Truyền thống quê hương, gia đình và tuổi trẻ của đồng chí Phan Đình Đồng
Phan Đình Đồng sinh ngày 20-10-1911, là con trai đầu lòng của ông Phan Đình Du và bà Nguyễn Thị Lý, quê ở làng Lương Giai (nay là xã Nam Tân, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An). Sinh ra trong một gia đình nhà Nho nghèo yêu nước, quê hương, dòng họ và gia đình có truyền thống yêu nước và tư tưởng kháng Pháp. Từ thuở nhỏ, Phan Đình Đồng đã được cha mẹ hết lòng chăm sóc, dạy dỗ. Thấy con ham học, yêu thơ Phan Bội Châu, các vị thân sinh mong ước khi lớn lên, con trai sẽ nối chí ông cha, theo gương cụ Phan, góp sức gánh vác việc nước.
Năm 1925, khi lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc từ Liên Xô về Quảng Châu, Trung Quốc hoạt động, sáng lập ra Hội Thanh niên cách mạng đồng chí, Phan Đình Đồng đang theo học tại trường Pháp Việt huyện Nam Đàn. Anh luôn tích cực tham gia phong trào đấu tranh, đặc biệt là phong trào đấu tranh đòi ân xá cho cụ Phan Bội Châu. Trước khi cụ Phan Bội Châu bị giải vào an trí ở Huế, cụ được về thăm quê tại làng Đan Nhiệm. Biết tin, mọi người trong vùng đều kéo đến thăm, ai cũng mong được gặp mặt cụ. Phan Đình Đồng rất sung sướng khi được cha cho đi thăm và nghe cụ Phan kể chuyện. Những lời dạy bảo của cụ đã để lại ấn tượng sâu sắc, có ảnh hưởng lớn đến lý tưởng, lẽ sống của tuổi trẻ và con đường lập nghiệp của anh sau này.
Năm 1926, ở lứa tuổi 15, Phan Đình Đồng đã tham dự lễ truy điệu cụ Phan Chu Trinh, anh cùng với Nguyễn Xuân Lập, Lê Công Cánh tích cực vận động những học trò có tư tưởng tiến bộ cùng tham gia. Họ tổ chức lập ra nhóm hoạt động bí mật, tìm mua và đọc các loại sách báo “Cấm”. Tuyên truyền bài thơ mà Phan Đình Đồng và các bạn trẻ yêu thích: “Sống và Chết ” cho học sinh của huyện Nam Đàn và thanh thiếu niên địa phương, trong đó có các câu tủ: “ ...Sống mà nô lệ, đừng nên sống / … Sống dại, sinh chi, đứng chật đời ...”
Năm 1927, phong trào cách mạng ở Nghệ An phát triển mạnh mẽ và bước sang giai đoạn mới. Dưới sự lãnh đạo của hai tổ chức cách mạng là: Hội Thanh niên cách mạng đồng chí do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc sáng lập ở Quảng Châu, Trung Quốc và Đảng Tân Việt. Những thầy giáo yêu nước trong các Trường Tiểu học Pháp- Việt ở thành phố Vinh và các huyện đều bí mật tham gia hoạt động. Các phong trào đấu tranh của công nông Nghệ An chuyển dần từ đấu tranh tự phát lên đấu tranh tự giác. Những thầy giáo và thanh niên trí thức yêu nước trong Trường Tiểu học Pháp Việt Vinh như Trần Mộng Bạch, Trần Văn Tăng, Trần Phú, Hà Huy Tập, Nguyễn Thị Vĩnh (tức Minh Khai), Nguyễn Đình Hoành (tức Siêu Hải), Nguyễn Đình Biền (tức Nguyễn Duy Trinh), Nguyễn Thức Mẫn,v.v; những học sinh Trường Quốc học Vinh như Tôn Quang Phiệt, Đặng Thai Mai, Nguyễn Sỹ Sách, Phan Đăng Lưu, Chu Văn Biên, Phan Thái Ất; đặc biệt là Nguyễn Tiềm, người cùng quê, học rất giỏi, yêu nước căm thù giặc nhưng rất kín đáo; những thanh niên yêu nước và căm thù giặc đã bí mật hoạt động và đứng vào tổ chức cách mạng, trở thành những hạt nhân của phong trào, trong số những người tích cực được kết nạp vào Hội có thanh niên Phan Đình Đồng.
