Ban Pháp chế HĐND tỉnh với trách nhiệm giám sát việc chấp hành, thực thi pháp luật trong lĩnh vực xây dựng chính quyền địa phương: công tác cải cách hành chính; quản lý, sử dụng biên chế công chức, viên chức và các chế độ, chính sách liên quan; công tác phòng chống tham nhũng, giải quyết khiếu nại, tố cáo; công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông;... Đây là những lĩnh vực rất nhạy cảm, có nhiều vấn đề nảy sinh trong thực tế, để thẩm tra được đòi hỏi trong quá trình theo dõi, giám sát cần phải quan tâm, xem xét thường xuyên để có thông tin kịp thời.

plugin_ckeditor_upload.upload.a5c60cd55d101588.32382e6a7067.jpg

Ban Pháp chế HĐND tỉnh giám sát tại huyện Diễn Châu (ảnh tư liệu)

Theo quy định, các Ban HĐND có thể tham gia vào quá trình xây dựng dự thảo báo cáo, đề án... của UBND và các cơ quan chuyên môn. Tuy nhiên, trong hoạt động thẩm tra của các Ban hiện nay nói chung và Ban Pháp chế nói riêng, nhiều báo cáo, tờ trình phải thảo luận, điều chỉnh nhiều lần dẫn đến việc chuyển tờ trình, báo cáo sang các Ban thẩm tra chậm. Trong một kỳ họp thường lệ, các Ban HĐND phải thẩm tra nhiều báo cáo các loại, một dự thảo nghị quyết của UBND hay các cơ quan liên quan trình HĐND đều có một báo cáo thẩm tra của Ban HĐND kèm theo, thêm vào đó là báo cáo giám sát chuyên đề, báo cáo hoạt động thường xuyên... Trong khoảng thời gian không nhiều trước kỳ họp mà phải chuẩn bị nhiều báo cáo nên đòi hỏi các thành viên của các Ban, phần nhiều hoạt động kiêm nhiệm phải rất nỗ lực để hoàn thành nhiệm vụ của mình.

Mặc dù vậy Ban Pháp chế HĐND tỉnh đã nỗ lực đổi mới hoạt động thẩm tra của Ban, lãnh đạo chuyên trách các Ban tham dự và phân công thành viên Ban tham dự các cuộc họp của UBND và cơ quan soạn thảo bàn về những nội dung liên quan để nắm chắc vấn đề ngay từ quá trình chuẩn bị các báo cáo, đề án, dự thảo nghị quyết để có nguồn thông tin phong phú, đa chiều khi thẩm tra. Trong quá trình thẩm tra trước kỳ họp, với những vấn đề phức tạp liên quan đến nhiều Ban, Thường trực HĐND chủ trì thẩm tra, Ban phối hợp làm rõ những nội dung còn có ý kiến khác nhau để Thường trực HĐND xem xét, cho ý kiến và đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện văn bản trình kỳ họp. Các nội dung được phân công chủ trì thẩm tra, Ban Pháp chế đã tổng hợp ý kiến của các thành viên Ban về những nội dung cần giải trình tại các báo cáo, tờ trình, dự thảo nghị quyết để gửi trước cho cơ quan soạn thảo trước khi hội nghị thẩm tra diễn ra. Cách làm này sẽ tiết kiệm được nhiều thời gian tại buổi thẩm tra vì tài liệu đã gửi trước cho thành viên Ban, các cơ quan tham dự thẩm tra không cần phải đọc lại báo cáo hay tờ trình, dự thảo Nghị quyết mà chỉ trao đổi các nội dung các thành viên Ban Pháp chế chưa rõ.

Các cuộc họp thẩm tra đã diễn ra trong không khí dân chủ, trách nhiệm, với tinh thần xây dựng, vì chất lượng, hiệu quả kỳ họp HĐND. Từ chủ động thu thập nguồn thông tin phong phú, đa chiều, khi thẩm tra thành viên các Ban đã tìm ra những nội dung chưa hợp lý và đề xuất phương án điều chỉnh nên báo cáo thẩm tra của các Ban không chỉ mang tính phản biện mà còn có những đề xuất bổ sung nội dung và các giải pháp cụ thể để nâng cao tính khả thi của văn bản khi được HĐND thông qua. Trước kỳ họp thứ 2, HĐND tỉnh khóa XVIII, nhiệm kỳ 2021- 2026, Ban Pháp chế thẩm tra 9 báo cáo, 6 tờ trình, dự thảo Nghị quyết trong 2 buổi làm việc.

Trong thời gian sắp tới, để công tác thẩm tra có chất lượng, Ban Pháp chế sẽ tiếp tục triển khai hiệu quả công tác giám sát, khảo sát để nắm bắt các thông tin cần thiết phục vụ cho việc thẩm tra; tuân thủ các quy trình của hoạt động giám sát, khảo sát; phát huy dân chủ, tập trung trí tuệ của đại biểu; có chính kiến xác đáng trong kết luận sau giám sát để hoạt động thẩm tra đạt kết quả cao. Từ các cuộc khảo sát, giám sát Ban sẽ nắm rõ tình hình thực tế để có cơ sở kiểm định tính chính xác, chân thực của các các nội dung, số liệu nêu trong báo cáo của UBND, Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân và các cơ quan khác. Từ đó đưa ra những những nhận xét, kiến nghị thuyết phục, báo cáo thẩm tra có tính khách quan, tính phản biện cao, làm cơ sở cho đại biểu trao đổi, thảo luận tại kỳ họp. Ngoài tuân thủ đúng quy định, trình tự thẩm tra đã thực hiện, Ban chú trọng lấy ý kiến các đối tượng điều chỉnh của các dự thảo nghị quyết theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của HĐND, UBND và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật số 80/2015/QH13. Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh phối hợp với các cơ quan, đơn vị làm tốt công tác tham mưu cho Ban Pháp chế nhất là bảo đảm việc gửi tờ trình, dự thảo Nghị quyết và báo cáo kết quả thẩm tra của các Ban đúng quy định. Trên cơ sở đó, các thành viên Ban tham gia ý kiến, phát huy vai trò của mình trong việc tham gia cùng HĐND tỉnh quyết định các vấn đề quan trọng ở địa phương.

Lê Xuân

Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh