HĐND làm việc theo chế độ hội nghị nên hiệu quả hoạt động của mỗi đại biểu sẽ quyết định hiệu quả hoạt động của cơ quan HĐND. Cho dù ở nơi công tác, nơi cư trú; lúc làm việc hay nghỉ ngơi giải trí; khi đọc một văn bản, báo cáo hay chỉ là một mẩu tin ngắn; lúc gặp một người có chức trọng, quyền cao hay chỉ là một người dân bên đường… chỉ cần ghi nhớ, mình là người đại biểu của Nhân dân để có hành động theo mệnh lệnh của trái tim mách bảo thì tôi tin, đại biểu HĐND sẽ hoạt động hiệu quả.

ai-bieu-hnd-tinh-ong-nai-nam-tinh-hinh-tai-iem-xay-dung-trai-phep-phuong-phuoc-tan-thanh-pho-bien-hoa---anh-tram-nguyen.jpg
Đại biểu HĐND tỉnh Đồng Nai nắm tình hình tại điểm xây dựng trái phép phường Phước Tân, thành phố Biên Hòa. Ảnh: Trâm Nguyễn

Năm 2023 này, ngày lễ Giỗ Tổ Hùng Vương (10.3) trùng vào dịp kỷ niệm 48 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30.4.1975 - 30.4.2023), kỷ niệm ngày Quốc tế Lao động, lại còn nhằm trúng một ngày nghỉ cuối tuần. Bởi vậy, mọi người có một kỳ nghỉ dài và lẽ dĩ nhiên, điều đó khiến mọi người vui, háo hức. Dịp lễ để được nghỉ ngơi, đi du lịch khám phá về một vùng đất mới, về thăm quê để gặp cha yếu, mẹ già, được quây quần cùng nhau hay chỉ giản đơn là có được những buổi sáng giã từ chiếc đồng hồ báo thức để ngủ nướng mặc sức mình.

Nhưng vận hành của toàn xã hội thì không dừng lại. Dịp lễ nhiều ngành, nghề có công việc đặc thù trong đó có những ngành phải chịu áp lực lớn hơn ngày thường. Ví như công an, bộ đội, thanh tra giao thông tăng cường kiểm tra, kiểm soát, nắm tình hình. Công chức thuộc UBND các cấp, các sở, ngành thực hiện công tác chỉ đạo, kiểm tra, phối hợp kiểm tra, xử lý những vấn đề phát sinh. Người làm trong các dịch vụ phải kiếm thêm nhân công, dọn lại mặt bằng để sẵn sàng đón khách.

Vậy, đại biểu HĐND làm gì trong những ngày lễ, Tết?

Chân bước và “lửa” vẫn cháy trong tim

Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND đều quy định việc đại biểu HĐND phải liên hệ chặt chẽ với Nhân dân, lắng nghe tâm tư nguyện vọng của Nhân dân. Mối liên hệ và sự lắng nghe ấy không phải chờ đến khi có kế hoạch tiếp xúc cử tri, có lịch tiếp công dân hay khi có người dân tìm gặp mà được đại biểu tự nguyện tiến hành thường xuyên. Công tác ở HĐND lâu năm, tôi đã chứng kiến những người đại biểu chưa bao giờ quên mình là đại biểu như thế.

Nhớ những việc đại biểu HĐND tỉnh Đồng Nai trong dịp nghỉ Lễ đi việc “tư” nhưng tình cờ nghe được việc “công”. Rằng ở chỗ đó, có chuyện khai thác cát trái phép công khai. Lợi dụng địa bàn xa, dân cư thưa thớt, địa hình khó khăn, đối tượng đã huy động lực lượng, phương tiện khai thác cát dẫn đến nguy cơ sạt lở ở khu vực. Có đại biểu lại nghe ở địa bàn nọ có việc đối tượng khai thác cát dưới lòng đất không phép. Tuy nhiên, chẳng hiểu sao chính quyền địa phương những nơi này lại không hề… hay biết.

Gọi thêm công chức Văn phòng HĐND ở cự li gần nhất, lưu ý xách theo máy ảnh, máy quay phim để có “tang chứng vật chứng rõ ràng”, đại biểu đến nơi “nghe nói”. Quả chuyện nghe là chuyện có thật, tôi nhớ những đại biểu của mình đã dùng quy định tại Điều 98 Luật Tổ chức chính quyền địa phương quy định về quyền của đại biểu HĐND khi phát hiện hành vi vi phạm pháp luật để yêu cầu đơn vị đang khai thác cát trái phép thi hành những biện pháp cần thiết, đó là chấm dứt hành vi vi phạm pháp luật. Có lẽ một hình ảnh đẹp tôi không thể quên trong quá trình đồng hành với hoạt động đại biểu dân cử, đó là việc những người đại biểu rút từ túi ngực trái của mình tấm thẻ Đại biểu HĐND, trình với đối tượng vi phạm trước khi nêu ra yêu cầu của mình.