Từ năm 1928, hoạt động của những học sinh trong các trường Pháp-Việt đang ngày càng mạnh mẽ thì thực dân Pháp đã lệnh cho Đốc học Nghệ An cùng bọn mật thám cải trang tung vào các trường để theo dõi và ghi vào hồ sơ mật. Những thầy giáo tích cực như Trần Mộng Bạch, Trần Văn Tăng, Hà Huy Tập thì bị chuyển đi các tỉnh lẻ; Trần Phú phải quay sang Quảng Châu, Trung Quốc hoạt động; Phan Đăng Lưu, Nguyễn Đình Biền, Hà Huy Tập, Nguyễn Thức Mẫn phải vào Nha Trang và Sài Gòn hoạt động để xây dựng và phát triển tổ chức cách mạng ở các tỉnh miền Nam; Nguyễn Tiềm, Chu Văn Biên, Nguyễn Thị Phúc bị đuổi học, không về quê mà ở lại Vinh hoạt động dưới sự lãnh đạo của Xứ ủy Trung Kỳ; riêng Phan Đình Đồng thì vào Bến Ngự (Huế) làm thư ký cho cụ Phan Bội Châu, vừa để học tập những lời hay ý đẹp của cụ, vừa tránh sự truy lùng của bọn mật thám Pháp, để chờ đợi thời cơ…
Hoạt động của Bí thư Tỉnh đoàn Phan Đình Đồng thời kỳ dựng Đảng và phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh
Đầu năm 1930, Phan Đình Đồng đang giúp việc cho cụ Phan Bội Châu ở Bến Ngự, Huế. Thời điểm này cụ biết được tin phong trào cách mạng ở quê nhà Nghệ An đang phát triển mạnh. Vì nặng lòng yêu nước, thương dân, đau đáu nỗi u buồn của tuổi già, sức yếu, không được xông pha trận mạc để đánh giặc cứu nước, trừ hại cho dân, biết Phan Đình Đồng là một thanh niên có trình độ Văn hóa, có chí tiến thủ, căm thù giặc và bọn phong kiến Nam triều câu kết với thực dân Pháp để bán nước hại dân, cụ Phan đã lựa lời khuyên và động viên Phan Đình Đồng mau chóng thu xếp để trở về quê cùng thanh niên và Nhân dân Nghệ-Tĩnh làm tiếp cuộc cách mạng mà thế hệ những người như các cụ đang đi mà chưa đến đích. Đó là con đường đấu tranh giành độc lập cho dân tộc.
Du thuyền trên dòng sông Hương, Phan Đình Đồng đã thấm thía những lời khuyên bảo chí tình, chí nghĩa của Cụ Phan. Từ biệt Cụ Phan, Phan Đình Đồng nhanh chóng trở về quê hương, bắt liên lạc với tổ chức cách mạng, sát cánh cùng tuổi trẻ Nghệ An, cùng Nhân dân đấu tranh dưới ngọn cờ quang vinh của Đảng. Biết Phan Đình Đồng đã trở về nhà, các đồng chí Nguyễn Tiềm, Đặng Chính Kỷ, Nguyễn Đình Diên, Vương Thúc Xuân vui mừng đến nhà chào đón và hỏi thăm sức khỏe của cụ Phan. Nghe Phan Đình Đồng kể lại chuyện cụ Phan đã khuyên anh về tham gia cách mạng, các anh em đồng chí thân quen rất xúc động và tin tưởng năng lực trí tuệ và tinh thần cách mạng của anh. Tổ chức đã giao ngay công việc cho Phan Đình Đồng làm liên lạc, in ấn truyền đơn tài liệu, đi rải truyền đơn, treo cờ, vận động Nhân dân tham gia đấu tranh. Sau cuộc biểu tình lịch sử của Nhân dân hai tỉnh Nghệ Tĩnh trong ngày 01 tháng 5 năm 1930, thông qua thực tiễn đấu tranh cách mạng của quần chúng, Phan Đình Đồng đã nhanh chóng trưởng thành. Hoạt động, lăn lộn vận động, tổ chức và xây dựng phong trào, Phan Đình Đồng đã trở thành một thanh niên chững chạc, dày dặn trong công tác tuyên truyền tổ chức và vận động, xây dựng lực lượng của các tổ chức đoàn thể quần chúng cách mạng. Được các đồng chí trong huyện Đảng bộ Nam Đàn tin cậy, quần chúng Nhân dân yêu mến, Phan Đình Đồng được phân công phụ trách công tác Thanh niên của huyện Nam Đàn kiêm công việc tuyên truyền in ấn báo chí của huyện Đảng bộ. Tuổi trẻ nhiệt huyết, được Đảng tin, dân mến, Phan Đình Đồng luôn hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao phó. Ngày 01-8-1930, khắp nơi trên đất Nghệ Tĩnh đã diễn ra phong trào đấu tranh phản đối đế quốc chiến tranh. Sau một ngày lăn lộn cổ vũ Nhân dân đấu tranh, cùng buổi tối kỷ niệm ngày lịch sử đó, Phan Đình Đồng vinh dự được kết nạp vào hàng ngũ những người Cộng sản Việt Nam. Là một đảng viên, lại có trình độ văn hóa cao, thông thạo hai ngoại ngữ Hán và tiếng Pháp, có đức, có tài, năng động, linh hoạt và nhạy cảm, qua đấu tranh, Phan Đình Đồng biết tổng kết rút ra bài học kinh nghiệm. Học từ thực tế và áp dụng những kinh nghiệm của cụ Phan Bội Châu dạy để trở thành một người biết cách tổ chức, vận động giỏi và khích lệ động viên tinh thần đấu tranh của quần chúng Nhân dân ở mọi nơi, mọi lúc; thông qua hoạt động thực tiễn, Phan Đình Đồng được tổ chức và Chi bộ Đảng tín nhiệm bầu làm Bí thư Chi bộ Thanh Đàm. Sau cuộc họp cấp ủy mở rộng, Phan Đình Đồng ngày đêm lo chuẩn bị cho một cuộc đấu tranh ngày 30-8-1930 trong toàn huyện với quy mô 3.000 người tham gia. Ngày 30-8- 1930, Nhân dân các tổng của huyện Nam Đàn kéo lên huyện đường đấu tranh. Những thanh niên xung kích như Phan Đình Đồng, Lê Nam Thắng (sau này là Thiếu Tướng Quân đội Nhân dân Việt Nam) đi hàng đầu, tay dương cao cờ đỏ búa liềm, hô vang các khẩu hiệu, khích lệ tinh thần hăng hái của Nhân dân. Đoàn biểu tình của các tổng trống rợp cờ bay, gươm giáo gậy gộc tiến thẳng vào huyện đường đập phá ty rượu. Trong khi đội trưởng Tự vệ Đỏ Lê Nam Thắng cùng đoàn biểu tình bắt tên tri huyện Lê Khắc Tưởng phải cúi đầu ký vào lá cờ búa liềm dòng chữ: Hứa từ nay về sau chấm dứt mọi sự nhũng nhiễu Nhân dân.
Phan Đình Đồng đã dẫn một tốp Tự vệ Đỏ đi thẳng đến nhà lao mở cửa để giải thoát cho những người tù đang bị thực dân Pháp bắt giam chưa kịp kết án. Cuộc đấu tranh của huyện Nam Đàn thắng lợi, Tự vệ Đỏ đã khống chế bọn lý trưởng ở các làng xã phải đem các con triện đến nộp cho Xã Bộ Nông. Sau cuộc đấu tranh ngày 30-8-1930 của huyện Nam Đàn thắng lợi, Xô viết Nghệ Tĩnh ra đời và lên nắm chính quyền điều hành mọi hoạt động của xã hội. Là một Bí thư, Phan Đình Đồng đã làm việc không quản ngày đêm, tuyên truyền, vận động, tổ chức, tập hợp lực lượng, cùng Tự vệ Đỏ trấn áp bọn phản động, chuẩn bị các cuộc đấu tranh mới để bảo vệ chính quyền Xô viết Nghệ Tĩnh non trẻ mới ra đời.
Tháng 9 năm 1930, đồng chí Đặng Chánh Kỷ, Bí thư Huyện ủy Nam Đàn được điều lên Tỉnh làm Trưởng Ban Tuyên truyền của Tỉnh ủy, đồng chí Phan Đình Đồng được bầu giữ chức Bí thư Huyện ủy Nam Đàn. Chính quyền Xô Viết Nghệ Tĩnh mới ra đời, Tỉnh ủy rất cần những thanh niên giỏi, trung thành, gan dạ có năng lực như Phan Đình Đồng. Từ Bí thư huyện Nam Đàn, Phan Đình Đồng lại được Tỉnh ủy cân nhắc điều lên Tỉnh, bổ sung vào Ban Tuyên huấn của Tỉnh ủy. Để lãnh đạo chính quyền cách mạng thời kỳ Xô viết Nghệ Tĩnh ra đời, dưới sự chỉ đạo của Xứ ủy Trung Kỳ, trực tiếp là Bí thư Xứ ủy Nguyễn Phong Sắc đã chỉ đạo xúc tiến việc Đại hội Tỉnh Đảng bộ Nghệ An để bầu ra một Ban Chấp hành chính thức, có năng lực và tri thức điều hành cách mạng trong giai đoạn mới, vừa xây dựng và bảo vệ chính quyền, vừa chuẩn bị kế hoạch đối phó khi kẻ thù tập trung khủng bố trắng. Tháng 10-1930, Tỉnh ủy Nghệ An tổ chức Đại hội lần thứ nhất tại nhà đồng chí Nguyễn Đình Kình, ở làng Đồng Xuân (nay là huyện Thanh Chương). Đại hội Tỉnh ủy khóa đầu tiên đã bầu ra một Ban Chấp hành chính thức gồm 7 đồng chí, trong đó có đồng chí Phan Đình Đồng. Đồng chí Nguyễn Tiềm được Đại hội tín nhiệm bầu làm Bí thư Tỉnh ủy, đồng chí Phan Đình Đồng được Ban chấp hành Tỉnh ủy phân công nhiệm vụ xây dựng, phát triển Đảng và phụ trách các huyện ở phía Bắc Nghệ An.
Đầu năm 1931, kẻ địch điên cuồng đàn áp khủng bố phong trào cách mạng ở Nghệ Tĩnh trong máu và lửa. Để chống lại cuộc khủng bố trắng của địch, Tỉnh ủy Nghệ An chỉ định đồng chí Phan Đình Đồng, một Tỉnh ủy viên trí thức, hăng hái, nhiệt tình, xông xáo, trung kiên đang phụ trách công tác tuyên huấn sang làm Bí thư Ban Cán sự Thanh niên Cộng sản Đoàn của Tỉnh Nghệ An. Nhiệm vụ nặng nề trong thời điểm hoạt động bí mật cực kỳ gian khổ là một thử thách lớn đối với đồng chí Bí thư thanh niên Phan Đình Đồng.Với sự lãnh đạo tài tình, khôn khéo, nhạy cảm và táo bạo của Bí thư Tỉnh Đoàn Thanh niên cộng sản Phan Đình Đồng, phong trào Thanh niên Nghệ An phát triển mạnh. Lực lượng Thanh niên lúc bấy giờ là trụ cột của phong trào đấu tranh ở các huyện. Họ là những Tự vệ Đỏ anh dũng, kiên cường, là những người phụ trách Nông hội Đỏ, là những thầy giáo dạy chữ Quốc ngữ và cũng là những giao thông liên lạc bí mật đa tài. Theo con số thống kê chưa thật đầy đủ, chỉ một thời gian ngắn, dưới sự lãnh đạo thông minh của Bí thư Phan Đình Đồng, tính đến tháng 5-1931, số Đoàn viên Thanh niên Cộng sản ở Nghệ An đã phát triển lên tới con số 2.356 người. Đây là một lực lượng hùng hậu, là cánh tay phải đắc lực của Đảng. Họ chính là những người đã góp phần vào công việc lãnh đạo phong trào cách mạng ở các huyện, làm nên một cao trào Xô viết Nghệ Tĩnh 1930-1931 “long trời chuyển đất”. Phan Đình Đồng không chỉ chăm lo công tác tổ chức, xây dựng lực lượng Đoàn Thanh niên Cộng sản mà còn quan tâm chăm lo xây dựng lớp trẻ thiếu niên, nhi đồng, tổ chức đoàn thể “Đồng Tử quân” ra đời để tuổi nhỏ các em cũng được tham gia công việc có ích của cách mạng, xứng danh là lực lượng hậu duệ của Thiếu niên Trần Quốc Toản…
92 năm đã trôi qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ kính yêu, lực lượng Đoàn Thanh niên Cộng sản ngày càng trưởng thành và không ngừng phát triển qua các thời kỳ lịch sử đấu tranh của dân tộc. Đoàn Thanh niên Cộng sản Nghệ An đã đi đầu trong hai cuộc kháng chiến thần thánh, đánh Pháp, đánh Mỹ và bọn xâm lược bành trướng Trung Quốc. Học tập và phát huy tinh thần yêu nước và cách mạng của các thế hệ cha anh, ngày nay trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ thành quả cách mạng, hàng vạn thanh niên ưu tú của quê hương Nghệ An Xô viết - Quê hương Bác Hồ kính yêu, vẫn tiếp tục phấn khởi thi đua lập nghiệp để không phụ công lao của những thế hệ đi trước, đạt được những thành quả mới, đóng góp tích cực, hiệu quả vào công cuộc phát triển và hội nhập của tỉnh nhà./.
Chú thích: 1) Năm 1929, để tuyên truyền cuộc cách mạng vô sản theo chủ nghĩa Mác- Lênin và tư tưởng Nguyễn Ái Quốc cho phong trào cách mạng Nghệ An, đồng chí Nguyễn Phong Sắc, Bí thư Xứ ủy Trung Kỳ đã sáng lập ra Tờ Báo Xích Sinh, đồng chí Nguyễn Tiềm được chỉ định làm chủ bút của tờ báo. Tháng 10- 1930, Tỉnh Đảng bộ Nghệ An tổ chức Đại hội Đảng lần thứ nhất tại nhà ông Nguyễn Đình Kình huyện Thanh Chương bầu ra 7 đồng chí, trong đó có Nguyễn Tiềm và Phan Đình Đồng. Đồng chí Nguyễn Tiềm được cử làm Bí thư Tỉnh ủy Nghệ Ạn đầu tiên, đồng chí Phan Đình Đồng được cử làm Bí thư Đoàn Thanh niên Cộng sản đầu tiên của tỉnh Nghệ An.