bna-z5467284961537-510cf74bdedd91c0a9d5576e52bb089b-5857.jpg.webp
Quang cảnh phiên thảo luận tại Tổ 3. Ảnh: Phan Hậu

Dự thảo luận có các đồng chí: Đỗ Văn Chiến - Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, ĐBQH đoàn Nghệ An; Thượng tướng Trần Quang Phương - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội, ĐBQH đoàn Quảng Ngãi.

Đồng chí Thái Thanh Quý - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An làm Tổ trưởng điều hành thảo luận.

CÂN NHẮC SỬA ĐỔI LUẬT THEO NHU CẦU THAY VÌ THEO ĐỊNH KỲ

Nội dung tiến hành thảo luận tại tổ tập trung vào đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2023; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2024; công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2023; kết quả thực hiện các mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới năm 2023.

bna-z5467285093467-7165a3031b965e8dcf8ba0701cf28ee8-9229.jpg.webp
Đồng chí Thái Thanh Quý - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An điều hành thảo luận tại Tổ 3. Ảnh: Quang Vinh

Phát biểu thảo luận, Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Minh Hiếu - ĐBQH đoàn Nghệ An cho rằng, nội dung về cải cách thể chế trong báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội được đề cập rất đầy đủ, sâu sắc, thể hiện rõ quan điểm: cải cách thể chế là một trong những động lực, yếu tố quan trọng thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

Để làm sâu sắc hơn nội dung này, vị đại biểu đoàn Nghệ An đề nghị bổ sung thêm một số ưu điểm như đã cải cách cách thức xây dựng luật, cụ thể là một số đạo luật có phạm vi điều chỉnh liên quan với nhau được ban hành cùng thời điểm như: Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Nhà ở (sửa đổi) và Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) vừa qua.

Theo đại biểu, cách làm trên có ưu điểm là phân định rõ phạm vi điều chỉnh của từng luật, đảm bảo tính logic giữa các luật có liên quan; qua đó làm cho các luật đạt được mức độ hoàn chỉnh cao hơn; đồng thời điều chỉnh tổng thể vướng mắc còn tồn tại trong quá trình thực hiện cho doanh nghiệp, người dân.

bna-z5467284934361-9638fcd217f7bbc8b09dadb27a7caf0c-8982.jpg.webp
Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Minh Hiếu - ĐBQH đoàn Nghệ An phát biểu thảo luận. Ảnh: Quang Vinh

Đại biểu cũng đánh giá cao công tác rà soát văn bản quy phạm pháp luật thời gian qua với 2 đợt rà soát từ đầu nhiệm kỳ đến nay; qua đó phát hiện nhiều điểm mâu thuẫn, chồng chéo; xác định rõ điểm nghẽn nằm ở khâu xây dựng hay thực hiện pháp luật. Đồng thời, việc rà soát cũng làm cơ sở, thông tin đầu vào chất lượng để xây dựng pháp luật.

Qua đó, đại biểu Hoàng Minh Hiếu đề xuất hoạt động rà soát văn bản quy phạm pháp luật cần thực hiện thường xuyên, liên tục để có thông tin đầu vào tốt phục vụ cho hoạt động lập pháp chất lượng cao hơn.

Cũng liên quan nội dung này, vị đại biểu đoàn Nghệ An đề xuất cân nhắc tiến hành sửa đổi các đạo luật theo nhu cầu để giải quyết các vướng mắc của người dân và doanh nghiệp kịp thời hơn; thay vì thực hiện sửa đổi theo định kỳ sau khi sơ kết 5 năm, tổng kết 10 năm thực hiện luật theo thông lệ.

Về những lo ngại khi sửa đổi các đạo luật theo nhu cầu sẽ dẫn đến không bảo đảm tính ổn định của hệ thống pháp luật, đại biểu Hoàng Minh Hiếu cho rằng, không nên lo ngại về điều này. Vì qua nghiên cứu kinh nghiệm ở một số nước phát triển, quan điểm về tính ổn định của pháp luật không nằm ở chỗ thay đổi thường xuyên các điều, khoản vướng mắc cụ thể trong thực tiễn, mà được các nước tiếp cận trên quan điểm là bảo đảm chủ thuyết chung của luật, đây mới là điều quan trọng. Do vậy, họ cũng thường xuyên sửa đổi các đạo luật nếu thấy vướng mắc.

Liên quan đến công tác cải cách thủ tục hành chính, qua nghiên cứu báo cáo thẩm tra do Ủy ban Kinh tế của Quốc hội trình, cho thấy năng suất lao động của người Việt Nam trong nhiều năm qua chưa đạt được mức trung bình của khu vực, theo vị đại biểu đoàn Nghệ An, một trong những yếu tố dẫn đến thực trạng trên chính là do thủ tục hành chính.

Dẫn lại ý kiến giám đốc một nhà xuất bản cho biết, khi xuất bản một cuốn sách cần đến khoảng 100 chữ ký, đại biểu Hoàng Minh Hiếu nhận định: Thủ tục hành chính kéo dài ảnh hưởng sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp nên giảm năng suất lao động. Cho nên, Chính phủ cần xem việc tiếp tục cải cách thủ tục hành chính là nhiệm vụ trọng tâm nửa cuối nhiệm kỳ này.

CÓ GIẢI PHÁP XÂY DỰNG DỰ TOÁN NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC PHÙ HỢP HƠN

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Vân Chi - ĐBQH đoàn Nghệ An nêu các ý kiến liên quan đến việc đánh giá bổ sung về ngân sách năm 2023 và thực hiện 3 tháng đầu năm 2024.

bna-z5467285077644-837e58f05131fe844c3b2ac2165dcf8d-7651.jpg.webp
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Vân Chi - ĐBQH đoàn Nghệ An phát biểu thảo luận. Ảnh: Phan Hậu

Trên cơ sở phân tích các số liệu bổ sung thu ngân sách nhà nước năm 2023 tăng 133,4 ngàn tỷ đồng so với dự toán thu báo cáo tháng 10/2023, đại biểu cho rằng, công tác xây dựng dự toán thu ngân sách hàng năm vẫn chưa sát, còn thấp so với thực tế, dẫn đến không chỉ không gian tài khóa bị thu hẹp, mà bội chi ngân sách cao hơn không cần thiết so với nhu cầu thực tế đặt ra.

Do đó, đại biểu cho rằng, quan điểm trong công tác xây dựng dự toán ngân sách nhà nước hàng năm quy định trong Luật Ngân sách Nhà nước cần thiết phải được đánh giá lại thực sự thấu đáo; từ đó, sớm đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội để sửa đổi nhằm có cách tiếp cận xây dựng phù hợp, thực tế hơn.

Đồng thời, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội cũng đề nghị nối lại việc cung cấp số liệu về tình hình "sức khỏe" của doanh nghiệp để phục vụ công tác đánh giá kinh tế - xã hội đầy đủ, phù hợp hơn.

Vì thực tế, trong báo cáo của Chính phủ và đánh giá của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội còn có điểm vênh nhau. Ví dụ, trong thực hiện dự toán thu năm 2023, Chính phủ cho biết, kết quả tăng thu tương đối lớn ở 3 khu vực gồm: doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, ngoài quốc doanh và các doanh nghiệp Nhà nước.

Như vậy, từ góc độ số thu thì sẽ có cái nhìn tương đối khả quan về tình hình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp; nhưng trong báo cáo của Ủy ban Kinh tế thì tình hình sản xuất của doanh nghiệp còn thực sự khó khăn.

Bên cạnh đó, trên cơ sở phân tích tổng cầu tiêu dùng tăng thấp mặc dù được miễn thuế giá trị gia tăng 2%, đại biểu Nguyễn Vân Chi nhận định, kết quả đó cho thấy dường như động thái ưu đãi thuế này không có tác động đến việc kích cầu tiêu dùng để tác động trở lại cho doanh nghiệp.

Cho nên, vị đại biểu đoàn Nghệ An cho rằng, Quốc hội cần cân nhắc khi xem xét kiến nghị tiếp tục giảm 2% giá trị gia tăng để kích cầu tiêu dùng đến hết năm nay của Chính phủ.

KHẮC PHỤC TƯ TƯỞNG SỢ SAI, SỢ CHỊU TRÁCH NHIỆM

Thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội, Thiếu tướng Trần Đức Thuận - Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội, ĐBQH đoàn Nghệ An ghi nhận những kết quả đạt được.

Tuy nhiên, ông cũng bày tỏ băn khoăn khi báo cáo Chính phủ có đặt ra vấn đề một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức có tư tưởng sợ sai, sợ trách nhiệm.

bna-z5467667122461-06a5c976eac88b63d2ce48f8130863f3-3185.jpg.webp
Thiếu tướng Trần Đức Thuận - Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội, ĐBQH đoàn Nghệ An phát biểu thảo luận. Ảnh: Phan Hậu

“Đây là vấn đề Chính phủ cần có giải pháp. Nếu chúng ta không giải quyết tốt thì "bệnh" này lan dần, ảnh hưởng đến thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội nói chung”, vị đại biểu Đoàn Nghệ An nói.

Mặt khác, Thiếu tướng Trần Đức Thuận cũng đề nghị, cần tăng cường các giải pháp cung cấp thông tin chính thống hiệu quả để định hướng dư luận trước các thông tin xấu độc; đồng thời đề nghị các cơ quan có thẩm quyền tăng cường công tác quản lý chính trị nội bộ, đặc biệt ở cấp chiến lược càng cao càng phải quản lý chặt chẽ.

bna-z5467285082144-76b7c912597401c4cbf9b0f1906f1e01-1506.jpg.webp
ĐBQH đoàn Nghệ An tại phiên thảo luận Tổ 3. Ảnh: Quang Vinh

Nêu ý kiến về kết quả thực hiện các mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới, Thiếu tướng Trần Đức Thuận đề nghị có giải pháp căn cơ, xóa tư tưởng trọng nam khinh nữ để khắc phục tỷ lệ sinh bé trai cao hơn bé gái ở nước ta.

Ông cũng đề nghị cần tăng cường thực hiện hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục về bình đẳng giới. Cấp ủy, chính quyền các cấp nên coi đây là nhiệm vụ quan trọng để xây dựng kế hoạch, bồi dưỡng, tạo nguồn cán bộ nữ nhằm nâng tỷ lệ nữ tham gia lãnh đạo, quản lý các cấp; gắn với đó, nghiên cứu ban hành chính sách đặc thù cho phụ nữ để tạo điều kiện cho họ "giỏi việc nước, đảm việc nhà".

Thành Duy - Phan Hậu