Hội nghị do đồng chí Thái Thị An Chung - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh và đồng chí Trần Nhật Minh - đại biểu Quốc hội chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An đồng chủ trì.
Sau hơn 20 năm Luật Di sản văn hóa được ban hành và hơn 10 năm được sửa đổi, bổ sung, hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa đã ghi nhận nhiều thành tựu tích cực. Tuy nhiên, trước những yêu cầu và đòi hỏi cấp bách từ thực tiễn, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về di sản văn hóa cũng dần bộc lộ một số hạn chế, do đó, việc tiếp tục sửa đổi, bổ sung là hết sức cần thiết.
Góp ý dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi), đồng chí Bùi Công Vinh - Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao cho rằng các nội dung về trình tự, thủ tục kiểm kê di tích không nên đưa vào luật. Trên thực tế, quy trình này sẽ có những thay đổi tùy theo thực tế, vì vậy, nếu đưa vào luật sẽ rất khó để triển khai trong thực tiễn.
Ngoài ra, tại Điều 28 quy định về "Dự án đầu tư, xây dựng công trình nằm ngoài các khu vực bảo vệ di tích có khả năng tác động tiêu cực đến di tích, cảnh quan văn hóa của di tích", đồng chí Bùi Công Vinh đề nghị, đối với Di tích quốc gia thì nên phân cấp cho Sở Văn hóa cho ý kiến. Bộ Văn hóa chỉ cho ý kiến trong những trường hợp liên quan đến Di sản thế giới hoặc Di tích quốc gia đặc biệt.
Để hoàn thiện dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi), ông Phạm Xuân Cần - Nguyên Phó Giám đốc Sở Khoa học Công nghệ đề xuất bổ sung 2 khái niệm "đô thị di sản" và "làng di sản". Đây là nội dung quan trọng, mang tính thực tiễn, nhưng hiện tại chưa được luật hóa để quản lý một cách bài bản, vì vậy cần sớm được bổ sung vào luật để có những cách thức ứng xử phù hợp. Ngoài ra, trong Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) cũng cần bổ sung khái niệm "kinh tế di sản", qua đó khuyến khích hoặc có hướng khai thác các giá trị di sản để phát triển kinh tế tại các địa phương.
Liên quan đến Khu vực bảo vệ di tích, Ths. Trần Mạnh Cường, nghiên cứu viên Trung tâm KHXH và Nhân văn, Sở Khoa học Công nghệ cho rằng có sự mâu thuẫn, chồng chéo giữa quy định của Luật Đất đai và Luật Di sản văn hóa.
Theo quy định của Luật đất đai, Khu vực bảo vệ I, II đều là Đất di sản, không được phép xây dựng hay thay đổi kinh doanh. Tuy nhiên, theo Luật Di sản văn hóa, Khu vực bảo vệ II vẫn được phép xây dựng khi được cho phép. Điều này cần sớm được sửa đổi, tránh hiện tượng xây dựng trái phép, khiến các cơ quan chức năng phải bắt buộc cưỡng chế.
Ngoài ra, các đại biểu cũng đã góp ý một số nội dung như việc bổ sung hồ sơ khoa học các di tích đã được xếp hạng; điều chỉnh, khoanh vùng các khu vực bảo vệ di tích; chính sách của Nhà nước về di sản văn hóa...
Tại hội nghị, các đại biểu cũng đã có những góp ý về Tờ trình của Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035. Theo ông Phạm Xuân Cần - Nguyên Phó Giám đốc Sở Khoa học Công nghệ, để đạt được hiệu quả thiết thực, Chương trình cần chú trọng vào 3 lĩnh vực: di sản, thiết chế văn hóa và phát triển công nghiệp văn hóa. Các đại biểu dự hội nghị cũng cho rằng chương trình cần có đầu tư một cách có trọng tâm, trọng điểm để mang lại kết quả đúng như kỳ vọng.
Kết luận hội nghị, đồng chí Thái Thị An Chung - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh đánh giá cao những góp ý sát với thực tiễn của các đại biểu. Trên cơ sở các nội dung góp ý trên, Đoàn đại biểu sẽ nghiên cứu, tổng hợp, đảm bảo báo cáo góp ý của tỉnh Nghệ An gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội có chất lượng và kịp thời.
Ngân Hạnh