Các đồng chí: Thái Thị An Chung - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; Trần Nhật Minh - đại biểu chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An chủ trì.

bna_toan-canh.jpg
Toàn cảnh hội nghị. Ảnh: Ngân Hạnh

Là văn bản pháp lý quan trọng, tuy nhiên, sau hơn 7 năm triển khai thực hiện, Luật Đường sắt 2017 đã bộc lộ những tồn tại, bất cập đòi hỏi sớm phải nghiên cứu sửa đổi, bổ sung để đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Tại hội nghị, các đại biểu cơ bản nhất trí với các nội dung dự thảo Luật Đường sắt (sửa đổi), và đóng góp một số ý kiến để dự thảo luật hoàn thiện hơn.

bna_chu-tri.jpg
Các đồng chí chủ trì hội nghị. Ảnh: Ngân Hạnh

Theo đại diện Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Nghệ An, Quốc hội đã thông qua chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam, mở ra bước chuyển quan trọng cho ngành đường sắt. Kết luận số 49-KL/TW ngày 28/2/2023 của Bộ Chính trị cũng đã đề ra những nhiệm vụ trọng tâm, trong đó nhấn mạnh việc ứng dụng khoa học - công nghệ, tăng cường hợp tác quốc tế, đặc biệt trong phát triển đường sắt đô thị và đường sắt tốc độ cao.

Để các chính sách khả thi hơn, đại diện Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Nghệ An cho rằng, dự thảo luật cần bổ sung các quy định, nguyên tắc về cơ chế tài chính hỗ trợ nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực đường sắt, ví dụ như quỹ phát triển khoa học công nghệ ngành giao thông.

Ngoài ra, cần quy định chi tiết phương thức chuyển giao công nghệ bắt buộc trong các dự án đường sắt quan trọng, tránh tình trạng nhà thầu nước ngoài thực hiện đối phó hoặc chuyển giao không đầy đủ.

bna_ho-viet-dung.jpg
Ông Hồ Việt Dũng - Phó Giám đốc Sở Tài chính phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Ngân Hạnh

Tại hội nghị, các đại biểu cũng góp ý về yêu cầu đối với kết cấu hạ tầng đường sắt tại Điều 10 dự thảo luật. Đây là nội dung mới so với quy định tại Luật Đường sắt năm 2017 hiện hành. Do đó, để đảm bảo tính rõ ràng, minh bạch, đề nghị cân nhắc bổ sung yêu cầu đối với từng loại đường sắt theo phân loại của hệ thống đường sắt Việt Nam.

Liên quan đến dự thảo Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả, ông Nguyễn Thanh Hải – Phó Giám đốc Sở Công thương mong muốn các doanh nghiệp tham gia cuộc họp quan tâm đến nội dung quy định thêm về vấn đề công cụ hỗ trợ tài chính, cơ chế ưu đãi cho doanh nghiệp đầu tư các dự án về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, nhằm đáp ứng yêu cầu của thị trường xuất khẩu thông qua cơ chế quỹ.

bna_pdg-cong-thuong.jpg
Ông Nguyễn Thanh Hải – Phó Giám đốc Sở Công thương phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Ngân Hạnh

Đại diện Sở Công thương cũng đề nghị xem xét bổ sung nội dung tại Điều 8 (Các hành vi bị cấm) hành vi “Không thực hiện các quy định, quy chuẩn kỹ thuật, định mức sử dụng năng lượng, biện pháp quản lý và công nghệ sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả bắt buộc trong thiết kế, thi công, lắp đặt, sử dụng trang thiết bị nhằm tiết kiệm năng lượng” để phù hợp với các quy định hiện hành.

Góp ý dự thảo luật, đại diện Sở Nông nghiệp và Môi trường đề nghị các cơ quan chủ trì soạn thảo cần rà soát lại các điều khoản, tránh mâu thuẫn, chồng chéo trong hệ thống pháp luật. Ngoài ra, các cơ quan chủ trì soạn thảo cần phối hợp với các bộ, ngành, địa phương, chuyên gia, người làm thực tiễn để rà soát, đánh giá các trình tự, thủ tục hành chính cũng như thủ tục nội bộ giữa các cơ quan nhà nước trong dự thảo Luật, nhằm cắt giảm tối đa trình tự, thủ tục; qua đó, góp phần cắt giảm chi phí tuân thủ pháp luật của các chủ thể có liên quan; đảm bảo khả thi, phù hợp với thực tiễn như yêu cầu của Chính phủ tại Nghị quyết số 240/NQ-CP.

bna_thai-thi-an-chung.jpg
Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội chuyên trách tỉnh Nghệ An Thái Thị An Chung phát biểu kết luận hội nghị. Ảnh: Ngân Hạnh

Phát biểu tiếp thu ý kiến tại hội nghị, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội chuyên trách tỉnh Nghệ An Thái Thị An Chung cảm ơn những góp ý cụ thể, sâu sát của các đại biểu, từ đó, góp phần hoàn thiện, nâng cao chất lượng các dự án luật. Những ý kiến, kiến nghị được đưa ra tại hội nghị sẽ được Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tiếp thu, chọn lọc để tổng hợp, hoàn thiện trình Quốc hội vào Kỳ họp thứ 9 sắp tới.