Chuẩn bị sớm, tăng tính chủ động

Theo quy định trước đây, tại kỳ họp cuối năm, HĐND tỉnh sẽ ban hành chương trình xây dựng nghị quyết của năm tiếp theo. Trên cơ sở đó, các cơ quan chuyên môn sẽ soạn thảo nội dung cụ thể để tham mưu UBND trình HĐND tỉnh. Tuy nhiên, hiện nay thực hiện Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, trước khi trình HĐND tỉnh ban hành nghị quyết phải tiến hành theo 2 quy trình là đề nghị xây dựng nghị quyết và được Thường trực HĐND tỉnh thông qua; sau đó mới tiến đến soạn thảo và trình ban hành nghị quyết.

1--Toan-canh-Ky-hop-thu-4-HDND-tinh-khoa-XVIII-to-chuc-vao-thang-12-2021.jpeg
Toàn cảnh Kỳ họp thứ 4, HĐND tỉnh khoá XVIII tổ chức vào tháng 12.2021

Nghị quyết HĐND tỉnh ban hành do Thường trực HĐND tỉnh và UBND tỉnh trình, trong đó phần lớn các nghị quyết đều do UBND tỉnh trình xem xét, quyết nghị tại các kỳ họp thường lệ và chuyên đề. Trong nhiệm kỳ 2016 - 2021, Thường trực, các Ban HĐND tỉnh thẩm tra các báo cáo và 322 tờ trình, dự thảo nghị quyết do UBND tỉnh trình tại các kỳ họp HĐND tỉnh. Các báo cáo, tờ trình, dự thảo nghị quyết được UBND tỉnh và các sở, ban, ngành chuẩn bị đúng tiến độ, đảm bảo.

Tuy nhiên, qua đánh giá việc thực hiện Quy chế phối hợp giữa hai bên giai đoạn này cũng cho thấy, một số dự thảo nghị quyết và báo cáo tiếp thu giải trình sau thẩm tra gửi đến Thường trực, các Ban HĐND tỉnh vẫn còn chậm so với thời hạn yêu cầu làm ảnh hưởng đến công tác chuẩn bị kỳ họp và gửi tài liệu cho đại biểu HĐND tỉnh. Đây là vấn đề mà Thường trực HĐND tỉnh và lãnh đạo UBND tỉnh quyết tâm khắc phục trong nhiệm kỳ 2021 - 2026 với quan điểm cần chuẩn bị từ sớm, từ xa.

Theo đó, căn cứ thông báo phân công thẩm tra, chuẩn bị kỳ họp, UBND tỉnh sẽ gửi đầy đủ hồ sơ thẩm tra đúng thời gian cho Thường trực và các Ban của HĐND tỉnh được phân công thẩm tra theo hình thức cuốn chiếu, chuẩn bị xong nội dung nào thì trình nội dung đó nhưng chậm nhất là 15 ngày trước ngày khai mạc kỳ họp HĐND tỉnh.

2--Cac-dai-bieu-bieu-quyet-thong-qua-du-thao-nghi-quyet-tai-Ky-hop-thu-4-HDND-tinh-khoa-XVIII-to-chuc-vao-thang-12-2021.jpeg

3--Cac-dai-bieu-bieu-quyet-thong-qua-du-thao-nghi-quyet-tai-Ky-hop-thu-4-HDND-tinh-khoa-XVIII-to-chuc-vao-thang-12-2021-1.jpeg
Các đại biểu biểu quyết thông qua dự thảo nghị quyết tại Kỳ họp thứ 4, HĐND tỉnh khoá XVIII tổ chức vào tháng 12.2021

Đối với những nội dung thuộc thẩm quyền xem xét, cho ý kiến của Thường trực, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ thì UBND tỉnh gửi hồ sơ, tài liệu chậm nhất 10 ngày trước phiên họp của Thường trực, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ để tổ chức thẩm tra trước. UBND tỉnh cũng gửi báo cáo giải trình, tiếp thu ý kiến thẩm tra chậm nhất 5 ngày trước khi khai mạc kỳ họp HĐND tỉnh, phiên họp của Thường trực, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ.

Dựa trên quy trình gắn với quan điểm đổi mới, tại phiên họp thường kỳ tháng 2 vừa qua, UBND tỉnh đã đề nghị Thường trực HĐND tỉnh xem xét phê duyệt danh mục 36 nội dung xây dựng nghị quyết trình HĐND tỉnh tại các kỳ họp thường lệ và chuyên đề trong năm 2022.

Trên cơ sở thảo luận, cam kết đối với sự cần thiết của việc ban hành các nghị quyết này của lãnh đạo UBND tỉnh, Thường trực HĐND tỉnh đã thông qua danh mục trên để UBND tỉnh kịp thời chỉ đạo các sở, ngành, địa phương liên quan triển khai thực hiện theo quy định. Đại diện cho lãnh đạo UBND tỉnh tại cuộc làm việc, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lê Hồng Vinh cho biết, UBND tỉnh sẽ đôn đốc các cơ quan liên quan thực hiện đầy đủ về mặt quy trình, thời gian theo quy định và phối hợp với các Ban của HĐND tỉnh để thẩm tra đảm bảo chất lượng trước khi trình dự thảo các nghị quyết tại kỳ họp HĐND tỉnh.

