Đổi mới và nâng cao trách nhiệm

Năm 2018, ông Nguyễn Cảnh Giang, thôn Thanh Cao, xã Đại Đồng (xã Thanh Hưng cũ), huyện Thanh Chương có đơn phản ánh hộ bà Nguyễn Thị Khánh lấn chiếm và xây dựng công trình trên đất thuộc đường giao thông từ Quốc lộ 46 vào nghĩa trang đồi Hao. Trên cơ sở đơn phản ánh của ông Nguyễn Cảnh Giang, UBND huyện Thanh Chương đã chỉ đạo chính quyền xã kiểm tra giải quyết để trả lại phần đất đã lấn chiếm. Sau xử lý một thời gian gia đình bà Nguyễn Thị Khánh tiếp tục tái lấn chiếm. Ông Nguyễn Cảnh Giang tiếp tục có đơn phản ánh việc này và được UBND huyện Thanh Chương chỉ đạo chính quyền xã Đại Đồng vào cuộc, tuyên truyền vận động gia đình bà Khánh tự tháo giỡ. Hiện nay, gia đình bà Nguyễn Thị Khánh đã tự giác tháo dỡ, giải tỏa các tài sản, công trình trên đất; chính quyền xã đã tiến hành cắm mốc và quản lý phần diện tích được giải toả.

Lĩnh vực đất đai, khoáng sản, giải phóng mặt bằng dễ phát sinh đơn thư

Đồng chí Trình Văn Nhã – Phó Bí thư Huyện uỷ, Chủ tịch UBND huyện Thanh Chương chia sẻ: Giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, phản ánh của Nhân dân là nhiệm vụ được cấp uỷ, chính quyền quan tâm với tinh thần theo đuổi đến cùng để giải quyết các vấn đề, vụ việc thấu tình, đạt lý. Trong giải quyết lấy đối thoại làm trọng tâm thông qua tăng cường tiếp công dân để làm rõ khó khăn, vướng mắc và trách nhiệm của các cấp, các ngành, của công dân; chú trọng khâu khảo sát, xác minh thực tế và trao đổi, phối hợp giữa các cấp, các ngành trong tìm giải pháp, tạo tiếng nói chung trong giải quyết. Bởi vậy, dù Thanh Chương là địa bàn có số lượng đơn thư nhiều trong số các địa phương của tỉnh, nhưng kết quả giải quyết vụ việc đạt tỷ lệ cao. Năm 2023 đã giải quyết 498/507 vụ việc, đạt 98,22% và 6 tháng đầu năm 2024 đã giải quyết 221/233 vụ việc, đạt 94,9% (9 vụ việc còn lại đang trong thời gian giải quyết). Đặc biệt có nhiều vụ việc kéo dài được giải quyết dứt điểm, đảm bảo quyền lợi của người dân, góp phần củng cố niềm tin của Nhân dân đến cấp uỷ, chính quyền; mặt khác, trình độ, năng lực và ý thức trách nhiệm của cán bộ, công chức ở các cấp cũng được nâng lên.

Lãnh đạo huyện Thanh Chương trao đổi với người dân xã Xuân Tường

Cũng quan tâm giải quyết với tỷ lệ giải quyết đơn thư đạt trên 96% hàng năm; huyện Nghi Lộc đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện các quy định của pháp luật về giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo. Huyện tăng cường tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ, công chức; đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân về quyền và nghĩa vụ trong thực hiện các quy định pháp luật về khiếu nại, tố cáo. Ngoài tổ chức các cuộc họp để nghe và chỉ đạo hoặc giao các phòng, ngành, địa phương làm việc, xin ý kiến chỉ đạo của cấp trên trong giải quyết các vụ việc khó, phức tạp; hàng năm huyện Nghi Lộc còn tổ chức các cuộc làm việc chuyên đề với các phòng, ban và các địa phương phát sinh nhiều đơn thư hoặc đơn thư kéo dài để rà soát, đôn đốc, huy động tổng lực sức mạnh của cả hệ tống chính trị vào cuộc giải quyết dứt điểm các vụ việc.

