dbnd_br_chu-tich-quoc-hoi-tran-thanh-man-3.jpg
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn điều hành phiên chất vấn. Ảnh: Lâm Hiển

Linh hoạt, bám sát diễn biến thị trường

Trong khoảng 4 giờ đồng hồ, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng đã nhận được câu hỏi chất vấn của 43 đại biểu Quốc hội với những vấn đề rất thời sự, rất nóng về: công tác điều hành chính sách tiền tệ, kiểm soát lạm phát trong bối cảnh tình hình khu vực và thế giới đầy những biến động phức tạp, khó lường như hiện nay; về quản lý nhà nước đối với thị trường vàng khi "Ngân hàng Nhà nước, các cơ sở kinh doanh chỉ bán ra mà không mua vào" khiến người dân hết sức khó khăn, chưa kể, "vàng nằm im trong dân là vàng chết"; về thị trường ngoại hối, ổn định tỷ giá khi các nước lớn có xu hướng giảm lãi suất, đồng tiền mạnh có xu hướng gia tăng, ngân hàng vay vốn nước ngoài bằng ngoại tệ phải trả lãi, vậy tại sao không vay của dân để có lợi cho dân vì lượng kiều hối gửi về nước rất nhiều, chỉ trong năm 2023 là 16 tỷ USD nhưng người dân gửi vào ngân hàng thì lãi suất 0 đồng, để ở nhà thì không an toàn; giải pháp gì để hỗ trợ vay vốn và tiếp tục miễn, giảm lãi suất cho người dân, doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh khi mà người dân, doanh nghiệp vẫn đang "khó chồng khó" còn ngân hàng có tiền mà không cho vay được?...

dbnd_br_thong-doc-nhnn-nguyen-thi-hong1.jpg
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội. Ảnh: Lâm Hiển

Trực diện, đi thẳng vào trọng tâm chất vấn của các đại biểu, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng đã làm rõ những vấn đề đại biểu quan tâm. Và hơn hết, qua trả lời của Thống đốc còn cho thấy sự chắc chắn trong điều hành chính sách của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thời gian qua và cả những thông điệp rõ ràng, nhất quán trong điều hành chính sách thời gian tới.

Có thể thấy rõ điều đó qua phần trả lời của Thống đốc với chất vấn của ĐBQH Trần Anh Tuấn (TP. Hồ Chí Minh) về "giải pháp ổn định thị trường ngoại hối, đặc biệt là tỷ giá, giải pháp giúp tiếp tục giảm lãi suất để doanh nghiệp, người dân có thể tiếp cận được nguồn tín dụng" - Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nêu rõ: hiện nay diễn biến trên thị trường tiền tệ quốc tế rất phức tạp. Trước đây, mặt bằng lãi suất tăng lên, nhưng hiện nay FED cũng như một số ngân hàng trung ương trên thế giới đang trong chu kỳ nới lỏng chính sách tiền tệ, đã có một số ngân hàng trung ương giảm. Đồng USD cũng biến động phức tạp, có thời gian giảm rất mạnh, tuy nhiên trong quý III lại tăng lên và hiện đang biến động ở mức rất cao.

dbnd_br_dbqh-tran-anh-tuan-tp-hcm.jpg
Đại biểu Quốc hội Trần Anh Tuấn (TP. Hồ Chí Minh) chất vấn. Ảnh: Hồ Long

“Việc ổn định thị trường ngoại hối và tỷ giá trong nước là một câu chuyện cũng rất khó khăn”, Thống đốc thẳng thắn nêu quan điểm và lý giải rõ: “việc này sẽ phụ thuộc vào cung cầu thực, tức là những cung, cầu về nhu cầu ngoại tệ chi ra cho nền kinh tế và những nguồn thu chúng ta có được”. Tuy nhiên, thị trường ngoại hối của Việt Nam, nhất là chúng ta vẫn còn tình trạng USD hóa chịu tác động bởi yếu tố tâm lý và kỳ vọng rất nhiều. “Có thể khi tâm lý kỳ vọng thì bản thân các tổ chức có ngoại tệ người ta không bán hoặc khi chưa cần ngoại tệ thì người ta đã ra mua nên rất thách thức đối với việc điều hành”.

