỉnh. Qua đó, yêu cầu đại biểu HĐND tỉnh tiếp tục phát huy trách nhiệm, quyền hạn của người đại biểu dân cử; tăng cường thực hiện nhiệm vụ giám sát, nhất là giám sát việc giải quyết đơn thư khiếu nại, ý kiến, kiến nghị của cử tri.

KHÁNH HUYỀN