Cùng với các giải pháp nêu trên, đồng chí Phạm Sỹ Vinh – Chánh Thanh tra huyện cho rằng: Mấu chốt để tạo chuyển biến và nâng cao chất lượng giải quyết đơn thư ở huyện Nghi Lộc chính là gắn trách nhiệm của các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị và người đứng đầu; đưa vào tiêu chí đánh giá thi đua tập thể và năng lực, ý thức trách nhiệm của cán bộ, công chức, nhất là người đứng đầu. Bên cạnh theo dõi, đôn đốc theo từng đơn thư, vụ việc; hàng năm huyện tăng cường thanh tra, kiểm tra trách nhiệm người đứng đầu trong giải quyết đơn thư (mỗi năm kiểm tra trách nhiệm người đứng đầu 5 – 6 đơn vị); thành lập đoàn kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn các địa phương có đơn thư phát sinh nhiều, chậm giải quyết. Từ hoạt động này, vừa góp phần nâng cao tinh thần trách nhiệm của các cấp và cá nhân, vừa kịp thời tháo gỡ các “nút thắt” cho các cơ sở để giải quyết dứt điểm các vụ việc.

Tổ công tác của huyện Thanh Chương đi cơ sở xác minh giải quyết đơn thư của công dân

Cùng với sự điều chỉnh của pháp luật về thẩm quyền, trách nhiệm và quy trình giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo ngày càng chặt chẽ; thời gian qua, các cấp, các ngành, đơn vị, địa phương trong tỉnh đã nhận thức rõ tác động tích cực từ công tác này để đổi mới, chỉ đạo quyết liệt, gắn trách nhiệm các cấp, các ngành và người đứng đầu. Sự đổi mới quan trọng, theo chia sẻ của đồng chí Hoàng Thanh Linh – Phó Chánh Thanh tra tỉnh: Các cấp, các ngành chú trọng chỉ đạo quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm để giải quyết hiệu quả, dứt điểm từng vụ việc, nhất là các vụ việc đông người, phức tạp, kéo dài; tăng cường phối hợp chặt chẽ giữa các cấp để sự thống nhất chung trong giải quyết vụ việc; ở từng cấp đều thành lập các tổ công tác liên ngành để hướng dẫn xử lý đơn thư có vướng mắc, khó khăn, nhất là liên quan đến bồi thường giải phóng mặt bằng, tranh chấp đất đai, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất…. Các cấp, các ngành quan tâm ứng dụng công nghệ thông tin, sử dụng phần mềm theo dõi, tổng hợp công tác tiếp công dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo; quan tâm đánh giá, xếp loại thực chất đối với tổ chức, cá nhân trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phản ánh, kiến nghị của công dân. Qua đó hạn chế đơn thư vượt cấp, không phát sinh “điểm nóng”, góp phần ổn định chính trị, thúc đẩy kinh tế - xã hội, củng cố niềm tin của Nhân dân đối với bộ máy Nhà nước ở các cấp.

Trong 6 tháng đầu năm, số vụ việc khiếu nại, tố cáo phát sinh trong kỳ là 200 vụ việc; đã giải quyết được 178/200 vụ việc, đạt 89%; còn lại 22 vụ việc đang trong thời gian kiểm tra, xác minh, giải quyết theo quy định.

Làm rõ nguyên nhân để có giải pháp tháo gỡ

Không thể phủ nhận công tác tiếp dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân đã được cơ quan hành chính Nhà nước các cấp trên địa bàn tỉnh quan tâm chỉ đạo quyết liệt với nhiều đổi mới và đem lại hiệu quả cao. Tuy nhiên, tình hình đơn thư vẫn có chiều hướng gia tăng, như trong 6 tháng đầu năm 2024, số vụ việc khiếu nại, tố cáo phát sinh trong kỳ tăng 32,5% so với cùng kỳ năm 2023.