Trước thực tế đó, Thống đốc khẳng định, quan điểm của Ngân hàng Nhà nước bám sát vào mục tiêu theo luật định, đó là phải góp phần kiểm soát lạm phát, như vậy sẽ góp phần ổn định cho đồng Việt Nam. Điều hành tỷ giá và ngoại hối cũng theo hướng phù hợp với diễn biến linh hoạt của thị trường, hiện nay cho phép được dao động biên độ cộng trừ 5%. Ngân hàng Nhà nước theo dõi sát diễn biến, trong trường hợp tỷ giá có biến động quá lớn thì Ngân hàng Nhà nước sẽ kịp thời can thiệp bán ngoại tệ để đáp ứng các nhu cầu nhập khẩu cho người dân. Bên cạnh đó, đây là một thị trường bị tác động bởi tâm lý kỳ vọng nên Ngân hàng Nhà nước sẽ chú trọng đối với công tác truyền thông để doanh nghiệp và người dân đều hiểu rõ về định hướng chính sách.

Đối với việc giảm lãi suất, Thống đốc chỉ rõ, “để ổn định tỷ giá mà giảm lãi suất sẽ tác động đến tỷ giá nên Ngân hàng Nhà nước vừa qua cũng phải cân bằng, rất khó khăn khi phải thực hiện mục tiêu giảm lãi suất để hỗ trợ cho doanh nghiệp và người dân. Nếu giảm lãi suất quá thì sẽ tác động làm tăng tỷ giá, có thể sẽ gây ra những câu chuyện tạo tâm lý, thậm chí là tâm lý của các nhà đầu tư nước ngoài nếu tỷ giá không được ổn định”.

Tiếp tục dựa vào chính sách tiền tệ sẽ tiềm ẩn rủi ro

Hay với chất vấn của ĐBQH Huỳnh Thị Phúc (Bà Rịa – Vũng Tàu) về giải pháp “kiểm soát giữa sự gia tăng rủi ro trong hệ thống từ các biện pháp kích thích tăng trưởng kinh tế ngắn hạn và giải pháp xử lý các vấn đề về nguy cơ bong bóng trong các lĩnh vực bất động sản và thị trường tài chính” - Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nêu rõ, từ nửa cuối năm 2023, trong điều hành kinh tế vĩ mô chung của Chính phủ đã đặt mục tiêu là ưu tiên tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, Chính phủ cũng xác định rất rõ trong hai chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ thì chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm và chính sách tiền tệ thì chủ động, linh hoạt. Là chính sách ngắn hạn nên Ngân hàng Nhà nước phải thường xuyên đánh giá, theo dõi rất sát diễn biến kinh tế vĩ mô để điều hành với liều lượng phù hợp.

dbnd_br_dbqh-huynh-thi-phuc-ba-ria-vung-tau.jpg
Đại biểu Quốc hội Huỳnh Thị Phúc (Bà Rịa – Vũng Tàu) chất vấn. Ảnh: Hồ Long

“Mục tiêu luật định của Ngân hàng Nhà nước là điều hành chính sách tiền tệ để góp phần kiểm soát lạm phát, cho nên trong quá trình điều hành, Ngân hàng Nhà nước không bao giờ chủ quan với mục tiêu về lạm phát”. Nhấn mạnh điều này, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cũng cho biết, khi lạm phát có thể kiểm soát được theo mục tiêu của Quốc hội đề ra thì Ngân hàng Nhà nước sẽ thực hiện các giải pháp hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế. Chẳng hạn, trong thời gian gần đây, Ngân hàng Nhà nước đã điều hành và đưa ra dự kiến tăng trưởng định hướng tín dụng của năm 2024 là khoảng 15% và năm 2025 cũng phấn đấu là khoảng 15%. “Tuy nhiên, chúng tôi vẫn phải theo dõi rất sát diễn biến vì nếu trong trường hợp có những áp lực lạm phát hiện hữu thì sẽ phải điều chỉnh chính sách tiền tệ và theo đó các chính sách phối hợp với chính sách kinh tế vĩ mô khác. Chúng tôi cũng sẽ phối hợp tích cực với các bộ, ngành điều hành chính sách vĩ mô liên quan”, Thống đốc khẳng định.