Thông qua làm việc về nội dung này, có thể nhận thấy rất rõ quan điểm ban hành các nghị quyết của HĐND tỉnh cần phải hoàn toàn chủ động, phối hợp chặt chẽ, nhất quán ngay từ đầu nhằm đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất của Thường trực HĐND tỉnh khoá XVIII được thể hiện rõ và nhất quán. Sau khi danh mục nghị quyết ban hành trong năm nay đã được “chốt”, việc xem xét bổ sung, điều chỉnh sẽ chỉ được thực hiện trong một số trường hợp đặc biệt.

Tại cuộc làm phiên họp thường kỳ tháng 2 vừa qua, đồng chí Thái Thanh Quý - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh, Chủ tịch HĐND tỉnh nhấn mạnh: Việc bổ sung thêm dự thảo nghị quyết vào danh mục ban hành nghị quyết của HĐND tỉnh trong năm chỉ thực hiện đối với các tình huống có văn bản chỉ đạo mới của Trung ương cần cụ thể hóa trên địa bàn tỉnh; hoặc những tình huống cấp bách đặt ra, đòi hỏi từ thực tiễn của tỉnh Nghệ An.

Chú trọng đánh giá tác động chính sách

Đánh giá tác động chính sách là rất cần thiết nhằm đảm bảo phù hợp với thực tiễn, có tính khả thi cao sau khi ban hành. Để thực hiện tốt vấn đề này đòi hỏi phải đa dạng các hình thức lấy ý kiến và đánh giá. Nhiệm kỳ vừa qua, tại các cuộc họp thẩm tra của Thường trực, các Ban HĐND tỉnh đối với dự thảo nghị quyết trình kỳ họp, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đều cử đại diện tham dự và đóng góp nhiều ý kiến phát biểu, có tính phản biện, góp ý chuyên sâu, nhất là đối với các nghị quyết về cơ chế, chính sách, các nghị quyết do Thường trực HĐND tỉnh chủ trì soạn thảo trình HĐND tỉnh.

Cụ thể, trong 5 năm (2016 - 2021), HĐND tỉnh đã ban hành 322 nghị quyết, bao gồm 143 nghị quyết quy phạm pháp luật và 179 nghị quyết cá biệt; trong đó có 52 nghị quyết về cơ chế, chính sách phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng an ninh trên địa bàn tỉnh. Nhiều dự thảo nghị quyết đã được phối hợp, góp ý chuyên sâu như: “Nghị quyết về số lượng, chức danh, mức phụ cấp, chế độ chính sách đối với người hoạt động không chuyên trách và các đối tượng khác ở xã, phường, thị trấn, khối, xóm, bản trên địa bàn tỉnh”; “Nghị quyết thông qua danh mục công trình, dự án cần thu hồi đất”...

4--Toan-canh-phien-hop-thuong-ky-thang-2-2022-cua-Thuong-truc-HDND-tinh-1.JPG
Toàn cảnh phiên họp thường kỳ tháng 2.2022 của Thường trực HĐND tỉnh

Cũng trong giai đoạn này, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam đã tổ chức 13 hội nghị phản biện xã hội liên quan đến dự thảo các dự án luật, dự thảo nghị quyết HĐND tỉnh và các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật khác của địa phương, tham gia góp ý vào 218 dự thảo văn bản quy phạm pháp luật do Trung ương, UBND tỉnh và các sở, ban, ngành cấp tỉnh đề xuất.

Trên cơ sở đó, bước vào nhiệm kỳ 2021 - 2026, Thường trực HĐND tỉnh và Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã thống nhất phối hợp nhiều nội dung công tác trong xây dựng pháp luật và tổ chức phản biện xã hội. Hàng năm, theo đề nghị của Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, Thường trực HĐND tỉnh thông báo cho Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh về dự kiến các văn bản (bao gồm văn bản quy phạm pháp luật, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, dự án…) do cơ quan mình dự thảo cần có sự phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội.

Cùng với đó, Thường trực HĐND tỉnh gửi dự thảo văn bản đề nghị đến Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh thực hiện phản biện xã hội chậm nhất là 20 ngày trước khi ban hành văn bản; đồng thời cung cấp thông tin, tài liệu cần thiết cho Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh tổ chức hội nghị phản biện xã hội hoặc tham gia góp ý bằng văn bản.

Mặt khác, Thường trực HĐND tỉnh nhiệm kỳ 2021 - 2026 cũng thấy rằng, trong quy trình xây dựng chính sách thì việc tham gia của cơ quan thẩm tra, cụ thể là các Ban HĐND với cơ quan soạn thảo là UBND tỉnh trong quá trình soạn thảo là rất cần thiết để nâng cao chất lượng các dự thảo nghị quyết.

Cho nên, Thường trực HĐND và lãnh đạo UBND tỉnh đã thống nhất hai cơ quan phối hợp ngay từ quá trình xây dựng dự thảo các nghị quyết. Theo đó, các ban của HĐND tỉnh cần tiếp cận trong quá trình thảo luận của UBND tỉnh, khảo sát thực tế về chính sách để nâng cao chất lượng thẩm tra các nghị quyết, báo cáo trình HĐND tỉnh. UBND tỉnh cũng sẽ tranh thủ ý kiến các Ban HĐND tỉnh trong quá trình chuẩn bị như mời dự các cuộc họp thảo luận dự thảo các chính sách.

Thành Duy