Mặc dù đối tượng là người biết đại biểu HĐND; mặc dù có thể không cần tấm thẻ thì lời nói của đại biểu vẫn đủ uy lực nhưng họ vẫn tuân thủ nguyên tắc trình thẻ đại biểu. Tấm thẻ họ luôn trân trọng mang theo bên mình như một niềm tự hào, một lời nhắc nhở về trách nhiệm trước cử tri và Nhân dân. Bởi họ hiểu rõ nguyên tắc làm việc; hiểu rõ ý nghĩa và tự hào về tấm thẻ rất đặc thù, thẻ của đại biểu HĐND.

Cũng có khi đại biểu tranh thủ “một công đôi chuyện”, ngày nghỉ, ngày lễ, đi chơi ngang qua một địa điểm liên quan đến kiến nghị cử tri, kiến nghị giám sát cũng dành thời gian ghé mắt qua để nắm tình hình, kết quả thực hiện vấn đề mình đã kiến nghị như thế nào. Anh em ở HĐND vẫn gọi vui những việc làm như vậy của mình là “nhiều chuyện” nhưng là chuyện có ý nghĩa, chuyện cần phải làm. Để biết được những công trình vi phạm đã bị dỡ bỏ; việc làm đường để phân lô tự phát đã dừng; bờ kè lấn chiếm ven sông đã tháo dỡ hay việc xây dựng công trình nơi đó có còn lãng phí hay không.

Một trong những quyền rất quan trọng của các đại biểu HĐND được thực hiện với tư cách cá nhân là quyền kiến nghị - yêu cầu. Có thể nói, cùng với quyền chất vấn, quyền bỏ phiếu tín nhiệm, quyền kiến nghị - yêu cầu là những quyền mang tính đặc thù của các đại biểu HĐND và nếu quyền này được phát huy đúng mức sẽ đem lại những hiệu quả thiết thực. Những việc làm, hành động nói trên chính là cách thực hiện hai quyền quan trọng đó; điều đó khiến cử tri cảm kích, kính trọng và biết ơn những người đại biểu đã thực tâm vì dân như thế.

Phải bắt đầu từ những đại biểu hiệu quả

HĐND được thành lập từ cuối năm 1945 theo Sắc lệnh số 63 ngày 22.11.1945 của Chủ tịch Chính phủ Lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Theo sắc lệnh này, HĐND được thành lập ở cấp xã và tỉnh bằng hình thức bầu trực tiếp của Nhân dân; nhiệm kỳ của HĐND khi đó chỉ 2 năm.

Trải qua suốt chiều dài lịch sử, qua sàng lọc của thời gian và yêu cầu của tình hình thực tế, đến nay tổ chức và hoạt động của HĐND đã có sự thay đổi nhiều so với thuở sơ khai nhưng riêng vai trò là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của Nhân dân chưa bao giờ thay đổi. HĐND là một thành tố cùng với UBND tạo thành Chính quyền địa phương, đồng thời HĐND đã đạt đến một mô hình phù hợp và ổn định. Bởi vậy, mọi thành công, hạn chế hay khó khăn, vướng mắc, thậm chí cả những sai sót cần phải xử lý của Chính quyền địa phương đều có sự đồng hành của HĐND và UBND.

Giai đoạn nào cũng vậy, công việc ở HĐND, suốt tháng, quanh năm bận bịu với giám sát, lắng nghe và quyết định các vấn đề quan trọng ở địa phương. Giám sát có thể chưa sâu, lắng nghe có thể chưa hết nhưng quyết định thì không thể không chính xác, nội dung quyết định không thể không đi vào cuộc sống. Mà nội dung quyết định rộng, bao trùm tất cả các lĩnh vực của đời sống kinh tế, xã hội, an ninh quốc phòng; mỗi nội dung quyết định có sự tác động đến hàng trăm, hàng ngàn, hàng triệu người nên trọng trách của HĐND rất lớn.

HĐND là cơ quan làm việc theo chế độ hội nghị nên hiệu quả hoạt động của mỗi đại biểu sẽ quyết định hiệu quả hoạt động của cơ quan HĐND. Để hoạt động hiệu quả, đại biểu HĐND không thể chờ đến khi tổ chức kỳ họp, đến khi giám sát, tiếp công dân hay tiếp xúc cử tri mới thể hiện vai trò, nhiệm vụ của mình mà phải hoạt động thường xuyên. Cho dù ở nơi công tác, nơi cư trú; lúc làm việc hay lúc nghỉ ngơi giải trí; khi đọc một văn bản, báo cáo hay chỉ là một mẩu tin ngắn; lúc gặp một người có chức trọng, quyền cao hay chỉ là một người dân bên đường, chỉ cần ghi nhớ, mình là người đại biểu của Nhân dân để có hành động theo mệnh lệnh của trái tim mách bảo thì tôi tin, đại biểu HĐND sẽ hoạt động hiệu quả.

Và thực tế, chúng ta luôn có những đại biểu HĐND như thế.