Những thông tin được Thống đốc Nguyễn Thị Hồng trả lời chất vấn của ĐBQH Nguyễn Văn Thi (Bắc Giang) cũng đem đến một sự yên tâm đối với sự điều hành chính sách nhằm giữ vững ổn định vĩ mô trong bối cảnh hết sức khó khăn từ cả nội tại nền kinh tế và những tác động từ bên ngoài hiện nay.

dbnd_br_dbqh-nguyen-van-thi-bac-giang.jpg
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Thi (Bắc Giang) chất vấn. Ảnh: Hồ Long

Trong đó, Thống đốc nêu rõ, chúng ta đang đặt mục tiêu ưu tiên tăng trưởng kinh tế thì chính sách tài khóa mở rộng có trọng tâm, trọng điểm. Với dư địa hiện nay, các chỉ số nợ nước ngoài, thâm hụt ngân sách, nợ công… đều đang dưới ngưỡng cho phép khá nhiều. Chính phủ đã chỉ đạo chính sách tài khóa cần nghiên cứu để có thể mở rộng hợp lý, tránh sự lệ thuộc quá nhiều vào chính sách tiền tệ. “Bởi vì, nếu tăng trưởng kinh tế mà phụ thuộc quá nhiều vào chính sách tiền tệ, nhất là phần tín dụng mở rộng ra quá sẽ tiềm ẩn rủi ro đối với hệ thống các tổ chức tín dụng. Hiện nay, quy mô dư nợ tín dụng trên GDP của Việt Nam đã rất cao, trên 120% GDP, ở mức cao trong số các nước của thế giới và World Bank cũng đã cảnh báo nên nếu tiếp tục dựa vào chính sách tiền tệ sẽ tiềm ẩn rủi ro”.

Vừa qua, Chính phủ đã chỉ đạo rất quyết liệt và tổ chức rất nhiều cuộc họp, có cả những cuộc họp liên quan, đánh giá về thị trường tài chính để thúc đẩy các phân khúc khác của thị trường tài chính, như trong thị trường chứng khoán có thị trường trái phiếu doanh nghiệp… “Đây là những thị trường giải quyết được vốn dài hạn cho doanh nghiệp và người dân. Bởi vì tính chất, bản chất hoạt động của hệ thống ngân hàng là cung ứng nguồn vốn ngắn hạn, chủ yếu là nguồn vốn lưu động cho doanh nghiệp và người dân. Nếu như giải quyết được nhu cầu vốn dài hạn, trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp, thị trường chứng khoán thì sẽ bớt áp lực đối với rủi ro của hệ thống các tổ chức tín dụng”, Thống đốc nhấn mạnh.

Tập trung tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế

Sự thuyết phục trong phần trả lời của Thống đốc Nguyễn Thị Hồng còn thể hiện ở việc trong số 43 đại biểu Quốc hội chất vấn tại hội trường chỉ có 1 đại biểu thực hiện quyền tranh luận – nhưng lý do đại biểu thực hiện quyền này là bởi "có thể do thời gian ít quá" nên người hỏi và người trả lời “chưa nắm rõ hết được” nội dung chất vấn.