Theo phản ánh từ cơ sở, tình trạng này có nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân từ thực tiễn một số địa phương đang tập trung triển khai thực hiện các dự án trọng điểm có thu hồi, bồi thường, giải phóng mặt bằng và đẩy mạnh việc cấp đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Trong khi cơ chế, chính sách liên quan đến quyền lợi của người sử dụng đất còn nhiều bất cập, chưa phù hợp, chưa nhất quán, chưa rõ ràng, có sự chênh lệch giữa giá bồi thường so với giá trị thực tế, gây khó khăn cho việc lập phương án bồi thường, giải phóng mặt bằng. Mặc khác, công tác quản lý nhà nước về một số lĩnh vực, nhất là đất đai còn sai sót, chậm được khắc phục; việc công khai, minh bạch trong quy hoạch, bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư và trong thực hiện quản lý, điều hành một số lĩnh vực còn chưa đầy đủ, có lúc chưa đảm bảo sự công bằng, dẫn đến phát sinh nhiều đơn thư. Một số địa phương trong quá trình giải quyết khiếu nại, tố cáo các vụ việc thuộc thẩm quyền chưa thực sự coi trọng việc tổ chức đối thoại để lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của công dân, dẫn đến việc giải quyết các vụ việc kéo dài, phức tạp.

Để tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác giải quyết đơn thư, khắc phục các tồn tại, hạn chế đang đặt ra, Phó Chánh Thanh tra tỉnh, Hoàng Thanh Linh nhấn mạnh: Tiếp tục nâng cao vai trò, trách nhiệm người đứng đầu các cấp, các ngành, địa phương trong tiếp công dân và xử lý đơn thư; trong đó quan tâm công tác đối thoại, giải quyết kịp thời, dứt điểm các vụ việc mới phát sinh, không để các vụ việc tồn đọng kéo dài, đồng thời xây dựng kế hoạch để chỉ đạo bài bản giải quyết các vụ việc tồn đọng, kéo dài. Đối với các vụ việc khiếu nại, tố cáo đã được các cấp, các ngành giải quyết, đúng quy định của pháp luật, qua kiểm tra, soát xét không phát sinh thêm tình tiết mới thì ban hành văn bản thông báo chấm dứt việc giải quyết và đề nghị các cơ quan, tổ chức không tiếp nhận, chuyển đơn.

Đưa ra con số vụ việc khiếu nại sai chiếm 60,4% và khiếu nại đúng chỉ 12,1%; vụ việc tố cáo sai chiếm 53,7% và tố cáo đúng chỉ 16,7% trong tổng số vụ việc được tiếp nhận trong 6 tháng đầu năm 2024 của các cơ quan hành chính nhà nước; đồng chí Trần Đình Toàn – Phó Trưởng ban Pháp chế, HĐND tỉnh đặt ra băn khoăn và kiến nghị các cấp, các ngành quan tâm giải pháp tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật về khiếu nại, tố cáo để công dân hiểu và thực hiện đúng; đồng thời có giải pháp để giải quyết dứt điểm các vụ việc phức tạp, kéo dài.

Thực tiễn chứng minh, nơi nào giải quyết tốt đơn thư, nơi đó có môi trường ổn định, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội; đồng thời khắc phục hoặc ngăn chặn những hạn chế, tiêu cực có thể xảy ra, góp phần cải thiện, củng cố niềm tin của người dân, doanh nghiệp vào bộ máy nhà nước. Bởi vậy, các cấp, các ngành, địa phương trong tỉnh cần tiếp tục đổi mới, chỉ đạo quyết liệt, gắn trách nhiệm người đứng đầu, nhất là khắc phục tình trạng đùn đẩy giải quyết đơn thư.