![bna_b7ee8cafaedf108149ce.jpg](/dbndna-media/25/2/14/bna_b7ee8cafaedf108149ce.jpg)
Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Nghệ An thảo luận tại Tổ 3 cùng Đoàn ĐBQH các tỉnh: Bắc Giang, Đắk Nông.
Dự phiên thảo luận có đồng chí Thái Thanh Quý - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Chính sách, chiến lược Trung ương, ĐBQH đoàn Nghệ An.
Đồng chí Võ Thị Minh Sinh - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An chủ trì, điều hành thảo luận.
![bna_748e2bcf09bfb7e1eeae.jpg](/dbndna-media/25/2/14/bna_748e2bcf09bfb7e1eeae.jpg)
Tại phiên làm việc, ông Phạm Phú Bình - Ủy viên Thường trực Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội, đại biểu đoàn Nghệ An góp ý nhiều nội dung về Đề án bổ sung về phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 với mục tiêu tăng trưởng đạt 8% trở lên.
Trong đó, vị đại biểu đoàn Nghệ An đề nghị Chính phủ chỉ rõ giải pháp để vừa đảm bảo được tăng trưởng nhanh, vừa phải bền vững, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát được lạm phát, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế, phát triển hài hòa giữa kinh tế, xã hội và bảo vệ môi trường như chủ trương của Đảng.
![bna_5ba461e54395fdcba484.jpg](/dbndna-media/25/2/14/bna_5ba461e54395fdcba484.jpg)
Đại biểu Phạm Phú Bình cũng nhận định, để đạt mục tiêu tăng trưởng đạt 8% trở lên, báo cáo của Chính phủ đang tập trung giải pháp vào các lĩnh vực: công nghiệp, công nghệ, kinh doanh, sản xuất, sáng tạo, du lịch nhưng chưa đề cập đến nông nghiệp, trong khi đây là thế mạnh của nước ta. Vì vậy, đại biểu đề nghị Chính phủ quan tâm rà soát, bổ sung giải pháp phát triển cho ngành nông nghiệp.
Đồng thời, đại biểu Phạm Phú Bình cũng chia sẻ một số quan điểm liên quan đến mục tiêu thặng dư thương mại năm nay đạt 30 tỷ USD giữa bối cảnh quốc tế đang xảy ra “thương chiến”.
![bna_313869543f278179d836.jpg](/dbndna-media/25/2/14/bna_313869543f278179d836.jpg)
Ngoài ra, ông Phạm Phú Bình cũng đề nghị không cần đưa đề xuất Quốc hội cho phép “trường hợp cần thiết cho phép điều chỉnh nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài có thể đến ngưỡng hoặc vượt ngưỡng cảnh báo khoảng 5% GDP”, vì nếu chủ trương này được áp dụng thì vẫn nằm trong ngưỡng cho phép của Nghị quyết số 23/2021/QH15 của Quốc hội về Kế hoạch tài chính quốc gia và vay, trả nợ công 5 năm giai đoạn 2021 - 2025.
Liên quan đến Đề án trên, Thiếu tướng Trần Đức Thuận - Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng – An ninh của Quốc hội, đại biểu đoàn Nghệ An đề nghị Chính phủ nắm chắc, bám sát tình hình thế giới, khu vực để chủ động ứng phó, đặc biệt là chính sách của các nước lớn về thuế quan.
![bna_909fb2efe49c5ac2038d.jpg](/dbndna-media/25/2/14/bna_909fb2efe49c5ac2038d.jpg)
Ông cũng đề nghị, Chính phủ đánh giá rõ hơn, kỹ hơn lợi thế, cũng như các tồn tại trong phát triển kinh tế năm 2024 để có giải pháp; đồng thời đẩy mạnh kích cầu tiêu dùng, giữ và mở rộng thị trường; gắn với quan tâm công tác an sinh xã hội, đặc biệt với khoảng 100.000 lao động rời khỏi khu vực công do sắp xếp, tinh gọn bộ máy.
Tại phiên làm việc, đại biểu thuộc đoàn Nghệ An cũng nêu các ý kiến về chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng.
![bna_9702230c757fcb21926e.jpg](/dbndna-media/25/2/14/bna_9702230c757fcb21926e.jpg)
Trong đó, đại biểu Nguyễn Vân Chi - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội đề cập một số nội dung về cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt áp dụng cho dự án liên quan đến bổ sung dự toán và kế hoạch đầu tư hằng năm; phát triển khoa học, công nghệ và đào tạo phát triển nguồn nhân lực.
![bna_7617f456d62668783137.jpg](/dbndna-media/25/2/14/bna_7617f456d62668783137.jpg)
Các đại biểu tại Tổ 3 cũng thảo luận nội dung về dự thảo Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt để phát triển hệ thống mạng lưới đường sắt đô thị tại Thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh.
Thành Duy - Phan Hậu