Tất nhiên, sự thuyết phục trong phần trả lời chất vấn của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước không có nghĩa là lĩnh vực ngân hàng đã hoàn toàn suôn sẻ, đã hoàn toàn phúc đáp được các yêu cầu của cuộc sống. Trong đó, điều hành phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã chỉ rõ “lĩnh vực ngân hàng vẫn còn không ít những khó khăn, thách thức”, như: lạm phát giảm nhưng chưa bền vững và còn tiềm ẩn rủi ro; việc tiếp tục giảm lãi suất khó thực hiện; sức ép cung ứng vốn của hệ thống các tổ chức tín dụng còn lớn; thị trường vàng chưa ổn định bền vững, tiềm ẩn rủi ro, vẫn có sự chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới; công tác tổng hợp, rà soát, hỗ trợ khách hàng vay vốn bị ảnh hưởng do thiên tai còn khó khăn, vướng mắc...

dbnd_br_dbqh-le-dao-an-xuan-phu-yen.jpg
Đại biểu Quốc hội Lê Đào An Xuân (Phú Yên) chất vấn. Ảnh: Hồ Long

Ngay tại Phiên chất vấn, các đại biểu Quốc hội cũng đã chỉ ra những nhiệm vụ phải được Thống đốc Ngân hàng Nhà nước ưu tiên ở mức cao trong thời gian tới như: hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho tín dụng xanh và ngân hàng xanh. Theo ĐBQH Lê Đào An Xuân (Phú Yên), đây là nhiệm vụ đã được giao cho Ngân hàng Nhà nước trong kế hoạch tăng trưởng xanh, “là nhóm nhiệm vụ ở mức ưu tiên cao và phải thực hiện trong giai đoạn 2021-2025”. Thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành một số văn bản để thực hiện nhiệm vụ này, nhưng “thực tiễn còn rất nhiều doanh nghiệp ở các lĩnh vực cần chuyển từ nâu sang xanh trong bối cảnh chịu ảnh hưởng lớn của thiên tai và biến đổi khí hậu thì lại có rất ít thông tin và rất khó để tiếp cận các nguồn vốn xanh”.

dbnd_br_dbqh-tran-thi-hong-thanh-ninh-binh.jpg
Đại biểu Quốc hội Trần Thị Hồng Thanh (Ninh Bình) chất vấn. Ảnh: Hồ Long

Hay chất vấn của ĐBQH Trần Thị Hồng Thanh (Ninh Bình) về "nhu cầu vốn sản xuất hiện nay rất lớn, thời gian tới cần tập trung thực hiện những giải pháp gì để vàng trở thành nguồn lực của nền kinh tế?”; hay chất vấn của ĐBQH Lê Thanh Hoàn (Thanh Hóa) về thay đổi tư duy, cách thức quản lý thị trường vàng...

Điều hành Phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cũng "đặt hàng" 3 nhóm nhiệm vụ lớn đối với ngành ngân hàng và Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng trong thời gian tới, trong đó, có nhóm nhiệm vụ đã làm tốt trong thời gian qua cần phải tiếp tục thực hiện hiệu quả hơn nữa, có nhóm nhiệm vụ cần khẩn trương thực hiện để tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế.

Ngay trong phát biểu khai mạc phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội đã nhấn mạnh lại tinh thần của Trung ương phải tạo sự bứt phá trong năm 2024 và năm 2025, mục tiêu này cần phải được thực hiện với quyết tâm cao nhất, nỗ lực lớn nhất, hành động quyết liệt với giải pháp hiệu quả nhất, phấn đấu đạt và vượt các mục tiêu đề ra. Chủ tịch Quốc hội khẳng định, "đây là trách nhiệm của Đảng, Nhà nước trước Nhân dân, đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới với ý chí, niềm tin vào tương lai phát triển mạnh mẽ của đất nước". Và như vậy, ngành ngân hàng với vai trò là "huyết mạch của nền kinh tế" càng phải nêu cao trách nhiệm, nỗ lực hết sức mình cùng cả nước hiện thực hóa các mục tiêu này.

Nguyễn Bình